PDA

View Full Version : [Tham khảo] Nhà văn Kawabata Yasunari (1899 – 1972)



Kasumi
16-05-2007, 11:32 PM
Với tư cách nhà văn, ông truyền đạt một sự am hiểu văn hóa, đạo đức - mỹ học bằng một nghệ thuật độc nhất vô nhị, qua đó góp phần vào việc xây dựng cây cầu nối tinh thần giữa phương Đông với phương Tây.

Kawabata Yasunari (11/6/1899 - 16/4/1972)

Giải Nobel văn học 1968

* Nhà văn Nhật Bản
* Nơi sinh: Osaka (Nhật Bản)
* Nơi mất: Kamakura (Nhật Bản)


http://img441.imageshack.us/img441/8017/images1310801kawabata1wg2.jpg (http://imageshack.us)
Kawabata Yasunari

Kawabata Yasunari được trao giải vì những tác phẩm xuất sắc trong đó kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống nghệ thuật Nhật Bản với các thủ pháp cách tân hiện đại của Phương Tây để truyền tải bản chất của ý thức Nhật Bản. Các tiểu thuyết Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô là những kiệt tác tiêu biểu cho sáng tác của ông, lấy nỗi cô đơn của con người làm chủ đề chính, được đánh giá rất cao ở trong và ngoài nước.

Kawabata Yasunari, theo âm Hán Việt là Xuyên Đoan Khang Thành, sinh ra trong một gia đình học thức và giàu có. Cha ông là bác sĩ, nhưng mất khi ông mới 2 tuổi. Một năm sau mẹ ông cũng qua đời, Kawabata phải sống với ông bà. Sau khi ông bà mất, ông sống với họ hàng.

Năm 1920 Kawabata vào học ở khoa Văn học Anh của trường Đại học Tổng hợp Tokyo, lên năm thứ hai ông chuyển sang nghiên cứu văn học Nhật Bản. Ông ra tạp chí sinh viên và viết bài phê bình cho các báo Tokyo.

Sau tốt nghiệp đại học (1924) Kawabata trở thành một trong những nhà sáng lập tạp chí văn học Văn nghệ thời đại (Bungei Jidai), đại biểu cho trào lưu Cảm giác mới (Shinkankakuha) theo định hướng văn học và văn hóa tiên phong Châu Âu, phủ nhận chủ nghĩa tự nhiên, cổ xúy cho những thử nghiệm phong cách và đặt cảm xúc và cảm giác vào trung tâm chuyện kể.

Năm 1927 truyện ngắn Vũ nữ Izu là thành công văn chương đầu tiên của Kawabata, kể về mối tình lãng mạn của một chàng sinh viên với nàng vũ nữ trẻ - biểu tượng của cái đẹp trinh bạch, vô tội.

Mặc dù tự thừa nhận mình chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực phương Tây, Kawabata vẫn lấy văn chương cổ điển Nhật Bản làm nền tảng. Từ những năm 1930 sáng tác của Kawabata trở nên truyền thống hơn. Năm 1934 ông bắt đầu viết Xứ tuyết (hoàn thành năm 1947) kể về mối tình vô vọng của một cô geisha với một chàng trai thành phố. Qua tác phẩm này và tiểu thuyết xuất sắc Ngàn cánh hạc (1949), Kawabata thể hiện nghệ thuật bậc thầy trong miêu tả tâm lí phụ nữ. Bằng văn phong đặc biệt xúc cảm với những miêu tả trữ tình về cuộc sống thiên nhiên và số phận con người u ẩn nỗi buồn tinh tế, nhà văn gợi nên sự thoáng chốc và ngắn ngủi của cuộc đời.

Những năm Thế chiến II nhà văn cố gắng không quan tâm đến các vấn đề chính trị, dành nhiều thời gian đi du lịch và nghiên cứu. Các tác phẩm quan trọng thời kì sau chiến tranh Ngàn cánh hạc (1949), Tiếng rền của núi (1954) và Cố đô (1962) đã tôn vinh Kawabata như một nhà văn lớn của Nhật Bản thời hiện đại.

Năm 1948 đến 1965 Kawabata giữ chức vụ chủ tịch Hội Văn bút Nhật Bản, sau năm 1959 ông là phó chủ tịch Hội Văn bút Quốc tế.

Năm 1953 Kawabata trở thành viên Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nhật Bản. Năm 1959 ông được tặng Huân chương mang tên Goethe tại Frankfurt.

Năm 1968 Kawabata là nhà văn Nhật Bản đầu tiên nhận giải Nobel Văn học vì "với tư cách nhà văn, ông đã truyền đạt một nhận thức văn hóa có tính thẩm mĩ và đạo đức cao bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo, do đó đóng góp vào cầu nối tinh thần Đông - Tây theo cách của ông" (Giới thiệu giải Nobel Văn học năm 1968 của Viện Hàn lâm Thụy Điển).

Bốn năm sau, nhà văn 72 tuổi tự sát bằng khí gas tại nhà riêng. Đây là một điều bất ngờ và trớ trêu của số phận, bởi vì Kawabata luôn phê phán việc tự sát. Do Kawabata không để lại thư tuyệt mệnh nên người ta không biết động cơ thực sự trong cái chết của ông.

Trong số tác phẩm Kawabata để lại, ngoài tiểu thuyết, truyện ngắn, còn có nhiều "truyện ngắn trong lòng bàn tay”.

Kawabata là một trong những nhà văn Nhật Bản được dịch nhiều nhất ở Việt Nam; có những tác phẩm của ông có đến vài bản dịch.

* Tác phẩm:

- Lễ chiêu hồn (Shokogai ikai, 1920), truyện ngắn.

- Thư gửi mẹ cha (Fubo e no tergami), tự truyện.

- Cảm giác của cô nhi (Koji no kanjou), tự truyện.

- Bậc thầy tang lễ (Soshiki no meijin), tự truyện.

- Thiếu niên (Shonen), tự truyện.

- Tên cha (Chichi no na), truyện ngắn.

- Dầu lửa (Abura), truyện ngắn.

- Cái nhìn cuối cùng (Matsugo no me), tùy bút.

- Người tái hôn (Saikonsha), tùy bút.

- Thanh âm trong suốt (Junsui no koe), tùy bút.

- Nhật kí tuổi mười sáu (Jurokusai no nikki, viết 1914, in 1925), nhật kí.

- Vũ nữ Izu (Izu no odoriko, 1927), truyện ngắn .

- Hồng đoàn Asakusa (Asakusa Kurenai-dan, 1930), tiểu thuyết.

- Cầm thú (Kinju, 1933), truyện ngắn.

- Xứ tuyết (Yukiguni, 1937), tiểu thuyết [Snow country].

- Ngàn cánh hạc (Sembazuru, 1949), tiểu thuyết [Thousand cranes].

- Tiếng rền của núi (Yama-no oto, 1949), tiểu thuyết [The sound of the mountain].

- Hồ (Mizuumi, 1954), (The lake, 1955), tiểu thuyết

- Người đẹp ngủ say (Nemu reru bijo, 1960), tiểu thuyết [The sleeping beauty].

- Cố đô (Kyoto, 1962), tiểu thuyết [The old capital].

- Cánh tay (Kataude, 1964), truyện ngắn.

* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:

- Rập rờn cánh hạc (nguyên tác: Sembazuru, tiểu thuyết), Nguyễn Tường Minh dịch, NXB Sông Thao, 1970.

- Ngàn cánh hạc, Trùng Dương dịch, NXB Trình Bày, 1969.

- Xứ tuyết, Chu Việt dịch, NXB Trình Bày, 1969.

- Vùng băng tuyết (nguyên tác: Yukiguni, tiểu thuyết), Giang Hà Vỵ dịch, NXB Mũi Cà Mau, 1988.

- Xứ tuyết, Vũ Đình Bình - Ngô Văn Phú dịch, NXB Hội Nhà Văn, 1995.

- Cố đô, Thái Văn Hiếu dịch, NXB Hải Phòng, 1988.

- Tiếng rền của núi (tiểu thuyết), Ngô Quý Giang dịch, NXB Thanh Niên, 1989.

- Người đẹp say ngủ (tiểu thuyết), Vũ Đình Phòng dịch, NXB Văn Học, 1990.

- Kawabata cuộc đời và tác phẩm, Giang Hà Vị - Thái Văn Hiếu biên soạn, NXB Giáo Dục, 1997.

- Người đàn ông không cười, Vương Trí Nhàn dịch, in trong Con đường dưới ánh trăng, NXB Phụ Nữ, 1984; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1997.

- Trăng soi đáy nước, Nguyễn Đức Dương dịch, in trong Tập truyện ngắn nước ngoài chọn lọc, NXB Quân Đội Nhân Dân, 1998.

- Sự sống dưới tấm mặt nạ, Xuân Tước dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc - tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.

- Vịnh cánh cung, Vũ Đình Bình dịch, in trong 100 truyện ngắn hay thế giới, NXB Hội Nhà Văn, 1999; Truyện ngắn chọn lọc - tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 1998; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà Văn, 2004.

- Tuyển tập Kawabata, Ngô Quý Giang dịch, NXB Hội Nhà Văn, 2001.

- Tiếng tre, hoa đào, Nguyễn Hòa dịch, in trong tập truyện ngắn Đồng đô la bất hạnh, NXB Lao Động, 1982; Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 1997; Truyện ngắn đặc sắc các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn Học, 2004.

- Kẻ trộm hồ đào, Chiếc nhẫn, Trang điểm, Tình yêu đáng sợ, Cố hương, Gương mặt, Cao xanh lộng gió, Hiện hữu thần linh, Bình dễ vỡ, Miền ánh sáng, Tuyết, Gương mặt người chết, Hoàng Long dịch, in trong Truyện dịch Đông Tây (tập 5, tập 6), NXB Lao Động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005.

- Kawabata. Tuyển tập tác phẩm, nhiều người dịch, NXB Lao Động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005.

[I]© Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
VNN

Kasumi
16-05-2007, 11:34 PM
Tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển
Anders Österling, Viện Hàn lâm Thụy Điển


Người nhận giải Nobel văn chương năm nay, Yasunari Kawabata người Nhật Bản, sinh năm 1899 tại thành phố công nghiệp lớn Osaka. Cha ông là một bác sĩ có học vấn cao và quan tâm đến văn chương. Tuy nhiên, từ khi ông còn rất nhỏ, cha mẹ ông đột ngột qua đời khiến ông không còn được thụ hưởng môi trường dưỡng dục thuận lợi đó. Là con một, ông được đưa đến sống ở nhà người ông mù lòa bệnh tật ở một vùng xa xôi hẻo lánh của Nhật Bản. Những mất mát bi thảm đó, mà đối với người Nhật vốn có cảm thức sâu xa về tình máu mủ thì lại càng có tầm quan trọng to lớn, chắc chắn đã ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới quan của Kawabata và là một trong những lý do khiến sau này ông đi vào nghiên cứu triết học Phật giáo.

Từ khi còn là sinh viên đại học hoàng gia Tokyo ông đã sớm quyết định sẽ theo con đường văn nghiệp, và ông là ví dụ tiêu biểu cho sự toàn tâm toàn ý vốn luôn luôn là một điều kiện [cần thiết] cho thiên hướng văn chương. Trong một truyện ngắn thời trẻ, câu truyện đầu tiên khiến người ta chú ý đến ông vào tuổi hai mươi bảy, ông kể về một chàng thanh niên một mình tản bộ suốt mùa thu trên bán đảo Izu, tình cờ gặp một vũ nữ trẻ bị người đời khinh miệt và có một mối tình cảm động với cô; cô mở rộng trái tim trong trắng đón nhận chàng trai và chỉ cho anh con đường hướng đến cảm xúc sâu sắc và thuần khiết. Giống như điệp khúc buồn trong một bài hát dân gian, chủ đề này trở đi trở lại với nhiều biến thể khác nhau trong những sáng tác về sau của ông; ông trình bày thang giá trị của riêng ông, và cùng với năm tháng ông đã được thừa nhận ở rất xa ngoài biên cương nước Nhật. Quả thật là đến nay trong số tác phẩm của ông chỉ mới có ba tiểu thuyết và một vài truyện ngắn được dịch ra tiếng nước ngoài, rõ ràng là bởi trong trường hợp này việc dịch thuật là đặc biệt khó khăn và có cơ trở thành một bộ lọc quá ư thô thiển mà qua đó nhiều sắc thái nghĩa tinh tế trong ngôn ngữ giàu biểu cảm của ông ắt sẽ bị đánh mất. Nhưng các tác phẩm được dịch ra cũng đã cho chúng ta một bức tranh đủ tiêu biểu cho nhân cách của ông.

