PDA

View Full Version : [Tham khảo] Murakami Haruki (1949) - Tiểu thuyết gia hiện đại Nhật Bản



Kasumi
10-06-2007, 12:10 PM
http://img231.imageshack.us/img231/5144/murakamiharukiya7.jpg (http://imageshack.us)


Từ Điển Bách Khoa Columbia 2001, ghi rằng Murakami Haruki "là một trong những tiểu-thuyết-gia-thế-kỷ-20 quan trọng nhất của Nhật Bản". Đề cập đến thời đại lắm bão tố hiện nay, Matsuda Tetsuo của Nhật báo Yomiuri có số in lớn nhất ở Nhật, viết:" Trong bất cứ trận bão lớn nào cũng có những nhà văn giương cao ngọn đèn soi cho quần chúng. Murakami Haruki đang và sẽ lãnh vai trò đó". Báo The Guardian viết: "không có nhiều tác giả cùng thời mà tác phẩm lôi cuốn được giới độc giả trẻ trực tiếp đến như thế, không chỉ trong nước ông mà còn trên khắp thế giới".

Murakami Haruki sinh năm 1949 ở cố đô Kyoto , lớn lên ở Kobe . Thân phụ dạy văn học Nhật Bản ở cấp trung học, và đã gặp thân mẫu ông trong lúc cùng dạy môn ấy. Ngay từ thuở nhỏ, Murakami Haruki đã có khuynh hướng phản kháng đối với văn hóa truyền thống. Ông tìm đọc mê mải tác phẩm của những tác giả Âu Châu thế kỷ 19. Sau đó, ông học tiếng Anh, và đọc nguyên tác Truman Capote, Kurt Vonnegut, … Ông ham mê nhạc Âu Mỹ: Elvis, Beatles, Beach Boys, nhạc Jazz. Thế giới mới đó quyến rũ ông đến nỗi không bao lâu sau khi kết hôn với bạn đồng học Takahashi Yoko, năm 1971, ông ngưng việc học ở Đại học Waseda, cùng vợ mở một quán rượu nhạc Jazz ở Tokyo. Song thân ông rất thất vọng về việc ông lấy vợ sớm và quay lưng lại với đời công tư chức vẫn được xem là an định, thậm chí lý tưởng trong xã hội Nhật lúc bấy giờ đang phát triển mạnh.

Ông chỉ bắt đầu viết từ 1978. Khi đang xem một trận bóng chày, ý nghĩ viết văn chợt đến với ông, như một tiếng gọi siêu hình, ông cho đó là sự kiện hạnh phúc nhất của đời ông. Tác phẩm đầu tay của ông, "Lắng Nghe Gió Hát" (KazeNo UtaO Kike, Hear the Wind Sing) xuất bản năm 1979, kể lại thời sinh viên tranh đấu phản kháng mà ông đã tham gia với một ít hoài nghi, được giải thưởng "Tác giả Mới - Gunzo" ngay năm đó.

Tiếp tục thành công với 2 tác phẩm sau đó và một số các truyện ngắn, ông bán quán Jazz, và trở thành một tác giả toàn thời. Ông cũng bắt đầu việc dịch Raymond Carver, Truman Capote, F. Scott Fitzerald, …

Phong cách Murakami Haruki định hình từ tác phẩm thứ 3 laø "Cuộc Phiêu Lưu Theo Con Cừu" (HitsujiO Meguru Bôken, A Wild Sheep Chase) xuất bản năm 1982, giải "Tác giả Mới - Noma" trong năm, pha trộn những chi tiết trinh thám đen với những ảo giác và bí mật siêu hình. Nhân vật của ông chủ trương những giá trị quan khác lạ với truyền thống xã hội Nhật, và ham mê âm nhạc, phim ảnh Âu Mỹ. Đặc điểm đó hấp dẫn tâm tình giới trẻ Nhật Bản đang muốn cởi bỏ những trói buộc của văn hoá truyền thống.

Dị ứng với lối sống đua đòi vật chất trong một nền kinh tế hãnh tiến, vợ chồng ông rời Nhật sang sống ở Ý năm 1986. Ở Rome, ông viết "Rừng Na Uy" (NoruueiNo Mori, Norwegian Wood), tác phẩm đã đưa ông lên địa vị "siêu sao" trong văn học Nhật Bản. Những ký ức hoài niệm trong tuổi đang lớn chen lẫn với ý thức về tính cách nhất thời của đời sống, ý thức về sự không thể tránh được của những mất mát, là đề tài của tác phẩm, đặt trong bối cảnh thời sinh viên tranh đấu phản kháng cùng lúc với bình minh của phong trào tự do tính dục những năm cuối thập niên 60 và đầu 70. "Rừng Na Uy" trở thành một phong trào, được tận dụng trong giới quảng cáo, từ bánh kẹo cho đến vật dụng trong nhà; các nhà sản xuất xin làm phim; … Ngay trong năm đầu tiên, "Rừng Na Uy" đã bán được 1 triệu bộ.

