Nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới gặp phải rất nhiều rủi ro trung hạn và dài hạn. Nhật Bản cần có một sự đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Một số phong tục truyền thống của Nhật Bản có thể bị biến mất nếu kinh tế quá khó khăn
Lạm phát, phá sản và thất nghiệp hàng loạt
Tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản đã tăng lên mức cao kỷ lục mới là 1,2% trong tháng 3/08, trong bối cảnh giá năng lượng và thực phẩm leo thang - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/1998 và là tháng tăng thứ 6 liên tiếp.
Tỷ lệ lạm phát cao như trên còn chưa tính tới giá thực phẩm tươi sống liên tục ở nước này.
Năm tài khóa 2007-08 (kết thúc ngày 31/ 3/08), Nhật Bản có 11.333 công ty phá sản, tăng 18,4% so với năm tài khóa trước, mức cao nhất kể từ năm tài khóa 2000-01.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng này là giá nguyên liệu và năng lượng tăng, đồng yên cao và việc chính phủ Nhật Bản sửa đổi luật tiêu chuẩn xây dựng đã khiến lĩnh vực này bị đóng băng.
Giá nguyên liệu tăng cao đẩy 299 công ty phá sản trong năm tài khóa 2006-2007. 51 công ty phá sản vì giá dầu tăng. Nguyên nhân chính: giá thành sản phẩm không tăng theo kịp mức tăng của giá nhiên liệu.
Theo dự đoán của chính phủ Nhật Bản, triển vọng kinh tế của Nhật Bản trong thời gian tới không được cải thiện nhiều và số công ty phá sản trong tài khóa hiện nay vẫn sẽ ở mức cao.
Khi các công ty liên tục phá sản, nhiều người sẽ bị đẩy vào cảnh thất nghiệp. Với tình trạng giá cả cao như hiện nay, chất lượng cuộc sống của họ đi xuống liên tục là điều tất yếu. Đi kèm với nó sẽ là những hậu quả về giáo dục và văn hóa khi đời sống ngày một khó khăn.
Kinh tế khó khăn còn làm mất đi một số những giá trị truyền thống khi người dân vốn đã rất chật vật trong việc lo vấn đề cơm áo không còn đủ thời gian và điều kiện tài chính để chú ý tới những hoạt động thưởng thức văn hóa nghệ thuật vốn là đặc trưng riêng của nước này.
Những nỗ lực chưa mang lại nhiều hiệu quả
Nhật Bản nhiều năm trước đây luôn ở trong tình trạng giảm phát. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) trong nhiều năm qua đã nỗ lực chấm dứt tình trạng giảm phát. Tuy nhiên giá tiêu dùng tăng trở lại ở nền kinh tế lớn nhất châu Á do giá hàng nhập khẩu tăng cao đã khiến các nhà hoạch định chính sách kinh tế hết sức đau đầu.
Giá dầu mỏ, vật liệu thô và thực phẩm tăng làm ảnh hưởng đến các công ty và các hộ gia đình, trong khi tốc độ tăng lương và chi tiêu tiêu dùng lại trì trệ.
Các nhà kinh tế cho rằng cho dù tỷ lệ lạm phát tăng, song BoJ vẫn ít có khả năng tăng lãi suất trong thời gian trước mắt trước những lo ngại về nền kinh tế trong nước cũng như toàn cầu. Tuy nhiên, với mức lãi suất 0,5%, thấp nhất trong các nền kinh tế chủ chốt cho ta thấy không nhiều khả năng BoJ sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,7% trong tháng 4/08. Chỉ số này thường công bố sớm hơn 1 tháng so với số liệu lạm phát của Nhật Bản.
Khủng hoảng nhân lực trầm trọng
Nhật Bản đang đứng trước bờ vực khủng hoảng nghiêm trọng nguồn nhân lực. Với tỷ lệ sinh con thấp nhất thế giới và chiếm “kỷ lục” về số người già, Nhật Bản đang đứng trước bờ vực khủng hoảng nghiêm trọng nguồn nhân lực. Một nguyên nhân khác gây thiếu nhân lực ở Nhật Bản là lực lượng lao động nữ và người giá chưa được mở rộng.
Nếu tình trạng sử trên không có biến chuyển tốt trong thời gian tới, lực lượng lao động của Nhật Bản đến năm 2050 có thể giảm xuống còn 42,28 triệu người. Xu hướng lão hóa cũng như tỷ lệ sinh giảm không được kiểm soát.
Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành một số biện pháp nhằm giải quyết tình trạng trên, cụ thế theo thỏa thuận giữa chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp và các liên đoàn lao động Nhật Bản tháng 12/2007, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong độ tuổi 25- 44 sẽ được nâng cao lên mức 64,9% và tỷ lệ người làm việc trong độ tuổi 60-64 tăng lên 64,9%.
Mức trợ cấp và hỗ trợ gia đình của Nhật Bản sẽ được tăng lên đễ hỗ trợ các gia đình sinh và nuôi dưỡng con cái. Nhật Bản hy vọng những biện pháp trên sẽ tăng tỷ lệ sinh đang ngày một giảm như hiện nay.
Chính phủ Nhật Bản đang gặp phải rất nhiều thách thức do xu hướng sống độc lập, không ràng buộc vào hôn nhân cũng như quan niệm về sinh và nuôi dạy con cái của tầng lớp thanh niên. Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ xảy ra nếu không có những chính sách tốt về kinh tế và đời sống cho người dân.
Ngọc Diệp
Tổng hợp từ Bloomberg, FT, Kyodonews
CafeF
Bookmarks