Cũng như người đồng bào lớn tuổi hơn là Tanizaki nay đã quá cố, Kawabata thừa nhận mình chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực hiện đại của phương Tây, song đồng thời, một cách còn trung thành hơn thế, ông vẫn trụ vững trong văn chương cổ điển Nhật Bản và do đó là đại diện cho một khuynh hướng rõ rệt nhằm trân quý giữ gìn một truyền thống thuần túy dân tộc. Trong nghệ thuật tự sự của Kawabata ta vẫn có thể tìm thấy một chất thơ nhạy cảm có nguồn gốc từ những bức tranh rộng lớn của Murasaki khắc họa đời sống và cung cách Nhật Bản vào khoảng năm 1000.

Kawabata được đặc biệt ca ngợi như một nhà tâm lý phụ nữ thật tinh tế. Ông đã chứng tỏ sự điêu luyện bậc thầy của mình ở lĩnh vực này trong hai tiểu thuyết ngắn là Xứ tuyết và Ngàn cánh hạc. Trong các tiểu thuyết này tác giả cho thấy khả năng kiệt xuất trong việc minh họa các cảnh huê tình, một khiếu quan sát nhạy bén, cả một hệ thống những giá trị vi tế và huyền bí mà so với chúng thì kỹ thuật tự sự châu Âu có vẻ thật mờ nhạt. Văn Kawabata làm ta nhớ đến hội họa Nhật Bản; ông là người tôn thờ cái đẹp mong manh và ngôn ngữ buồn man mác của sự hiện tồn trong đời sống của thiên nhiên và số phận con người. Nếu sự phù du của mọi hành vi bên ngoài có thể sánh với những túm cỏ vật vờ trên mặt nước thì đó chính là nghệ thuật thơ hài cú, cái nghệ thuật cực tiểu thuần túy Nhật Bản được phản ánh trong phong cách văn xuôi của Kawabata.

Kasumi
16-05-2007, 11:34 PM
Cho dù [người phương Tây] chúng ta cảm thấy mình bị xa cách khỏi văn ông bởi [trong văn ông là] một hệ thống cội nguồn gồm những ý tưởng và bản năng Nhật Bản cổ xưa vốn xa lạ với chúng ta, chúng ta vẫn có thể thấy thú vị khi nhận thấy ở Kawabata một số sự tương đồng về khí chất với các nhà văn châu Âu trong thời đại chúng ta. Turgeniev là người đầu tiên nảy đến trong trí chúng ta, bởi Turgeniev cũng là một người kể chuyện nhạy cảm một cách sâu sắc, một họa sĩ khắc họa một cách khoáng đạt bức tranh xã hội, với sự cảm thông mang màu sắc bi quan trong một thời chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới.

Tác phẩm gần đây nhất của Kawabata cũng là tiểu thuyết đặc sắc nhất của ông, Cố đô, được hoàn tất cách đây sáu năm và đã được dịch ra tiếng Thụy Điển. Chuyện kể về một cô gái trẻ là Chiëko, bị cha mẹ đẻ bỏ rơi vì túng quẫn, được gia đình thương nhân Takichiro nhận làm con nuôi và nuôi dạy theo những nguyên tắc Nhật Bản cổ xưa. Nàng là một con người nhạy cảm, thủy chung, chỉ trong sâu thẳm nàng mãi mới băn khoăn về nguồn gốc thật của mình.

Theo một quan điểm lạ lùng của dân gian Nhật Bản, nếu một đứa trẻ bị bỏ rơi mang một lời nguyền suốt đời, thêm vào đó lại còn là trẻ sinh đôi thì ắt nó sẽ mang một vết nhơ ô nhục. Một ngày nọ nàng tình cờ gặp một cô gái khá trẻ và xinh xắn đang làm việc trong một cánh rừng tùng gần thành phố và nhận ra rằng đó là người chị em song sinh của nàng. Họ gắn bó khăng khít với nhau vượt ngoài ranh giới giai cấp – Naeko khoẻ mạnh, rắn rỏi nhờ lao động và cô Chieko mảnh mai tinh tế mà cha mẹ cưng như trứng mỏng, nhưng chẳng bao lâu sự giống nhau kỳ lạ giữa hai người gây nên những sự nhầm lẫn và phức tạp. Toàn bộ câu chuyện được đặt trong bối cảnh năm lễ hội tôn giáo ở Kyoto, từ mùa xuân hoa đào nở cho đến mùa đông tuyết phủ.

Bản thân thành phố Kyoto là nhân vật chính, kinh đô của vương quốc xưa, từng là nơi ngự của Thiên hoàng và triều đình, sau một ngàn năm vẫn là một chốn linh địa đầy lãng mạn, quê hương của nhiều ngành mỹ thuật và thủ công tinh tế, ngày nay bị ngành du lịch khai thác nhưng vẫn là chốn hành hương yêu thích của nhiều người. Với các đền thờ Thần đạo và chùa chiền Phật giáo, các khu làng nghề và vườn thực vật cổ xưa, nơi đây có một chất thơ mà Kawabata biểu đạt một cách trìu mến và trang nhã, không cường điệu đa cảm song hiển nhiên đầy quyến rũ và đầy cảm xúc.

Ông đã nếm trải sự thất bại nặng nề của đất nước mình [trong Thế chiến thứ hai] và nhất định ông hiểu rõ tương lai đòi hỏi cái gì [ở đất nước ông] theo lối tinh thần, nhịp độ và sức mạnh phát triển không ngừng [của thời đại] công nghiệp. Nhưng trong làn sóng Mỹ hóa dữ dội thời hậu chiến, tiểu thuyết của ông là lời nhắc nhở nhẹ nhàng về sự cần thiết phải cứu giữ một cái gì đó của vẻ đẹp và đặc tính Nhật Bản xưa trước cái mới. Ông mô tả những lễ hội tôn giáo ở Kyoto cũng một cách chu đáo tỉ mỉ hệt như khi mô tả việc trong nghề dệt người ta phải kỳ công lựa chọn mẫu hoa văn của chiếc thắt lưng truyền thống sao cho hợp với chiếc áo dài của phụ nữ. Những khía cạnh này của cuốn tiểu thuyết có thể có giá trị tư liệu, nhưng độc giả không thích bằng những đoạn mang tính đặc thù sâu sắc chẳng hạn như khi nhóm người thuộc lớp trung lưu ở thành phố đi dạo trong vườn thực vật - vốn đã bị đóng cửa một thời gian dài vì quân đội Mỹ chiếm đóng đặt doanh trại ở đó - để xem liệu con đường hai bên là hai hàng cây long não mà họ ưa thích trước kia có còn nguyên vẹn để làm vui mắt người sành sỏi hay không.

Với Kawabata, lần đầu tiên Nhật Bản gia nhập câu lạc bộ những người đoạt giải Nobel văn chương. Điều cốt yếu để [Viện Hàn lâm Thụy Điển] đi đến quyết định này là, với tư cách nhà văn, ông truyền đạt một sự am hiểu văn hóa, đạo đức - mỹ học bằng một nghệ thuật độc nhất vô nhị, qua đó góp phần vào việc xây dựng cây cầu nối tinh thần giữa phương Đông với phương Tây.

Thưa Ngài Kawabata,

Lời khen tặng của Viện Hàn lâm Thụy Điển nhắc đến nghệ thuật tự sự điêu luyện của Ngài, một nghệ thuật tự sự biểu đạt một cách rất mực tinh tế cái yếu tính của tâm thức Nhật Bản. Chúng tôi rất lấy làm vui được đón chào Ngài, một vị khách danh dự từ phương xa đến đây, trên chiếc bục này hôm nay. Thay mặt Viện Hàn lâm Thụy Điển, tôi xin nồng nhiệt chúc mừng Ngài, và xin mời Ngài nhận giải thưởng Nobel văn chương năm nay từ tay Hoàng Thượng.

Trần Tiễn Cao Đăng dịch
VNN

ZenG
19-05-2007, 02:35 PM
cảm ơn KA rất nhiều, em đanh tìm tư liệu về nhà văn này

Cốm
27-08-2007, 08:04 PM
Kawabata

http://www.nga.gov.au/Exhibition/KarshShmith/Images/MED/49368.jpg

Yasunari Kawabata (1899 – 1972) nổi tiếng trên văn đàn thế giới sau khi ông đoạt giải Nobel văn họ năm 1986, đúng một trăm năm Nhật Bản tiến hành công cuộc Duy tân và thành công rực rỡ kể từ năm Thiên Hoàng Minh Trị (Meiji) lên ngôi (1868).

Yasunari Kawabata thường được xem là nhà văn tiêu biểu của tâm hồn Nhật Bản. Tác phẩm của ông kết tinh những tố chất đẹp nhất của truyền thống văn chương Nhật Bản mà người ta thường tìm thấy trong các kiệt tác tiểu thuyết và tuỳ bút thời Heian (794 – 1185), trong sân khấu No, trong thơ Haiku…

Tuy nhiên, Yasunari Kawabata vẫn là nhà văn rất hiện đại. Vận dụng những kỹ thuật văn chương và thể tài hiện đại, ngòi bút tài hoa của ông đã phục sinh văn xuôi Nhật Bản bằng cách đan dệt những yếu tố có vẻ tương phản như cũ và mới, sống và chết, thực và ảo, con người và ngoại vật…

Một tuổi trẻ cô đơn

Yasunari Kawabata sinh ở Osaka, mồ côi cả cha lẫn mẹ ngay lúc tuổi còn thơ. Sau đấy là những cái tang dồn dập khác của bà ngoại, chị gái rồi ông ngoại.
Đứa trẻ ốm yếu lại côi cút Yasunari Kawabata chỉ còn biết tựa mình vào năng lực sáng tạo, phong kín vết thương tâm hồn của mình bằng cuộc tìm kiếm mêm mải cái đẹp trong cuộc đời.

Ở tuổi đôi mươi, Yasunari Kawabata lại đánh mất một người mà ông hết lòng yêu thương, một thiếu nữ ông gọi là Chiyo. Ông đã cũng nàng hứa hôn nhưng khi mọi việc chuẩn bị xong, nàng bất ngờ từ hôn, không một lời giải thích.
Cảm thức cô đơn trong văn phẩm Yasunari Kawabata thường phản ánh chính cuộc sống thời thơ ấu và tuổi trẻ của ông.

Cái cô đơn ấy bắt đầu với tập Nhật ký tuổi mười sáu. Khi nó được xuất bản vào năm 1925, tác phẩm đầu tay này có lẽ đã được viết lại dù trong đó, ấn tượng của một thiếu niên trước cái chết của người thân (ông ngoại) vẫn còn rõ nét. Những ngày cuối cùng khốn khổ của một người già yếu mù loà, cuộc sống cô độc của một thiếu niên nhỏ bé đối diện với sinh li tử biệt được thể hiện chân thực.

Hồi còn bé, Yasunari Kawabata vẫn mơ ước vẽ tranh. Nhưng đến tuổi 15, ông cảm thấy mình có tài viết hơn là vẽ, nên quyết định chọn con đường văn chương. Do đó mà trong văn xuôi Yasunari Kawabata, những phong cảnh thiên nhiên và thế giới tâm hồn không ngớt mở ra trước mắt ta những màu sắc tinh tế.

Thơ ca và truyện ngắn của Yasunari Kawabata được ấn hành ngay từ lúc ông còn là học sinh trung học. Tình yêu thơ ca thấm đượm trong từng trang văn của ông, đặc biệt với loại truyện rất ngắn mà ông gọi là truyện ngắn trong lòng bàn tay, loại truyện mà ông luôn thích viết trong suốt cuộc đời mình, như ông từng tự bạch: “Tuổi trẻ trong đời nhiều nhà văn thường dành cho thơ ca, còn tôi, thay vì thơ ca, tôi viết những tác phẩm nhỏ gọi là truyện ngắn trong lòng bàn tay… Hồn thơ những ngày trẻ tuổi của tôi sống sót trong những câu chuyện ấy”.

Vào đại học Tokyo, Yasunari Kawabata nghiên cứu cả văn học Anh lẫn văn học Nhật. Ông say mê thơ văn cổ điển dân tộc như Truyện Gengi, Sách gối đầu… lẫn các tác giả hiện đại Tây phương như Prutx, Gioix…

Chọn con đường riêng cho mình, Yasunari Kawabata tự bạch: “Tôi đã tiếp nhận nồng nhiệt văn chương Tây phương hiện đại và tôi cũng đã thử bắt chước nó, những chủ yếu tôi là một người phương Đông và suốt 15 năm qua tôi chưa từng đánh mất phong cách ấy của mình.”

Thế giới của cái đẹp

Thế giới của Yasunari Kawabata là thế giới của cái đẹp, là chiếc gương soi của cái đẹp. Đôi mắt ông không ngừng tìm kiếm, khám phá những vẻ đẹp trong thiên nhiên, trong sự vật, trong con người.

Thế giới của Yasunari Kawabata làm nên bằng những tác phẩm tinh tế sau đây, mỗi tác phẩm như một bài thơ văn xuôi: Cô vũ nữ xứ Izu (1926), Truyện ngắn trong lòng bàn tay (1926), Xứ tuyết (1948), Ngàn cánh hạc ( 1949), Tiếng rền của núi (1954), Người đẹp say ngủ (1961), Cố đô (1962), Cánh tay (1965), Cái đẹp và nỗi buồn (1965)…

Tác phẩm thực sự thành công đầu tiên của Yasunari Kawabata là tiểu thuyết ngắn Cô vũ nữ xứ Izu hoàn thành năm ông 27 tuổi. Dấu ấn phong cách đầy chất thơ cũng như chủ đề của nó về cái đẹp trinh bạch sẽ hồi quang phản chiếu trong nhiều kiệt tác sau này của Yasunari Kawabata như Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc…

Cô vũ nữ xứ Izu kể về một cô gái non trẻ thuộc một gánh múa lưu động mà nhân vật “tôi”, một học sinh đi du ngoạn, gặp gỡ ở bán đảo Izu. Giữa hai người trẻ tuổi là một con suối tình cảm nồng ấm, nhẹ nhàng và hầu như trong suốt. Kết thúc là cuộc chia tay như giấc mộng tàn. Tác phẩm mang một vẻ đẹp tươi mát, trong ngần như “con suối đầy tràn nước sau trận mưa, óng ánh dưới mặt trời vào ngày mùa thu trong veo của xứ Izu, khi tiết trời vẫn còn ấm áp như mùa xuân”.

Từ mùa xuân năm 1935, Yasunari Kawabata viết những trang đầu của một tác phẩm rồi ra sẽ trở thành quốc bảo của văn học Nhật Bản hiện đại mang tên là Xứ tuyết. Mất 12 năm, tác phẩm mới hoàn tất, sau cuộc thế chiến thứ hai 2 năm. Trong tiểu thuyết này, nhân vật Shimamura từ Tokyo đáp tàu lên phương bắc xứ tuyết vì tình yêu đối với thiên nhiên mê hồn và con người trong sáng ở đấy. Chàng đến 3 lần, qua các mùa khác nhau: xuân, đông và thu. Cái đẹp của tuyết, của các mùa và phụ nữ luôn luôn lấp lánh qua từng trang văn đẹp như thơ.

Sau thế chiến thứ hai, đứng trước cảnh tang thương của đất nước, Yasunari Kawabata tuyên hứa rằng ông sẽ sống như hồn thiêng sông núi và từ nay ông sẽ chỉ viết ra những tác phẩm bi ca mà thôi. Lần lượt những khúc bi ca trong dạng tiểu thuyết ra đời: Danh thủ cờ go, Tiếng rền của núi, Hồ, Cố đô, Cánh tay, Cái đẹp và nỗi buồn, tóc dài…

Với các tác phẩm phảng phất một niềm bi cảm đẹp đẽ, Yasunari Kawabata dường như thắp sáng lại ngọn đèn huyền ảo nghìn xưa bằng ánh lửa mới. Ánh lửa ấy dung hợp trong nó tính hiện đại sắc sảo với phong thái cô đọng của thơ haiku, dòng ý thức đầy phức tạp của con người thế kỷ XX với tinh thần trầm mặc của Thiền tông…

Tác phẩm của Yasunari Kawabata tạo nên một nguồn cảm hứng lớn lao, thúc đẩy mọi người khám phá cái đẹp trong thế giới quanh mình như chính ông đã sáng tạo không ngừng để cứu vớt cái đẹp ra khỏi sự trầm luân dung tục.

Cái chết của ông vào ngày 16/4/1972 ở thành phố Kamakura kết thúc cuộc đời dủa một lữ khách tận hiến tâm hồn cho cuộc tìm kiếm cái đẹp. Nhưng cái đẹp mà ông đã sáng tạo vẫn còn đó, và còn vươn tới ngày mai.

(trích từ sách Văn học 12 – tập 2)