PDA

View Full Version : Thay đổi số phận bằng tinh thần chuyên nghiệp



Kasumi
03-10-2007, 11:09 AM
http://img214.imageshack.us/img214/1533/bao11bss0.jpg (http://imageshack.us)
Một góc Tokyo nhìn từ bên hông tòa nhà Quốc hội

Ấn tượng sâu sắc nhất của không ít người Việt Nam khi tìm hiểu lịch sử Nhật Bản là quá trình hiện đại hóa thần kỳ của nó.

Việt Nam và Nhật Bản - một chút duyên thuở trước

Vào cuối thế kỷ XIX, cả hai nước cùng chung một điểm xuất phát về kinh tế và văn hóa, cùng đứng trước những thách thức mà châu Âu mang đến, và cùng một quyết tâm hiện đại hóa để thay đổi vận mệnh dân tộc. Nhưng rồi, lịch sử thế kỷ XX của hai nước lại đi theo những con đường khác nhau rất xa. Việt Nam phải tiến hành những cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập. Và chỉ đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, tức gần 100 năm sau, chúng ta mới có cơ hội quay trở lại với nhiệm vụ “hiện đại hóa” này.

Đúng 100 năm trước, năm 1907, ở Thăng Long – Hà Nội đã xuất hiện một một hiện tượng văn hóa lịch sử đặc biệt: sự xuất hiện của trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đó là ngôi trường đầu tiên của Việt Nam truyền bá tinh thần học tập những kiến thức khoa học, những tư tưởng tiến bộ của phương Tây và tinh thần tự cải cách chính mình để hiện đại hóa. Cũng ở ngôi trường ấy, lần đầu tiên Việt Nam đã được giới thiệu về đất nước Nhật Bản một cách rất hệ thống, rất mạnh mẽ và đầy cảm xúc, như một bài học cho chính mình. Người Nhật đã làm được, tại sao chúng ta không?

Nước Nhật đã trở thành một cường quốc hiện đại từ lâu rồi, còn mình thì mới bắt đầu bước vào hội nhập với thế giới. Một lần nữa, khi nhìn sang Nhật Bản, lại thấy mình cần phải “khám phá Nhật Bản” sâu sắc hơn và quyết liệt hơn.

Học tập như nước Nhật đã học...

Cuối thế kỷ XIX, cùng một điểm xuất phát với Việt Nam, nhưng bằng một nỗ lực phi thường, trong bối cảnh không hề có ODA viện trợ phát triển, nước Nhật đã tự lực tự cường “hiện đại hóa” để trở thành một cường quốc. Và bây giờ, sau một trăm năm, Nhật Bản đã trở thành một nước cung cấp viện trợ cho các nước đi sau, trong đó Việt Nam.

Nhật Bản không phải là đất nước phát minh ra những giá trị văn hóa, kiểu như Hy Lạp hay Trung Hoa. Người Nhật không hề giấu giếm việc mình đã từng là nước đi sau và thừa nhận một cách rất sòng phẳng rằng mình đã vay mượn cái này từ Trung Hoa, cái kia từ Ấn Độ, cái nọ từ phương Tây... Họ tự hào vì đã tự thay đổi số phận của mình bằng tinh thần chuyên nghiệp, mà trước tiên là chuyên nghiệp trong học tập. Ở Nhật, dù bạn làm nghề bồi bàn hay phát báo đi nữa, bạn cũng phải học tập một cách nghiêm túc để hoàn thành tốt công việc của mình. Họ đã học là không học nửa vời, không học vì bằng cấp, mà học đến nơi đến chốn, học đến lúc thấu suốt mọi mặt của vấn đề. Và, một khi đã đi đến cái chỗ khám phá tận cùng bản chất của đối tượng, họ bắt đầu biến cải những gì mình học thành cái của chính mình, họ kiến tạo sự khác biệt và thiết lập một bản sắc. Bằng tinh thần học tập không ngừng, dân tộc Nhật Bản trở thành một dân tộc luôn luôn “trên đường”. Nói như GS. Umesao Tadao, trong

Bunmei no Seitaishikan (Lịch sử nhìn từ quan điểm sinh thái học), dân tộc Nhật giống như con quay, nó chỉ ổn định khi... không ngừng quay.

Người Nhật làm được, tại sao chúng ta không? Câu hỏi ấy của Đông Kinh Nghĩa Thục đúng tròn 100 năm trước đến nay vẫn còn nóng hổi. Có lẽ, mỗi người chúng ta nên trả lời câu hỏi ấy bằng chính những điều nhỏ nhất. Dù ta làm gì, làm bồi bàn, dạy học, làm báo, kinh doanh, nhân viên văn phòng, bảo vệ cơ quan..., ta cũng phải học tập một cách chuyên nghiệp để thực thi nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất, để có thể sớm “hiện đại hóa” đất nước như người Nhật đã từng.

Nguyễn Lương Hải Khôi
Tuoitre