PDA

View Full Version : [Tham khảo] Nhà văn Miyazawa Kenji - Cung Trạch Hiền Trị (1896-1933)



Kasumi
10-06-2007, 12:07 PM
Con Người Và Tác Phẩm:

Miyazawa Kenji (Cung Trạch Hiền Trị, 1896-1933) chỉ là nhà văn Nhật muốn đi tìm một cõi đời không tưởng (Utopia) nghĩa là không thể nào thực hiện trong thế giới hữu hạn của chúng ta. Ông vừa cố vấn về nông nghiệp, vừa rao giảng kinh Pháp Hoa, lại làm thơ và viết truyện nhi đồng, sống một cuộc đời vị tha và nhân ái..

Con trai trưởng trong một gia đình làm nghề cầm đồ ở vùng Hanamaki thuộc tỉnh Iwate miền Bắc nước Nhật, nơi nổi tiếng nghèo nàn, dân chúng thường lâm vào cảnh đói kém. Điều này ám ảnh ông nhiều, nhất là vì được nuôi dạt trong truyền thống từ bi của Phật giáo, ông rất thông cảm kiếp sống nhọc nhằn của họ.

Từ nhỏ ông đã làm quen với truyện nhi đồng của Iwaya Sazanami (Nham Cốc, Tiểu Ba, 1870-1933) và thơ Ishikawa Takuboku (Thạch Xuyên, Trác Mộc, 1886-1912), hai nghệ sĩ có tư tưởng cấp tiến. Sau khi học xong bậc trung học, ông không chịu nối nghiệp nhà mà ghi tên vào Trường canh nông Morioka và học ở đó từ năm 1915 đến 1918. Thời ấy ông đã bắt đầu làm thơ (mà ông gọi là “ký họa của tâm hồn”) và đăng những truyện nhi đồng trong tạp chí Azaria do ông sáng lập năm 1917.

Ông ông tự bỏ tiền xuất bản tập thơ Mùa Xuân và Tu La (Haru to Shura,1924).Tu La là một chữ trong kinh Phật có nhiều nghĩa nhưng ý chính hiểu là một cảnh tranh chấp, chém giết hỗn độn.Thơ ông gây được tiếng vang nhưng tập truyện nhi đồng mang tên Quán ăn đòi lắm món (Chuumon no ôi ryôriten) ra đời cùng năm lại bị rơi vào quên lãng. Ra trường xong ông vào dạy Trường canh nông Hanamaki cũng ở trong vùng nhưng từ 1926, đã xin thôi việc để mở một văn phòng cố vấn về canh nông cho dân nghèo.Hành động này làm gai mắt nhà cầm quyền đương thời vì lúc đó phong trào đòi quyền sống do nông dân đề xướng đang bộc phát và họ sợ rối loạn trị an..

Năm 1928, ngã bệnh nhưng ông vẫn cố gắng viết tập văn Đêm theo đường sắt lên Ngân Hà (Ginga tetsudô no yoru) và Matasaburô, đứa con của gió (Kaze no Matasaburô), hai tác phẩm cơ sở của ông..

Ông mất ngày 20 tháng 9 năm 1933 vì bệnh lao lúc mới 37 tuổi.

Trong tác phẩm của ông, ảnh hưởng của Phật Giáo phái Nhật Liên (Nichiren) và tư tưởng xã hội nhân đạo được nhận thấy rõ ràng. Truyện nhi đồng của ông giống như truyện thần tiên, khác hẳn với loại cổ tích mà trẻ em Nhật Bản vẫn được nghe. Nhất là từ khi ông mất, giới phê bình và quần chúng mới bắt đầu tìm thấy những cái hay đẹp trong các tác phẩm của ông (năm 1934, sau khi Đêm theo đường sắt lên Ngân Hà được phát hành). Không những giàu nhạc tính, tươi tắn, dí dõm, đậm đà ngôn ngữ địa phương, tình yêu thiên nhiên và cuộc đời, truyện của ông còn có tính quốc tế, đầy chất thơ, không bị thời gian xoi mòn dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ.




http://img247.imageshack.us/img247/9361/miyazawa2mf7.jpg (http://imageshack.us)

Vùng Đông Bắc Nhật Bản thanh u và nghèo khó, quê hương của Miyazawa Kenji.

(Ảnh nhật báo Nihon Keizai Shinbun, 2006)



Lịch Sáng Tác và Hoạt Động:

-1896: sinh ra ở thôn Hanamaki, tỉnh Iwate, miền Đông Bắc Nhật Bản..

-1903: 7 tuổi, học tiểu học ở quê nhà, từ năm 3 tuổi đã thuộc nhiều kinh kệ Phật Giáo.

-1909: 19 tuổi, lên học trường trung học trên huyện. Ở ký túc xá.

-1910: 14 tuổi, cùng thầy và các bạn leo núi Iwate.