Sống ở Âu Châu, ông vẫn băn khoăn về mục đích của đời sống của ông, một tác giả Nhật. Hai vợ chồng lại quay về Nhật năm 1990, cao điểm của thời kinh tế bọt. Năm sau, ông lại khoác áo ra đi, lần nầy sang Mỹ làm giáo sư khách của Đại học Princeton 2 năm, rồi 2 năm tiếp theo làm Tác giả Thường trú (Writer-In-Residence) ở Đại học Tuft, Massachusetts .

Tháng Giêng năm 1995, xảy ra thảm kịch động đất ở Kobe; 2 tháng sau, lại xảy ra vụ tín đồ Chân Lý Giáo Aum thả hơi độc sarin trong tàu điện ngầm ở Tokyo. Hai thảm kịch nầy đánh dấu sự chuyển biến từ căn bản của xã hội Nhật: Ý thức an định do an toàn xã hội từ lâu nay vẫn là một biểu hiện tính ưu việt của truyền thống văn hóa Nhật Bản, được tăng cảm nhờ tình trạng không ngừng phát triển của kinh tế bọt, bỗng một sớm một chiều đã bị thách thức gay gắt đến độ sụp đổ theo những toà nhà Kobe trong cơn động đất. Không lâu sau đó, kinh tế bọt Nhật Bản cũng vỡ tan.

Hai cơn sốc liên tiếp nầy đã đưa ông trở về Nhật. Tuyển tập truyện ngắn "Sau Cơn Động Đất" (JishinNo AtoDe, After The Quake) có những nhân vật chính, do ảnh hưởng gián tiếp xa xôi của trận động đất Kobe, đã cảm nhận sâu sắc sự trống rỗng của chính mình, mất niềm tin vào sự an định của đời sống gia đình. Tập "Đường Ngầm" (Andaguraundo, Underground) ghi những cuộc phỏng vấn trực tiếp tín đồ Chân Lý Giáo Aum cùng những nạn nhân, cho thấy tâm tình phản kháng đối với những giá trị quan tôn thờ vật chất, cố gắng tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời từ những giải thuyết siêu hình, có khi cực đoan đến nỗi trở thành tội ác.

Những nhân vật chính của Murakami Haruki không những chỉ hấp dẫn giới trẻ Nhật Bản, mà còn cộng hưởng với tâm tình giới trẻ Âu Mỹ vì những nét quen thuộc trong lối sống, thị hiếu mới; và chia sẻ với giới trẻ các nước chậm tiến hơn, lòng ngưỡng mộ hay ước vọng về lối sống Âu Mỹ. Rất nhiều tác phẩm của ông đã được dịch và hâm mộ ở Mỹ, Anh, Nga, Đức, Hàn, Pháp, Ý, Spain, Hy Lạp, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Áo, Canada, Do Thái, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Tiếng tăm của ông ở nước ngoài cộng với địa vị "siêu sao" trong nước Nhật, đã làm tăng khoảng cách đối với dòng văn học truyền thống Nhật Bản vốn vẫn nghi ngờ ý đồ có vẻ tạo loạn của ông. Giải Nobel Văn học 1994 Oe Kenzaburo công kích Murakami Haruki và chê ông là "hôi mùi bơ" (batakusai) vì hay dẫn dụ những chi tiết văn hóa Âu Mỹ.

Murakami Haruki không thích sự săn đón của giới truyền thông, ông ít khi chịu phỏng vấn. Giống như giới trẻ hiện đại, thành phần độc giả chủ yếu của ông, Murakami Haruki thoải mái với quần bò, áo thun, giày thể thao, ham thích các hoạt động tăng tiến thể lực, tham gia nhiệt tình các kỳ chạy việt dã mỗi năm trong suốt 20 năm qua. Ngày nay, ở tuổi 54, ông vẫn còn chạy 10 Km mỗi ngày và chuyên niệm vào việc viết sách. Tác phẩm trường thiên mới nhất của ông, "Kafka Bên Bờ Biển" (Umibe no Kafuka, Kafka On The Shore) do nhà Shinchô xuất bản tháng 9 năm 2002 trong vòng 2 tháng đầu đã bán hết 460 ngàn cuốn.

Phạm Vũ Thịnh
erct

Cốm
27-08-2007, 07:56 PM
Haruki Murakami
http://www.ksta.de/ks/images/mdsBild/1115824140785l.jpg

Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Kyoto. Ông lấy vợ là bạn trong đại học, và hai người mở một câu lạc bộ nhạc jazztại Tokyo có tên gọi là Peter cat. Thành công lớn của tiểu thuyết Rừng Na Uy (1987) đã khiến ông trở thành nhà văn danh tiếng của Nhật Bản. Ông bỏ quê hương ra đi cho đến tận năm 1995 mới trở về. Những sách đã xuất bản của ông bao gồm: Sau động đất, Dance Dance Dance, Xứ sở kỳ diệu vô tình và chỗ tận cùng thế giới, Cuộc săn cừu, Biên niên ký chim vặn dây cót, Ngầm dưới đất (cuốn sách phi giả tưởng đầu tiên cùa ông), Cục cưng Sputnik, và Phía nam biên giới – phía tây mặt trời. Sách của ông đã được dịch ra 16 thứ tiếng và xuất bản khắp thế giới. Ông cũng là người đã dịch ra tiếng Nhật nhiều tác phẩm của F. Scott Fitzgerald, Truman Capote, John Irving và Raymond Carver.

