PDA

View Full Version : Lễ hội Neputa



Kasumi
13-01-2012, 09:10 PM
Trên khắp đất nước Nhật Bản, hàng năm, hàng tháng, hàng ngày ở từng vùng, từng địa phương, từng làng, từng phố luôn diễn ra các cuộc lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Tổng quát thì mùa thu và mùa xuân có nhiều lễ hội liên quan đến nông nghiệp, mùa hè, mùa đông với những lễ hội đón thần mặt trời, đuổi tà… Điều đó cũng dễ hiểu vì Nhật Bản là nước có nguồn gốc nông nghiệp – trồng lúa nước, đa thần giáo, đa tín ngưỡng.


http://www.japanprobe.com/wp-content/uploads/neputa-matsuri-by-evan-pike.jpg

Neputa Matsuri là một lễ hội mùa hè. Chữ Neputa hoặc Nabuta có nghĩa là gì và lễ hội này xuất phát từ đâu đến nay vẫn không có câu trả lời thống nhất. Nhưng điều quan trọng đối với dân chúng thì không phải nguồn gốc hay tên gọi của lễ hội mà là mỗi năm mọi người lại được cùng nhau tham gia đám rước hội và được vui chơi thỏa thích.

Hội Neputa được tổ chức ở Koroishi hàng năm, từ ngày 30 tháng 7 đến ngày 5 tháng 8. Neputa là những hình thù làm bằng giấy phết xung quanh những khung thép, bên trong có gắn những chùm bóng điện rực sáng như những chiếc đèn ***g lớn. Một ngày hội tương tự gọi là Nebuta cũng được tổ chức còn rầm rộ hơn ở Aomori – một thành phố lân cận, mỗi mùa hè thu hút khoảng 3 triệu du khách. Hội Nebuta của Aomori, hội ở Sendai và hội ở Akita nổi tiếng là ba ngày hội lớn của vùng đông bắc Nhật Bản. Ở phía tây nam Kuroishi – thành phố Hirosaki – cũng tổ chức ngày hội Neputa riêng của họ với nét đặc trưng là chiếc xe kiệu hình quạt. Ngược lại, nét đặc trưng của hội Nebuta ở Aomori là những chiếc ***g đèn phỏng theo hình của các nhân vật lịch sử hay huyền thoại. Kuroishi nằm giữa Aomori và Hirosaki và do đó người ta có thể chiêm ngưỡng cả hai loại xe kiệu này.

Mỗi năm tới tháng 7, những xưởng nhỏ được dựng lên ở Kuroishi để làm xe kiệu Neputa. Những xe kiệu này hầu hết đều mô tả hình tượng các anh hùng, hào kiệt trong các truyện dã sử cổ điển Trung Hoa như: Thủy hử,
Tam quốc… Những hình tượng này được các nghệ nhân bậc thầy vẽ lên những tấm vải lớn, rồi được phết dán trên một cái khung bằng thép theo những hình thù định sẵn có kích thước khổng lồ.

Ở các xưởng làm kiệu cứ đầu tháng 7 là mùi hồ tràn ngập, đến cuối tháng thì mùi bột màu và sáp lan tỏa khắp nơi, vào những ngày áp hội thì công việc chuẩn bị kéo dài đến khuya. Chất bột màu dùng để sơn vẽ các hình tượng Neputa có thể ăn được mà không có hại gì. Sáp được trét lên những chỗ không tô màu để cho ánh sáng rọi qua từ bên trong. Những chỗ khung tô màu là đường viền xung quanh các hình tượng.


http://image.ohmynews.com/down/images/1/crossfire_321079_1%5B528129%5D.jpg

Người ta mắc những bóng đèn nhỏ xíu vào bên trong những khung sườn bằng thép, sau đó cắt những tấm giấy hoặc vải dán bọc bên ngoài khung, rồi tiến hành sơn phết. Công việc này đòi hỏi nhiều người cùng làm, sự tập trung chú ý, sức lực, khiếu thẩm mỹ. Sự hồi hộp căng thẳng là ở giây phút khi các đôi mắt được vẽ lên trên khuôn mặt các hình tượng, lúc đó các hình tượng bỗng trở nên như có hồn vậy. Khi những hình nộm to lớn hoàn thành, người ta đặt chúng lên những chiếc xe kiệu đã được trang hoàng lộng lẫy do các nhóm khác làm. Việc làm những hình tượng Neputa hình quạt cũng bắt đầu bằng cách dán những bức tranh lớn vào những khung thép do các nghệ nhân vẽ nghệ thuật cổ truyền này tạo ra. Ban ngày, phụ nữ và trẻ em cũng tham gia công việc chuẩn bị, sau 7 giờ tối đàn ông đi làm về thì bắt tay vào việc. Nhịp điệu ấy chỉ chậm lại khi có người đem rượu Sake
ra để mọi người cùng nhau nhâm nhi trò chuyện, xả hơi. Khi một hình nộm Neputa được làm xong, người ta bật đèn lên xem thử tác phẩm, mọi người bỗng im lặng khi những hình tượng đầy màu sắc được chiếu sáng từ bên
trong như bừng sống dậy. Neputa quả thật là những công trình sáng tạo tập thể, thấm đậm công sức và niềm say mê của toàn thể cộng đồng. Đối với người dân của thành phố Kuroishi thì những ngày đêm làm Neputa là những ngày đáng nhớ nhất trong năm, họ làm việc với tinh thần “làm vì thích làm”, vì muốn đóng góp công sức vào công việc chung.