-1911: 15 tuổi, biết đến tập tanka Ichi no Tsuna (Vốc Cát) của Takuboku và bắt đầu làm thơ.

-1913: 17 tuổi, học tham thiền và đọc văn chương Nga.

-1914: 18 tuổi, tốt nghiệp trung học, bắt đầu biết khổ vì yêu.Cảm động khi đọc kinh Pháp Hoa.

-1915: 19 tuổi, vào học Cao Đẳng Canh Nông ở Morioka, thủ phủ của Iwate.Tham gia hoạt động Phật Giáo với bạn học.

-1916: 20 tuổi, lên Tôkyô chơi. Về bắt đầu viết văn và làm thơ với bút hiệu Kenkichi (Kiện Cát).

-1918: 22 tuổi, bắt đầu đi làm sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng Canh Nông. Nghiên cứu về phân bón. Có triệu chứng sức khoẻ kém, hay đau ốm. Về sáng tác, bắt đầu chuyển qua truyện nhi đồng.

-1919: 23 tuổi, quen biết với thi sĩ Hagiwara Sakutarô và chịu ảnh hưởng thơ tượng trưng của tác giả Tsuki ni hoeru (Sủa Trăng). Chuyên chú vào việc đọc sách và thu thập tranh mộc bản Nhật Bản.

1921: 25 tuổi, lại lên Tôkyô, bắt đầu sáng tác mạnh. Những truyện Tsukiyo no denshinbashira (Cột truyền tin trong đêm trăng), Donkuri to yamaneko (Đám hạt dẻ và mèo rừng), Chuumon no ôi ryôriten (Quán ăn đòi lắm món) và tập thơ Fuyu no sukecchi (Ký họa về mùa đông) ra đời vào năm này.

-1922: 26 tuổi, bắt đầu viết Haru to Shura (Mùa Xuân và Tu La), Suisenzuki no yokka (Ngày thứ tư tháng thủy tiên), Yamaotoko no shigatsu (Tháng tư của người rừng). Tự học tiếng Đức và Esperanto. Em gái mà ông rất thương yêu là cô Toshi, mới có 24 tuổi, qua đời. Thương tiếc, ông viết Eiketsu no asa (Buổi mai vĩnh quyết), Musei dôkoku (Khóc không thành tiếng).

-1923: 27 tuổi, viết Hyôganezumi no kegawa (Bộ lông của con chuột vùng băng hà). Lên đảo Karafuto miền cực bắc và viết một số thơ loại banka (tang khúc) để vơi đi nỗi buồn thương xót người em xấu số.

-1924: 28 tuổi, ra tập thơ Hizashi to karekusa (Ánh nắng và cỏ khô), tự bỏ tiền xuất bản 1000 cuốn Mùa Xuân và Tu La. Đưa học trò trường Canh Nông Hanamaki thăm đảo Hokkaidô.

-1925: 29 tuổi, tự học đàn phong cầm và trung hồ cầm. Đăng nhiều thơ trên báo.

-1926: 30 tuổi, viết truyện nhi đồng Opperu to zô (Ozbel và con voi), Neko no jimusho (Văn phòng con mèo). Diễn giảng và viết sách về nghệ thuật của nông dân và cách bón ruộng, canh tác lúa gạo.

-1927: 31 tuổi, khuyến khích nông dân dựng kịch, chơi trung hồ cầm trong giàn nhạc giao hưởng. Viết 2000 trang về cách làm phân bón ruộng. Đồng thời đăng thơ Fuyu to ginga sutêshon (Mùa đông và trạm xe Ngân Hà).

-1928: 32 tuổi, trúng mưa trong khi đang quan sát vụ lúa, mắc bệnh sưng phổi. Mặc dầu đau ốm, viết hai tác phẩm quan trọng nhất văn nghiệp ông: Đêm theo đường sắt lên Ngân Hà (Ginga tetsudô no yoru) và Matasaburô, đứa con của gió (Kaze no Matasaburô).

-1931: 35 tuổi, bệnh hơi đỡ, nhận chức kỹ thư khai thác than đá ở vùng Đông Bắc. Viết Kitamori Shôgun to sannin kyodai no isha (Ba anh em thầy thuốc và ông tướng trấn thủ miền Bắc). Tháng 9, lên cơn sốt ở Tôkyô, chữa không khỏi nhưng phải về quê. Bài thơ Ame ni mo makezu (Không chịu thua mưa gió) viết vào thời điểm này.

-1936: 36 tuổi, trên giường bệnh lại tự học toán. Vẫn viết báo và thơ, kể cả thơ tản văn và haiku.

-1933: 37 tuổi, đi đứng khó khăn nhưng vẫn góp ý với nông dân về việc dùng phân bón. Tiếp tục làm thơ và viết văn nhưng đến ngày 21 tháng 9, sau khi dặn người nhà cho phát kinh Pháp Hoa thì nhắm mắt, ra đi vĩnh viễn.


Nguyễn Nam Trân
erct