Các nhà phê bình quốc tế nói về Haruki Murakami:

“Và mặc kệ những người phản đối, mặc kệ cả 3 năm đày mình ở Địa Trung Hải, mặc kệ - hay là chính bởi – sự xa lạ của ông đối với một Tokyo giàu có và mất gốc, Haruki Murakami vẫn là một nhà văn rất Nhật Bản, buồn đau bởi sự thiếu vắng lý tường và kinh hoàng bởi sự sung túc đột ngột. Bởi lẽ, trong cái nước Nhật của ông, cái xưa cũ đã bị tàn huỷ, thay thế vào đó là một thứ hổ lốn xấu xí và vô nghĩa, và chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.”
- Fred Hiatt, The Washington Post –

“Sự sẵn sàng vượt thẳng lên tới đỉnh luôn luôn là dấu hiệu cho thấy thiên tài của ông (…) Một hiện tượng ở Nhật Bản, Haruki Murakami là một nhà văn tầm cỡ thế giới, người có thể mở to con mắt nhìn và dám mạo hiểm. Là một dịch giả tài năng, ông đã giới thiệu Fitzgerald, Carver, Irving và Theroux với công chúng Nhật Bản, Haruki Murakami cũng xứng đáng được một sự quan tâm tương tự từ bờ bên này Thái Bình Dương.”
- Bruce Sterling, The Washington post book world -

“Không có kimono, bonsai hay chiếu tatami trong tiểu thuyết của Haruki Murakami. Tác phẩm của ông được viết với một sự sùng kính văn hoá phương Tây, đặc biệt là văn hoá đại chúng Mỹ những năm 1950 – 1960. Nếu không kể những cái tên chỉ địa danh và một số thức ăn, thì các nhân vật của Haruki Murakami cũng chẳng khác nào đang sống ở Santa Monica vậy… Là sản phẩm của một nền văn hoá thịnh vượng, có giáo dục, bọn họ bộ lộ một phong cách buồn chán rất Mỹ và luôn luôn than vãn về cuộc sống nặng vật chất và hời hợt của mình.”
- Lewis Beale, The Los Angeles Times -

“Ở nơi mà các nhân vật trong văn chương Nhật đầu thế kỷ XX có thể và vẫn chọn lựa theo lối Nhật truyền thống, Haruki Murakami biết rằng chọn lựa như vậy bây giờ là bất khả. Nhật Bản đã đi quá xa. Nếu xung đột vẫn tồn tại thì các nhân vật của ong không hề bị ràng buộc, thậm chí chẳng nhận thấy. Họ đã bị mắc trong cái lưới hình thức của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nền văn hoá mà họ đã coi như không thể thiếu được cho cuộc sống Nhật Bản đương đại. Tuy nhiên, cái tính chất Nhật Bản của họ cũng không bao giờ thực sự mất đi, cho dù đó là những gì mà các tác phẩm của ông có vẻ đang chứng tỏ.”
- Celeste Loughman, World Literature Today -

“Tiểu thuyết gia Nhật Bản Haruki Murakami giành được sự quan tâm tầm cỡ thế giới bởi các câu chuyện của ông đã tới lui thật dễ dàng giữa bề mặt hiện thực cuộc sống vật chất của những cô cậu trẻ tuổi mang hoài bão và những nỗi kinh hoàng của một trí tưởng tượng nhạy cảm. Đồ nghề của ông là loại văn xuôi hiện thực thẳng băng (ảnh hưởng của Raymond Carver, người mà Haruki Murakami đã dịch rất nhiều) và cái mà anh có thể gọi là một thứ siêu hình học tâm lý. Những nhà kể chuyện ngôi thứ nhất của ông ngay lập tức đáng tin và đều điên khùng.”
- Philip Weiss, The New York Observer -

“ Haruki Murakami là một trong những giọng nói hấp dẫn nhất trên văn đàn quốc tế (…) Haruki Murakami cách này hay cách khác, chính là hình vóc của văn chương thế kỷ 21. Sử dụng lối mô tả của tiểu thuyết đen kiểu Hollywood, ông đã khám phá, qua lối siêu thực, những lo âu của thời đại chúng ta trong lúc vẫn giữ lại sự kinh ngạc cay đắng trước cái thực tại của tiêu thụ đại chúng. Văn ông không thuộc trường phái nào, những lại có chất gây nghiện của loại văn chương tuyệt hảo nhất.”
- Scott Reyburn, New Statesman -

“Các nhân vật trong các tiểu thuyết của ông có khuynh hướng gia tăng, Haruki Murakami tạo ra nhân vật còn dễ đổ hơn nước mắt (…). Trong những kịch bản tưởng tượng của Haruki Murakami, con người đã trở nên dễ uốn một cách đáng ngại.”
- Daniel Zalewski, The New York Times book -

