>
Trang 2/4 đầuđầu 1 2 3 4 cuốicuối
kết quả từ 11 tới 20 trên 31

Ðề tài: [Truyện ngắn] Tập truyện ngắn "Trong lòng bàn tay" của Kawabata Yasunari

  1. #11
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    10. MÓNG TAY BUỔI SÁNG

    (Asa no tsume, 1926) (47)


    Có cô gái nghèo mướn một căn gác hai tồi tàn để trọ. Và nàng chờ đợi ngày làm đám cưới với người yêu của mình. Thế nhưng cứ mỗi đêm lại có một người đàn ông khác nhau đến nhà nàng. Căn nhà âm u, không ánh nắng mai. Nàng thường đi đôi dép gỗ đàn ông đã cùn, ra giặt giũ ngoài sân sau.

    Đêm đến, đàn ông người nào cũng như người nấy, đều nói y một câu:

    -Trời đất, không có màn à?

    -Xin lỗi. Thôi để em thức suốt đêm đuổi muỗi cho anh. Đừng trách em tội nghiệp.

    Nàng ngượng ngập châm lửa vào thỏi hương vòng xua muỗi màu xanh. Sau khi đèn đuốc tắt ngấm, cô gái cứ ngồi ngắm đóm lửa bé li ti trên vòng hương và nhớ lại những ngày thơ ấu của mình. Thế rồi, cô không ngừng phất qua phất lại cánh quạt trên thân thể người đàn ông. Cô tiếp tục mơ màng thấy mình đang quạt.

    Trời đã vào thu.

    Khác với ngày thường, một ông già đã ghé qua căn gác trọ tồi tàn ấy.

    -Không treo màn sao?

    -Xin lỗi. Thôi để em thức suốt đêm đuổi muỗi cho ông. Đừng trách em tội nghiệp.

    -Vậy à? Thôi chờ đây chút nghe!

    Nói xong, ông ta đứng dậy. Cô gái sụp xuống van nài:

    -Em sẽ đuổi muỗi đến sáng mai mà. Em không ngủ phút nào đâu!

    -Biết rồi! Tôi đi một chốc về ngay.

    Ông già bước xuống thang gác và đi mất. Vẫn chong đèn điện, cô gái đốt hương xua muỗi. Một mình ở chỗ quá sáng như thế này, cô không tài nào nhớ lại thời thơ ấu của mình.

    Khoảng một giờ sau, ông già đã trở về. Cô gái bật người ngồi dậy.

    -Này, hay quá, nhà cô có móc để treo!

    Ông già treo hộ cô cái màn muỗi trắng mới tinh khôi trong căn phòng nghèo nàn. Cô gái vào bên trong, nới chân màn cho rộng, vừa đi vừa sờ soạng để cảm thấy cái mát rượi của chiếc màn, lòng vui rộn ràng.

    -Biết thế nào ông cũng trở lại nên em vẫn chong đèn chờ. Em muốn cứ để điện sáng trưng như thế mà ngắm cái màn trắng mới.

    Thế nhưng vì mấy tháng rồi không bao giờ được tròn giấc cho nên cô lăn ra ngủ vùi ngay. Cô không biết cả chuyện ông già đã bỏ ra về từ buổi sáng.

    -Này, này, này, em!

    Tiếng anh chàng người yêu làm cô thức giấc.

    -Rốt cuộc mai này mình làm đám cưới được rồi đó em. Ối dào, cái màn đâu mà đẹp quá. Nhìn nó thôi đủ thấy khoái.

    Nói xong, anh ta gỡ cả cái màn ra khỏi móc. Rồi anh lôi cô gái từ trong màn ra, nâng cô cao và đem đặt giữa đỉnh màn.

    -Em ngồi lên trên cái màn này đi. Bộ em không thấy giống như đóa hoa sen nở thật lớn sao? Nó làm cả căn phòng giờ đây trở thành thanh khiết cũng như… em vậy.

    Khi da thịt chạm vào lớp vải tuyn mới trắng toát, cô thấy mình như một cô dâu mới.

    -Thôi để em đi cắt móng chân.

    Cô ngồi lên trên tấm màn trắng toát và ngây thơ cắt mấy cái móng chân dài vì đã bỏ quên từ lâu ngày[32].
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  2. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  3. #12
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    11. HOA HUỆ

    (Yuri, 1927) (53)





    Thời Yuriko (Huệ) còn ở bậc tiểu học. Cô bé nghĩ thầm:

    -Tôi nghiệp bạn Umeko (Mơ) quá đi mất.Viết thì dùng mẩu bút chì ngắn hơn ngón tay cái, lại còn phải đeo cái cặp sách cũ ông anh để lại.

    Thế rồi, để làm giống y người bạn thân yêu nhất của mình, Yuriko lấy cái cưa nhỏ xíu đính theo con dao học trò, cưa cây bút chì dài thành nhiều khúc con con. Vì cô bé không có một ông anh nên khóc và nằng nặc đòi cha mẹ mua cho bằng được chiếc cặp sách con trai.

    Đến khi lên trường nữ trung học. Cô bé lại nghĩ thầm:

    -Bạn Matsuko (Tùng) xinh ơi là xinh. Dái tai với mấy ngón tay bị bỏng vì sương giá, màu cứ đỏ hỏn, trông dễ thương ghê.

    Thế rồi, để làm giống y người bạn thân yêu nhất của mình, cô dầm tay thật lâu trong nước lạnh chậu rửa mặt, thoa nước lên mang tai rồi cứ như thế đi đến trường trong cơn gió ban mai lạnh buốt.

    Tốt nghiệp xong, cô đi lấy chồng. Khỏi phải nói, Yuriko yêu chồng đắm đuối. Thế rồi, muốn bắt chước cho giống cung cách con người mình yêu dấu nhất đời ấy, cô cắt tóc ngắn, cố tình đeo kính cận thị thật nặng, nuôi lông mép, bập bẹ ống điếu như bọn thủy thủ, khi gọi chồng thì cứ “Ê! ê!”. Cô đi đứng mạnh bạo và còn định xung phong vào lục quân. Điều ngạc nhiên là ông chồng không tán thành bất cứ điều gì cô thích làm.Ngay cả việc cô mặc quần lót dài kiểu đàn ông như chồng cũng bị quở trách. Mặt anh ta còn khó đăm đăm khi thấy cô bỏ dồi phấn thoa son để không có gì khác mình. Vì lý do đó, tình yêu của Yuriko đối với chồng bị cản trở, cô mất hết tự do hành động. Như cây bị cắt mất búp non, nó dần đần héo úa. Cô nghĩ:

    -Người đâu mà chán mớ ! Sao chồng mình lại không cho phép mình làm giống y như anh ấy nhỉ? Mình và người mình yêu sao phải cứ khác nhau? Buồn quá đi thôi!

