PDA

View Full Version : Lễ Hội Kéo Co ở Nhật Bản



Kasumi
03-02-2012, 10:31 AM
Khi có ngày hội thể thao thể nào cũng phải có trò kéo co. Nhưng nếu nói trò kéo co chỉ có trong ngày hội thể thao thì nhất định là sai. Trò kéo co trước khi trở thành môn thi đấu trong các ngày hội thể thao thì đã tồn tại suốt một thời gian dài trong các lễ hội.


http://thonsau.files.wordpress.com/2012/01/copy-of-2_2.jpg?w=600

Tại Kariwano thuộc khu phố Nishisenboku, quận Senboku tỉnh Akita hàng năm vào ngày 10 tháng 2 đều có trò kéo co với hai đội Phố trên và Phố dưới với sự tham gia của 6 ngàn người.

Sự chuẩn bị được tiến hành khoảng một tháng trước đó. Sáng sáng những người già dậy thật sớm tập trung đến nơi làm việc để bó rơm tạo thành một sợi dây dài. Sợi dây tết từ rơm này được gọi là “gumi”.

Một tuần trước khi diễn ra lễ hội thì Phố trên sẽ chế tạo một sợi dây lớn gọi là Hùng Cương( dây trống) và Phố dưới sẽ chế tạo một sợi dây lớn gọi là Nữ Cương(dây máí). Trước tiên những “gumi” sẽ được bện lại với nhau tạo thành một sợi dây tầm trung. Sau đó từ những sợi dây tầm trung đó sẽ bện lại với nhau tạo nên sợi dây tầm đại. Khi chế tạo sợi dây tầm đại đó thì cần sự hợp lực của rất nhiều người. Trong cảnh tuyết rơi cả người lớn và trẻ em hò hét cùng nhau hợp sức làm. Khi hoàn thành sợi dây sẽ có đường kính khỏang 80 cm, chiều dài của Hùng Cương do Phố trên chế tạo là 64 m, chiều dài của Nữ Cương do Phố dưới chế tạo dài 50m.

Ngày hội kéo co đã đến. Khi hoàng hôn buông xuống mọi người lần lượt đến tập trung. Sợi dây Trống và sợi dây Mái nối vào với nhau. Trên sợi dây có đánh dấu điểm giữa. Và thế là trận kéo co với mỗi bên là 3000 người bắt đầu.

Mọi người vừa hô to “hai ba- hai ba” vừa ra sức kéo. Có những người bị kéo ngã nhào vào tuyết vẫn cố gắng kéo không chịu bỏ cuộc. Đám trẻ con cũng vậy điên cuồng bám chắc chân xuống tuyết. Những người bị kéo ngã lại tiếp tục trở lại cuộc chơi. tiếng hò hét đếm từng bước “ một mét, hai mét” vang lên. Ở bên cạnh đó các cụ già đứng cổ vũ không chịu được cũng nhào vào kéo. Và cứ thế trò chơi kéo co ngày càng tăng thêm số người quyết phân thắng bại. Bên thắng thì reo hò vui sướng bên thua thì tiếc đến bật khóc. Có người còn nói: “ năm nay thua nên chả thấy vui”.

Lễ hội kéo co ở Kariwano đã kéo dài từ 500 năm trước đến nay. Trong thời quá khứ thì việc mở chợ ở đâu sẽ do trận đấu kéo co này quyết định. Bây giờ thì người ta nói: “ Nếu Phố trên thắng thì giá gạo sẽ tăng, nếu Phố dưới thắng thì sẽ được mùa” do vậy bên nào thắng sẽ có nhiều may mắn. Mặc dù bên nào thắng thì nhà nông cũng được lợi nhưng nếu thua thì làm ăn sẽ gặp khó khăn nên cả hai bên phố bên nào cũng đều gắng hết sức để giành phần thắng. Đấy là lễ hội “ kéo co với thần” vậy.

Ở Maesado thuộc thành phố Itoman tỉnh Okinawa người trong vùng này chia làm đội bên Đông và đội bên Tây để kéo co. Lễ hội này diễn ra vào ngày 16 tháng 8 âm lịch.

Những bé trai mặc quần áo đẹp được cho ngồi lên trên sợi dây và hai đội từ phía đông và tây kéo về quảng trường. Sau đó sau cuộc thi đấu gậy và nhảy múa, hai đội tiến hành nối hai hợi dây lại với nhau. Cuộc thi đấu bắt đầu. Nếu nhìn kĩ thì sẽ thấy bên Đông có số người kéo đông hơn và bên Đông dang dần tiến đến thắng lợi.

Và quả thật bên Đông đã chiến thắng. Ở lễ hội kéo co Maezado cho đến nay bên Tây hầu như chưa có lần nào thắng. Thật là bí ẩn.

Ở Okinawa thời xa xưa người ta cho rằng ở phía đông nơi mặt trời mọc là “thế giới của thần linh” còn phía tây là “ thế giới của con người”. Trong trò chơi kéo co này thì việc kéo bên tây lại gần bên đông “ thế giới thần linh” mang ý nghĩa như lời cầu nguyện thần linh sẽ trao cho con người sự giàu có.

Cũng có lễ hội kéo co mà ở đó trẻ em đóng vai trò chính. Ở Ketaka Hougi quận Ketaka, tỉnh Tottori vào ngày lễ hội các nam học sinh từ lớp một cho đến lớp bảy được chia làm hai đội Phố cũ và phố mới để tham gia kéo co. Mỗi sợi dây sẽ do từng đội chế tạo có độ dài khoảng 50m. Để làm được sợi dây đó các đội đã phải dùng rất nhiều bó rơm . Sợi dây dài này có ý nghĩa cầu nguyện tránh xa bệnh tật và mong ước có sức khỏe, tinh thần hăng hái. Các bé trai vác sợi dây trên vai đi vòng quanh phố. Khi đến lối dẫn vào nhà ai đó các em vừa hét lớn vừa nâng lên hạ xuống sợi dây dài xuống đất.

Sau khi đi khắp các nhà trong phố, trận đấu bắt đầu. Trận đấu được tiến hành trong ba hiệp. Hai sợi dây được hạ xuống và nối vào nhau. Trận đấu bắt đầu.

Các bé trai chân bám chắc xuống đất nghiến răng kéo. Người trong khu phố đến cổ vũ cho bọn trẻ với niềm hi vọng chúng sẽ khỏe mạnh và trưởng thành.

Ở mỗi vùng ở Nhật Bản đều có trò kéo co. Và ở mỗi vùng thì mỗi lễ hội người ta đều gửi gắm những lời cầu nguyện.


Tác giả: Kitamura Minao
(Nguyễn Quốc Vương dịch)