… kishi quyết định không chép mấy cái nhận định của các nhà phê bình quốc tế nữa, vì chắc mọi người cũng chẳng hứng thú đọc mấy thứ đó, mà có đọc chưa chắc đã hiểu ^^’. Kishi xin nói lên một vài suy nghĩ của mình về Haruki Murakami sau khi đã đọc Biên niên ký chim vặn dây cót, Rừng Na Uy và tập truyện ngắn Đom đóm của ông. Điều đầu tiên, trước khi kishi kịp hiểu nội dung câu chuyện ^^’, phải thừa nhận một điều là cách viết văn của Haruki Murakami rất đặc biệt, cuốn hút một cách kỳ lạ (dù qua lời dịch). Kishi là đứa đọc cũng khá nhưng đây là lần đầu tiên cảm thấy khó lòng đặt cuốn sách xuống như vậy. Văn chương của ông mang nhiều tính tượng trưng nhưng lại không gây quá khó hiểu. Mọi thứ dường như được dẫn dắt một cách rất tự nhiên rồi dần gợi mở. Theo đánh giá chủ quan của kishi thì đây là một tác giả rất đáng đọc. Nhưng chú ý: nên rate 17+ và chuẩn bị tâm lý cho vững ^^ (hồi đọc Rừng Nauy, kishi đã bị “đơ đơ” cả một ngày, cuốn sách đó mang lại một cảm giác nặng nề khó tả, một câu chuyện buồn bi thảm… T_T không thể tưởng tượng được rằng họ đã chết và sống vô nghĩa đến thể!)

Eizan
13-10-2008, 10:37 PM
Tác gia đương đại nổi tiếng nhất của Nhật Bản với những Rừng Na Uy, Kafka bên bờ biển, Người tình Sputnik... có cuộc trả lời bạn đọc trên khắp thế giới của tạp chí Time. Trong phần trả lời này ông tiết lộ thêm về cuốn sách sắp tới của mình.


http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=291180

* Cuốn sách ưa thích của ông là gì?

- Ruồi trâu. Tôi tự dịch lại cuốn sách đó vài năm trước. Tôi vẫn muốn tự dịch cuốn sách đó từ những năm 20 tuổi nhưng khi đó tôi chưa đủ sẵn sàng.

* Việc tập chạy đường trường đã ảnh hưởng tới ông thế nào với tư cách là nhà văn?

- Bạn cần hai điều để viết được một cuốn sách lớn: sự tập trung và bền bỉ. Chạy đường trường giúp tôi sức mạnh của sự bền bỉ.

* Ông thấy mình là nhà văn Nhật Bản ở tầm mức thế nào?

- Tôi là nhà văn Nhật Bản. Tôi sinh ra ở Nhật Bản và chủ yếu sinh sống ở đây. Tôi tư duy bằng tiếng Nhật Bản và viết bằng chữ Nhật. Dẫu vậy, tôi vẫn tư duy mọi thứ trên phương diện toàn cầu. Ví dụ, các nhân vật của tôi thường rất thích đậu phụ. Giả sử một độc giả ở Na Uy khi đọc vậy sẽ nghĩ “cái gã này thích đậu phụ”. Tôi chẳng rõ anh bạn đọc đó có biết đậu phụ là gì không. Dù vậy anh ta vẫn có thể hiểu được nhân vật đang nghĩ gì.

* Văn hóa phương Tây đã tác động đến các tác phẩm của ông thế nào?

- Khi tôi viết rằng nhân vật của tôi nấu spaghetti để ăn trưa, nhiều độc giả phương Tây nói chuyện đó thật lạ: “Tại sao gã người Nhật này lại nấu spaghetti cho bữa trưa?”. Hay chuyện một nhân vật vừa lái xe vừa nghe nhạc rock của Radiohead, nhiều người sẽ nói nhân vật này quá Tây hóa. Tuy vậy, tôi thấy chuyện đó là tự nhiên.

* Thức ăn là một phần quan trọng trong các tác phẩm của ông. Món ăn lý tưởng của ông là gì?

- Bữa ăn ưa thích với tôi là khi bạn không biết nên nấu gì. Mở tủ lạnh bạn sẽ thấy cần tây, trứng, đậu phụ và khoai tây. Tôi sẽ sử dụng tất cả để nấu món ăn của mình. Đó là thứ hoàn hảo đối với tôi. Không có chuẩn bị gì cả.

* Vì sao các tác phẩm của ông lại được độc giả quốc tế đón nhận vậy?

- Tôi không rõ. Có thể phong cách là điều rất quan trọng. Nếu trong phong cách viết đã có điệu nhịp tự nhiên rồi thì dịch thuật sẽ không làm mất những nét đó.

* Nhạc jazz đã ảnh hưởng tới cách viết của ông thế nào?

- Tôi làm chủ một CLB jazz và nghe nhạc jazz hàng ngày từ sáng tới tối. Tôi thích cảm giác nhịp điệu và những khúc ứng tấu trong jazz. Một nhạc sĩ giỏi sẽ không biết chuyện gì có thể diễn ra tiếp sau đó. Đó là cảm hứng trên từng khoảnh khắc. Khi tôi viết tiểu thuyết hay viết truyện, tôi cũng không biết chuyện gì sẽ diễn ra tiếp sau đó.

* Tại sao truyện của ông luôn có những yếu tố huyền bí?

- Tôi tin rằng những yếu tố huyền bí và sức mạnh trong truyện có thể tiếp sức và cuốn hút bạn. Trong thời tiền sử, ngoài hang của con người là bóng tối nhưng bên trong họ có ngọn lửa và có một ai đó rất giỏi để kể chuyện. Mỗi khi viết tôi nghĩ về cái hang. Chúng ta là một nhóm, ngoài kia trời tối và đàn sói đang kêu hú và tôi có câu chuyện để kể cho các bạn.

* Xin ông có thể miêu tả cuốn tiểu thuyết tiếp theo của mình?

- Tôi đã viết cuốn đó được gần hai năm và đó sẽ là cuốn tiểu thuyết đồ sộ nhất mà tôi từng viết. Tất cả truyện của tôi đều là về những câu chuyện tình yêu kì lạ, tôi yêu những câu chuyện tình lạ kì. Và cuốn sách này sẽ là một câu chuyện tình yêu lạ kì rất, rất dài.

THANH TUẤN (Theo Time Magazine)

sarujun
14-01-2014, 03:42 PM
Haruki Murakami - Thiền sư trong thế giới văn chương


Chưa thành chủ nhân của giải thưởng Nobel danh giá dù mang nhiều kỳ vọng, Haruki Murakami vẫn được xếp “cùng chiếu” với những tên tuổi hàng đầu văn đàn thế giới hiện nay. Mỗi tác phẩm mới ra mắt của nhà văn người Nhật lại tạo nên một cơn sốt trong cộng đồng độc giả ái mộ tài năng của ông. Nổi tiếng là vậy nhưng trong đời thường, Haruki Murakami lại là một con người vô cùng bình dị.

Vốn là một chủ quán bar nhạc jazz nhưng có niềm đam mê với bóng chày. Một lần đi xem bóng, Haruki Murakami chợt nghĩ rằng tại sao mình không bắt đầu viết văn dựa trên những hiểu biết về môn thể thao này, nhất là khi bạn bè cứ đinh ninh rằng ông không có năng khiếu kinh doanh và sớm muộn gì quán bar cũng sẽ phải đóng cửa. Năm 1978, khi ra mắt tác phẩm đầu đời ở tuổi 29, Murakami đoạt một giải thưởng uy tín, ông trở nên nổi tiếng và thực sự tạo ra bước ngoặt cuộc đời. Haruki Murakami đã phải lựa chọn một trong hai, kinh doanh hoặc viết lách. Và rồi mặc cho định kiến về tương lai không chắc chắn của một nhà văn, ông đã bán quán bar của mình để chuyên tâm cho văn chương. Nhưng rồi sau khi tập trung viết toàn thời gian, Murakami nhận ra sức khỏe mình không dẻo dai như vẫn tưởng. Murakami rời Tokyo đến sống ở ngoại thành, bắt đầu bỏ thuốc lá, ăn uống lành mạnh và chạy bộ để rèn luyện sức khỏe.


http://i1368.photobucket.com/albums/ag199/sarujun/murakami-c5a1d_zpsf6b71635.jpg
Haruki Murakami - Thiền sư trong thế giới văn chương

Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ The Paris Review mùa hè năm 2004, ông viết: “Khi đang viết dở một cuốn tiểu thuyết, tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng và làm việc liên tục từ 5 – 6 giờ. Buổi chiều, tôi chạy bộ khoảng 10 km, bơi 1500m hoặc cả hai. Sau đó tôi đọc một chút và nghe nhạc. Tôi đi ngủ vào lúc 21 giờ. Tôi giữ thói quen này mỗi ngày mà không cần thay đổi. Sự lặp lại của nó là một điều vô cùng quan trọng, như một thuật thôi miên. Tôi thôi miên bản thân mình để đạt được một trạng thái sâu sắc hơn về tâm trí. Tuy nhiên, để lặp đi lặp lại thói quen này trong thời gian 6 tháng đến 1 năm, đòi hỏi một sức khỏe thể chất và tinh thần rất tốt. Và như vậy, viết một cuốn tiểu thuyêt dài giống như một bài luyện tập sống, sức mạnh thể chất cũng cần thiết như sự nhạy cảm về nghệ thuật”. Dậy sớm và đi ngủ trước 10 giờ tối, không ăn khuya, thường xuyên đi dạo và đặt ra kỷ luật viết lách nghiêm túc, Murakami đã có được thành công nhờ tài năng và cả sự khổ luyện.


http://i1368.photobucket.com/albums/ag199/sarujun/murakami3-c5a1d_zps81929f70.jpg
Mỗi cuốn tiểu thuyết của Haruki Murakami là một xứ sở xa lạ

