Choji Suzuki – Nạp năng lượng mới từ Karate
Võ sư Choji Suzuki là người Nhật Bản đầu tiên truyền bá Karate Do vào Việt Nam, góp phần thiết lập mặt bằng vững vàng cho Karate Việt Nam cất cánh.
Ngày nay, hệ phái Suzucho Karate Do do ông sáng lập và làm chưởng môn đã phát triển rộng khắp không chỉ trong nước mà còn ở cả Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Bỉ, Nga, Italia, Áo… với hàng vạn môn đồ, góp phần đào luyện nên những thế hệ thanh niên thông minh, đẹp và khỏe mạnh, bước vào đời tràn đầy năng lượng sống. Những huấn luyện viên nổi tiếng như Đoàn Đình Long, Lê Công… và nhiều vận động viên trong đội tuyển Karate Việt Nam hiện nay đều là môn đồ của Võ sư. Võ nghiệp như vậy đã đáng để tôn xưng ông thành bậc sư tổ.
Người sĩ quan Nhật ở lại Việt Nam
Choji Suzuki sinh năm 1919 tại Miyagi, một tỉnh miền Bắc Nhật Bản. Thời tuổi trẻ, ông rèn luyện Nhu đạo và tập Karate với một Thiền sư. Tuổi 19, khi tới Tokyo lập nghiệp, vào những ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ, ông vẫn lặn lội về tận Nagasaki để thụ giáo bí kíp môn Karate cổ truyền với một Samurai từ lâu đã ẩn tích mai danh. Năm 1940, khi 21 tuổi, ông bị tổng động viên gia nhập quân đội Nhật hoàng. Cuối năm 1944, ông tới Việt Nam. Năm 1945, Nhật đầu hàng, kết thúc Đệ nhị Thế chiến. Choji Suzuki ở lại Việt Nam tham gia Mặt trận Việt Minh kháng chiến chống Pháp với cấp bậc Đại úy, lấy tên là Phan Văn Phúc. Trên đường đi công tác từ Quảng Ngãi vào Tam Quan, ông hay nghỉ chân nơi quán nước ven đường của cô Minh Lệ, hai người quen nhau, thành vợ thành chồng rồi có ba mặt con: Phan thị Ngọc Mỹ (Michiko Suzuki), Phan Văn Minh Đức (Tokuo Suzuki), Phan Văn Minh Ý (Eiji Suzuki).
Sau Hiệp định Geneve 1954, ông cùng gia đình về định cư ở Huế và từ 1960 bắt đầu mở võ đường. Thêm nhiều võ đường khác được lần lượt phát triển về sau và dần dần hình thành nên một hệ phái riêng có tên gọi Suzucho Karate Do. Suzucho được ghép tắt của 2 từ Suzuki và Choji và bởi tên chưởng môn sáng lập gọi theo Hán tự có nghĩa là Linh Trường, thể hiện khát vọng lưu lại sự nghiệp dài lâu như tiếng chuông ngân vang, cho nên Suzucho Karate Do còn được gọi là Linh Trường Không Thủ Đạo. Năm 1978, ông đưa gia đình trở lại quê nhà tại Nhật Bản sau gần 40 năm lưu lạc và trở thành người bắc nhịp cầu giữa Karate Việt Nam và Karate quốc tế hiện đại.
Hệ phái do Choji Suzuki sáng lập và làm Chưởng môn có nguồn gốc từ một hệ phái Karate cổ có tên là Takeno Uchi Ryu (tức Trúc Chi Nội Lưu). Các môn đồ của ông về sau này đã nhận định rằng, toàn bộ hệ thống triết học của hệ phái do ông sáng lập được ngầm chứa trong 9 bài quyền đặc dị, gồm 6 bài YEN và 3 bài MAKI. YEN là đồng tiền, biểu tượng của sự giàu có, phong phú. Tập luyện Karate là quá trình tự thăng hoa mình, quá trình hun đúc cho mình cái tâm tràn đầy như nước, cái thần trong sáng như trăng, cái đức nhân ái, công bằng và cao thượng, cái trí thấu đáo mọi lẽ, cái cốt ung dung, trầm tĩnh, đĩnh đạc. Đó là quá trình đạt đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ. MAKI là quyền lực, sức mạnh. Trui rèn karate còn là quá trình hun đúc cho mình bản lĩnh, quyền năng để vượt thắng những tác động của thiên nhiên như gió mưa, nóng lạnh, những cám dỗ của trần thế như sắc đẹp, tiền tài, danh vọng và cả những nỗi sợ hãi trước lẽ thành bại, được mất, sống chết của kiếp người.
