Yoshiko Shinohara, chủ tịch tập đoàn TempStaff, hãng cung ứng nhân sự lớn nhất Nhật Bản.


Yoshiko Shinohara, chủ tịch tập đoàn TempStaff

Ở tuổi 74, Yoshiko Shinohara là cây đại thụ của kinh tế Nhật Bản. Chị tạo cơ hội việc làm cho mọi người, đặc biệt là nhiều phụ nữ bị thua thiệt trong chế độ trọng nam khinh nữ hà khắc của xứ sở mặt trời mọc. Trong khoảng thời gian dài “bôn ba” tại Châu Âu và Úc, Shinohara được biết đến hoạt động cung ứng lao động theo hợp đồng ngắn hạn và mang ý tưởng này về Nhật thực hiện.Năm 1973, chị thành lập công ty TempStaff. Chính đà suy thoái ngày một tăng của nền kinh tế Nhật Bản đã giúp Shinohara làm ăn phát đạt. Các công ty Nhật chủ trương thuê những nhân viên làm việc bán thời gian để tránh trả lương cao, bổng nhiều.

Ngày nay, Yoshiko Shinohara điều hành tập đoàn Tempstaff lớn mạnh 3.300 nhân viên có trụ sở chính tại Tokyo. Trong 9 năm qua, Shinohara liên tục nằm trong danh sách 50 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới của tạp chí Fortune.

Hỏi: Con đường kinh doanh của chị bắt đầu như thế nào?

Shinohara: Không lâu sau khi kết hôn, tôi nhận ra rằng mình đã quyết định sai lầm. Đây không phải là một nửa của mình, và tôi quyết định ly dị càng sớm càng tốt, dẫu mẹ và anh trai phản đối quyết liệt đến cùng.

Khi trở lại làm người phụ nữ độc thân và tự do, tôi muốn làm gì đó cho bản thân mình. Lúc bấy giờ, hầu hết phụ nữ Nhật làm những việc nhàm chán như bưng trà rót nước, hộ lý… Vậy nên, tôi quyết định rời Nhật Bản để đến châu Âu, châu Úc.

Hỏi: Ý tưởng kinh doanh của chị bắt đầu từ đâu?

Shinohara: Khi làm việc tại một công ty ở Sydney, Úc, tôi nhận thấy công việc của thư ký suốt cả ngày là đánh máy. Nếu nhân viên bán thời gian đến giúp, họ sẽ có thời gian làm nhiều việc chuyên môn khác hơn. Đó là hệ thống nhân sự tiện lợi đã chưa từng có tại Nhật lúc bấy giờ.

Trước khi về Nhật Bản, tôi quen với nữ chủ tịch một công ty cung ứng nhân sự ngắn hạn tại Sydney. Vậy là tôi đã có dịp học hỏi hình thức kinh doanh mới mẻ này.

Hỏi: Những nữ doanh nhân Châu Âu và Úc đã tiếp thêm sức mạnh để chị bắt đầu những hoạt động kinh doanh của riêng mình?

Shinohara: Tôi bị ấn tượng bởi sự chuyên nghiệp của những nữ doanh nhân Châu Âu và Úc. Trong khi tại Nhật Bản, cộng đồng nam giới chiếm ưu thế và phần lớn phụ nữ làm việc đều bị coi “không là ai cả”, thậm chí chỉ phục vụ trà nước. Tôi nghĩ tôi nên kết thúc việc phục vụ các ông chủ nam giới.

Hỏi: Trở ngại đầu tiên khi thành lập doanh nghiệp cung ứng nhân sự ngắn hạn?



Shinohara:
Bộ Lao động Nhật phản đối thành lập ngành kinh doanh này. Các nhân viên làm ổn định duy nhất tại một công ty cả đời nên dịch vụ cung ứng nhân viên thời vụ bị cấm. Tôi thường bị Bộ gọi lên “nói chuyện”.
Chẳng thấy gì sai trái khi giới thiệu nhân viên làm việc bán thời gian cho những công ty cần nhân lực ngắn hạn mùa cao điểm, tôi tự nói với mình: “Trong tù thì thế nào? Xà-lim lớn, nhỏ ra sao? Có toilet hay có cửa sổ không?”… Và sau vài năm tôi liên tục vận động, luật về việc làm thời vụ được thay đổi.

Hỏi: Chị có rất ít kiến thức quản lý doanh nghiệp khi thành lập TempStaff?

Shinohara: Vâng. Khó khăn lớn nhất đối với tôi là kinh nghiệm. Ngày nay, có rất nhiều thông tin khởi nghiệp. Bạn có thể học từ các buổi chuyên đề. Nhiều bạn trẻ có bằng MBA trước khi thành lập doanh nghiệp.

Hỏi: Khi chị bắt đầu kinh doanh, phần lớn khách hàng là những công ty nước ngoài?

Shinohara: Ba mươi năm trước, sau cuộc khủng hoàng dầu lửa đầu tiên, rất nhiều công ty nước ngoài đến Nhật đầu tư kinh doanh. Những công ty đặt văn phòng tại Roppongi, văn phòng làm việc của tôi, cần nhiều nhân viên và quen thuộc với loại hình bán thời gian. Tempstaff có được thành công và danh tiếng như ngày hôm nay phần lớn là nhờ vào những công ty nước ngoài này. Họ cần đến chúng tôi và ngược lại chúng tôi cũng cần đến họ. Cả hai đã dựa vào nhau để sống và thành công trên thương trường.

Hỏi: Tại Nhật, hình thức cung ứng nhân sự bán thời gian mới lạ đến mức có người nói rằng công ty của chị là “nơi cung cấp của các geisha, kỹ nữ”?


Shinohara: Đúng thế. Giờ đây tôi thấy nó buồn cười, nhưng lúc đó, nó là một vấn đề nghiêm trọng. Tôi đã nỗ lực rất nhiều để thuyết phục hoạt động kinh doanh của TempStaff được thực hiện và có hiệu quả như thế nào.

Hỏi: Có người nói rằng chính các dịch vụ cung ứng lao động ngắn hạn đã mở rộng cánh cửa nghề nghiệp cho các phụ nữ Nhật Bản. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Shinohara: Tại Nhật Bản, phụ nữ chẳng thể phát huy hết năng lực trong các công ty hay tập đoàn. Họ luôn bị phân biệt đối xử. Chỉ với vai trò là một nhân viên bán thời gian, phụ nữ Nhật mới có thể làm việc hết mình và nhận được những phần thưởng xứng đáng với công sức đóng góp. Nhiều người có thể vừa làm việc vừa nuôi dạy con cái. Một số người làm bán thời gian để kỹ năng làm việc không bị thui chột trong thời gian nghỉ việc chăm con mọn.

Hỏi: Sao chị tuyển nhân viên nam vào doanh nghiệp ban đầu chỉ dành cho nữ giới?

Shinohara: Phụ nữ Nhật ngày xưa theo khuôn phép quá chặt. Khi làm việc, họ ở thế phòng thủ chứ không tấn công, nên không hướng đến phát triển công ty mạnh mẽ như tôi mong đợi.

Thế là đến năm 1988, tôi đề nghị thuê nam nhân viên. Các chị quản lý nói: “Không, chúng ta không cần những sinh vật đó”. Nhưng thực tế chúng tôi cần. Bí quyết ở đây là phối hợp nhịp nhàng, nhuần nhuyễn nam và nữ trong một tập thể. Chúng tôi hiện có 60% nhân viên là nữ giới.



Hỏi: Mặc dù mọi thứ đã thay đổi rất nhiều nhưng hiện nay vẫn có rất ít nữ doanh nhân thành công tại Nhật Bản? Theo chi là tại sao?

Shinohara: Có sự khác biệt giữa nam và nữ. Đối với phụ nữ, họ sẽ phải nhiều lần từ bỏ công việc để lo cho gia đình hay làm tròn chức năng người mẹ.

Tôi nghĩ rằng phụ nữ cũng có nhiều khả năng để khởi sự kinh doanh cho riêng mình. Đàn ông thường rất tham vọng và cố gắng để trở nên giàu có và thực hiện bằng được mọi ước mơ lớn của họ. Do vậy, họ chỉ kinh doanh những ngành nghề mà hiện tại hay triển vọng trong tương lai rất thành công. Còn đối với phụ nữ, họ làm việc chăm chỉ và kinh doanh sẽ tăng trưởng đều đặn. Tuy nhiên theo ý kiến của tôi, dù sao đi nữa thì phụ nữ cũng sẽ khó có thể điều hành một tổ chức lớn. Vì vậy khi công ty của bạn lớn mạnh đến một mức độ nhất định, một nhà quản lý là nam giới sẽ rất cần thiết.

Hỏi: Chị là phụ nữ, nên con đường thành lập doanh nghiệp hẳn chông gai hơn nam giới?

Shinohara: Mọi người thường hỏi câu đó. Câu trả lời của tôi là: Làm sao tôi biết được. Tôi đâu có là đàn ông ngày nào đâu. Dù gì, thì thành lập doanh nghiệp là điều khó, luôn khó.

Hỏi: Kế hoạch sắp tới của chị?

Shinohara: Ngày nay, lĩnh vực cung ứng nhân sự ngắn hạn luôn có sự tăng trưởng ổn định và chưa đến lúc để nghỉ ngơi thư giãn. Tôi muốn tập trung mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang nhiều lĩnh vực khác nhau trên thị trường Nhật Bản và thế giới.

HẢI ĐƯỜNG tổng hợp