Chính vì muốn tập trung cho việc viết lách, Haruki Murakami chọn cách sống ẩn dật, rất ít khi xuất hiện. Tuy nhiên, trong những lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi, ông đều gây ấn tượng nhờ phong thái vui vẻ, sống động, truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Lý giải về điều này, nhà văn 64 tuổi cho hay: ông sống một cuộc đời bình thường, di chuyển bằng tàu điện ngầm và xe bus, mua sắm trong các cửa hàng địa phương và vì thế ông cảm thấy thiếu thoải mái nếu bị truyền thông theo dõi sát nút. Trong cuộc trò chuyện tại Đại học Kyoto hồi tháng 5 vừa qua, với sự tham gia của 500 người may mắn nhân ra mắt cuốn Shikisai wo Motanai Tazaki Tsukuru to, Kare no Junrei no Toshi (Tạm dịch: Tsukuru Tasaki vô vị và những năm tháng hành hương), Murakami đã nhận được 1.500 câu hỏi. Tại cuộc trò chuyện này, nhà văn người Nhật có kể lại một câu chuyện cũ như sau: “Nhiều năm trước, khi đi gia hạn giấy phép lái xe, có một nhân viên giao dịch quầy liên tục thốt lên “Haruki Murakami. Khi đến lượt tôi làm thủ tục, người đó đã hỏi: Ông cùng tên với một tiểu thuyết gia nổi tiếng phải không?”. Và tôi đã trả lời: “Đúng vậy”.

Tác phẩm của Murakami phản ánh một phần cuộc sống và con người của ông. Có nhiều cuốn thường xuyên nói về nhạc jazz, riêng cuốn Phía nam biên giới, phía Tây mặt trời kể về một chủ quán bar nhạc jazz. Vì yêu mèo, ông cũng thường viết về chúng với dụng ý độc đáo và mê hoặc. Tình yêu, niềm đam mê và sự cô đơn cũng là những chủ đề chính trong các tác phẩm của Murakami.


http://i1368.photobucket.com/albums/ag199/sarujun/murakami4-c5a1d_zps67be63ac.jpg
Bộ ba tác phẩm 1Q84 đã tạo ra một cơn sốt trong tiêu thụ đĩa nhạc cổ điển

Mỗi cuốn tiểu thuyết là một xứ sở xa lạ, Murakami không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ mà luôn kiếm tìm những phương thức khác nhau để bồi đắp phong cách viết lách. Giống như một người thợ thủ công tỉ mẩn, lành nghề, nhà văn người Nhật Bản chưa bao giờ hết gây ngạc nhiên cho độc giả với những sáng tác của mình. Cuốn tiểu thuyết Shikisai wo Motanai Tazaki Tsukuru to, Kare no Junrei no Toshi có đề cập tới nghệ sĩ piano người Nga, Lazar Berman đã gây nên một cơn sốt trên thị trường đĩa nhạc cổ điển. Tất cả đĩa của Berman đều bán sạch sành sanh chỉ một thời gian ngắn sau khi Shikisai wo Motanai Tazaki Tsukuru to, Kare no Junrei no Toshi được xuất bản. Trước đó, bộ ba tác phẩm 1Q84 đã tạo ra một cơn sốt trong tiêu thụ đĩa nhạc cổ điển Sinfonietta của nhà soạn nhạc người Czech, Leos Janacek được nhắc tới trong tác phẩm đã bán hết veo nhờ danh tiếng và sự tuyệt vời trong bút pháp Murakami.



--- Nguồn: kenh14.vn ---

sarujun
17-01-2014, 01:07 PM
Haruki Murakami: Người trầm lặng nói được nhiều điều nhất


(Thethaovanhoa.vn) - Người khổng lồ của văn chương Nhật rất ít lên tiếng, hầu như chỉ viết, dù ông vẫn phát biểu khi cần, chẳng hạn về mối bất hòa Trung – Nhật hay vụ khủng bố ở Boston… Không nói nhiều nhưng suy tư của ông vẫn đến với hàng triệu người, tất nhiên, qua trang sách.

Càng ấn tượng với Murakami, ta càng không tin vào những người quá ồn ào, về khía cạnh mồm mép. Bản thân Murakami cũng ồn ào, về khía cạnh danh tiếng và thương mại. Sách của ông gây sốt luôn luôn. Theo dõi trang viết của các nhà văn trẻ Việt Nam, có thể thấy nhiều người trong số họ tìm được cảm hứng sáng tác từ Murakami, thậm chí tôn thờ ông.

Tiểu thuyết mới nhất của ông, Colorless Tsukuru Tazaki And His Years Of Pilgrimage (tạm dịch: Tsukuru Tazaki không màu và những năm tháng hành hương), khiến người Nhật xếp hàng thâu đêm để mua những bản sách đầu tiên, bán được 1 triệu bản trong vòng 1 tháng đầu. Người Hàn bỏ ra 1,5 triệu USD để mua bản quyền dịch. Còn bản dịch tiếng Anh thì ra mắt chỉ 1 tháng sau khi bản gốc ra mắt.

Cuốn sách chắc hẳn là một tác phẩm đặc biệt với Murakami khi vào hồi tháng 5, ông đã xuất hiện trước công chúng (500 khán giả ở Đại học Kyodo) để nói chuyện về nó. Nói chuyện với độc giả là việc ông chưa từng làm trong 18 năm qua. “Nhiều người có thể nghĩ đây là bước lùi của tôi trong văn học nhưng với tôi đây là một nỗ lực mới” - tờ Japan Times trích lời nhà văn 64 tuổi nói trong buổi hôm đó.

