RUỘT THỪA

Mocho

Nguyên tác: Abe Kobo
Dịch: Lê ngọc Thảo
Nguồn: erct.com


Người ta đã giải phẩu, ghép ruột thừa của cừu vào mình K, làm vật thí nghiệm cho một học thuyết mới. Nay được đúng ba tháng. Sau một ngày khám sức khoẻ tỉ mỉ, giờ đã đến lúc K. chỉ được phép ăn toàn là rơm. Gọi là rơm, nhưng dĩ nhiên không phải là loại rơm mới lấy từ ngoài đồng về, mà là một loại rơm đặc biệt được chưng hấp trong nồi cao áp, trộn chung với cùng một lượng rơm chưa qua xử lí, cho lên men khoảng mười ngày, sau đó cho thêm một vài sinh tố vào. Thân rơm có màu hơi đen, nhơn nhớt, được cắt đều khoảng mười phân, giống hệt như rau đuôi ngựa phơi khô. Thế nhưng nếu để ý thì sẽ biết ngay đó là rơm, vì cái mùi độc đáo đó đúng là mùi rơm thúi.

“Thầy thấy sao. Đúng là mùi của mùa xuân, phải không ạ?”

Giáo sư đang dang tay trên vành ghế bành xoay, rung đùi với vẻ thỏa mãn, khi nghe anh trợ giáo mặc áo trắng nháy mắt nói như thế, đã gật đầu vui vẻ cười dài.

K. cũng gật đầu, lặng lẽ mỉm cười. Không phải nuối tiếc vì đã trót làm vật thí nghiệm, mà vì K. đã trải qua một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ để có được khoảnh khắc này.

“Xem kì cục lắm sao?”

Tuy K. vẫn giữ vẻ tươi cười, cố nói thật dịu nhưng giáo sư và các trợ giáo đã rùng mình nhăn mặt.

“Kì cục à, làm gì có chuyện đó…”

Giáo sư đưa tay lên nắm mũi, vuốt mạnh, nói với giọng như bị không khí làm loãng.

“Chỉ vì mừng quá đó thôi …”

Sau một phút lúng túng, K. đưa tay lấy rơm đã được gia công, bứt thử thì thấy có một dãy trứng côn trùng được bọc trong những thớ sợi giống như những bong bóng trắng, lần lượt lòi ra. Giáo sư lật đật giật lấy nắm rơm để lên lòng bàn tay, lật qua lật lại, chọt tới chọt lui.

“Tất cả chết hết cả rồi.”

Như được hú vía, ông ngẩng mặt quay sang phía một anh trợ giáo.

“Jiro, cái gì đây?”

Anh trợ giáo được gọi là Jiro – trong số bốn trợ giáo, có đến ba người cùng họ, nên mọi người quen gọi tên thay vì họ - chưa nhìn kĩ mà đã nói một hơi cái tên thật dài.

“Mấy con sâu sọc xanh vạch đứng.”

Rồi với vẻ bức xúc, anh ta lấy nắm rơm ném vô sọt rác.

Không khí càng trở nên ngột ngạt. K. tìm cách làm dịu.

“Miễn nguyên lí không sai, ngay như tôi, tôi cũng có cảm giác là mình có thể vui được.”

Giọng nói có vẻ hành chính, tỉ như không phải là chuyện của mình. Thế nhưng, ngược lại giáo sư đã nghiêm mặt cắn môi ra vẻ bất ngờ, ông đăm đăm nhìn K. nói.

“Thế là ngay đến bây giờ cậu cũng vẫn còn nghi ngờ nguyên lí à.”

“Chuyện nghi ngờ, dĩ nhiên tôi có thể nghi ngờ. Chính vì thế, việc nhìn nhận sẽ có ý nghĩa, phải không nào?”

Giáo sư đánh mũi nói.

“Hừ …m. Nguyên lí là cái để xác định chớ không phải là cái để nghi ngờ. Thầy Alex cũng nói rằng chính vì nguyên lí là điểm bắt đầu cho nên nó cũng là điểm kết luận.”

Không có ai có ý kiến. K. cũng im lặng gật đầu. Thế nhưng thầy Alex là ai, ngoài giáo sư ra không có ai biết. Đây là lời giáo huấn nhất định được mang ra sau mỗi lần tranh luận như thế này, nhưng chưa có lần nào giáo sư muốn giải thích nó, và cũng chưa có lần nào có ai đó đặt câu hỏi. Có lẽ lời giáo huấn này có sức mạnh ngăn chặn mọi cuộc tranh luận. Hình như giáo sư cũng để ý biết hiệu quả của nó.

“Thôi, hôm nay đến đây là hết.”

Giáo sư vỗ bụp hai tay giống như để phủi bụi rồi đứng dậy. Anh trợ giáo Jiro lấy một bọc rơm ra, nói lại một lần nữa những điều cần phải chú ý trong cách ăn.

“Trước hết, đây là bốn trăm gram dành cho ngày hôm nay. Ăn một trăm gram đầu tiên vào lúc năm giờ chiều, kế đó ăn một trăm gram nữa vào lúc bảy giờ rưỡi tối, đến mười giờ ăn thêm năm mươi gram, tám giờ sáng mai ăn một trăm năm mươi gram còn lại. Tất cả đều được bó riêng rẽ và có đánh dấu … Ngoài ra, nên uống ít nước, và nên chia làm nhiều lần …”

“Nhớ nhai thật kĩ nha.”

Giáo sư vừa mới xen miệng như thế, Jiro đã vội tiếp tục nói.

“Nếu có cảm giác mắc ói, thì hãy uống thuốc đã dặn, nằm nghỉ một hồi thì nhất định sẽ khỏi ngay …”

K. gật đầu nhận lấy gói rơm, bắt đầu đi ra ngoài cửa. Anh trợ giáo có tên là Susumu vội gọi K. dừng lại căn dặn.

“Nhớ mỗi lần đi đại hoặc tiểu tiện đều phải lấy mẫu nha. Đồ đựng không biết có đủ không đây?”

Liền sau đó, giáo sư cũng gọi vói tới.

“Đừng quên đo và ghi nhiệt độ thân thể vô bảng nha.”

K. quay gương mặt hiền từ, nhưng có vẻ hơi xanh của mình lại, nhè nhẹ gật đầu. Có thể thấy được trên đường thân thể dũi thẳng của K. có sự kiêu hãnh của kẻ anh hùng, tự tin rằng mình đã vượt qua được bản thân mình. K. mở cửa bước ra ngoài hành lang. Như xoay một một tấm ván cứng, từ đầu ngón chân trượt về phía tương lai, K. mở cửa bước ra ngoài.

Hành lang tối tăm. Từ phòng nghiên cứu hướng nam có ánh sáng sáng sủa bước ra thì đúng ở đây tối đen giống như ở trong bụng súc vật. Trong cái tối đen này, có một vật còn đen hơn nữa ngóc đầu lên nhắm thẳng đến phía K.. Bóng đen đó bất ngờ chụp lấy vai, dúi vô tay K. một tấm danh thiếp hình như đã được chuẩn bị sẵn, thì thầm bên tai như hỏi ép. “Anh K. đấy à? Xin được giới thiệu với anh, tôi là kí giả của “Nguyệt san tâm lí”. Xin anh cho biết tâm trạng của anh hôm nay có được không ạ? Câu chuyện của anh sẽ được dịch sang tiếng Anh, và sẽ được mọi người trên thế giới đọc.”

Bất ngờ K. vung tay tháo chạy ngược về phòng nghiên cứu, đóng sầm cửa lại. Anh dúi tấm danh thiếp đến dưới cằm giáo sư, vừa đưa tay chỉ hướng cánh cửa, run giọng hét.

“Tại sao? Tại sao lại để cho cái thằng đó vô đây?”

Trên vẻ mặt hết sức kinh ngạc của giáo sư và các trợ giáo vẫn còn có nhiều chỗ có những u thịt gồng lên gần giống như cười. Bọn họ dễ dàng tưởng tượng chuyện gì đã xảy ra sau khi K. ra khỏi phòng.

Nhưng đúng là có bản lĩnh, giáo sư liền lấy lại được bình tĩnh, mặt còn có cả nụ cười đầy ngụ ý.

“Thằng nào? Cậu nói sao ấy. Anh ta là kí giả của “Nguyệt san tâm lí” phải không? Bây giờ cậu là cái đích mà cả thiên hạ trên thế giới đều chú ý. Ngoài ra, ngay như cậu, cậu cũng công nhận là thí nghiệm của chúng ta không phải là một việc làm lén lút, mà là một việc đường đường cố gắng dự đoán tương lai của nhân loại, nên cậu đã chấp nhận chuyện giải phẫu, phải không nào? Ngay như trong khế ước, cũng có viết rõ là cậu sẽ đứng trên diễn đàn, trả lời chất vấn trong hội nghị học thuật dự dịnh nhóm họp vào tháng tới. Vậy tại sao cậu lại phải giận dữ như thế này. Tôi không tài nào hiểu được cậu.”

“Tôi không muốn bị nghĩ là tôi ngớ ngẩn nhẹ dạ.”

K. không muốn lớn tiếng nên đã dùng tay đang để trong túi xiết chặc hai bên hông.

“Ngớ ngẩn, nhẹ dạ à? … Thật không ngờ.”

Giáo sư vừa chụm hai tay trên đầu ngón, vừa trượt dần sang bên.

“Cậu có bao giờ nghĩ ngày hôm nay phải đáng được kỉ niệm đến mức nào không? Có lẽ đây sẽ là ngày kỉ niệm rực rỡ, ngày mà kết tinh của trí thông minh nhân loại lần đầu tiên tự mình bắt đầu làm việc, ngày còn được ghi nhớ cả ngàn năm sau. Thường thì người ta sẽ uống rượu, hò hét với nhau đấy. Nhưng vì chúng mình là những nhà khoa học, chúng mình coi những khổ nhọc mà mình đã trải qua sẽ được đền đáp bằng chính thành quả công việc của chúng mình. Ước vọng nho nhỏ là ghi lại kí ức của ngày hôm nay trên mặt báo “Nguyệt san tâm lí”. Nếu bị nói là ngớ ngẩn, nhẹ dạ thì thật là quá đáng.”

K. không chịu phục.

“Té ra chính thầy đã gọi nó đến đấy à?”

“Đâu, tiếc là không phải vậy. Ai đã đưa kí giả đó đến, không có ai đâu, ngược lại nên nghĩ đó là ý muốn của một vật gì đó có tính cách nguyên lí thì đúng hơn.”

Không còn chịu được nữa, K. đã lớn tiếng.

“Thật là ngớ ngẩn. Dĩ nhiên tôi mong được theo đúng khế ước. Nhưng tôi muốn thầy hiểu là bây giờ không phải là thời điểm để làm chuyện đó. Tôi còn cần phải đấu tranh thêm một thời gian nữa kia mà. Dẫu sao đi nữa, tôi cũng sẽ đuổi tên kí giả đó về.”

“Chuyện lớn lao đến mức phải làm như vậy hay sao?”

Hơi bị đối phương áp đảo nên giáo sư đã lần sang phía bên kia mép bàn, dịu giọng tìm cách lần lần lách ra khỏi vấn đề.

Vừa đưa mắt theo dõi động tác của giáo sư, K. vừa đưa tay nâng dây thắt lưng lên, nói.

“Chưa đến lúc có thể nói là tôi có thể sống đàng hoàng được với cái ruột thừa của con cừu được ghép trong bụng tôi. Tôi muốn nói về vấn đề tư tưởng đấy, thầy có hiểu không? Sau khi ghép ruột thừa với trước khi được ghép, thằng tôi nào mới chính thật là tôi. Ngay trong lúc nói chuyện như thế này, thằng tôi nào đang nói đây? Khi đã bắt đầu để ý đến chuyện đó thì nói cái gì cũng thấy chán. Cho là chán thì cứ chán, thế nhưng chán thằng tôi bên nào đây.”

Bất ngờ K. chống hai tay lên bàn, trườn nửa phần thân trên sang phía giáo sư, nói tiếp.

“Trong ngày nhóm họp của hội học thuật, hai cái thằng tôi này đã kí khế ước là sẽ công khai quyết đấu trên bụt thuyết trình. Cho đến ngày đó, hai đứa tôi chỉ muốn yên ổn, không muốn gặp ai cả.”

Giáo sư giả vờ như đang mò mẫm đồ vật trong tủ kéo, bỗng giật nãy người thụt mình cảnh giác.

“Hừ…m. … Chắc cậu đang mưu tính một việc gì đó …”

Ấn mạnh một đầu ngón tay cong quẹo lên giữa trán, ông nhìn quanh đám trợ giáo, hối hả tìm người tán đồng ý kiến của mình. Thế nhưng không biết sao, đám trợ giáo lại làm ra vẻ lúng túng, tất cả đều đưa mắt liếc nhìn cụm tay của ông. Giáo sư bỏ ngón tay đang ấn trên trán xuống, vệt trắng còn in lại một lúc lâu.

K. chuyển nắm rơm sang tay khác, chầm chậm đứng thẳng lên, cố nén giọng nói.

“Tôi chỉ muốn nói một điều đó thôi.”

“ … nếu vậy thì tốt hơn là nên nói chuyện với kí giả “Nguyệt san tâm lí” đi. Tôi nghĩ là tiếng vang sẽ lớn hơn rất nhiều.”

“Không, nói gì đi nữa cũng vô ích. Đuổi hắn về ngay bây giờ đi.”

Giáo sư đẩy đầu lưỡi vào giữa môi và lợi răng, chăm chăm nhìn K. như để dọ ý.

“Vậy, cứ làm theo ý mình đi.”

Với điệu bộ dễ dãi không để ý của người lớn khi không còn cách đối phó với sự đèo bòng của trẻ nít, hoặc làm ra bộ dễ dãi, tiện cho việc che dấu sự phẫn nộ, giáo sư ra lịnh cho trợ giáo không có họ là Sasaki đuổi kí giả về. Thế nhưng chắc vì không thể đè nén nỗi, nên liền sau đó, vẫn với tư thế quay lưng lại phía trợ giáo có tên là Susumu, giáo sư lên giọng nghiêm nghị.

“Này, anh kia! Hành động và lời nói vừa rồi của K., nhớ ghi lại, không được quên nha!”

K. không còn muốn nói thêm gì cả. Ngoài hành lang có tiếng cãi cọ qua lại một lúc lâu, cuối cùng khi biết kí giả đã ra về. K. lẳng lặng đi ra ngoài. Nhìn bóng người qua lại, K. cảm thấy nhẹ nhõm, lấy khăn mùi soa ra lau mồ hôi trên mặt. Chỉ trong vài ba phút, vậy mà giống như K. vừa mới vận động dữ dội, mắt đờ ra, quanh mắt thâm đen.

Để lấy lại bình tĩnh, K. tính đi bộ đến trạm xe điện nhà nước, nhưng khi nhìn đồng hồ thì thấy đã quá bốn giờ hai mươi. Nếu phải trở về ăn rơm và lúc năm giờ, có lẽ tốt hơn nên dùng xe buýt. Trong lúc đứng dưới bóng cây phong trên đường dành cho bộ hành, nhìn xe cộ và người đi qua lại, không biết sao K. lại cảm thấy yếu đuối, buồn bã. Nghĩ thế là không được nên K. cố suy tưởng về những đau khổ lớn hơn của con người. Có lúc K. cố vẽ ra trong đầu nỗi lo sợ và bất an khi lần đầu tiên con người có tự giác mình là con người.

Bỗng, bụng dưới bắt đầu phình to lồi lõm, lên tiếng kêu rồn rột. Đây là đặc trưng sinh lí mới, phát sinh sau phẫu thuật. Thức ăn đọng trong ruột thừa to và mới, chưa tiêu hóa, trải qua một thời gian nhất định sẽ bị vi khuẩn làm cho lên men, phình to lên, bị đẩy đi cùng với khí gây nên tiếng kêu. Theo tính toán của giáo sư thì trong trạng thái khỏe mạnh cứ ba giờ sẽ có một lần như vậy. K. nhìn đồng hồ một lần nữa để xác định giờ có tiếng rồn rột để ghi vào sổ tay, vừa nghĩ là may thật vì xung quanh ồn ào nên không có ai để ý.

Đang ghi thì có người từ phía sau đưa mặt vô nhìn, nói.

“Tiếng kêu lớn quá nhỉ”.

Sợ quá, K. thụt người quay mặt lại nhìn thì thấy anh trợ giáo thứ tư không phải là Sasaki đang đứng sau lưng mình hồi nào không biết. Chỉ một mình anh này có họ là Maki.

K. hiểu ngay không phải ngẫu nhiên Maki có mặt ở đây. Anh ta vừa đưa đầu ngón tay bên này sờ lên ngón tay nhỏ và dài như tay con gái ở bên kia, vừa đưa mắt nhìn xuống nhưng lâu lâu lại bất ngờ nhanh nhẹ ngẩng lên nhìn K. với vẻ lúng túng vì hình như đang cố tìm cơ hội gợi chuyện mà không được. K. cố phớt lờ, đưa mắt nhìn về hướng xe buýt sắp đến, chân bước tới bước lui ra làm ra vẻ như đang nóng lòng chờ đợi. Thế nhưng nhìn quanh thì thấy chỉ có một hành khách đang đợi nên có lẽ xe buýt vừa mới đi qua, còn lâu mới có chuyến xe khác. Vốn xưa nay vẫn ghét Maki nên chỉ cần vài phút thôi, K. đã bắt đầu cảm thấy bực mình.

-Có chuyện khó nói, nhưng … “

Maki tiến sát đến bên K.

-Thái độ của K. hôm nay thật tình làm tôi hết sức cảm động. Tôi cảm thấy cần phải nói chuyện với K. nên đã đuổi theo sau. Có phiền không nhỉ?

Mắt vẫn dõi theo hướng xe buýt sắp đến, K. cố ra giọng bình tĩnh hỏi lại.

-Bán chuyện cho kí giả đó bao nhiêu vậy hả?

Maki lùi lại một bước, sửa lại giọng.

-K. ! Sao anh lại nói như vậy. Tôi đang cố làm tốt với anh như thế này, thế mà anh lại quá lời với tôi. Chuyện chẳng có bằng chứng gì … “

-Lúc bỏ đi ra ngoài, tôi lấy làm lạ vì không thấy có kí giả rình rập ở đó nữa. Bây giờ thấy anh thì mọi việc đều đã rõ.”

Maki lạnh lùng đưa mắt nhìn K., nói với giọng khô khan loạn nhịp.

-Thôi, không cần nói thêm, đủ lắm rồi.

Một hồi lâu, sau khi nghĩ ngợi mông lung, cuối cùng như đã có quyết định về một chuyện gì đó, Maki lên tiếng với dáng điệu vui tươi, dứt khoát.

-Đúng là không ai có thể hoa mắt được K.. Vì vậy, tôi cũng tin K. Tôi xin nói thật, tôi đã hợp đồng với kí giả “Nguyệt san tâm lí” với số tiền là năm ngàn yên. Nhưng mà K. à, ý định muốn thật lòng nói chuyện với K. không vì chuyện đó mà bị lung lay đâu. Trái lại, chính vì có ý định đó trước nên nhân cơ hội được kí giả “Nguyệt san tâm lí” yêu cầu, tôi đã nảy ra ý tưởng đuổi theo K.. Nếu K. bảo rằng không muốn nghe, tôi sẵn sàng tránh những đề tài mà “Nguyệt san tâm lí” mong muốn và thả trôi lời hứa đi gặp kí giả vào tối hôm nay. Tôi muốn nói chuyện với anh về một vấn đề quan trọng hơn nữa kìa.

K. buông lời lãnh đạm.

-Còn có chuyện gì đó khác quan trọng hơn cả chính chuyện của tôi à.

Maki vội vã đáp.

-Chuyện chính trị. Tôi đang khổ sở trước ngã rẽ trọng đại.

-Hơn cả chuyện của tôi à …

Maki có phần do dự.

-Tôi nghĩ là mình hiểu được tại sao K. có thái độ như thế đó đối với tôi. Chắc K. nghĩ là ở phòng nghiên cứu, tôi bị đối xử thấp hơn những trợ giáo khác một bậc, phải không. Thật ra là như vậy. Đó không phải từ địa vị trợ giáo của tôi mà chỉ vì họ của tôi không phải là Sasaki thôi. Thật là ngớ ngẩn. Jiro, Susumu hay Toshio, ngay cả giáo sư nữa, không ai xem tôi là đồng bọn vì tôi không phải là Sasaki …

-Cái khổ của anh thật là vĩ đại!

K. khoác tay, rời Maki như muốn nói là chuyện của anh quá đủ rồi. Chuyến xe buýt mãi miết chờ đợi, bây giờ mới ló dạng từ xa xa.

Maki bước lên chận đầu K.

-Cho tôi hỏi thêm một chút nhen. Anh có đọc tiểu thuyết “Kẻ phá tan chiếc máy” chưa? Cuốn tiểu thuyết viết về nỗi khổ của một người thợ ở Mỹ hay ở Pháp gì đó, vì đạo đức xã hội mà phải phá tan chiếc máy do mình tự chế ra. Anh là chiếc máy do tôi chế ra đó. Không biết tôi có đủ can đảm phá nát anh ra không?

-Anh chế ra tôi à?

-Ờ, đúng vậy. Có thể nói trên địa vị trợ giáo, tôi là người đứng đầu. Phòng nghiên cứu là cơ cấu mà giáo sư là người chỉ huy và điều hành, cơ cấu này gồm nhiều người giỏi từ nhiều lãnh vực chuyên môn, kết hợp lại thành một nhóm trợ giáo, lên kế hoạch nghiên cứu dựa vào điều mà giáo sư cho là nguyên lí. Giáo sư là bác sĩ nội khoa, Susumu là bác sĩ ngoại khoa, Jiro có chuyên môn về sinh lí, Toshio về hóa học ứng dụng và tôi, tôi nhận công việc về sinh hóa. Anh có biết khó khăn bậc nhất trong việc hoàn thành anh là ở chỗ nào không? Đó là làm thế nào để có thể ghép ruột thừa của cừu, một chủng loại khác với người, vào người, làm thế nào để đối phó với những phản ứng của các chất đạm khác loại …

Xe buýt đến trạm. K. cố đẩy Maki ra, nhưng Maki hình như cứ muốn bám chặt không rời. Anh phụ lái xe buýt khúc khích cười bảo. “Lên nhanh đi chớ”. Hành khách trong xe cùng đưa mắt qua cửa sổ nhìn về phía hai người. K. đỏ mặt, tuy khó chịu nhưng cũng đành phải thôi không lên xe.

“K. ơi, chờ chuyến sau đi. Cho tôi phân trần đôi lời”.

Maki nhìn K. với ánh mắt lo sợ, mồ hôi nhễ nhại trên sống mũi. K. nheo đuôi mắt, lặng lẽ châm thuốc. Như lấy lại được bình tĩnh, Maki tiếp lời.

“Nếu không có tôi cộng tác thì cuộc giải phẫu đó nhất định không thành. Không phải chỉ có vậy, ngay từ bây giờ, tôi chỉ cần thêm một cách xử lí, thì anh chỉ còn cách đem ruột thừa ra ngoài, nếu không chỉ trong vòng ba ngày, anh sẽ bị kiệt sức mà chết. Không, không phải là tôi dọa anh đâu. Kẻ bị hâm dọa vì chuyện đó chính là tôi đây. K., anh hiểu không, đó là chuyện chính trị. Gần đây, tôi bắt đầu cảm thấy nghi ngờ cái nguyên lí của chúng tôi. Dẫu vậy nhưng không biết anh có tin cái nỗi khổ của tôi không?”

“Thế, anh là gián điệp à …”

Maki vội vàng nhìn quanh, thấp giọng.

“Sao anh lại nói như vậy. Đúng là anh hiểu lầm hết tất cả mọi chuyện. Để tôi nói cho anh nghe, hội nghị học thuật vào tháng tới sẽ là chiến trường quyết định giữa hai nguyên lí lớn liên quan đến vấn đề đói khát. Anh sẽ là người nắm chìa khóa của sự thắng bại đó. Anh có bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này không?

“Hai nguyên lí gì …”

K. cảm thấy bất ngờ nên quay ngược mắt lại nhìn mặt Maki.

“Tôi không hiểu anh muốn nói cái gì?”

“Chuyện này, chính tôi, tôi cũng không rõ lắm. Xưa nay con người không ngừng tạo ra những biến đổi trong thiên nhiên. Nhưng thành kiến luôn tìm cách ngăn cản. Giờ đây, nguyên lí của chúng tôi cố tìm cách biến đổi thiên nhiên ở trong thân thể con người. Nguyên lí này gây đau khổ trong lòng tôi. Có phải vì trong lòng tôi có thành kiến? … tôi cũng không biết. Tôi có cảm giác như mình đang làm một điều gì đó bất chính.”

“Còn một nguyên lí nữa chứ?”

“Một nguyên lí nữa, là cách mạng.”

“Anh có bao giờ bị đói không?”

“Dĩ nhiên là có.”

“Vậy thì cần gì phải nói này nói nọ dài dòng. Lâu nay, tôi bị thất nghiệp. Nhưng nay tôi được lãnh lương mỗi tháng mười lăm ngàn yên để trở thành vật thí nghiệm cho một nguyên lí. Ngoài ra, tôi còn muốn thử ăn rơm …”

“Anh thật tình không bị dao động sao?”

“Ở trong đám khỉ, con đầu tiên biến thành con người không biết nó có cảm giác như thế nào nhỉ. Tôi thường hay nghĩ về con người đầu tiên đó.”

“Ngớ ngẩn đấy. Theo khoa học, không thể có ai đó là con người đầu tiên cả. Làm gì có chuyện con người tiến hóa từ khỉ như thế đó.”

Bỗng K. lộ mặt quạu ra, thốt lên.

“Nếu bảo là không có chuyện đó, ừ, không có cũng không sao… Anh là cái gì mà cứ đeo theo tôi mãi như thế này. Chán không thể tưởng. Anh có lí do gì để bảo rằng để làm vui lòng anh, tôi phải gặp bất hạnh?”

Xe buýt ló dạng. Vừa để ý thì xe đã đến sát bên rồi.

“Lần này không được chặn đường tôi nữa, nghe không?”

K. chăm chăm nhìn Maki như thách thức.

“Anh hiểu lầm tôi rồi. Anh hiểu lầm tôi rồi.”

Maki lặp lại câu nói như muốn tìm sự đồng tình và như không còn cách nào để giữ chân được nữa nên Maki dồn hết sức mình nói vói theo khi K. đang đặt một chân lên xe buýt.

“Chuyện vừa nói với anh, đem nói với “Nguyệt san tâm lí” được không?”

“Không được! Tôi có nói gì với anh đâu!”

K. hùng hổ quay mặt lại làm cho Maki rúm người, cười nhẹ như không còn nói gì được nữa.

Vợ K. nói.

“Vậy, để bọn em ăn sau nhen.”

“Không được, phải ăn chung với nhau.”

K. đáp lại với vẻ bực bội.

“Tại sao lại nghĩ như vậy hả. Nói thử coi. Tại sao lại nghĩ là ăn chung không được hả?”

Vợ K. luống cuống úp mắt xuống.

“Em thấy tội quá …”

“Kêu thằng Kazuo vô đây.”

“Có nó đâu … Nó đang đi chơi ở nhà bạn kia mà.”

“Mặc kệ … Cứ gọi nó về đây.”

Vợ K. vừa lau tay trên tạp dề vừa bước ra ngoài. K. chán nản, ngửa mình lên trên nền chiếu. Ưu sầu lớn hơn cả bầu trời bao trùm lên người, K. mong sao cả quá khứ và tương lai của mình đều biến mất. Một lát sau, vợ K. và thằng Kazuo về đến nhà nhưng chắc có lẽ từ thái độ của vợ K., thằng Kazuo đã cảm nhận được một điều gì đó nên nó tỏ vẻ rụt rè, lặng lẽ không nói gì cả. K. nghĩ phải tìm cớ nói đùa một chút, nhưng hoàn toàn không thể vẽ ra trong đầu bất cứ chuyện gì cả. K. đem gói rơm lên bàn mở ra, lấy bó rơm có ghi 100g để lên đĩa. Vừa để ý qua chéo mắt dáng vẻ cứng nhắc kì lạ, không muốn cầm đủa của hai người thì bất ngờ cổ họng của K. phát ra tiếng eo éo.

“Làm mặt tươi lên một chút đi chớ!”

K. giật mình sửng sốt. Vợ K. và thằng Kazuo cũng sửng sốt.

“Ờ, phải vậy chứ.”

Vợ K. cố mở miệng cười méo xẹo. Cô khom mình nhìn thằng Kazuo, thúc nó.

“Thôi, ăn đi chứ.”

Kazuo có vẻ như mất cả hồn phách, mắt cứ chăm chăm nhìn vào đĩa của cha mình.

K. chậm rãi đưa tay bốc hai cọng rơm mềm nhất đưa vào miệng, cùng lúc đưa mắt thử nhìn lên trên thì thấy vợ mình và thằng Kazuo đã lật đật nhắm mắt lại. Cả hai như đang ôm lấy bàn ăn, hấp tấp lùa cơm vô miệng. K. trừng mắt nhìn hai người, vừa gắng sức ngấu nghiến cọng rơm, vừa run rẩy vì cái giận không rõ lí do.

Cọng rơm có sức đàn hồi lạ lùng. Nhai mà không biết có phải là mình đang nhai hay không. Nhai đi nhai lại thì mới biết là nếu nhai với tốc độ bình thường thì không thể nào cắn đứt được. So với thịt sợi bầy nhầy thì thấy nó cứng hơn nhiều. Nhưng nếu nhai chầm chậm với tốc độ đều đều như nhau thì không ngờ nó lại mềm, dễ dàng cắn đứt. Chỉ có cách là ráng kiên nhẫn, quen dần với cách ăn này, ngoài ra không còn cách nào khác nữa.

Vị của nó cũng lạ. Có từ ngữ nào có thể diễn tả đúng cái vị đó không nhỉ? Vừa hơi chua lại vừa đắng đắng ngọt ngọt. Nhưng cái đáng nói hơn lại là sự kích thích lạ lùng như nhằm để vắt nước bọt ra, nói đúng hơn đó không phải là vị, mà là một thứ cảm giác giống như đang bị cọ sát trong miệng bằng một bàn chải làm bằng lông heo.

Mùi à, cái này rùng rợn hơn. Mùi của mùa xuân à? Rất có thể. Nếu ai đó muốn điên lên, dùng cái mùi này thì chắc chắn sẽ được toại nguyện. Nếu bảo là nói bậy thì cứ thử úp mặt vô đống phân bón nửa tiếng đồng hồ thì sẽ biết ngay. Bao tử nó sẽ bò lên miệng để bịt cuống họng lại, cho nên muốn nuốt cái gì đó vô bụng thì ít ra cũng cần đến ba lần sức lực. K. không có tự tin rằng mình sẽ quen với cái mùi này. Tìm cho ra được chất trừ mùi là việc khẩn cấp.

K. chìm sâu trong cuộc đấu tranh với rơm không biết từ lúc nào. K. nhăn răng, mặt mày nhăn nhó với độ phức tạp vượt qua những gì có thể nghĩ, giống như toàn sinh mạng đã bị đóng cứng quanh miệng. Vợ K. hỏi với giọng sợ sệt.

“Có vị thế nào?”

K. ngừng nhai, nhè nhẹ lắc đầu. Nhưng, lại tiếp tục nhai liền sau đó.

… chăm chú nhìn từ nãy giờ, vợ K. không còn chịu đựng được, bất ngờ bật lên tiếng nấc.

May thay chỉ một lần nên không bị Kazuo biết. Kazuo cũng vậy, phân nửa chỉ là vì tính hiếu kì của trẻ nít nên nó đang ở trong tình trạng không thể rời ánh mắt khỏi miệng cha mình.

K. vẫn một mình tiếp tục ăn, mặc dầu vợ con đã ăn xong lâu rồi. Vợ K. hỏi một cách buồn bã.

“Vậy là không thể ăn cơm được nữa phải không?”

K. trừng mắt nhìn vợ ra vẻ giận dỗi.

“Không phải là không ăn cơm được. Ăn được rơm nên bỏ ăn cơm.”

“Chuyện giống nhau mà. Bỏ ăn cơm nên đã ăn được rơm.”

Một lúc sau, vợ K. lại nói.

“Nhân dịp này, em thấy tốt hơn là cha mẹ con cái nên cùng nhau đi giải phẫu có được không.”

“Ờ, tui cũng có lần nghĩ như vậy.”

“Cuối cùng, chắc người ta sẽ để cho chúng mình sống ở trong sở thú cũng chẳng biết chừng.”

“Vậy thì sẽ là gia đình nhân loại đầu tiên đó nha.”

“Hả, anh nói gì vậy?”

K. lập lại câu mình nói một lần nữa. Thế nhưng, ôi thôi, với quai hàm đã bị mỏi mệt vì nhai rơm thì việc phát âm rõ ràng để nói về một cảnh tượng xa rời thực tế như thế này, đã trở thành quá khó khăn. Tuy đã nói đi nói lại nhiều lần nhưng vợ K. vẫn không thể hiểu được K. muốn nói gì. Thực ra sau hơn một tiếng đồng hồ, ăn hết 100g rơm, thì quai hàm của K. đã bị sưng vù, phải đắp khăn ướt lên, cho nên ngay cả việc phát âm không ngọng nghịu cũng đã gặp khó khăn đừng nói chi đến việc nói ra một tiếng biểu hiện cho một quan niệm. Và nếu cứ thế này thì lần lần chắc K. sẽ trở nên người ít nói. Quai hàm sẽ phát triển cho một mục đích duy nhất là nhai và một ngày nào đó, tướng tá của K. chắc sẽ thay đổi.

Trong lúc vợ K. thay khăn áp trên quai hàm của chồng, Kazuo từ bên kia vai mẹ, nhìn sang qua K. hỏi.

“Ba ơi! Nghề của ba là gì, ba! ”

K. không trả lời. Vợ K. cố giả vờ như không nghe.

“Nè ba! Cô bảo mẫu hỏi con đó.”

K. tuy đang phải đấu tranh với cái nặng của bao tử, cũng cảm thấy như bị dồn vào thế bí, đã mặc kệ để cho miệng thốt ra một tiếng tình cờ hiện ra trong đầu.

“ … nin-ghen (con người).”

Nhưng dĩ nhiên tiếng nói không rõ ràng. Vợ K. và Kazuo cả hai đều nghe như là I-en (xưng bao tử).

Thời gian yên ổn chỉ kéo dài được trong phút chốc, sắp đến 7 giờ rưỡi nên lại phải bắt đầu vật lộn vất vả với 100g rơm nữa rồi. Ở bữa ăn lúc 10 giờ sáng, vợ K. phải lấy khăn ướt áp hai bên hàm suốt lúc nhai. Bây giờ, Kazuo đã đi ngủ rồi, không cần phải để ý, hai vợ chồng cùng nhau khóc và tiếp tục nhai 50g rơm cuối cùng trong suốt hai tiếng đồng hồ. Vậy mà đến lúc sắp hết, quai hàm không còn đủ sức nhai nữa, phải dùng tay đẩy lên hạ xuống. Tay cũng đến lúc bị mỏi mệt, đến đây thì đành phải chống cùi tay xuống bàn, lấy hai tay nâng hai bên hàm, dựa vào sức đầu ngấc lên gật xuống để nhai.

Kì lạ thật, cái mùi rơm khó chịu trong suốt tuần lễ đầu tiên bây giờ hầu như không còn gây chú ý nữa. Đến ngày thứ mười thì K. cũng quen dần với vị rơm. Những ngày nóng nực, có lúc giáo sư ra toa tăng thêm lượng muối và cám, những lúc như thế, đôi khi K. lại còn cảm thấy ngon nữa kìa. K. đã khổ sở với quai hàm của mình trong một thời gian dài, vậy mà nửa tháng sau K. chỉ còn cảm thấy hơi bị mỏi thôi.

Những biến đổi như thế đã làm cho tính tình của K. thay đổi. Ban đầu K. rơi vào tình trạng thần kinh bị kích động đến độ có vẻ hung bạo, bất an đối với mọi việc, nhưng rồi lần lần K. trở nên ít nói, ít biểu lộ tình cảm lên trên mặt, thần kinh không còn bị căng thẳng như trước nữa, ngược lại tính tình đã trở thành thô kệch, nhút nhát. Việc phỏng vấn của kí giả, bây giờ K. cũng không từ chối. Chưa kịp đến ngày hội nghị học thuật với chuyên đề về nạn đói, thế mà mọi người, ngay cả bọn con nít, ai cũng biết tên của K.. Khi K. ra đường, con nít thì đành rồi, ngay cả bọn người lớn không có chuyện làm, nhiều người theo sau K. đông nghẹt. Không biết nghĩ gì, trong bọn họ có người huýt sáo gọi K. như gọi chó, lại có người thảy cà rốt đến cho K. nữa chứ. Thế nhưng K. chỉ đưa ánh mắt lạnh lùng nhìn họ, mà không hề tỏ vẻ chống đối. Khi K. đứng lại quay mặt nhìn, bọn trẻ la hoảng lên bỏ chạy. Vợ con của K. vì không thể nào sống được trong ngôi nhà trước nay, nên đã phải đổi tên họ, dọn nhà đi chỗ khác, cách đó rất xa.

Nhờ vậy mà trước khi hội nghị học thuật bắt đầu, K. đã trở thành trọng tâm tin tức. Cuộc đấu tranh giữa hai nguyên lí, thắng bại ra sao, mọi người đều thấy rõ. K. được gọi là “con người mới” hay “con người tương lai”, báo chí đăng hình và viết phóng sự về K., ngoài ra lại còn có cả sách nghiên cứu khá tường tận về mặt học thuật, hình thái của xã hội tương lai mà thắng lợi của nguyên lí tạo ra K. sẽ đem đến. Luật pháp qui định việc trồng ruột thừa là nghĩa vụ, ai không muốn giải phẫu di thực, phải trả thuế ruột thừa khá nặng. Những chuyện như thế hầu như trở thành thường thức, được đồ giải ngay cả trong những trang báo nhi đồng. Về phần K., tuy bị đối xử giống hệt như chó, vợ con cũng bị đối xử lạnh lùng đến nỗi phải đổi cả tên họ, nhưng trong tin tức, K. được mọi người chú ý, coi như nhân vật quan trọng. Tuy có vẻ mâu thuẫn nhưng không phải là chuyện hi hữu. Tuy đã cũ như “biết rồi cứ nói mãi”, nhưng đúng đây là sự ghét bỏ con người của chủ nghĩa bác ái.

Để làm tăng hiệu quả của tin tức, báo chí cho đăng rùm beng hình dáng khủng khiếp của nạn đói thế giới. Chín mươi phần trăm nhân khẩu thế giới ở trạng thái thiếu dinh dưỡng mãn tính, và đây là nguyên nhân làm cho sự sinh sôi nẩy nở gia tăng, càng làm cho thực phẩm trở thành thiếu thốn, và cái vòng xoáy đó cứ xấu dần, cuối cùng nhân loại sẽ không tránh khỏi cảnh bị tiêu diệt. Liền sau miêu tả cảnh tượng như thế đó, báo chí tôn sùng K. lên như kẻ giải phóng con người khỏi cái đói không bao giờ dứt. Ngày hội nghị học thuật càng gần, bầu không khí trên càng trở nên náo nhiệt như lễ hội. Có người còn làm cả phim kể chuyện thực, với K. là vai chính. Nhưng, khi thiên hạ còn đang náo nhiệt, sức khỏe của K. bắt đầu suy giảm nhanh. Tình trạng thiếu dinh dưỡng đã hiện ra rõ rệt, và khoảng mười ngày trước khi hội nghị học thuật bắt đầu, đã trở nên trầm trọng một cách nhanh chóng. Ba ngày trước hội nghị, đành phải tuyên bố tình trạng tuyệt vọng. Giáo sư bứt tóc tiếc hùi hụi. Trước mắt giáo sư, người ta phải kéo cái ruột thừa to lớn xám xịt ra khỏi bụng K. và cắt đi. Và K. đã trở lại con người bình thường của mọi khi. Thật ra phải nói là không thể nào hoàn toàn trở lại bình thường. Vì ruột thừa không chỉ đơn thuần là vấn đề của thể xác, mà đó cũng là vấn đề về tư tưởng.

Dẫu vậy, không như thường lệ, lần này giáo sư đã ra khỏi cổng để tiễn đưa K., và khi từ giã, giáo sư đã nói. “Khi nào mạnh ra, nếu vẫn còn có ý muốn giúp việc, chúng tôi sẽ vui lòng đón nhận. Dĩ nhiên, đó là việc hoàn toàn tự do, tôi không có ý cưỡng bách một tí nào cả, nhưng đối với tôi, là bạn bè hiểu rõ tâm tính của nhau thì sẽ an tâm hơn.” Giáo sư vừa lên tiếng nhỏ nhẹ, vừa thẹn thùng cười một cách kì lạ. Và, để làm kỉ niệm, giáo sư lấy báo cũ gói một kí lô rơm tặng cho K. Cái đói ở bên ngoài, cái đói thật sự, đang chờ đón K. …

Lê ngọc Thảo dịch.