    Thế rồi Yuriko đâm ra yêu thượng đế. Nàng khấn nguyện:

    -Thượng đế ơi, xin ngài cho con xem mặt. Hãy làm một điều gì để con được trông thấy ngài. Con muốn có hình ảnh giống như thượng đế con yêu. Con muốn làm y những việc ngài làm.

    Tiếng của thượng đế từ thinh không vọng xuống dõng dạc:

    -Ngươi phải trở thành đóa hoa huệ như tên ngươi vậy. Phải giống hoa huệ, vì hoa huệ không yêu ai riêng rẽ hết. Phải giống hoa huệ vì hoa huệ yêu tất cả mọi loài.

    -Xin vâng!

    Yuriko trả lời một cách đơn sơ, thành thực.

    Và như thế, Yuriko biến thành một đóa hoa huệ.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  4. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  5. #13
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    12. CHIẾC DÙ ĐI MƯA [33]

    (Amagasa, 1932)
    (100)





    Tuy không đến nổi ướt nhưng trận mưa xuân giống như sương mù cứ làm cho da thịt âm ẩm dâm dấp. Thiếu nữ chạy ra đến mặt tiền mới nhác thấy cái dù của cậu con trai.

    -A, mưa ta ơi!

    Thiếu niên bung chiếc dù đi mưa ra, không phải để che mưa nhưng để che sự lúng túng của mình khi đi ngang người con gái đang ngồi ở đầu cửa tiệm.

    Tuy không nói một lời nhưng cậu ta lại chìa chiếc dù ra để che thân hình người con gái. Thiếu nữ chỉ nghiêng một bên vai vào bên trong chiếc dù. Thiếu niên không ghé sát lại phía thiếu nữ và tựa hồ bảo cô hãy vào luôn kẻo ướt. Thiếu nữ cũng muốn đưa một bàn tay ra để cùng nhau nắm cán dù nhưng rốt cuộc cô mình như đang cố tình trốn khỏi vòm dù.

    Hai người vào trong một hiệu chụp ảnh. Người cha của cậu con trai là công chức cao cấp, vừa được bổ nhiệm về một vùng xa. Đây là tấm ảnh kỷ niệm ngày chia tay của hai người.

    -Mời cô cậu vào ngồi xuống đây cho tôi chụp.

    Bác phó nhòm chỉ cái trường kỷ và bảo họ ngồi bên cạnh nhau nhưng cả hai đều không sao làm được. Thiếu niên ra đứng sau lưng thiếu nữ, và để tạo ra cảm tưởng thân thể của họ gần gũi với nhau ở một điểm nào đó, bác ta bảo thiếu niên phải cho một ngón của bàn tay cậu đang nắm thành trường kỷ đụng phớt vào tấm áo khoác cô gái. Đây là lần đầu tiên bàn tay cậu chạm vào người con gái.

    Từ đây suốt đời mỗi khi nhìn tấm ảnh này chắc mình sẽ nhớ mãi hơi ấm thân thể nàng!

    -Cho chụp thêm tấm nữa nhé! Cảnh lúc hai người ngồi bên nhau, lấy nửa thân bên trên thật gần.

    Thiếu niên chỉ biết gật đầu.

    -Còn tóc em?

    Cô gái se sẽ nói. Bất ngờ cô ngước lên nhìn anh con trai, hơi hồng đôi má, có một niềm vui tươi sáng long lanh trong ánh mắt. Như một đứa trẻ con, không biết e dè, cô ù ù té chạy vào trong phòng trang điểm.

    Khi thiếu nữ ngồi ở đằng trước cửa tiệm, vừa thấy thiếu niên đi đến, cô đã vội vàng bước ra, quên mất là mình chưa sửa lại mái tóc. Đầu tóc của cô lúc đó hãy còn rối tinh như người vừa cởi cái mũ đi bơi, làm nãy giờ cô cứ mãi bận tâm về nó. Thế nhưng cô thuộc loại con gái ra trước mặt anh con trai là đã thẹn thùng còn nói chi dám làm bộ vén tóc bới lên và trang điểm. Còn cậu kia trong bụng cũng nghĩ nếu mình bảo cô ấy chải tóc đi thì khác nào cười vào mũi người ta.

    Dáng điệu trẻ trung của cô bé khi chạy vào phòng trang điểm cũng làm cho thiếu niên vui lây. Sau khi đã tỏ ra vui tươi như vậy, như thể đang làm một hành động tự nhiên, họ ngồi ghé sát lại với nhau trên chiếc trường kỷ.

    Khi sắp sửa bước ra khỏi hiệu ảnh, thiếu niên đi tìm chiếc dù. Bất ngờ nhìn ra, cậu mới biết cô bé đã đi ra trước và đang đứng ngoài mặt tiền, nắm chiếc dù trên tay. Khi thấy người con trai nhìn mình, cô mới để ý ra rằng mình đang cầm chiếc dù của người ta.Thế rồi, cô ngạc nhiên tự hỏi phải chăng trong lúc vô tình mình đã có một hành động cho cậu ta thấy mình như thể đã thuộc về cậu ấy rồi.

    Thiếu niên không nói với cô nổi một câu như thôi, cứ cầm cây dù ấy đi. Mà thiếu nữ cũng không làm sao trả lại được cho thiếu niên cây dù ấy. Thế nhưng khác với lúc trên đường đi đến tiệm ảnh, trên đường về, cô cậu bất chợt đã trở thành hai người lớn, họ sóng đôi bên nhau như cặp vợ chồng.

    Chuyện về cây dù đi mưa thật ra chỉ có chừng đó.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  6. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  7. #14
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    13. TRANG ĐIỂM

    (Kesô, 1932) (104)


    Cánh cửa phòng vệ sinh của nhà tôi ngó đâu mặt với căn buồng vệ sinh của nhà quàn Yanaka[34].

    Khoảng cách giữa hai khu nhà vệ sinh là một bãi đất trống dùng làm nơi đổ rác cho nhà quàn. Người ta đem những bó hoa hay vòng hoa đi phúng dùng xong vứt ra đấy.

    Mùa thu,trong khu nghĩa địa của nhà quàn, côn trùng đã kêu ran dù lúc đó mới khoảng giữa tháng chín. Như để cho họ xem một chuyện lạ, tôi quàng vai vợ tôi và dắt theo cô em vợ, đi qua khu hành lang hơi vắng lạnh. Lúc đó trời đã vào đêm. Đến cuối hành lang, khi vừa mở cánh cửa nhà vệ sinh thì mùi hương hoa cúc đã xông lên nức mũi. Hơi ngạc nhiên, hai chị em cô vợ tôi đến ghé mặt sát vào cửa sổ chỗ bồn rửa mặt. Cả một vùng bên ngoài cửa sổ ngập tràn một loại hoa cúc trắng đang độ nở. Có đến khoảng mười hai vòng hoa cúc trắng dựng thành hàng bên cạnh nhau. Đây là những vòng hoa còn lại sau buổi lễ tang hôm nay. Vợ tôi vươn tay ra làm như chực ngắt một đóa, vừa bảo rằng cũng đến mấy năm nay nàng mới thấy người ta đem đến một lần nhiều hoa cúc đến thế. Tôi bật đèn điện lên. Dưới ánh đèn lấp lánh những tấm giấy màu bạc người ta dùng để bọc những vòng hoa ấy. Những khi làm việc qua đêm, đôi lúc tôi có dịp ngửi thấy mùi hoa cúc, khi vào nhà vệ sinh. Mỗi lần có dịp hít được mùi hương của hoa cúc, tôi có cảm tưởng cái mệt một đêm thức trắng của mình cũng tan biến cùng với làn hương. Cuối cùng, trong ánh nắng sớm hôm sau, màu trắng của hoa cúc càng trắng hơn, lớp giấy bạc lại bắt đầu ánh lên. Thế rồi trong lúc đang thỏa mãn nhu cầu, tôi chợt nhận ra có một con chim hoàng yến bất chợt đậu lên trên một chòm cúc trắng. Chắc đây là một con chim vừa được phóng sinh, quá mệt mỏi nên quên mất đường về tiệm bán chim rồi.

    Cái cảnh hoa bày như thế nói ra thì có vẻ đẹp đấy nhưng tôi còn thấy cả cảnh những đóa hoa dùng trong tang lễ dần dần úa nẫu ở bên ngoài cửa sổ nhà vệ sinh. Nhằm đúng vào thời điểm đầu tháng ba khi đang viết những dòng chữ này, tôi được thấy một vòng hoa với những đóa hoa hồng và những cánh hoa chuông đang héo úa dần dần, và tôi có thể nhận xét hoa đã dần dần đổi màu như thế nào trong khoảng thời gian năm sáu hôm.

    Thế nhưng chỉ theo dõi về hoa như loài thực vật thôi thì còn được.

    Từ cánh cửa sổ của nhà quàn nơi hành lễ, tôi còn phải nhìn thấy cả những đóa hoa biết nói. Phần lớn họ là đàn bà trẻ. Không biết tại sao, ít khi tôi thấy đàn ông ra vào nơi đó. Còn mấy bà lão, càng dừng lại thật lâu trong nhà vệ sinh của nhà quàn và giở kính ra soi, họ càng bớt giống đàn bà. Các cô các bà trẻ hầu hết đứng lại ở đó một đỗi và sửa soạn trang điểm. Khi thấy những người đàn bà mặc tang phục trang điểm trong nhà vệ sinh của nhà quàn – như kẻ những nét son đậm lên môi - tôi thấy môi họ giống những đôi môi vừa liếm máu xác chết và sợ hãi đến co rúm cả người. Tất cả bọn họ đều trang điểm một cách bình thản. Có thể họ tin tưởng rằng không có ai thấy mình đang làm gì nhưng cái ý nghĩ tội lỗi đang lén lút làm một cái gì xấu xa đã lộ ra trên con người họ.

    Tôi không nghĩ rằng mình thích ngắm cảnh trang điểm ghê rợn như thế. Tuy nhiên vì hai cánh cửa sổ suốt năm cứ đâu mặt vào nhau, tất nhiên nhiều khi cũng có những sự trùng hợp không may xảy ra. Và mỗi lần, tôi lại phải vội vàng nhìn qua chỗ khác. Hình ảnh những người đàn bà thấy trong buồng vệ sinh của ngôi nhà quàn lại hiện ra trong trí tôi mỗi lần có dịp chứng kiến những người đàn bà trang điểm ở đầu đường hay trong phòng khách. Điều này rõ ràng làm tôi bằng lòng. Tôi đã có lần nghĩ nên viết thư gửi cho những người đàn bà tôi yêu để nhắn với họ rằng dù có phải đi dự lễ tang ở nhà quàn Yanaka thì nhớ chớ vào trong nhà vệ sinh. Lý do là tôi không muốn họ nhập bọn với những người con gái yêu ma.

    Thế nhưng, đây là câu chuyện vừa xảy ra hôm qua.

    Tôi thấy trong căn nhà vệ sinh của nhà quàn, có một thiếu nữ tuổi độ mười bảy mười tám đang cầm chiếc mùi soa trắng chậm nước mắt. Hình như càng chậm bao nhiêu, nước mắt càng tuôn trào bấy nhiêu, không sao ngăn được. Hai vai rung lên, tiếng nấc nghẹn ngào. Hình như nàng không sao giữ được nỗi buồn đang dâng trào, và phải tựa người vào thành tường nhà vệ sinh để cho khỏi ngã. Không còn đủ sức để lau hai gò má, nàng để mặc cho giòng lệ chan hòa.

    Không phải chỉ có một mình nàng là người lén đến đây trang điểm đâu. Chắc chắn nàng chỉ lén đến đây để khóc đấy thôi.

    Giữa khi tôi đang cảm thấy nhờ có trường hợp của nàng mà bao ý tưởng xấu tôi đã gắn chặt vào những nàng con gái tôi thấy từ cánh cửa sổ này dần dần được quét sạch đi, thì chính lúc đó, một điều tôi không hề dự đoán đã xãy ra! Nàng con gái rút ra một tấm kính bé, hướng về nó, thoáng nở một nụ cười rồi thoăn thoắt bước ra khỏi căn nhà vệ sinh. Tôi sửng sốt như vừa bị dội một gáo nước lạnh, thiếu điều định kêu lên thành tiếng.

    Đối với tôi, đó là một nụ cười khó mà hiểu nổi.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  8. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  9. #15
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    14. QUÊ NHÀ

    (Sato, 1944) (118)




    Ngày Kinuko trở về nhà cha mẹ lần đầu, nàng hồi tưởng chuyện xưa khi chị dâu nàng cũng về thăm quê chị ấy.

    Người chị dâu sinh ra trong một thôn làng trên núi, nơi có lệ dangogui tức ăn cháo bánh trôi vào tối ngày băm mốt tháng giêng. Đó là tập tục cho gọi những người con gái của làng đi lấy chồng xa về nhà, đãi họ ăn bánh trôi bột gạo ninh trong cháo đậu đỏ. Có thể là dấu vết của món cháo đậu đỏ azukigayu có tự ngày xưa.

    -Trời đổ tuyết nhiều thế này mà cũng đi à?

    Mẹ nàng vừa nhìn theo tiễn chân cô con dâu đang địu đứa con trên lưng mà trong bụng không khỏi khó chịu.

    -Chả biết có gì vui thú không! Chứ có con có cái rồi đó mà tâm tính vẫn như con nít không bằng.…. Chị dâu mày mà không chịu làm quen với cuộc sống của cái gia đình này thì phiền lắm.

    Kinuko trả lời:

    -Má cứ nói! Mai mốt có đi lấy chồng thì con vẫn thương cái nhà mình chứ! Nếu con không thấy nhà mình có gì vui để mà về thì chắc má cũng đâm ra nhớ con, phải không má?

    Vì chiến tranh, trong thôn vắng đàn ông, cô dâu của bà phải đi theo làm việc đồng áng với đội canh tác bằng sức ngựa[35] hết nơi này đến nơi khác. Phần Kinuko, đi lấy chồng ngoài tỉnh, tuy thân thể có đỡ cực nhọc nhưng nàng cũng buồn vì cảm thấy thiếu vắng một cái gì. Bây giờ khi mường tượng hình ảnh người chị dâu đang bước thấp bước cao, gắng sức đi trên con đường núi tuyết rơi tầm tã cho chóng đến nhà cha mẹ, thì nàng có lúc như muốn cất tiếng cổ võ “Gắng lên chị ơi!”.

    Thế rồi bốn năm sau, đến lượt Kinuko cũng về thăm quê. Tiếng bà chị dâu lục đục trong bếp làm nàng thức giấc. Nhìn vách núi lấn sát vào bức tường trắng của nhà hàng xóm, nàng nhớ lại những kỷ niệm thời con gái. Nàng ra trước bàn thờ Phật, khấn với linh hồn người cha quá cố : “Con bây giờ có hạnh phúc rồi, ba!” và để nước mắt lặng lẽ đoanh tròng. Khi nàng đi gọi chồng dậy, thì chàng vẫn nằm trong chăn, đưa mắt nhìn quanh căn nhà cổ kính:

    -A, má nó được về nhà cũ của mình rồi đây này!

    Trước giờ ăn sáng, mẹ nàng đã gọt cho bao nhiêu là lê là táo, bà đẩy mâm ra đằng trước rồi nói với anh con rể ăn đã hết nổi:

    -Anh xơi thật nhiều đi cho bõ những khi còn nhỏ!

    Và mắng mấy đứa cháu háu đói muốn ăn ngay. Anh chồng bây giờ đã đóng vai ông dượng, bị bọn ba đứa cháu vừa trai vừa gái vây quanh. Nhìn khung cảnh êm đềm đó, lòng Kinuko chợt vui lạ lùng.



    Mẹ Kinuko đã bế đứa bé con của cô qua phía trước nhà. Bà đang khoe cháu ngoại với xóm giềng:

    -Con của Kinuko bây giờ bụ bẫm thế này đây! Ra đây mà xem nào!

    Kinuko nhìn theo dáng của người chị dâu đang đi lấy bức thư của người chồng gửi từ chiến trường về cho nàng cùng xem. Bỗng nhiên nàng nhận ra mớ tuổi của người chị dâu và cái gánh nặng đè trên vai bà từ khi hoàn toàn trở thành một bộ phận của gia đình mình và nàng không khỏi giật mình.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  10. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  11. #16
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    15. NƯỚC

    (Mizu, 1944)


    Khi nàng từ trong nước qua lấy chồng thì chẳng bao lâu, anh chồng bị đổi đi làm ở đài khí tượng trên ngọn Hưng An Lãnh[36]. Điều cô vợ ngạc nhiên hơn cả là để có một bình xăng đựng nước ngọt phải trả mất bảy sen. Nước vừa đục lại vừa bẩn. Khi nghĩ rằng phải dùng dùng nó để đánh răng, vo gạo, nàng thấy nghẹn ngào. Thế rồi trong chỉ trong vòng có nửa năm, vải trải giường cũng như quần áo lót đều ngả một màu vàng. Chưa hết đâu, năm đó, kể từ đầu tháng chạp, đáy giếng hình như cũng đông cứng. Có một anh phu không biết khuân ở đâu về được những tảng nước đá. Mất nhiều thời giờ thật nhưng đôi khi nhờ tảng nước đá ấy mà có thể đun nước tắm. Giờ đây nàng không dám đòi hỏi cái gì xa xỉ hơn. Có gì sung sướng hơn là được nước nóng làm ấm lại cả thịt da hầu như đã tê dại. Bây giờ thì đã xa xôi quá rồi nhưng người vợ nhớ lại như trong một giấc mơ cảnh đi tắm lúc nàng còn ở quê nhà: trong tay cầm một chiếc khăn lau thật trắng, để cho bàn chân bàn tay thon thả của mình chìm trong làn nước nóng ngập tới bờ vai.

    -Cô ơi, xin lỗi, có còn dư chút nước nào không, cho tôi một ít với!

    Bà hàng xóm mang cái vại bằng đất nhỏ xíu đến nơi.

    Lâu ngày mới có dịp chùi rửa nồi niêu nên tôi lỡ tay xài hết nước rồi.

    Không còn tị nước thừa, nàng mới chia cho bà ta một ít nước trà vừa đun.

    Bà láng giềng mới bảo:

    -Mong sao cho trời sớm sang xuân để mà có nước giặt giũ tung tóe cho thỏa thích! Nội chuyện có miếng nước để mà tạt một cái cũng hả hê rồi.

    Đó là ước mơ của một người đàn bà từng sống ở quê hương Nhật Bản, nơi mà lúc nào nước cũng trong vắt và tràn trề. Nàng nôn nao đợi đến lúc tuyết tan để có nước. Lúc đó có lẽ thích thật vì khi đem đổ nước trong bồn rửa mặt đi, thấy nó thấm thật nhanh vào lòng đất. Và từ chỗ đó, hoa bồ công anh sẽ đâm chồi mọc lên trước tiên.

    Khi nàng mời người đàn bà láng giềng vào tắm thì chuyến xe lửa đi về miền bắc[37] cũng vừa đến từ dưới thung lũng. Đây là giờ tin tức để nghe tình hình chiến sự ở phương nam.

    -Rộng quá thể!

    Từ trong bồn tắm ấm áp, người đàn bà láng giềng cất tiếng. Thật vậy, từ đài khí tượng trên ngọn Hưng An Lãnh, nơi chồng cô làm việc cho đến khung trời của biển nam[38] xa xôi. Nước Nhật bây giờ là thế đó[39].

    Khi nàng bước ra khỏi khu cư trú cho gia đình công chức thì đợt sương mù len giữa cành lá của những cây tùng đã tản mác ra trông giống như những cánh anh đào đang rơi rụng. Người vợ trẻ ngẩng đầu nhìn lên bầu trời xanh ngắt, cái màu gợi nhớ mặt biển quê hương.


    ---

    Chú thích

    [1] ta= âm cổ của te=tay; na=âm cổ của no= của. gokoro =âm đục của kokoro=lòng. Như thế tanagokoro nghĩa là “lòng bàn tay”, cũng như tenohira hay tenoura.

    [2] Xem Khảo Luận về Kawabata (Kawabata Ronkô, 1991) của Hasegawa Izumi, Meiji Shôin xuất bản, trang 481.

    [3] Palm-of-the-hand Stories như Lane Dunlop và J. Martin Holman (Tuttle Publishing, Tokyo, 1988) đã dùng. Palm = the inner surface of the hand between the wrist and fingers. (Oxford)

    [4] Nhà phê bình Hasegawa Izumi dùng chữ “cổ kim độc bộ” (kokondoppo) để nhấn mạnh vai trò quan trọng của Kawabata trong việc phát triển thể loại văn chương này.

    [5] Khuynh hướng gọi là Shin-Shinri-ha (Neo- Psychologism) chịu ảnh hưởng của tâm phân học, chủ trương miêu tả và giải thích một cách chủ quan những vùng sâu kín trong tâm lý con người như bản năng, tiềm thức...Ở Anh có James Joyce, Virginia. Wolf, Pháp có Marcel Proust. Nhật có Itô Sei, Kawabata Yasunari, Yokomitsu Riichi và Hori Tatsuo (theo từ điển Kôjien). Những nhà văn học sử khác lại đặt Kawabata vào nhóm Shin-Kankaku-ha (Neo-sensualism) với Nakagawa Yoichi, Kataoka Teppei, Yokomitsu Riichi và những người chủ trương tạp chí Bungei Jidai. Dầu sao, hai phái nói trên đều chủ trương duy mỹ và vị nghệ thuật.

    [6] Xem lời bạt của ông trong Truyện Ngắn Trong Lòng Bàn Tay (Tenohira no Shôsetsu), Shinchô Bunko xuất bản, 1971, tái bản lần thứ 25 vào năm 1983, trang 485.

    [7] Xem sách đã dẫn, trang 486-498.

    [8] Xem sách đã dẫn, trang 497-498.

    [9] Nhiều truyện trước đây đã được các dịch giả Nhật Chiêu, Hoàng Long…giới thiệu với độc giả Việt Nam.

    [10] In đậm là những chuyện được dịch lần nầy.

    [11] Sẽ dùng lai trong Lửa phương nam (Nanpô no hi).

    [12] Sẽ được làm sống lại trong Thủy tiên (Suisen). Xem bản dịch của Quỳnh Chi.

    [13] Tạm dịch từ chữ Gumi (Alaeagnus commutata = silverberry), một loại dâu lá bạc, cành nâu đỏ, thường thấy ở Bắc Mỹ.

    [14] Xem bản dịch của Quỳnh Chi.

    [15] Sách đã dẫn, trang 498-499.

    [16] Spritual, spriritualistic.

    [17] Auguste de Villiers de l’Isle-Adam (1838-1889).

    [18] Người con gái Kawabata nhắc đến ở đây là Itô Hatsuko tức nàng Chiyo, mối tình đầu khác phái của ông. Về mối tình đồng tính đầu tiên, ông có nhắc lại trong một tác phẩm khác.

    [19] J.Martin Holam dịch là Phái Yếu (The Weaker Vessel)

    [20] Người dịch chưa tìm ra nguồn của câu nói này.

    [21] Nguyên văn 15 ri (lý). Mỗi ri dài 3, 9273 km.

    [22] Đoản thiên này mang tính cách tự truyện vì cha (1901), mẹ (1902) bà (1906) em gái (1909) và ông (1914) của Kawabata lần lượt qua đời cách nhau không lâu. Có thể cha mẹ của ông chết vì lây bệnh cho nhau.

    [23] Bệnh lao phổi là lưỡi liềm của tử thần khó tránh trong bối cảnh những năm trước thế chiến thứ hai.

    [24] Năm mẹ mất (1902), Kawabata mới lên ba vì ông sinh năm 1899..

    [25] J. Martin Holman (sách đã dẫn) dịch là một đứa con trai nhưng như thế thì không phù hợp với đoạn cuối của nguyên tác, nói rõ “đứa bé này” là một cô con gái (waga musume).

    [26] Tác giả dùng chữ chie (trí huệ, trí tuệ), xin dịch theo nghĩa ngộ đạo hay liễu ngộ của nhà Phật gần gũi với tâm tình người Nhật hơn là nghĩa trí tuệ (sophia) trong triết học Tây Phương.

    [27] Nguyên văn Ware, một chữ có thể hiểu theo số ít lẫn số nhiều.

    [28] Nguyên văn usubakagero: (ant-lion = kiến sư tử)

    [29] Nguyên văn: mahoganii (mahogany).

    [30] Nguyên văn ranchuu (lan trùng, lan chú) một giống cá vàng dị tướng, thân nhỏ, lưng tròn, không có vẩy, đầu đầy cục thịt trông như bướu.

    [31] Nguyên văn mijinko =daphnia, water-flea.

    [32] Ông già có phải là một ông tiên đã ghé qua căn gác trọ nghèo để cứu vớt nàng và hành động cắt móng chân cũng như là hành động “rửa chân” (ashiarai) nghĩa là từ bỏ quá khứ giang hồ để sống một cuộc đời mới?

    [33] Ngoài dù dùng để đội đi mưa, ở Nhật còn có dù đi nắng và dù dùng để chỉ trỏ.

    [34] Chính ra là một cở sở dùng cả vào việc cử hành tang lễ chứ không riêng gì làm nơi quàn xác chết..

    [35] Nguyên văn Ido Bakôtai, đoàn lưu động sử dụng sức ngựa để canh tác, một tổ chức trong thời chiến ở Nhật.

    [36] Tên một ngọn núi lớn ở Mãn Châu.

    [37] Nguyên văn kitaguni, vùng thảo nguyên lạnh lẽo miền bắc, ở đây chỉ miền bắc Mãn Châu..

    [38] Ám chỉ các đảo Nam Thái Bình Dương.

    [39] Tâm tình “ái quốc” tuy kín đáo nhưng quá nồng nhiệt của Kawabata vào thời điểm 1944.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  12. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  13. #17
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    16. NGƯỜI CON GÁI ĐI VÀO ĐÁM LỬA

    (Hi ni yuku kanojo, 1924)
    (7) [1]



    Mặt hồ ở mãi xa, trông bé tẹo và sáng lấp lánh. Nó có cái màu của dải nước tù hãm trong khu vườn cổ một đêm trăng. Khu rừng bên kia mặt hồ đang lặng lẽ cháy. Chỉ trong khoảnh khắc, lửa đã lan rộng. Chắc là một trận hỏa hoạn.

    Bên bờ hồ, những chiếc xe vòi rồng chữa lửa chạy như đèn cù, bóng chúng ánh lên mặt nước trông chẳng khác mấy món đồ chơi con nít.

    Trên con dốc, người ở đâu họp thành đoàn đen kịt, theo nhau leo lên không dứt.

    Bất chợt tôi cảm thấy không khí chung quanh vùng bỗng dưng hanh ráo. Trời đất như sáng ra.

    Cả một vùng phố xá dân cư dưới con dốc đã chìm trong biển lửa.

    Người con gái xông xáo vẹt đoàn người dày đặc, đi ngược chiều xuống phía dưới dốc.

    Lạ lùng thay, đó là một thế giới hoàn toàn im lặng.

    Nhìn người con gái xăm xăm tiến thẳng về phía lửa, tôi thấy trong lòng mình dâng lên một tình cảm xót xa.

    Lúc đó, dù không dùng lời nói, thực ra tôi biết rõ ràng mình đang đối thoại để hiểu những nỗi niềm cô ấy mang trong lòng:

    -Tại sao mỗi mình em lại đi ngược chiều xuống dốc? Để cho lửa thiêu chết em sao?

    - Em không muốn chết đâu!Tuy nhiên, hướng Tây là nơi có ngôi nhà anh ở. Cho nên em phải đi về đằng Đông!

    Giữa những ngọn lửa sáng lòa chỉ có một chấm đen là bóng dáng của nàng, nó chích đau nhức mắt và làm tôi bừng tỉnh dậy.

    Có những giọt lệ trào bên khóe mắt.

    Chuyện nàng bảo nàng không muốn cả việc đi về hướng nhà tôi là điều tôi đã tiên liệu. Nàng suy nghĩ thế nào, thôi cũng cam đành! Riêng tôi, vì cứ tuân theo lý trí, đứng trước sự thực là tình cảm của nàng bây giờ đã nhạt phai, bên ngoài tôi làm như không còn tha thiết nữa nhưng thực ra vẫn tiếp tục nghĩ theo ý mình mà không đếm xỉa gì tới nàng. Tôi cứ cho rằng cùng tận đáy lòng con người ấy chắc hẳn hãy còn chút gì quyến luyến với mình. Cười khinh miệt cái thằng tôi đấy nhưng sao tôi vẫn âm thầm nuôi dưỡng ý nghĩ đó như một sự thật.

    Tuy nhiên, khi nằm mơ như thế, tôi đã chứng tỏ ý tưởng là người con gái không còn mảy may yêu thương mình đã đâm sâu vào tất cả ngõ ngách của hồn tôi mất rồi.

    Giấc mơ đó biểu lộ tình cảm của tôi. Còn cái tình cảm của nàng mà tôi thấy trong giấc mơ chỉ là tình cảm tôi đem gán cho nàng. Nhưng nó chỉ phản ánh tình cảm của chính tôi thôi. Mà cái tình cảm đến trong giấc mơ nào có lừa dối hay kiêu kỳ với ai bao giờ đâu!

    Nghĩ như thế, một nỗi buồn xâm chiếm lòng tôi.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  14. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  15. #18
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    17. CHẾT CHUNG VÌ TÌNH

    (Shinjuu, 1925) (35)



    Nàng nhận được một lá thư từ người chồng đã chán ghét mình và bỏ nhà ra đi. Thư ấy gửi từ một miền xa, bẵng đi một dạo cũng tới hai năm.

    -Đừng cho con chơi với mấy quả bóng cao su! Ở đây mà còn nghe tiếng động vọng tới. Tiếng đó như nhói vào tim tôi.

    Nàng bèn giằng lấy quả bóng từ trong tay đứa con gái mới lên chín.

    Lá thư của người chồng lại đến. Địa chỉ người gửi đề trên phong bì khác với lần trước.

    (-Đừng cho đứa nhỏ đi ủng tới trường! Ở đây mà còn nghe tiếng chân vọng tới. Tiếng ủng nó đi như dẫm lên tim tôi).

    Nàng bèn cho thay đôi ủng của cô con gái ấy bằng đôi dép cỏ đi êm ái hơn. Thế nhưng đứa bé khóc và hết chịu đi học.

    Thêm lần nữa, thư người chồng lại đến, sau lá thứ hai độ một tháng. Nàng có cảm tưởng chữ viết trong thư chợt già đi hẳn. (Đừng cho con ăn cơm bằng bát sành! Ở đây mà còn nghe tiếng nó vọng tới. Tiếng đó như phá vỡ tim tôi.)

    Nàng mới lấy đũa mình gắp cơm đút cho con như thể nó mới lên ba. Và nàng nhớ lại cảnh hồi đứa con gái mới lên ba, người chồng vui vẻ đứng bên cạnh hai mẹ con.

    Con bé con tự tiện lấy cái bát sành của nó từ trong chạn bát mang tới. Nàng bèn giật lấy bát và giận dữ ném lên phiến đá ngoài vườn. Có tiếng trái tim của người chồng vỡ tan. Bỗng nhiên nàng quắc mắt, lông mày dựng ngược, rồi nàng ném cả cái bát của mình ra luôn. Không biết tiếng động vừa gây ra có phải là tiếng động đã làm vỡ trái tim người chồng hay không? Nàng bèn ném tung cả mâm bàn ra ngoài vườn. Hay là vì tiếng động này ? Nàng tông người thật mạnh vào tường và đưa nắm tay đấm lên tường liên hồi. Thân hình nàng mới đó còn vướng như một mũi giáo lên cánh cửa giấy chắn gian buồng, thế mà đã lọt qua bên kia và đổ gập xuống không biết lúc nào. Còn cái tiếng này thì sao?

    -Mẹ ơi, mẹ ơi! mẹ ơi!

    Nàng đưa tay tát bốp vào mặt đứa con gái vừa khóc vừa chạy đến bên mẹ. Nghe cái tiếng này đi nào!

    Giống như âm hưởng tiếng động ấy vọng về, một lá thư khác của người chồng lại đến. Lần này nó mang dấu bưu điện nơi gửi, một vùng đất mới và xa xôi.

    “Mấy người tuyệt đối đừng gây thêm một tiếng động nào nữa Đừng đóng hay mở mấy cánh cửa giấy ngăn buồng. Đừng thở nữa. Và cũng đừng cho đồng hồ trong nhà mấy người tích tắc!”

    -Mấy người! mấy người! cứ gọi là mấy người!

    Nàng thì thào và để mặc nước mắt chảy xuống ràn rụa. Thế rồi nàng không làm bất cứ cái gì để phát ra một tiếng động nào nữa.

    Vĩnh viễn không còn một tiếng động vo ve. Tóm lại, hai mẹ con nàng đã chết.

    Thế rồi, một điều hết sức kỳ lạ đã xảy ra: người chồng của nàng cũng thấy nằm chết trên gối bên cạnh họ.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  16. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  17. #19
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    18. TRO CỐT LINH THIÊNG

    (Kami no hone, 1927) (56)



    Kasahara Seiichi, giám đốc quản trị một công ty xe điện chạy đường ngoại thành, Takamura Tokijuurô, diễn viên điện ảnh chuyên đóng loại tuồng dã sử, Tsujii Mori, sinh viên y khoa đại học tư thục P. cũng như Sakuma Benji, chủ một cửa hàng cơm Quảng Đông, bốn người đàn ông, đều nhận được một lá thư riêng có cùng nội dung do cô gái tênYumiko, hầu bàn ở tiệm giải khát Aosaki (Cò Xám) gửi đến.

    “Em xin gửi một ít di cốt đến mấy anh. Xương của một vị thần đấy Đứa bé sơ sinh đã sống được một ngày rưỡi. Khi mới chào đời, nó đã ươn yếu rồi. Em nhớ mang máng nhìn thấy cô khán hộ nắm ngược hai chân lên và lắc, rốt cục đứa bé mới bật ra tiếng khóc. Trưa hôm qua, em nghe nói nó chết sau khi ngáp ngáp hai cái. Thế nhưng nó còn khá hơn đứa trẻ của bà nằm giường bên cạnh em, bảy tháng đã sinh non, sau khi ở trong bụng chui ra, chỉ bắn được một tia nước đái rồi đi luôn.

    Đứa bé nhà em chẳng mang hình ảnh một người nào trong đám mấy anh cả. Nó cũng không giống em mảy may. Xin các anh cứ tưởng tượng ra khuôn mặt một con búp bê đẹp đẽ, dễ thương nhất trần đời là đủ rồi. Ngoài ra, nó không có ưu điểm hay khuyết điểm nào hết. Ngay đến em cũng chỉ nhớ mỗi đôi má bầu bầu hơi xệ, và sau khi nó chết rồi, cặp môi còn đượm chút màu máu nhợt nhạt của nó. Các cô khán hộ ai cũng quở thằng bé xinh xắn và trắng trẻo.

    Nếu đứa bé này còn tiếp tục sống, nó chỉ vô phúc thôi vì thân thể quá èo uột, nên em nghĩ, hay hơn để nó chết đi trước khi cả sữa mẹ cũng chê và hết còn biết cười. Em khóc hết nước mắt tội nghiệp cho đứa con ra đời mà chẳng giống ai trong đám các anh. Em tự hỏi phải chăng dầu chỉ là một đứa bé sơ sinh, đúng ra từ khi là một bào thai trong bụng mẹ, lòng nó chắc đã đau đớn lắm khi tìm cách nào để sinh ra đời mà không giống bất cứ người nào trong đám các anh. Hoặc giả đứa bé đã sớm rời bỏ cuộc đời này vì mang ý nghĩ là nó phải chết đi trước khi có thể trở thành một kẻ giống như mấy anh.

    Anh ơi! Không, chắc em phải gọi rõ ràng là “Mấy anh ơi!” mới đúng. Đến nay, tất cả các anh đều tỉnh bơ không đếm xỉa. Cho dù em có ngủ với một trăm, một nghìn người đàn ông, các anh cũng xem đó chẳng khác nào con số những cọc gỗ dùng để lát lề đường. Vậy mà, lạ làm sao, khi nghe tim em có bầu, các anh lại xôn xao đến thế! Lúc đó mới đi vác cái kính hiển vi to tướng của lũ đàn ông các anh đến để thậm thụt xoi mói bí mật đời một người đàn bà.

    Tuy là chuyện đời xưa nhưng chắc các anh còn nhớ chứ? Hòa thượng Hakuin[2] có lần bế đứa hài nhi, con một cô gái chửa hoang và nhận là con mình. Đứa bé nhà em cũng được Thượng Đế cứu giúp như thế đó. Khi đứa con của em hãy còn là một bào thai trong bụng mẹ, nó đang buồn khổ suy nghĩ không biết mình nên giống ai thì ngài đã nói với nó:

    - Này chú bé đáng yêu ơi! Con hãy mang hình ảnh của ta, hình ảnh thiêng liêng của Thượng Đế, mà ra đời. Con hãy là đứa con của cả loài người!

    Vì vậy, lý do em không thể bảo con của em nên giống ai trong đám các anh là vì em nghĩ đến từ tâm của đứa bé đáng thương ấy.Và em mới đem mớ di cốt của nó phân phát cho các anh.

    Ông giám đốc quản trị công ty lấy một mảnh giấy nhỏ bọc mảnh xương tàn lại rồi lật đật dấu trong túi. Vào xe hơi, ông mới lén mở ra xem. Đến hãng, ông gọi cô thư ký đánh máy, khi muốn hút một điếu thuốc, mới cầm lấy miếng xương, rút từ túi ra một lượt với gói Happy Hits. Ông chủ hàng cơm thì vừa cầm miếng xương ngửi lấy ngửi để vừa mở cửa tủ sắt, rút mớ tiền bán hàng thu nhập ngày hôm trước ra đưa đi ngân hàng rồi bỏ mẩu giấy trắng đựng cốt thay vào. Anh sinh viên y khoa ngồi giữa toa tàu điện đi trong tỉnh, rung theo nhịp tàu, bị cái đùi trắng chắc nịch và trắng bóc như hoa xoan[3] của cô nữ sinh viên bên cạnh đụng mạnh vào làm vỡ miếng xương đứa bé anh để trong túi. Lòng anh bỗng đâm ra rạo rực với ý nghĩ làm sao lấy được cô nàng làm vợ. Còn người diễn viên điện ảnh thì dấu miếng xương phần mình vào trong cái đãy bí mật có đựng mấy cái bào ngừa thai làm bằng da cá[4] và bột thuốc cường dương, phóng như bay tới phim trường để thu hình.

    Thế rồi, một tháng sau, ông giám đốc Kasahara Seichi tự đến tiệm Cò Xám và nói với Yumiko:

    -Chắc phải đem mớ xương ấy mà gửi nhà chùa đi chứ nhỉ! Tại sao em cứ giữ riệt nó vậy?

    -Ô hay! Em cái gì! Đã chia nó hết cả cho các anh rồi mà! Ai đâu còn giữ gì nữa!
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  18. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  19. #20
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    19. CÔ TIỂU THƯ Ở SURUGA

    (Suruga no Reijô, 1927) (51)


    - Chao ôi! Sao mình chỉ muốn sống đâu đó chung quanh vùng Gotemba này thôi. Làm người ta mất cả tiếng rưỡi đồng hồ chớ ít đâu!

    Lúc đó, tàu hỏa vừa vặn ngừng ở ga Gotemba. Cô nữ sinh nhấc hai đầu gối lên như con châu chấu rồi dậm chân xuống sàn toa hành khách, má thì áp vào cửa kính, nhìn theo bóng những người bạn đang ngây thơ ra hiệu chào nhau bằng mắt từ phía sân ga. Cô phát biểu ý kiến như thế với vẻ chán chường, tưởng chừng muốn xuôi tay.