Nhân dịp Murakami - một trong những tác gia vĩ đại nhất thế giới đang sống - trở lại với tiểu thuyết mới, TT&VH Cuối tuần điểm lại sự nghiệp đồ sộ của ông, một sự nghiệp mà các “tín đồ” trung thành của ông tin rằng xứng đáng với một giải Nobel.


http://i1368.photobucket.com/albums/ag199/sarujun/Murakami-1_zps526ad998.jpg
Haruki Murakami và 2 tập của bộ sách 1Q84 bản tiếng Việt – tác phẩm mới nhất của ông được dịch ở Việt Nam.



Trang văn là chốn tận cùng cô độc

Nhà văn Nhật đã lấy tên của tác gia thế giới mà ông ngưỡng mộ - (Franz) Kafka - để làm biệt danh cho nhân vật chính trong Kafka bên bờ biển (bản dịch tiếng Việt của Dương Tường) - một trong những tiểu thuyết hay nhất và “kinh khủng” nhất của ông. Đó không phải là một lựa chọn hú họa: Kafka, hay chính xác là văn Kafka, thực sự ám ảnh Murakami và trang văn của ông. Văn của họ có một điểm chung: sự cô độc nhuộm thẫm cả trang giấy.

Trong một bài viết cũng được Japan Times dẫn, Murakami bộc bạch: “Những câu chuyển ẩn trong tâm hồn chúng ta. Những câu chuyện ẩn rất sâu ở tận cùng của trái tim mỗi chúng ta và có thể đưa người ta xích lại gần nhau, gần đến mức sát sao nhất. Khi tôi viết một tiểu thuyết, tôi đi xuống những đáy sâu tận cùng đó”. Với Murakami, có một người duy nhất ông có thể đồng cảm đến mức sâu sắc như vậy, đó là Kawai, một nhà tâm lý học đã qua đời năm 2007. Và từ đó nhà văn trở thành người còn “sót” lại, cô đơn như đã từng.

Ý niệm về “chiều sâu tâm hồn” đầy ám ảnh đó xuất hiện trong tên của cuốn tiểu thuyết Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới (bản dịch tiếng Việt của Lê Quang). Trong cuốn sách đó, nhà văn cho nhân vật đi đến một nơi chốn bị ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng một bức tường thành không thể vượt qua, tại nơi đó chẳng ai làm gì cả, nhân vật chính đảm nhận một công việc duy nhất là “đọc các giấc mơ xưa”, không hề ép buộc, không hề có áp lực, không ai quy định anh phải đọc được bao nhiêu giấc mơ mới là đạt. Một nơi chốn mà không ai ở đó có tâm hồn.

Hoặc trong Rừng Nauy (bản dịch tiếng Việt của Trịnh Lữ), cuốn tiểu thuyết có lẽ là nổi tiếng nhất của Murakami ở Việt Nam, ông để những người trẻ tuổi trốn vào những nơi chốn hiu quạnh gần như không bóng người. Chàng trai Kafka 15 tuổi trong Kafka bên bờ biển được người bạn đưa đến một căn lều bên bờ biển, nơi không có điện, không có nhà vệ sinh, mất hoàn toàn liên lạc với thế giới bên ngoài, bên cạnh là rừng thẳm.

Cả hai nhân vật chính của 1Q84 (bản dịch tiếng Việt của Lục Hương) là Tengo và Aomame đều sống lặng lẽ trong không gian riêng của mình, rất ít gặp gỡ và giao tiếp, quen với việc hàng ngày trời không liên lạc với thế giới bên ngoài, đắm chìm trong việc đọc sách.

Hay người đàn ông bị vợ bỏ rơi trong Biên niên ký chim vặn dây cót (bản dịch tiếng Việt của Trần Tiễn Cao Đăng) trốn xuống đáy giếng, vượt qua nỗi sợ gai người khi trèo xuống lòng giếng sâu hun hút và tối đen như mực để tìm kiếm một nơi thực sự tĩnh lặng, ngồi và nhìn thấu tâm can mình. Độ sâu của đáy giếng có lẽ chính là cách Murakami hình tượng hóa độ sâu của tâm hồn mà ông nhắc đến ở trên.

Sự cô độc của các nhân vật của Murakami có một sức quyến rũ đặc biệt hơn là tạo cảm giác thương hại, khiến người đọc chỉ muốn đi cùng với họ, hoặc tự mình tìm lấy một đáy giếng trong tâm hồn y như vậy. Những hoạt động chủ yếu của họ là suy tưởng, đọc sách và nấu ăn. Thật vậy, tất cả các nhân vật nam của Murakami đều thích nấu ăn, nấu những món giản dị nhưng tỉ mỉ và ngon tinh tế.

Văn Murakami đã có ảnh hưởng tương tự đến tôi đầu mùa Hè năm 2013: theo ông đến “nơi tận cùng thế giới”, nhấm nháp những trang sách ngon lành như thưởng thức sự cô độc, và khi trở ra, lạc lõng mất một thời gian.


http://i1368.photobucket.com/albums/ag199/sarujun/Murakami-2_zps3f4680c6.jpg
Những tiểu thuyết nổi tiếng khác của Murakami có mặt ở Việt Nam.



Nhà quan sát trầm lặng và thông thái

Văn Murakami gợi cảm giác kiểu cách, thậm chí làm dáng - nhân vật của ông đều đọc nhiều sách và am hiểu nhạc cổ điển, lại thường diện đồ hàng hiệu - nhưng tại sao người đọc vẫn thấy như ông chạm vào những bí ẩn thẳm sâu trong tâm can mình?

Với những người chỉ quan tâm đến những tên tuổi thường xuyên lên báo, Murakami không phải là gương mặt quen thuộc. Thậm chí ông còn gần như ẩn dật. Nhưng người ở trong bóng tối nhìn lại nhìn rõ hơn. Người lặng lẽ, khi nói, lại nói được nhiều hơn. Như một quy luật bù trừ. Nhà văn vẫn quan tâm sâu sắc đến thời cuộc, ông chỉ không phải động đến vấn đề gì cũng vội vã lên báo phát biểu. “Không ai cả ngày ở trước ánh đèn flash mà vẫn dồi dào ý tưởng sáng tạo” - nhà thiết kế Karl Lagerfeld từng nói như vậy. Chính xác. Tôi tin rằng không nhà văn nào lên báo luôn luôn mà vẫn có tác phẩm lớn.

Bí ẩn và mất mát làm nên sự hút khách của Murakami. Cuốn tiểu thuyết mới Colorless Tsukuru Tazaki And His Years Of Pilgrimage không hề có một chiến dịch quảng bá ầm ĩ trước khi ra mắt, mọi thông tin đều được giữ kín. Đến tận bây giờ, những ý nghĩa sâu xa của cuốn tiểu thuyết vẫn còn bí ẩn, dù cốt truyện về người đàn ông đi tìm quá khứ đã được tiết lộ.

Người ta đoán già đoán non rằng, chủ đề của cuốn tiểu thuyết có liên hệ mật thiết với mất mát lớn lao của nước Nhật trong năm 2011 - cơn động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân lịch sử. Hoàn toàn có lý nếu dựa vào cơ sở Murakami luôn quan sát thời cuộc và các tiểu thuyết trước đây của ông đều đề cập đến các vấn đề lịch sử, chính trị gai góc.

Khi Murakami muốn lên tiếng, thường ông không nói, ông viết. Đầu tháng 5, ông gửi bài đăng trên tờ The New Yorker để chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân trong vụ đánh bom cuộc chạy đua marathon ở Boston, Mỹ trước đó. Lý do khá riêng tư: Murakami cũng là người đam mê marathon, bản thân ông là một vận động viên (điều đó đã được đề cập rõ trong cuốn sách Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, bản dịch tiếng Việt của Thiên Nga). Ông cũng từng sống 3 năm ở ngoại ô Boston và thực sự đau xót vì những mất mát sau vụ khủng bố.

Nhà văn viết: “Theo một khía cạnh nào đó, nỗi đau thực sự chỉ đến khi thời gian đã trôi qua, bạn bắt đầu vượt qua được cú sốc ban đầu và mọi chuyện đã bắt đầu ổn định trở lại. Chỉ khi bạn leo được lên sườn dốc và hiện lên đằng sau đỉnh dốc, bạn mới cảm thấy cơn đau bắt đầu lan tỏa. Vụ đánh bom ở Boston có thể để lại nỗi đau tinh thần dai dẳng đó”.

“Tại sao? Tôi vẫn không ngừng tự hỏi. Tại sao một sự kiện vui vẻ và đầy thiện chí như vậy lại bị chà đạp theo cách đẫm máu khủng khiếp đến thế? Thủ phạm đã được xác định, nhưng câu trả lời vẫn chưa rõ ràng. Sự hận thù và đồi bại của chúng làm sứt sẹo trái tim và tâm hồn của chúng ta. Ngay cả khi nếu có câu trả lời, có vẻ như nó cũng chẳng giúp được gì”.

Còn về mối bất hòa Trung - Nhật, như đã nói ở trên, hồi năm 2012, Murakami lên tiếng khi Trung Quốc có lệnh cấm bán sách của các tác giả Nhật ở Trung Quốc, do vấn đề tranh chấp đảo. Đồng thời, nhà văn cũng cảnh báo người dân phải giữ cái đầu lạnh và tỉnh táo trước lời lẽ của các chính trị gia và những nhà luận chiến - những thứ luôn kích động người dân phẫn nộ. “Giữ cái đầu lạnh” có là kinh nghiệm xương máu của chính Murakami - tác gia lớn nhất nước Nhật, một trong những người đảm trách vai trò dẫn dắt về tư tưởng cho đất nước của mình.

Văn của ông có sức ảnh hưởng lớn đến mức, khi mới xuất hiện cách đây gần 3 thập kỷ, ông chỉ như một nhân vật bên lề của làng văn Nhật. Nhưng cũng chính nền văn chương đó đã chủ động thay đổi để biến ông trở thành nhân vật trung tâm vào những năm 2000. “Từ khi có Murakami, chúng ta dễ viết hơn” - các nhà văn Nhật nói với nhau như vậy.

“Trong mắt cộng đồng quốc tế, nói đến văn chương Nhật mà không nhắc đến Murakami cũng như nói đến Việt Nam mà không nhắc đến chiến tranh vậy” - người viết nhớ câu đùa của một nhà nghiên cứu văn học người Nhật khi sang Việt Nam nói chuyện, hồi năm 2012.


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần