TẬP TRUYỆN NGẮN TRONG LÒNG BÀN TAY
(Te no hira no shôsetsu)
Nguyên tác: Kawabata Yasunari (1899-1972)
Dịch: Nguyễn Nam Trân
Minh họa: Yorimitsu Takashi
Nguồn: erct.com
Mục Lục
Dẫn Nhập Của Người Dịch (#1)
Phần I
1) Hướng nắng (Hinata, 1923) (#2)
2) Món đồ dễ vỡ (Yowaki utsuwa, 1924) (#3)
3) Tóc (Kami, 1924) (#4)
4) Đôi chim hoàng yến (Kanariya, 1924) (#5)
5) Bến cảng (Minato, 1924) (#6)
6) Cám ơn (Arigatô) (#7)
7) Mẹ (Haha, 1926) (#8)
8) Lập trường đứa con (Kodomo no tachiba, 1926) (#9)
9) Lũ cá vàng trên sân thượng (Okujô no kingyo, 1926) (#10)
10) Móng tay buổi sáng (Asa no tsume, 1926) (#11)
11) Hoa huệ (Yuri, 1927) (#12)
12) Chiếc dù đi mưa (Amagasa, 1932) (#13)
13) Trang điểm (Kesô, 1932) (#14)
14) Quê nhà (Sato, 1944) (#15)
15) Nước (Mizu, 1944) (#16)
Phần II
16) Người con gái đi vào đám lửa (Hi ni yuku kanojo, 1924) (#17)
17) Chết chung vì tình (Shinjuu, 1925) (#18)
18) Tro cốt linh thiêng (Kami no hone, 1927) (#19)
19) Cô tiểu thư ở Suruga (Suruga no reijô, 1927) (#20)
20) Những con thuyền lá tre (Sasabune, 1950) (#21)
21) Mưa thu (Aki no ame, 1950) (#22)
22) Hàng xóm (Rinjin, 1962) (#23)
23) Công chúa thủy cung ((Ryuuguu no otohime, 1926) (#24)
24) Người đàn ông mù và cô gái trẻ (Mekura to shôjo, 1928) (#25)
25) Tiếng sấm mùa thu (Aki no kaminari, 1928) (#26)
26) Anh chồng bị cột (Shibarareta otto, 1930) (#27)
27) Mặt trời lặn (Rakujitsu, 1925) (#28)
28) Thói quen trong giấc ngủ (Nemuriguse, 1932) (#29)
29) Trên cây (Ki no ue, 1962) (#30)
30) Người đẹp dưới trăng (Gekka-bijin, 1963) (#31)
Phần III (chưa cập nhật)
* Dẫn Nhập Của Người Dịch
Cái tên “truyện ngắn trong lòng bàn tay” đến từ tiếng Nhật “tenohira no shôsetsu” (chưởng tiểu thuyết) như cách gọi của hầu hết các nhà văn học sử. Đó là một thể loại tác phẩm văn học có đặc điểm là ngắn, ngắn đến nỗi có thể gói trọn trong lòng bàn tay. Thể loại này còn được nhà phê bình văn học Chiba Kameo (1878-1935), một người cổ vũ cho văn học đại chúng dưới thời Taishô (1912-26) gọi là “shôhen shôsetsu” (chưởng biên tiểu thuyết). Ngoài ra, nhà phê bình Hasegawa Izumi (sinh năm 1918), một người thân cận với Kawabata, đã chủ trương phải đọc là “tanagokoro shôsetsu”[1] tuy viết cùng ba chữ Hán “chưởng tiểu thuyết”. Hasegawa kể lại mình vì thắc mắc nên đã hỏi ý kiến Kawabata và được chính nhà văn đồng ý về cách đọc này[2]. Khi dịch ra tiếng Việt, chúng tôi rất bối rối, không biết nên gọi “trong lòng bàn tay”, “một gang tay” hay “trong gan bàn tay”. Sau khi tham khảo cả lối hiểu của người Tây Phương (palm[3], paume), xin tạm giữ lối gọi “trong lòng bàn tay” cho giống mọi người. Có thể dịch là “truyện cực ngắn” nhưng làm như thế lại đánh mất cái tên rất gợi hình của nó.
Trước Kawabata và đồng thời với ông, đã có nhiều người viết những truyện rất ngắn từ một vài hàng đến mươi hàng hay một hai trang. Tiêu biểu nhất - về độ ngắn mà thôi - từ xưa đã có những công án hay truyện thiền (Vô Môn Quan, Bích Nham Lục hay Sa Thạch Tập). Một thoại của Vô Môn Quan (tác phẩm Trung Quốc đời Tống nhưng đã đến Nhật rất sớm, giữa thế kỷ 13) vỏn vẹn có vài giòng (ví dụ thoại “Triệu Châu cẩu tử” dài đúng có ba hàng). Những mẩu truyện của Natsume Sôseki (1867-1916) trong Yume Juuya (Mười Đêm Mộng Mị, 1908) tuy ảm đạm và huyền bí hơn nhưng cũng rất ngắn, rất thơ, gần với tác phẩm đến sau của Kawabata. Thân thể đàn bà (Nyôtai) của Akutagawa Ryuunosuke (1892-1927) cũng ngắn gọn, thâm trầm. Một tác giả Mỹ đồng niên đại với Kawabata là E. Hemingway (1899-1961) đã để lại những truyện cực ngắn như Up to Michigan, thu được trong lòng bàn tay.
Tuy nhiên điều quan trọng cần nêu ra đây là hành trình đi vào “truyện ngắn trong lòng bàn tay” của Kawabata không phải là một hành trình đơn độc. Ông chỉ là một người trong nhóm bút trẻ của tờ Bungei Jidai (Văn Nghệ Thời Đại) đã cùng nhau đăng trong số báo tháng 2 năm Taishô 14 (1925) một loạt truyện cực ngắn chỉ có từ mươi đến vài mươi giòng. Tên tuổi các cây bút trẻ cùng chí hướng đã thể nghiệm hay chú ý về mặt lý luận của loại tiểu thuyết cực ngắn thời đó nay còn được nhắc tới là hai người bạn của Kawabata: Yokomitsu Riichi (1898-1947) và Nakagawa Yoichi (1897-1994)… cũng như những người ít được biết đến hơn như Kon Tôkô, Okada Saburô, Takeno Fujinosuke, Suga Tadao, Kamiya Kiichi, Suzuki Ganjirô, Ishihama Kinsaku vv…Đặc biệt Nakagawa và Okada rất năng nổ trong việc khai triển và định hướng cho thể loại văn học này.
Tuy nhiên, Kawabata mới là người nổi bật hơn cả trong lãnh vực truyện ngắn trong lòng bàn tay. Ông sáng tác nhiều nhất và đã tạo một văn phong đặc biệt cho nó[4]. Ngày nay, khi nói đến thể loại văn học này, người ta hầu như chỉ biết có ông. Với ông, truyện ngắn trong lòng bàn tay không còn là một thứ phác thảo (croquis) mà nhà văn ghi lại để chuẩn bị cho một tác phẩm lớn sắp viết. Nó đã trở thành một thể loại văn học với những nét đặc thù. Có khi, ông còn ký thác cho nó một nhiệm vụ đặc biệt như khi thay vì khai triển, lại đúc kết một tiểu thuyết khá dài (Xứ tuyết, Yukiguni, 1935-47) thành một truyện ngắn trong lòng bàn tay (Ghi chép về xứ tuyết, Yukigunishô, 1972).
Có thể nói truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata đứng giữa biên giới của thơ, tùy bút, hồi ký và truyện ngắn. Nhiều khi ta thấy ông như người kể lại những gì xảy ra trong một giấc mơ. Thay vì làm thơ, ông ***g khung những bài thơ định viết trong tác phẩm văn xuôi. Thể loại văn chương này thích hợp với bản tính ông, một con người mơ mộng, tinh tế và nhạy cảm. Thêm vào đó, khuynh hướng mới duy tâm lý[5] trong văn học mà ông là một người chủ trương ở Nhật cũng phù hợp với lối hành văn và nội dung của các tác phẩm ấy.
Theo lời giải thích của Yoshimura Teiji[6] thì sở dĩ Kawabata viết loại truyện ngắn này là muốn “thể hiện cái hồn thơ nơi mình hồi còn trẻ” mà về sau ông có lần xem như là “một sai lầm” và nhiều khi “đâm ra tự ghét mình” (?). Không hiểu thái độ đó bắt nguồn từ một lý do thầm kín nào hay chẳng qua là một phản tỉnh về mặt kỹ thuật, nhưng các đứa con tinh thần của ông không vì những nhận định tiêu cực của người sinh thành ra nó mà kém được độc giả yêu chuộng.
Tuy nhiên phải nói rằng chỉ trong giai đoạn trước 1926, ông mới viết nhiều thể loại này (36 truyện), sau đó ít đi và có khi lại gián đoạn không viết nó trong một khoảng thời gian dài. Thời kỳ 1944-50 rồi 1960-64, ông có vẻ sung sức hơn so với các giai đoạn khác. Thời kỳ trước tương ứng với thời điểm sáng tác Tiếng trên ngàn (Yama no oto, 1954) và Ngàn cánh hạc (Senbazuru, 1952), thời kỳ sau là lúc ông viết Người đẹp ngủ say (Nemureru Bijô, 1961), Cố đô (Koto, 1962) và Cánh tay (Kataude, 1965).
Hasegawa Izumi[7] thu thập được 147 truyện ngắn trong lòng bàn tay mà Kawabata đã cho đăng tải suốt thời gian từ 1921 đến 1972, nghĩa là trên nửa thế kỷ. Đầu tiên là truyện mang tên Dầu (Abura) đăng trên tạp chí Shinshichô tháng 7 năm 1921. Ghi chép về xứ tuyết (Yukiguni-shô), truyện ngắn trong lòng bàn tay cuối cùng đã đăng trên tạp chí Sunday ngày 13 tháng 8 năm 1972. Có thể Kawabata viết với một số lượng lớn hơn nữa nhưng không đem đăng, nhiều khi còn gạt bớt những truyện đã đăng trên báo ra ngoài tuyển tập. Với 147 truyện trong lòng bàn tay, chắc Hasegawa là người thu lượm được nhiều nhất. Toàn tập 37 quyển của Kawabata do nhà xuất bản Shinchô Bunko ấn hành chỉ gom được 122 truyện và cho cả vào quyển thứ nhất. Cũng cần nói thêm rằng tuyển tập văn chương đầu tay của Kawabata được in ra đã là một tập truyện ngắn trong lòng bàn tay, nhan đề Điểm tô tình cảm (Kanjô sôshoku), gồm 36 truyện đăng trong Bungei Jidai số tháng 7 năm 1926.
Về mặt phân loại nội dung, nếu chúng ta đồng ý với Yoshimura Teiji[8] thì truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata[9] có thể chia ra thành nhiều chùm mang đặc điểm khác nhau:
1) Chùm truyện có tính cách tự thuật với những truyện liên quan đến hoàn cảnh mồ côi cha mẹ và cuộc sống bên cạnh người ông mù lòa như Hốt cốt (Hone hiroi, 1949), Hướng nắng[10] (Hinata, 1923), Mẹ (Haha, 1926), Hai mươi năm (Nijuunen, 1925) …
2) Chùm truyện có tính cách tự thuật liên quan đến mối tình đầu như Món đồ dễ vỡ (Yowaki Utsuwa, 1924), Người con gái đi về phía lửa (Hi ni yuku kanojo, 1924), Chiếc dù đi mưa[11] (Amagasa, 1932), Cái cưa và sinh nở (Nokogiri to shussan, 1924), Cái huông của tác phẩm đầu tay (Shojosaku no tatari, 1927), Tấm ảnh[12] (Shashin, 1924)…
3) Chùm truyện lấy bối cảnh miền Izu thơ mộng với các bến cảng, suối nước nóng nơi đó có những nàng con gái tươi tắn, đầy sinh lực, biết vượt khó khăn trong cuộc sống. Ví dụ Tóc (Kami, 1924), Nàng o-Shin tâm bồ tát (O-Shin Jizô, 1925), Bến cảng (Minato, 1924), Chiếc giày mùa hạ (Natsu no Kutsu, 1926), Chiếc nhẫn (Yubiwa, 1924), Mùa đông gần kề (Fuyu chikashi, 1926), Kẻ trộm quả dâu lá bạc[13] (Gumi nusutto), Lời nguyện cầu của người trinh nữ (Shojo ni inori, 1926), Người đẹp trên lưng ngựa (Uma bijin), Kami imasu (Có ông trời, 1926), Đôi mắt mẹ[14] (Haha no me,1928), Ghềnh đá trơn trợt (Suberi iwa, 1925) Tòa lâu đài (Gyokudai, 1925), Cám ơn (Arigatô, 1925), Biển (Umi, 1925), Cô tiểu thư ở Suruga (Suruga reijô, 1927) ...
4) Chùm truyện với bối cảnh của xóm bình dân Asakusa nơi còn đọng cái duyên thầm của Edo lịch sử. Phần này tuy không nhiều nhưng có thể kẻ đến Xướng ngôn viên người Nhật (Nihonjin anna, 1929), Con gà và cô đào hát (Tori to Odoriko, 1930), Oshiroi to gasolin (Phấn và dầu xăng), Ông chồng bị trói (Shibarareta Otto, 1930)…
5) Chùm truyện giống như những bức ảnh bắt chụp quang cảnh thời thời hậu chiến, nói đến những thể nghiệm tâm lý trong sinh hoạt bản thân và con đường đi về cõi người già như trong Người đàn ông không cười (Warawanu otoko, 1929), Con thuyền lá tre (Sasabune, 1950), Hoa mơ hồng (Kôbai, 1948), Quả trứng (Tamago, 1950)…
6) Chùm truyện mô tả thế giới huyền ảo của những giấc mơ. Chiếc xe tang (Reikyuusha, 1926), Lũ cá vàng trên sân thượng (Okujô no Kingyo, 1926), Chết chung vì tình (Shinjuu, 1926), Vượt qua cái chết (Fuji, 1963) là những ví dụ.
Mười lăm truyện sau đây trích dịch từ nguyên tác theo bản bỏ túi Tenohira no Shôsetsu do nhà xuất bản Shinchô Bunko thực hiện năm 1971, tái bản lần thứ 25 vào năm 1983. Tập này chỉ có 111 truyện. Nếu muốn dịch trọn vẹn 147 truyện, phải tìm thêm nguyên tác bên ngoài. Cách đánh số truyện dịch từ 1 đến 147 tuân theo thứ tự thời gian xếp đặt rất công phu bởi Hasegawa Izumi.
Nói về nghệ thuật viết đoản thiên, chúng ta biết ở phương tây có những tên tuổi lớn như Guy de Maupassant, Anton Tchekhov, thế nhưng theo Yoshimura Teiji[15], người đáng kể hơn cả trong lãnh vực truyện ngắn có tính cách tâm linh[16] hay tâm lý là L’Isle-Adam[17]. Ông là một nhà văn Pháp thế kỷ 19, xuất thân quí tộc, sống phóng đãng, vượt khỏi thế tình, từng được các thi nhân từ Baudelaire, Mallarmé đến Verlaine kính nể. Chính ông mới là người đã để lại dấu ấn trong các tác phẩm của Mishima và nhất là chùm truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata. Điều đó có thể thấy được qua Tà dương (Rakujitsu, 1925) hay Tiếng chân con người (Ningen no ashioto), hai tác phẩm với âm hưởng của thơ siêu thực và là những tác phẩm sắc sảo, tươi mới, vạch được những gì mang ý nghĩa độc đáo, chưa ai khám phá ra nơi tâm hồn con người.
Xin thú thực là công việc dịch thuật từ nguyên tác đòi hỏi một khả năng ngôn ngữ cao mà bản thân người dịch chưa đạt được, không kể sự khó khăn khi muốn truyền đạt cái tinh tế trong lối hành văn ngắn, gọn, hàm súc của Kawabata. Chưa nói đến việc có người còn cho rằng những truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata tự chúng đã mơ hồ và bí ẩn như nụ cười của người đẹp Mona Lisa. Nó làm cho vai trò tham gia của độc giả trong việc thưởng thức tác phẩm của Kawabata rất đáng kể.
Bookmarks