Vào một ngày mùa hè oi bức hồi cuối tháng Bảy năm 2010, cảnh sát tại Nhật đã phát hiện ra xác ướp của ông Sogen Kato đặt ngay ngắn trên chiếc giường mà ông đã lìa đời cách đây 30 năm.
Hơn một phần ba người trên 65 tuổi sống rất cô đơn tại Nhật, các con số thống kê cho biết
Nếu ông còn sống, thì năm nay ông được 111 tuổi và được cho là người già nhất trên đảo Phù Tang.
Cảnh sát nói rằng con gái của ông năm nay 81 tuổi đã dấu nhẹm cái chết của thân phụ để lãnh hơn chín triệu yen –tương đương với 106 ngàn đôla Mỹ - tiền hưu bổng của ông.
Mọi người đều dị nghị cho nên chính quyền địa phương đã phải gửi các toán nhân viên đi kiểm tra lại số người cao niên.
Khi đoàn kiểm tra xuống thăm nhà của phụ nữ được cho là cao niên nhất Tokyo, bà Fusa Furuya, 113 tuổi, thì họ mới phát hiện ra rằng con gái của bà Fusa chưa hề gặp mặt mẹ từ thập niên 1980.
Truyền thông Nhật đã nhảy vào chuyện này và hàng ngày công bố số người mất tích mà họ phát hiện.
Một cụ bà, nếu còn sống thì đã thọ được 125 năm, tuy nhiên sổ sách ghi cụ bà này còn sống và địa chỉ là một công viên tại thành phố Kobe.
Sổ sách hộ tịch của quận Yamaguchi còn ghi một cụ ông còn sống và năm nay 186 tuổi.
Cả nước tham gia vào công cuộc đi tìm người cao niên và hồi đầu tháng này, bộ Tư Pháp đã báo cáo rằng có hơn 230 ngàn cụ ông, cụ bà sống trên 100 tuổi đã “mất tích”.
Báo cáo này làm cho cả nước chấn động vì dân tộc Nhật có truyền thống kính trọng người già.
'Vấn đề sâu xa'
Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích số người “mất tích” này.
Thứ nhất, sổ gia phả tại Nhật, mà đáng ra phải ghi lại tất cả các vụ khai sinh và khai tử, nổi tiếng là không chính xác, và số 230 ngàn người lớn tuổi đều dựa trên sổ này.
Bộ Tư Pháp Nhật nói rằng có thể một số người đã chết từ hồi Đệ Nhị Thế Chiến, nhưng chưa được khai tử vì tình trạng thời hậu chiến khá hỗn độn.
Cụ bà chính thức lớn tuổi nhất tại Nhật, Chiyono Hasega, 113 tuổi, đã được vinh danh nhân “Ngày Kính Lão”
Một số người khác có thể đã sang nước khác sinh sống mà không khai báo với chính quyền địa phương, hoặc người thân đơn thuần không có khai tử khi họ chết.
Sổ khai “tạm trú, tạm vắng” chính xác hơn vì được dựa trên các cuộc kiểm kê dân số và thông tin về hưu bổng và các khoản phúc lợi xã hội khác.
Các con số này được Bộ Y Tế công bố hồi tuần qua, ghi nhận có 44.449 công dân Nhật tuổi từ 100 trở lên, còn sống.
Hiện nay, có khoảng 400 người chưa được kiểm kê tuy nhiên vẫn là một con số gây xúc động cho một xã hội tự hào là đã chăm sóc rất chu đáo người già.
Một bài xã luận đăng trên nhật báo Asahi, một tờ báo hàng đầu tại Nhật, đã nói đến “các khó khăn sâu xa” sau khi phát hiện ra các cụ ông, cụ bà đã chết nhưng vẫn được ghi là còn sống.
Nước Nhật rất tự hào vì có nền tảng đôi – việc làm vững chắc và gia đình – nhưng nay cả hai nền tảng này đều lung lay, làm nẩy sinh ra một số yếu tố xã hội không được đẹp.
Bài xã luận này nói: "Các thành viên trong gia đình đáng lý ra là những ngưởi gần gũi với người già, nhưng họ lại không biết số người già này đang ở đâu, và trong nhiều trường hợp thậm chí không buồn nhờ cảnh sát đi tìm kiếm.”
Bài xã luận này nói tiếp: "Tình thế này cho thấy là người cao niên không có gia đình để nương tựa và liên hệ với người thân đã bị cắt đứt khá lâu.”
Phân tích gia Jeff Kingston nói: “Vụ một số người già trên trăm tuổi mất tích cho thấy là có một sự nứt rạn trong xã hội, trong gia đình và trong cộng đồng rộng lớn hơn.”
Ông Kingston, tác giả của một cuốn sách nhan đề Nhật Bản Đương Đại nói rằng trước đây, cha mẹ sống với con cái và cháu nội hoặc cháu ngoại tuy nhiên một mái gia đình gồm ba thế hệ với người phụ nữ là người chăm sóc chính cho cả nhà, càng ngày càng lạc điệu.
'Phản ánh xã hội'
Nhật Bản càng ngày càng già đi vì dân số giảm, và nay Nhật Bản có tỷ lệ người lớn tuổi nhiều nhất trên thế giới: tính tới năm 2050, số người trên 65 tuổi sẽ đến 40% tổng dân số, không như ngày nay chỉ có 20%.
Viện Nghiên Cứu An Sinh Xã Hội và Dân Số ước lượng rằng một phần ba người trên 65 tuổi tại Nhật sống một mình.
Nhiều người cũng chết trong cảnh cô đơn và do đó đã nảy sinh ra từ "kodokushi" trong ngôn ngữ Nhật ngày nay.
Danh sách chờ đợi vào sống trong các khu chăm sóc người già rất dài nhưng nhiều người lại thích sống một cuộc đời cô độc hơn là sống trong các khu nhà tập thể này.
Đời sống không gắn liền với xã hội đã khiến cho tỷ lệ tự tử và tội ác trong số người lớn tuổi, tăng cao.
Các tội nhẹ như là ăn cắp vặt đã tăng lên trong thập niên qua, đối với một số người thì đúng là túng thiếu thật sự nhưng đối với nhiều trường hợp khác là để tìm cách làm cho người ta chú ý đến mình, mặc dù cách này có tính tiêu cực.
Nhưng có lẽ yếu tố làm cho người ta ngạc nhiên nhất là một vài gia đình đã cố tình che dấu cái chết của người lớn để lãnh tiền hưu của họ.
Bộ trưởng y tế Nhật gợi ý phải gặp tận mặt tất cả các công dân trên 110 tuổi để coi họ còn khỏe mạnh hay không.
Ông Kingston nói: "Đây là một hiện tượng có tính con người, vì người Nhật theo truyền thống là dân tộc tôn trọng pháp luật, nhưng số người này cũng lừa đảo như mọi người trong chúng ta.”
Ông Kingston kết luận: "Câu chuyện người lớn tuổi mất tích tại Nhật là một tấm gương phản ánh xã hội ngày nay và những chuyện có thật tại Nhật mà nhiều người không chấp nhận.”
Theo BBC
Bookmarks