À ... A ...A ... BA!

Ababababa

Nguyên tác của Akutagawa
Lê Ngọc Thảo dịch
Theo erct.com


Yasukichi quen với người chủ tiệm từ lâu.

Từ lâu, … hoặc có lẽ là từ ngày được phái đến dạy ở trường học của hải quân. Ngẫu nhiên có lần hắn đã vào tiệm để mua một hộp quẹt. Tiệm có một cửa sổ trưng bày nhỏ, trong đó có để những bình rượu cam hiệu Curacao, những lon ca-cao, những hộp nho khô xung quanh mô hình chiến hạm Mikasa[1] treo cờ đại tướng. Trước cửa tiệm có bảng đỏ khoét chữ “thuốc lá” nên chắc có bán hộp quẹt. Hắn đưa mắt nhìn vô tiệm nói.

-Bán cho tôi một hộp quẹt.

Gần cửa tiệm, sau bàn tính tiền cao nghệu có một người đàn ông trẻ mắt lé ngồi im lìm chán ngắt. Khi thấy mặt hắn, người đàn ông dựng bàn toán thẳng lên, trả lời với vẻ mặt thờ ơ không một nụ cười.

-Lấy cái nầy đi. Xui quá, không còn một cái hộp quẹt nào hết.

Cái được bảo lấy đi là một loại hộp quẹt thật nhỏ đóng kèm theo bao thuốc lá.

-Ai lại lấy không! Thôi bán cho tôi một bao thuốc Asahi [2] đi.

-Đâu, không sao đâu. Cứ lấy đi.

-Không. Bán cho tôi bao thuốc Asahi đi.

-Nếu ưng ý thì cứ lấy đi… Bắt ông mua làm chi một món đồ không cần thiết.

Lời lẽ của anh chàng mắt lé nầy đúng là thật ân cần. Nhưng giọng nói và sắc mặt lại hết sức nhạt nhẽo. Khó mà ngoan ngoản nhận lấy. Nói thế nhưng nếu ra khỏi tiệm thì lại thấy hơi tội nghiệp cho anh ta. Không còn cách nào hơn, Yasukichi đã để lên quầy tính tiền một đồng bạc cắc.

-Vậy thì bán cho tôi hai hộp quẹt đi.

-Hai hay ba hộp cũng được, cứ lấy đi. Không tính tiền đâu.

May thay vừa lúc đó có một thằng nhỏ, sau tấm bích chương quảng cáo nước xô-đa Kinsen [3] treo ở cửa ra vào, đưa đầu ra. Thằng nhỏ dáng điệu lơ mơ mặt đầy mụn.

-Ông chủ. Hộp quẹt có ở đây, đây nè.

Yasukichi cảm thấy vui vì thắng cuộc, đã mua một hộp quẹt to. Dĩ nhiên chỉ tốn có một cắc. Nhưng không có lúc nào hắn cảm thấy cái hộp quẹt đẹp bằng lúc nầy. Nhất là thương hiệu có hình thuyền buồm nổi trên sóng nước hình tam giác đẹp đến độ có thể chưng nó vào trong khung hình. Sau khi cẩn thận buông hộp quẹt xuống tận đáy túi quần, hắn hớn hở ra khỏi tiệm. …

Từ đó suốt nửa năm, trên đường từ trường về, Yasukichi thường ghé mua đồ trong tiệm nầy. Bây giờ dẫu có nhắm mắt lại hắn cũng có thể nhớ ra rõ ràng mọi vật trong tiệm. Vật treo lủng lẳng dưới cây xà ngang trên trần nhà đúng là xúc xích Kamakura. Kính màu trong khung cửa sổ trên cửa ra vào, rọi ánh sáng mặt trời xanh rờn lên trên mặt tường trét thạch cao. Vật để bừa bãi trên sàn nhà lót ván có lẽ là giấy quảng cáo sữa đặc. Có một cuốn lịch to treo dưới cái đồng hồ trên cột nhà ở mặt tiền. Ngoài ra trong cửa sổ trưng bày còn có chiến hạm Mikasa, giấy quảng cáo nước xô-đa Kinsen, có ghế, có điện thoại, có xe đạp, có rượu whisky Tô Cách Lan, có nho khô Mỹ, có xì gà Ma Ní, có giấy quấn Ai Cập, có cá mòi hấp khói, có thịt bò lúc lắc kho ngọt phơi khô, hầu như không có vật nào mà hắn không nhớ. Nhất là ở phía sau cái bàn tính tiền cao nghệu, có gương mặt dửng dưng của ông chủ nhìn quen đến phát chán. Không, không phải chỉ có nhìn quen đâu. Ông ta ho như thế nào, ông ta ra lịnh cho thằng nhỏ giúp việc như thế nào, ngay trong khi mua một hộp ca-cao, “Hiệu Droste của Hòa Lan đây., đừng lấy Fry, mua cái nầy đi” v.v … chuyện làm cho khách lưỡng lự biết bao… Mỗi một động tác của ông chủ nhà hắn đều biết hết. Biết như thế có gì xấu đâu. Nhưng đúng là chán ngắt. Đến tiệm nầy, lạ lùng thay, đôi lúc Yasukichi có cảm giác rằng mình đã làm nghề giáo thật lâu. (Thế nhưng như đã nói ở phần trước, hắn chỉ sống bằng nghề giáo chưa đầy một năm! ).

Nhưng những thay đổi chi phối vạn vật cuối cùng cũng đã không chừa cái tiệm nầy. Một buổi sáng đầu hè, Yasukichi đã vào tiệm nầy để mua thuốc lá. Mọi vật trong tiệm vẫn như thường lệ. Vẫn có những tấm quảng cáo sữa đặc để bừa bãi trên sàn nhà có rãi nước. Nhưng, thay vì ông chủ mắt lé, có một người đàn bà bới tóc kiểu Âu ngồi phía sau bàn tính tiền. Cao lắm cũng chỉ khoảng mười chín tuổi. Gương mặt nhìn thẳng giống như mặt mèo. Giống như con mèo trắng không có một sợi lông khác màu, mãi mãi hé mắt trong ánh sáng mặt trời. Yasukichi ngạc nhiên đến gần bàn tính tiền.

-Cho hai gói thuốc Asahi.

-Vâng ạ.

Người đàn bà thẹn thùng trả lời. Thế mà lại đưa ra những gói thuốc không phải là Asahi. Cả hai đều là thuốc lá hiệu Mikasa có vẽ cờ hình mặt trời mọc ở phía sau. Bất ngờ Yasukichi đưa mắt từ gói thuốc sang nhìn mặt người đàn bà. Đồng thời hắn lại tưởng tượng những sợi râu mèo dài ở dưới cái mũi của người đàn bà.

-Cho Asahi đi chớ … Mấy gói nầy không phải là Asahi.

-À, thật à. … Xin lỗi ông.

Con mèo … không, người đàn bà đỏ mặt. Chuyển biến khoảnh khắc trong tình cảm nầy chính hiệu là thứ của đàn bà con gái. Nhưng lại không phải là những người con gái thời bây giờ mà là những người con gái mà nhóm văn học Ken-yusha[4] thích mô tả, đã biến mất từ năm sáu năm về trước. Yasukichi vừa lục lạo tìm tiền lẻ vừa nghĩ đến truyện “Takekurabe”[5], đến khăn bọc mở ra thành hình đuôi yến, đến hoa diên vĩ, đến vùng đất Ryogoku, đến họa sĩ Kaburagi Kyoka, … và mọi thứ khác. Dĩ nhiên người đàn bà trong khoảng thời gian đó cứ đưa mắt nhìn xuống dưới bàn tính tiền và đang ráng sức tìm kiếm thuốc hút Asahi.