Vào ngày hội, khi màn đêm buông xuống ở công viên thành phố, khoảng 75 chiếc kiệu được chuẩn bị sẵn sàng, được thắp sáng cả lên, đó là lúc lễ hội Neputa bắt đầu với những đám rước đèn đuốc rực rỡ đầy màu sắc kéo dài suốt một tuần lễ vào những đêm hè ngắn ngủi. Những chiếc xe kiệu Neputa diễu qua các đường phố, đi đầu là những em bé. Đám thanh niên vừa kéo những chiếc xe kiệu vừa hô: yaare, yaare, yaare… Người lớn thì vây quanh các xe kiệu vừa đi vừa hò hát theo nhịp hô của bọn trẻ và âm nhạc. Những người phụ trách phần âm nhạc với trống cái và sáo phải tập dượt từ tháng 4 và phải được ban tổ chức thông qua trước khi trình diễn.

Hội Neputa ở Aomori nổi tiếng là náo nhiệt với những nhóm người dẫn đầu vừa múa vừa hát vừa hò hét giữa những tiếng reo hò cổ vũ như sấm của đám đông người xem.

Đám rước Neputa ở Kuroishi thì trang nghiêm hơn, khiêm tốn hơn, nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Khi xong hội, tất cả các hình tượng – các công trình tỉ mỉ công phu kia – sẽ bị phá hết. Những hình tượng Neputa, biểu tượng của ý thức tự khẳng định của cộng đồng, biểu hiện những ước nguyện, hi vọng và niềm tự hào truyền thống địa phương sẽ bị thiêu hủy bởi bàn tay của chính bọn trẻ – những đứa trẻ từng háo hức theo dõi quá trình sáng tạo ra chúng, vừa hết sức diệu kỳ vừa hết sức mong manh. Trong dịp lễ hội, hàng ngày hễ đi học về là đám trẻ lại tụ tập tại nơi làm xe kiệu để tập cho thành thục các vai mà chúng sẽ đóng. Cũng tại đây người lớn thường kể lại chuyện xưa – lúc họ còn nhỏ đã hồi hộp trông mong cho ngày hội mau đến như thế nào và bao giờ cũng không quên bảo lũ trẻ: tất cả những thứ này rốt cuộc cũng chỉ vì tụi bay! Bọn trẻ biết chắc thế nào cũng được ăn ngon và nhiều quà bánh khi hội đến.

Một nghệ nhân làm các hình tượng Neputa cho biết: mấy ngày hội quả là hoang phí nhưng là sự hoang phí cần thiết. Quả thật ngày xưa những ngày hội hàng năm ở Nhật là những dịp để người ta giao tiếp với thần thánh và các vong linh, những người tham gia hội phải thanh tẩy thân thể để đón rước thần linh và cầu khấn cho mùa màng, khỏi bệnh tật và sự thịnh vượng chung của cộng đồng, tất cả mọi người đều tham gia việc cúng tiền, cùng ghé vai khiêng kiệu. Tuy nhiên qua các thế hệ, tính chất của các dịp lễ hội này dần thay đổi, ngày càng bớt đi yếu tố thiêng liêng, yếu tố tôn giáo, để trở thành dịp khẳng định bản sắc của địa phương và tinh thần đoàn kết cộng đồng, nhất là ở các đô thị hiện đại. Vì mỗi lễ hội chỉ được tổ chức mỗi năm một lần nên nó đã trở thành một dịp để người ta tạm quên đi những lo lắng thường ngày, gác qua một bên những bất hòa dị biệt giữa làng xóm láng giềng để cùng nhau chuẩn bị hội và vui chơi. Về mặt sản xuất và hiệu quả kinh tế thì có thể đó là sự phung phí hết sức lớn, nhưng về mặt xã hội thì nó giải tỏa những căng thẳng và thiết lập một trạng thái quân bình mong manh trong đời sống cộng đồng.


http://www.asianoffbeat.com/crazypictures/Hirosaki-Neputa-8-1.jpg

Ngày nay, tính chất thương mại bắt đầu len lỏi vào các lễ hội truyền thống, vì bản thân các lễ hội tạo ra những cảnh tượng có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với du khách. Ví dụ lễ hội Nebuta ở Kuroishi chưa trở thành dịp thu hút nhiều du khách, nhưng hiện đã có một số dấu hiệu thay đổi, một số hiệp hội ở Kuroishi đã bắt đầu sử dụng những công nhân làm theo giờ để phụ làm các hình tượng và xe kiệu Neputa. Ngay các nhà chức trách của Kuroishi cũng có kế hoạch nhằm phổ biến ngày hội để thu hút thêm nhiều du khách và làm sinh động thêm nền kinh tế của địa phương, tìm thêm nhiều hậu thuẫn của các xí nghiệp – công ty ở địa phương. Xưa, ngày hội Neputa của Kuroishi tổ chức trùng với ngày hội Nebuta ở Aomori, nay hội Neputa Kuroishi cố ý tổ chức sớm hơn hội Nebuta Aomori vài ngày để du khách có thể tham dự cả hai.

Về phương diện lịch sử, tính chất của lễ hội nay đã thay đổi từ nghi thức tôn giáo thành sinh hoạt dân gian của cộng đồng, mang thêm sắc thái vui chơi – giải trí, là chất liệu của ngành kinh tế du lịch. Xu hướng muốn thương mại hóa những sinh hoạt này chắc sẽ xung đột với những giá trị truyền thống. Nhưng phải chăng dù các lễ hội đậm màu sắc tôn giáo hay thế tục thì cũng chính là cơ hội cho cư dân giải tỏa những căng thẳng, làm mới cái mạch sống liên tục của dòng đời vốn đã không thiếu căng thẳng gay go. Theo thiển nghĩ của chúng tôi, một số lễ hội ở Việt Nam hiện nay cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Dù sao thì lễ hội vẫn là một mãnh lực trong đời sống kinh tế – xã hội của các cộng đồng dân cư.


Theo Viet-SSE