>
kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Gặp gốm, gặp người Phù Tang

  1. #1
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts

    Gặp gốm, gặp người Phù Tang

    Con đường gốm sứ ở Kyoto

    Kiyomizu – một trong những ngôi đền cổ kính nhất thành phố Kyoto, kinh đô nước Nhật Bản xưa – nằm trên triền một ngọn núi ở phía Đông. Đền (một tổ hợp gồm nhiều ngôi đền thì đúng hơn) hiện nay được xây cất từ năm 1633, nhưng nó đã có từ cuối thế kỷ VIII, đầu thời thịnh trị Hòa An, lúc văn cương, nghệ thuật nở rộ.

    Một trong những điểm độc đáo khiến đền Kiyomizu được UNESCO xếp vào hàng di sản văn hóa thế giới là tầng lầu lớn của đền được nâng đỡ bởi hàng trăm cây cột, khiến cho nó có vẻ như nằm trên đỉnh các ngọn cây. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ra khắp một vùng Kyoto rộng lớn. Tên đền có nghĩa là “nước nguồn tinh khiết” vì ở đây, khi rớt xuống chân núi, thác Otowa-no-taki được tách ra làm thành ba dòng nước. Khách đến “đền nước trong” còn vì muốn được uống nước này. Người Nhật tin rằng nước nguồn ở đền Kiyomizu có thể chữa khỏi bệnh, mang lại cuộc sống trường thọ và sự thành đạt…


    Đền luôn đông khách viếng thăm. Con đường dốc thoải dẫn lên đền là một con đường huyền thoại. Người yêu gốm sứ, khách du lịch quốc tế không thể không biết đến Chawan-zaka, “con đường gốm sứ”, mà tên gọi có nghĩa là “dốc bát ăn cơm”. Hai bên đường, gần 500 cửa tiệm lớn nhỏ bày bán đủ loại sản phẩm truyền thống nổi tiếng đã hàng thế kỷ của đất thần kinh xứ Phù Tang xưa như lụa, khăn áo, quạt, trà, hàng thủ công, bánh kẹo truyền thống… và đặc biệt là đồ gốm sứ.

    Cơ man là bát, đĩa, ly, chén, bình, lọ… giá không rẻ, vì chúng là những tác phẩm nghệ thuật, quà lưu niệm… chứ không chỉ đơn giản là vật dụng hàng ngày. Dụng cụ dùng để uống trà rất phong phú, với những chiếc bát lớn (dùng để đánh trà mạt cho nổi bọt) tuyệt đẹp.

    Người Nhật lao động siêng năng mà làm thương mại cũng giỏi. Nhiều cửa tiệm hàng trăm năm tuổi, có “phong cách” bán hàng rất riêng, thậm chí tới cả tờ giấy gói cũng có phong cách riêng. Sau nửa giờ chen vai thích cánh cùng dòng người đông đúc, chúng tôi tới cửa đền. Ít ai biết rằng Kiyomizu chính là nơi khởi phát của trường phái gốm sứ đặc sắc miền cố đô, gọi là “Kiyomizu yaki”. Ngày xưa, thợ gốm địa phương thường mở lò nung trước cửa đền. Đến thế kỷ XIV, Kyoto trở thành một trung tâm gốm sứ sầm uất của nước Nhật…

    Gặp gỡ trên bàn ăn

    Các nhà hàng Nhật Bản chính là nơi du khách có cuộc tiếp xúc đầu tiên với các sản phẩm gốm sứ của nước này. Những vật dụng dân dã đời thường thật đa dạng, gần gũi, tiện dụng, thật đẹp. Tôi có cảm giác là chúng tự nhiên, giản dị như chính thiên nhiên vậy. Đó là một ấn tượng đặc biệt Nhật Bản, dù cho nghề làm gốm sứ nước này trong lịch sử từng chịu ảnh hưởng nhiều của gốm sứ Trung Quốc, Triều Tiên…


    Chúng tôi dùng bữa trong nhà hàng nhỏ thuộc khuôn viên tòa lâu đài Osaka nổi tiếng. Bữa tối hôm ấy gồm những món ăn rất đặc trưng của người dân trong vùng, cơm, rau, hải sản tẩm bột chiên (món tempura), mì udon sợi lớn và đặc biệt là món súp nóng đặt trên hỏa lò.

    Khi chúng tôi bước vào, bàn ăn đã được bày sẵn, mỗi thực khách có riêng một lò nhỏ cùng liễn đựng súp, cả hai đều làm bằng sành. Giữa tiết trời đông, món súp nóng có hương vị thật dễ chịu. Ngọn lửa nhỏ tí tách trong lò ấm áp. Không khó nhận thấy vai trò quan trọng của gốm sứ trong cuộc sống hàng ngày của người bản địa.

    Câu nói “người Nhật ăn bằng mắt” quả không ngoa. Những chén, những đĩa… bày thức ăn làm cho bàn ăn giống như một… tác phẩm điêu khắc, hội họa! Nghề làm đồ gốm sứ ở Nhật Bản phát triển rực rỡ và được cả thế giới biết đến như ngày nay còn nhờ có sự đóng góp to lớn của nghệ thuật trà đạo, vốn chuộng loại gốm sứ chân chất, màu sắc giản dị, họa tiết mang đầy tính ẩn dụ, triết lý, thích hợp với khung cảnh các nghi lễ uống trà.

    Các dòng gốm sứ được nhận biết tùy theo vùng đất nơi nó sinh ra và “dấu ấn” của từng lò. Có những lò được “độc quyền” cung cấp vật dụng gốm sứ cho một trường dạy trà đạo.

    Ấm chén uống trà, ly, lọ uống rượu sa-kê đủ kiểu dáng, màu sắc, họa tiết, chất liệu, men… là nguồn đề tài sáng tác vô tận của các nghệ sĩ gốm sứ. Kyoto nổi tiếng với loại chén uống trà có tên gọi Raku (chén sành) đặc trưng bởi kỹ thuật nung độc đáo hình thành từ thế kỷ XVI, lưu truyền qua hàng chục thế hệ tới tận ngày nay.

    Người sành trà Nhật Bản có câu: “Thứ nhất Raku, thứ nhì Hagi, thứ ba Karatsu”, nói về ba dòng gốm sứ uống trà nổi tiếng nước Nhật. Mùa hè ở Kyoto còn có ngày hội gốm sứ Gojo-zaka Festival, bày bán hàng tồn kho, hàng hết mùa hay hàng có lỗi nhẹ, giá rẻ hơn hẳn. Đấy là dịp để người yêu gốm sứ đi mua sắm hay để được ngắm nhìn cho thỏa thích… .

    Thiên nhiên có một chữ “Hòa”

    Ngắm nhìn những vật dụng gốm sứ hàng ngày của người Nhật, khách có thể hình dung sự hiện diện thường trực của thiên nhiên trong tâm hồn người sáng tác ra chúng. Phải chăng đây cũng là một biểu hiện của triết lý sống “Hòa” theo truyền thống của người phương Đông? Như nghệ thuật cắm hoa Ikebana dựa trên nền tảng “không gian ba chiều” là Thiên, Địa và Nhân vậy. Bản thân gốm được sinh ra từ đất, nước và lửa sau khi đã qua bàn tay con người, cũng là sản phẩm của một sự hòa hợp mỹ mãn.

    Nước Nhật có nhiều vùng làm gốm sứ nổi tiếng, như Aichi, Kyushu, Kyoto… với những “trường phái” khác nhau. Gốm sứ mỗi vùng, mỗi thời, phản ánh quan niệm thẩm mỹ, cuộc sống văn hóa, xã hội, trình độ công nghệ của vùng đó, thời đó.

    Những chiếc chén, đĩa mà tôi được sử dụng trong những ngày lưu lại nước Nhật thường có hình dáng của một bông hoa – hoa anh đào, hoa cúc, hoa trà; một chiếc lá – lá súng, lá phong, lá trúc; một trái cây – trái cà tím, quả ớt, quả lựu; một con vật – con chim, con cá, con tôm… Hình vẽ trang trí trên những chiếc chén, đĩa này giản dị đến mức tinh tế sâu xa: một dáng sông, một thế núi, một nhành cây, một cánh hạc… Là gốm sứ đấy mà cũng là hội họa, thư pháp, thi ca đấy.

    Tôi bị chinh phục bởi vẻ mộc mạc, khiêm nhường, thậm chí xù xì, thô ráp, những gì rườm rà vô lý đều bị loại bỏ… của những đồ vật dù là nhỏ nhất.

    Dường như người làm ra gốm luôn ý thức rằng mình là một “thành tố” của thiên nhiên, mong được sống hòa hợp với đất trời, lấy thiên nhiên làm bầu bạn.


    Trong một nhà hàng ở thủ đô Tokyo, chiếc chén uống trà tôi vừa nâng lên “tự nhiên” bị lõm vào một tí, nhưng khi nó đã ở trong tay thì tôi mới thấy cái vết lõm “khiếm khuyết” ấy thực ra lại “hợp lý” vô cùng! Trông thì “méo mó” nhưng chiếc ly được làm kỹ lưỡng, cầm vào tay thì như làm với tay thành một!

    Người lao động Nhật có trí tưởng tượng phong phú, óc đổi mới sáng tạo không ngừng, nhưng nổi tiếng nhờ cả ở sự cầu toàn, khe khắt với chính mình và niềm khát khao vươn tới sự hoàn hảo. Chén trà nối thực tại với suy tư. Tôi mường tượng thấy ở đâu đó quê mình cũng có một “con đường gốm sứ” tấp nập, đưa các sản vật của Bát Tràng, Phù Lãng, Lái Thiêu… đến với khách phương xa trong niềm vui thích của họ.

    Bởi gốm biết kể chuyện, chuyện người, chuyện về một vùng đất và nước…

    Theo saga.vn
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  2. The Following 5 Users Say Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    chiengja (13-07-2013), HH (07-01-2012), lynkloo (07-01-2012), tea_tea (07-01-2012), zBluemoonz (07-01-2012)

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Ông tổ đầu cơ xứ Phù Tang
    By Ren Shuyamaru in forum Con Người Nhật Bản
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 16-05-2009, 12:09 PM
  2. Đảng Cộng sản ở xứ Phù Tang
    By Ren Shuyamaru in forum Tìm hiểu Nhật Bản
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 16-05-2009, 12:07 PM
  3. Ảnh đẹp xứ Phù Tang
    By Kasumi in forum Hình Ảnh
    Trả lời: 36
    Bài mới gởi: 27-02-2009, 12:12 AM
  4. Tổ chức đám cưới ở nhà... tang lễ
    By Dép Xỏ Ngón in forum Tin Tức Đó Đây
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 02-09-2008, 04:30 PM
  5. Mê hồn cảnh sắc xứ Phù Tang
    By Kasumi in forum Hình Ảnh
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 25-06-2008, 09:20 PM

Bookmarks

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •