PDA

View Full Version : [Tham khảo] Murakami Ryu (1952) - Tiểu thuyết gia hiện đại Nhật Bản



Kasumi
10-06-2007, 12:12 PM
http://img232.imageshack.us/img232/2691/murakamiryucq7.jpg (http://imageshack.us)

Tạp chí Time năm 1997 viết rằng Murakami Ryu là "một trong 11 người sẽ cách mạng hóa Nhật Bản" ("One of the 11 who will revolutionize Japan").

Murakami Ryu sinh năm 1952. Con trai duy nhất của một gia đình song thân làm nghề dạy học, cho đến năm 18 tuổi, ông sống ở Sasebo, Nagasaki, thành phố cảng có căn cứ Hải quân Mỹ, chịu ảnh hưởng văn hóa Âu Mỹ. Thời trung học cấp ba, ông đã là một học sinh ưu tú, tay trống trong ban nhạc Rock, và chủ bút tờ báo trường. Nhằm vào cao trào sinh viên học sinh phản thể chế, phản đế, phản chiến Việt Nam, sự kiện lực lượng Zengakuren - Liên hiệp Sinh viên Học sinh Toàn quốc đến thành phố nầy ngăn chận không cho Hàng không Mẫu hạm nguyên tử của Mỹ vào hải cảng đã tác động mạnh đến ông; năm sau đó, ông cùng bạn bè lập hàng rào phong toả trên sân thượng trường học, chống căn cứ Mỹ ở Sasebo, do vậy mà bị cấm đến trường một thời gian.

Năm 1970, ông lên Tokyo học ở Đại học Nghệ thuật Musashino, ở trọ gần căn cứ quân sự Mỹ Yokota trong hai năm. Ông khởi đầu văn nghiệp với truyện dài "Kagirinaku Tômei Ni Chikai Buru-, Almost Transparent Blue, Màu Xanh Không Ngừng Trong Suốt" năm 1976, mô tả đời sống của lớp người trẻ trong khu vực gần căn cứ quân sự Mỹ, đắm đuối trong văn hoá tính dục, ma túy và nhạc Rock. Tác phẩm đầu tay này đoạt ngay giải Tác Giả Mới - Gunzo, và liền sau đó giải Akutagawa, giải văn học cao quý nhất Nhật Bản, và cho đến nay đã bán đuợc trên 2 triệu cuốn. Ông bỏ đại học, chuyên chú việc sáng tác. Rồi làm việc cho một nhà xuất bản, đảm trách chương trình phát thanh về âm nhạc và phỏng vấn nghệ sĩ, đảm đương chương trình TV, đạo diễn phim ảnh, chứng tỏ tài năng trong nhiều lãnh vực truyền thông.

Ông viết và nói về nhiều đề tài đa dạng: kinh tế, chính trị, giáo dục, sinh học, tính dục, …; đến được gọi là "enfant terrible, đứa con quậy phá khủng khiếp", là "đứa con không ai dự đoán được của văn học Nhật Bản". Tập tiểu luận "Ano Kane De Nani Ga Kaeta Ka?, What Such Money Could Have Bought?, Đáng Lẽ Đã Làm Được Gì Với Số Tiền Như Thế?" của ông đã gây dư luận sôi nổi do những ý kiến độc đáo, thực dụng hay hài hước, về chuyện số tiền 74 tỉ Mỹ kim chính phủ Nhật đã bỏ ra để cứu một số ngân hàng khỏi phá sản khi kinh tế bọt vỡ tung, mà đáng lẽ nên dùng vào những việc khác có ích cho dân chúng hơn. Cuốn sách nêu vấn đề chính trị gia quyết định những ngân sách khổng lồ người dân không tưởng tượng được, mà lại không bị kiểm soát hay đàn hặc gì cả.

Ngoài "Almost Transparent Blue, Màu Xanh Không Ngừng Trong Suốt", tác phẩm của ông được dịch ra tiếng nước ngoài còn có "Coin Locker Babies", "In The Miso Soup", "69",…

"Koinrokka-beibi-zu, Coin Locker Babies, Bé Con Trong Ngăn Tủ Khoá Bằng Đồng Xu", xuất bản năm 1980, được giải thưởng Tác Giả Mới - Noma năm 1981, kể chuyện hai đứa bé bị bỏ rơi trong ngăn tủ khoá ở nhà ga, được nuôi trong trại mồ côi, lớn lên tìm cách trả thù những người đã đối xử tàn tệ với mình, trong bối cảnh xã hội lãnh đạm, tàn nhẫn.

"In Za Miso Su-pu, In The Miso Soup, Trong Chén Xúp Tương", xuất bản năm 1997, đúng vào thời kỳ tệ nạn nữ sinh mại dâm dưới danh nghĩa "enjô kôsai, compensating dating, giao tế có viện trơï" lên đến mức khủng hoảng ở Nhật, kể chuyện một thanh niên Nhật được một du khách Mỹ thuê hướng dẫn đi xem những chốn ăn chơi đồi trụy, rồi xảy ra vụ một nữ sinh mại dâm bị thảm sát, xác cắt rời bị vất bỏ trong bao rác trong khu vực "đèn đỏ" Kabukicho ở Shinjuku, khiến anh ta nghi ngờ người Mỹ nầy là thủ phạm, từ hình dung và hành trạng kỳ dị của ông ta.

"69" xuất bản năm 1987, là truyện dài có tính cách tự thuật kể lại thời trung học cấp ba của nhân vật chính, một cậu trai sống ở thành phố cảng có căn cứ quân sự Mỹ, trong năm 1969, thời kỳ sinh viên học sinh phản thể chế, phản đế, phản chiến; ham thích nhạc Rock, phim ảnh Âu Mỹ, bị ảnh hưởng bởi các xu hướng chính trị đang sôi sục, đồng thời quan tâm đến người khác phái và chuyện tình dục. Truyện nầy đã được quay thành phim với đạo diễn Lee Sang Il, tài tử Tsumabuki Sotoshi và Ando Masanobu.

Tập truyện ngắn nổi tiếng nhất của Murakami Ryu là "Topa-zu, Topaz, Hoàng ngọc" xuất bản năm 1988, thu tập các truyện ngắn phần lớn viết về giới gái mại dâm, ngập ngụa trong vũng lầy dục vọng biến thái của khách đàn ông, nhưng cho thấy những ước vọng nhân tính, khắc khoải hướng thượng. Tập truyện nầy làm nền tảng cho cuốn phim "Tokyo Decadence, Đông Kinh Trụy Lạc" do Murakami Ryu đạo diễn, đã gây sôi nổi ở Đại hội Phim ảnh Ý năm 1992. Cho đến nay, 5 cuốn phim do ông đạo diễn với cước bản dựa trên các tiểu thuyết của ông, đều làm xôn xao dư luận vì những mô tả thẳng thắn đến sống sượng về những chuyện cấm kỵ của xã hội hiện đại. Đặc biệt, xã hội ấy không những dung nhận mà còn tưởng thưởng những tác phẩm nặng tính tả thực của ông.

Kasumi
10-06-2007, 12:12 PM
Tiểu thuyết và phim ảnh của Murakami Ryu tạo sốc. Lối diễn đạt ngổ ngáo có khi trắng trợn của ông không khiêu khích nhưng vẫn chênh vênh ở bờ vực phong hoá, làm những nhà đạo đức phải nhăn mặt.

Tác phẩm của Murakami Ryu giúp người ngoại quốc thấy được mặt trái của Nhật Bản, đất nước của trà đạo, thư pháp, kimono, kabuki, hoa anh đào,… còn đầy cả tham nhũng, dâm thư, những hình thái trụy lạc đến phi nhân,…; nơi mà ai cũng có thể mua được từ máy bán hàng tự động những lon nước ngọt, thức ăn nóng, lạnh, 37 loại lon cà-phê đủ mùi vị,… mà cả thuốc lá, dâm thư, và quần lót dùng rồi của nữ sinh.

Nhân vật của ông là giới trẻ hiện đại, không tin tưởng vào sự đồng thuận với tập thể để đổi lấy sự an toàn và thăng tiến theo thứ tự, như xã hội truyền thống Nhật Bản hứa hẹn và đòi hỏi. Hiện tượng "hikikomori" (socially withdrawn) thu mình lại, tránh tiếp xúc với xã hội, trong giới trẻ đã trở thành phổ biến, như một hệ quả của những biến đổi xã hội trầm trọng do kinh tế Nhật phát triễn mạnh cuối thế kỷ 20. Giới trẻ không thể nào "thu mình lại" kiểu ấy được nếu cha mẹ không đủ giàu để có thể cung cấp sẵn chỗ ở, thức ăn và cả những tiện nghi xa xỉ như máy móc âm hưởng, video, máy tính, điện thoại di động,… Kỹ thuật mới, được xã hội tưởng lệ, như Internet, DVD,… lại tạo nên không gian cá nhân biệt lập, không-gian-ảo mà người ta sống được gần như hoàn toàn trong đó, làm được cả chuyện mua bán, đổi chác, vay trả mà không cần ra khỏi nhà để giáp mặt người khác. Xã hội hậu-hiện-đại Nhật bản đã tạo những sức ép nghẹt thở lên giới trẻ, như "địa ngục luyện thi đại học", các lớp-học-thêm đua tranh ráo riết ngay từ tiểu học,… Đã có những vụ thiếu niên 14 tuổi thủ dao đến trường đâm chết bạn, hay thiếu niên thiếu nữ qua internet rủ nhau tự sát tập thể,… là những biểu hiện cực đoan của sự phản kháng đối với xã hội hiện đại, của giới trẻ, mà phản ứng thường nhật, ở cấp độ nhẹ nhàng hơn, là ngôn hành thô tạp, và lối sống theo kiểu hư vô chủ nghĩa.

Ông cho rằng sự gia tăng của số thiếu niên phạm pháp là hiện tượng chung của các nước tiên tiến, không riêng gì Nhật. Quả thật, hiện tượng "văn hoá trẻ" Nhật Bản, nhất là truyện tranh "manga", phim ảnh hoạt hoạ Nhật: Astro Boy, Pokemon, Yu-Gi-Oh phổ biến và được yêu chuộng nồng nhiệt ở cả phương Tây lẫn phương Đông, cho thấy rằng những vấn đề của giới trẻ Nhật Bản hiện nay có thể cũng sẽ phát hiện ở các nước khác, nhất là những nước đồng văn ở Đông Á.

Sự suy yếu gần như khủng hoảng kinh tế ở Nhật trong những năm gần đây, theo Murakami Ryu, lại có thể là hoàn cảnh tốt cho người Nhật quan tâm khẩn thiết hơn về tương lai mà cố gắng cải thiện xã hội. Bởi kỷ nguyên hiện-đại-hóa khởi từ thời Minh Trị phục hưng đã chấm dứt 20, 30 năm trước rồi; chế độ làm việc chung thân cho một hãng, sự bảo hộ của hãng sở, khu phố, chính phủ, không còn thực chất nữa. Do đấy, cần cổ xướng lối suy nghĩ và hoạt động cá nhân, không phải theo nghĩa chống lại đoàn thể hay xã hội, mà phải là tìm hiểu vai trò của cá nhân để đóng góp hữu hiệu, hay giữ quan hệ thích hợp trong tập thể. Nhất là giới trẻ, không thể cứ chỉ nhắm mắt làm theo lệnh cấp trên hay các bậc trưởng thượng, trong ảo giác an toàn xã hội, mà phải suy nghĩ trong chiều hướng độc đáo cá nhân.

Murakami Ryu cho rằng Nhật bản đang đối đầu với một khúc ngoặt quan trọng, không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa nữa, do đòi hỏi toàn-cầu-hóa về kinh tế và tài chính; như là "lần mở cửa thứ hai" sau lần Minh Trị Duy Tân.

PHẠM VŨ THỊNH
erct