Aizawa Asuka - cái tên này đã được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần, từ khi mở đầu đến tận lúc kết thúc film. Tuy thời gian em xuất hiện trong cả 12 tập film chỉ vỏn vẹn chưa đầy 30 phút, em phải từ giã cõi đời ngay từ tập đầu tiên, thậm chí cái tên Shida Mirai - nữ diễn viên nhí đóng vai em cũng chỉ hiện lên gần chót bảng casting và không được góp mặt trong ending theme. Em là chỉ nhân vật phụ, nhưng em chính là chìa khóa mở ra vấn đề nhức nhối - tình trạng bắt nạt, nạn bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần trong học đường bấy lâu nay.
Em chưa tròn 14 tuổi, nhưng nỗi đau mà em phải chịu, gánh nặng tinh thần mà em mang trên vai thì có lẽ trên đời này khó có ai sánh được. Mẹ mất ngay từ khi em mới chào đời, còn bố em thì bỏ đi ngay sau khi cưới vợ mới, để lại em chung sống với người mẹ kế Tsumiki Tamako. Quá đau lòng vì nghĩ mình bị phụ bạc, người mẹ bất đắc dĩ đó đã hoàn toàn bỏ mặc em cô đơn trong chính ngôi nhà của chính mình, cô không hề mở miệng nói chuyện với em trong suốt 3 tháng trời, thậm chí còn xé rách bài văn tả mẹ chứa chan tình cảm của em. Nhưng nếu cả em và người phụ nữ ấy biết được nguyên nhân tại sao bố em lại phải bỏ đi thì chắc hai người còn đau khổ gấp vạn lần, vậy thì thà rằng em cứ không biết, có lẽ còn tốt hơn...
Rồi em bị gửi đến một tổ chức từ thiện, em sống trong sự đùm bọc của những người hảo tâm, tại 1 căn nhà mang tên "Nhà Hoa cúc". Ở đó, em bắt đầu cuộc sống mới, với một "gia đình mới". Em sống chung với những đứa trẻ khác có cùng hoàn cảnh với mình, những đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi, bị tổn thương tinh thần nặng nề do bị bố mẹ ngược đãi. Chúng luôn muốn thu mình lại trong phòng riêng của mình và nhìn ra thế giới bên ngoài với con mắt e dè, sợ hãi. Còn người phụ nữ chăm sóc và giám hộ cho chúng chỉ biết làm tròn bổn phận của mình, bà ta cũng không đủ sức để quan tâm cho nhiều đứa trẻ như vậy. Tuy sống trên đời này 14 năm, nhưng em vẫn chưa một lần được biết thế nào là hạnh phúc gia đình thực sự...
14 tuổi, em cũng đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng trường học đối với em quả thực không khác gì địa ngục.
Em bị cô lập, bị bắt nạt, em bị tước đoạt tất cả quyền được làm người...
"Mày là đống giẻ rách hôi thối! Những đứa vô giáo dục, không có bố mẹ như mày không biết cách cầm đũa nữa cơ à?"
Em không dám ăn cùng mọi người, em không còn nổi tự tin để cầm đũa trước mặt người khác, em đứng trong WC rửa tay hàng giờ liền chỉ vì chúng giễu cợt em là "đống giẻ rách hôi thối", em bị chúng dội nước ướt từ đầu đến chân, em bị chúng đâm đinh ghim vào người, em bị chúng đốt hết sách vở... Chúng đăng hình em lên các trang web hẹn hò trực tuyến, đơm đặt, gán ghép những chuyện xấu xa đồi bại nhất cho em. Em mất sách giáo khoa hết lần này đến lần khác, thậm chí cả những cuốn sách cô giáo cho mượn em cũng không đủ sức giữ nổi. Bị dồn đến đường cùng, em đã phải cắn răng đem kỉ vật duy nhất của bố mình ra hiệu cầm đồ để lấy tiền mua sách giáo khoa mới, để tiếp tục được đến trường. Nhưng chúng vẫn không tha cho em...
Chúng là ai? Chúng không phải là bọn đầu đường xó chợ vô liêm sỉ, mà chính là những người học cùng lớp với em... Sau những tổn thương mà chúng gây ra cho em, tôi còn có thể gọi chúng là bạn em được nữa không? Có những đứa trực tiếp bắt nạt em, nhưng những đứa chỉ biết giương mắt đứng nhìn có lẽ còn đáng căm giận hơn gấp vạn lần. Tôi không thể tưởng tượng nổi đằng sau những khuôn mặt ngây thơ của tuổi 14 kia lại chất chứa một tâm hồn tàn nhẫn đến vậy?
Em là con mồi để cả lớp hành hạ, em chết đi ư? Có hề gì? Chúng lại tìm ra được một người bạn bất hạnh khác để tiêu khiển thôi! Em đã từng tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng những giáo viên trong trường ngoảnh mặt làm ngơ, họ sợ gặp rắc rối, không muốn can thiệp, hoặc chỉ lo bảo toàn thanh danh cho trường mà quay lưng với nỗi thống khổ của em. Em đã đến gặp người mẹ kế ngày nào - giờ là nữ luật sư xinh đẹp và tài năng - Tsumiki Tamako, trong thâm tâm em vô cùng kính yêu người ấy, vẫn coi người ấy như mẹ ruột của mình, nhưng em đã bị chối bỏ rất phũ phàng. Em bơ vơ không còn nơi nào nương tựa, em không biết trông cậy vào ai nữa, em chìm đắm trong tuyệt vọng, tiếng kêu cứu yếu ớt của em như chìm vào cõi hư không...
"Sao mày không chết đi cho rồi?"
"Dẫu mày có chết đi thì cũng chẳng có ai thương xót đâu!"
Những câu nguyền rủa tàn nhẫn đó cứ mãi ám ảnh em, khiến em sợ hãi khi phải đến trường. Không thầy cô, không bạn bè, không gia đình, em trốn học, em chạy trốn hiện thực... Nhưng rồi có một người đã đưa em trở lại trường - ông thầy giáo mới chuyển đến Kaji Kouhei, một người thầy nhí nhố luôn ấp ủ lý tưởng giáo dục lớn lao, nhưng lại quá đỗi vô tâm. Với lòng nhiệt huyết yêu thương học sinh vô bờ, cuối cùng người thầy ấy cũng đã thuyết phục được em trở lại lớp, em đi học với nụ cười trên môi, với ước mơ có thể thay đổi được thế giới này.
Những tưởng cuối cùng em đã được hạnh phúc...
Nhưng rồi em chết...
Rất đột ngột...
Giữa lúc cả trường bị cuốn vào một vụ ẩu đả đẫm máu, không ai biết tại sao em lại bị ngã từ cửa sổ tầng 4 xuống đất...
Em tự sát ư? Hay chỉ đơn thuần là một vụ tai nạn?
Những kẻ bắt nạt em và những kẻ thờ ơ trước tình trạng bắt nạt, bạo lực học đường liệu có được nhởn nhơ ngoài pháp luật? Liệu công lý có còn tồn tại?
Liệu câu hỏi "Thầy ơi, chúng ta có thể thay đổi được thế giới này được không ạ?" của em có thể tìm được lời giải đáp không?
Suốt 12 tập film là hành trình tìm kiếm nguyên nhân cái chết của em, hành trình đòi lại công lý và đấu tranh xóa bỏ những tệ nạn học đường mà người khởi xướng chính là người mẹ kế của em - nữ luật sư Tsumiki Tamako. Cô ân hận vì đã không giúp được gì cho em, cô đã biến đau thương thành hành động, đứng lên chống lại hệ thống giáo dục đầy bất công của Nhật Bản, dù phải gánh chịu biết bao đau thương nước mắt. Khi xem Watashitachi no Kyokasho, đã bao lần tôi bất giác nắm chặt bàn tay, ôm gối nghiến răng, vừa đau đớn, vừa căm hận, vừa hi vọng, vừa đau khổ. Còn gì nghẹt thở hơn những tình tiết bất ngờ dần dần được hé lộ, còn gì chua xót hơn khi bao nỗi khổ đau của em được xâu chuỗi lại, còn gì cảm động hơn những phiên tòa chứa chan nước mắt? Có thể nói Watashitachi no Kyokasho là tiếng chuông cảnh tỉnh cho cả một nền giáo dục, không chỉ ở Nhật Bản, mà còn trên toàn thế giới, nói thay nỗi lòng của những con người bất hạnh như Asuka, và khiến chúng ta nhìn lại chính mình...
Bookmarks