Cảm giác đầu tiên khi mọi người gặp ông thường là sự choáng ngợp trước vóc dáng to lớn, đường bệ. Thế nhưng thân pháp của ông lại cực kỳ nhanh nhẹn, dũng mãnh, tốc độ ra đòn nhanh như chớp, đặc biệt là đòn đá Ushiro Kekomi Geri khó có ai tránh né hoặc đỡ nổi. Khi mới được truyền bá vào Việt Nam, Karate ngày ấy còn là một ẩn số lạ lùng và đầy lôi cuốn về tinh thần võ sĩ đạo, về võ công kinh người của các chiến binh Samurai, nay được thụ giáo trực tiếp với vị võ sư người Nhật, ai nấy hãnh diện lắm.
Dưới sự chỉ dẫn của ông, sự kiêu căng ngạo mạn của người mới bước vào nghề võ mất dần theo năm tháng. Không chỉ dạy kỹ thuật, ông dành nhiều thời gian để nói về võ đạo, hướng dẫn từ cách đi đứng, tác phong ăn mặc, cung cách cúi chào, làm sao cho vừa khiêm cung, vừa uy vũ. Ông chỉ dạy học trò với tất cả sự tận tâm và kiên nhẫn hiếm thấy.
Bắt đầu và kết thúc cùng bằng lễ
Trường phái Takeno Uchi mà ông được thọ giáo vốn chỉ truyền thụ giới hạn cho một số môn đồ thiền tông với một giới hạn gắt gao. Cách truyền thụ của các bậc đại sư rất lạ thường, là chỉ vạch ra một con đường rồi để học trò đối mặt với thực tại, nhiều khi lúng túng như mò mẫm trong bóng đêm. Với nỗ lực tưởng chừng như đến lúc tuyệt vọng thì bất ngờ ở cuối đường hầm cánh cửa chợt hé mở ngập tràn ánh sáng thức ngộ (satori). Đó là lối dạy “trực chỉ nhân tâm” nhằm khai phóng bản ngã, vượt qua những giới hạn thông thường. Khi trong lòng ngập tràn cảm xúc về sự chỉ dẫn ấy thì người môn sinh sẽ kiên trì chỉ tập trong suốt ba năm đòn đấm thẳng (Teken Tsuki) tưởng chừng đơn giản mà không chán nản, tập đến mức nhanh như cắt, mạnh như vũ bão, trở thành một đòn đánh về sau này lừng danh trong khắp giới võ thuật toàn cầu.
Học võ như hành giả, phải mất cả đời rèn luyện. Bản thân ông từ những ngày đầuluyện võ đã phải trải qua những thử thách ghê gớm về tinh thần và thể xác. Suốt thời gian dài, ông chỉ ngồi trước cổng chùa dùng tay chụp ruồi bu trên chén cơm từ sáng đến chiều tối. Sau đó, dùng đũa… gắp những con ruồi đang bay. Cậu võ sinh trẻ tuổi lúc ấy đâu biết rằng, những động tác tưởng chừng vô nghĩa ấy là cả một sự rèn luyện chữ nhẫn và sức mạnh để tung đòn chém cạnh tay (Shuto) dữ dội và đòn tấn công quyết định (Atemi) loại đối thủ khỏi vòng chiến đấu. Những điều ấy ông đều truyền thụ lại cho các môn đồ. Có những điều phải trải qua thời gian họ mới “ngộ” ra được và sửng sốt khi hiểu được nguyên lý “Karate không tấn công trước” (Karate no go sen) mà chủ yếu để hóa giải đòn thế đối phương và tự vệ, hoặc thế nào là “tâm sáng như trăng rằm” (Tsuki no kokoro).
Ai đã từng thọ giáo Linh Trường Không Thủ Đạo đều không quên, Karate bắt đầu bằng lễ, kết thúc cũng bằng lễ. Từ Nhật Bản, trong những ngày cuối đời, Choji Suzuki, người sĩ quan của đoàn quân Thiên Hoàng nhận Việt Nam là quê hương thứ hai vẫn thường gửi thư về cho các môn đồ của mình căn dặn: “Hãy sống cho tốt”. Vợ ông, Sư mẫu Leiko Suzuki cũng viết: “Hãy để cho những cái gì vướng mắc theo cái cũ mà trôi đi. Hãy hướng về tương lai bằng con tim nhân ái, công bằng vào cao thượng. Hãy sống sao cho các thế hệ học trò các con cũng thương yêu và kính trọng các con như các con đã từng thương yêu và kính trọng thầy cô vậy”. Thư gửi ông in trong cuốn “Gió về Tùng Môn Trang”, Võ sư Huyền đai Đệ Bát đẳng Nguyễn Xuân Dũng viết: “Thầy đã đem những tinh hoa võ học của xứ hoa Anh đào về với trời Việt. Thầy không còn nữa, nhưng vẫn còn đó bóng chim thiêng vỗ cánh giữa đời con”.
Trần Thế Vinh
(Petrotimes)