    Tàu chợt vắng ngắt khi đến ga Gotemba. Những ai phải đi một lộ trình dài bằng tàu chợ khi không bắt được tàu tốc hành đều hiểu được tại sao có cảnh tượng này. Sáng vào khoảng tám chín giờ, còn chiều thì từ hai ba giờ, toa tàu như được chất đầy những bó hoa. Đám nữ sinh trên những chuyến tàu chở học trò đến trường đã làm cho mấy toa xe khách tươi sáng và náo nhiệt hẳn lên. Nhưng khoảnh khắc sáng sủa và xinh tươi như vậy sao mà phù du! Chuyến xe trước còn cả năm mươi cô nữ sinh, mới mười phút sau, trên chuyến kế tiếp đã không còn lấy một bóng hồng. Vậy mà tôi có cảm tưởng đã gặp trong những chuyến du hành bằng xe hỏa của mình không biết cơ man nào những cô nữ sinh đến từ tất cả các vùng.

    Tuy vậy, lần này tôi không phải là người đang làm một cuộc du hành dài. Tôi chỉ đi đoạn từ Izu lên Tôkyô thôi. Dạo đó, tôi còn sống trong vùng núi non miền Izu. Từ Izu đến Mishima phải đổi tàu qua đường Tôkaidô, thế mà chuyến tàu nào tôi đi cũng gặp đúng cái giờ hoa nở tưng bừng đó. Các cô là học sinh của hai trường nữ, một ở Numazu và một ở Mishima. Nhân vì mỗi tháng tôi lên Tôkyô một đến hai lần, nên chỉ cần một năm là đủ nhớ hết mặt khoảng hai mươi cô trong đám.

    Nó gợi lại bầu không khí thủa thiếu thời, lúc bản thân tôi cũng đáp tàu đi học trung học như thế này. Và tôi nhớ được ngay cả các chi tiết như các cô nữ sinh ấy thường sẽ leo lên toa số mấy.

    Hôm đó tôi nhớ mình đã chọn cái toa áp cuối. Cô gái vừa nói cô mất những một tiếng rưỡi thì chắc phải lấy tàu từ Numazu về tận Suruga. Như thế, cô là dân vùng Suruga. Nếu là người từng lấy xe hỏa đi quá Hakone, ai cũng có thể đoán được việc ấy. Suruga là một thành phố nơi mà mấy cô thợ trong xưởng dệt lớn nằm bên kia hòn núi ven sông vẫn hay vẫy những chiếc khăn trắng theo đoàn tàu từ cửa sổ hay từ sân nhà máy. Cô nữ sinh này có lẽ là con gái một ông kỹ sư hay nhân viên nào làm trong hãng dệt. Cô có thói quen leo lên toa tàu áp cuối. Cô còn là người xinh xắn và láu táu nhất đám.

    Mất một tiếng rưỡi, còn phải tính mỗi ngày hai bận đi về thì đúng là lâu la, cái thân hình thoăn thoắt như nai con thế kia chắc đến thối thây mất. Nhất là mùa đông, ra khỏi nhà hãy còn tối mà phải về lúc trời đã nhá nhem.Chuyến xe lửa ấy về tới ga Suruga lúc 5 giờ 18 phút mà! Có điều đối với tôi thì một tiếng rưỡi đồng hồ đó sao mà quá ngắn ngủi. Tôi nhìn - nhưng làm bộ như lơ đãng - cái cô bé hết nói chuyện lại lấy sách giáo khoa ra đọc, hết đan rồi lại bỏ chỗ mình ngồi ghé qua đám bạn để quấy phá…mà thấy thời gian trôi sao quá nhanh. Rồi khi tàu vào ga Gotemba thì tôi chỉ còn có mỗi 20 phút bên nàng.

    Tôi cũng như nàng, cả hai đưa mắt nhìn theo như tiễn đưa mấy cô học trò bước trên sân ga trong màn mưa. Vì trời đã vào tháng mười hai rồi nên những ngọn đèn điện đẫm nước mưa chỉ sáng lù mù.Phía rặng núi xa đen sẫm, hình như có ánh lửa tươi tắn của một đám cháy rừng đang bùng lên.

    Cô gái nãy giờ vẫn lí lắc bỗng trở nên nghiêm nghị, bắt đầu rù rì gì đó với chúng bạn. Hình như cô đang hé cho họ biết chuyện tháng ba sang năm cô sẽ tốt nghiệp rồi lên Tôkyô nhập học một đại học nữ trên đó.

    Tàu đỗ ở ga Suruga. Đến đây thì không còn bóng nữ sinh nào nữa. Mưa rơi ào ạt trên kính cửa sổ toa tàu nơi tôi áp mặt chực nhìn theo bóng cô gái. Giữa khi cô đang định rời chiếc xe thì chợt có tiếng kêu:

    -Cô, cô ơi!

    Kìa, không phải có một người còn gái hấp tấp chạy đến bên cạnh và đột ngột ôm choàng lấy cô là gì!

    -Ơ kia!

    -Em đợi cô đó. Đáng lẽ em lấy được chuyến xe lửa 2 giờ đó chứ, nhưng tại em muốn gặp cô…

    Thế rồi hai cô nàng che chung một chiếc ô đen, quên cả trời đang mưa, hai khuôn mặt thiếu điều tựa sát vào nhau, họ trò chuyện huyên thiên. Có tiếng tu huýt báo xe chạy. Cô thợ trẻ vội phóng vào bên trong xe và ló đầu ra ngoài cửa sổ.

    -Nếu tôi lên Tôkyô chắc mình lại gặp nhau trên đó phải không? Nhớ ghé chỗ ký túc xá tôi chơi nghe!

    -Em không đi được đâu cô!

    -Ủa, sao vậy?

    Hai người, mỗi người mang một nỗi buồn riêng trên gương mặt. Cô gái kia có lẽ là một nữ công nhân trong xưởng dệt. Cô định nghĩ việc hãng để lên Tôkyô. Nhân vì muốn gặp cô bé học trò nên đã đến cái ga này và chờ bạn non ba tiếng đồng hồ.

    -Mình gặp nhau ở Tôkyô nhé!

    -Vâng!

    -Thôi, chào bồ nghe!

    -Em chào cô!

    Đôi vai của cô thợ trẻ ướt đẫm nước mưa. Chắc là đôi vai cô nữ sinh cũng đầm đìa như thế.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  20. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

Trang 2/4 đầuđầu 1 2 3 4 cuốicuối

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 2 users browsing this thread. (0 members and 2 guests)

Similar Threads

  1. [Truyện ngắn] Vào đông - Yasunari Kawabata
    By sarujun in forum Văn Học
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 10-02-2012, 07:43 PM
  2. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 10-02-2012, 07:29 PM
  3. [Truyện ngắn] Cánh tay - Yasunari Kawabata
    By sarujun in forum Văn Học
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 08-02-2012, 10:51 PM
  4. Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 08-02-2012, 03:08 PM
  5. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 28-08-2008, 08:27 PM

Bookmarks

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •