>
Trang 1/4 1 2 3 4 cuốicuối
kết quả từ 1 tới 10 trên 31

Ðề tài: [Truyện ngắn] Tập truyện ngắn "Trong lòng bàn tay" của Kawabata Yasunari

  1. #1
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts

    [Truyện ngắn] Tập truyện ngắn "Trong lòng bàn tay" của Kawabata Yasunari

    TẬP TRUYỆN NGẮN TRONG LÒNG BÀN TAY

    (Te no hira no shôsetsu)





    Nguyên tác: Kawabata Yasunari (1899-1972)
    Dịch: Nguyễn Nam Trân
    Minh họa: Yorimitsu Takashi
    Nguồn: erct.com




    Mục Lục

    Dẫn Nhập Của Người Dịch (#1)

    Phần I

    1) Hướng nắng (Hinata, 1923) (#2)

    2) Món đồ dễ vỡ (Yowaki utsuwa, 1924) (#3)

    3) Tóc (Kami, 1924) (#4)

    4) Đôi chim hoàng yến (Kanariya, 1924) (#5)

    5) Bến cảng (Minato, 1924) (#6)

    6) Cám ơn (Arigatô) (#7)

    7) Mẹ (Haha, 1926) (#8)

    8) Lập trường đứa con (Kodomo no tachiba, 1926) (#9)

    9) Lũ cá vàng trên sân thượng (Okujô no kingyo, 1926) (#10)

    10) Móng tay buổi sáng (Asa no tsume, 1926) (#11)

    11) Hoa huệ (Yuri, 1927) (#12)

    12) Chiếc dù đi mưa (Amagasa, 1932) (#13)

    13) Trang điểm (Kesô, 1932) (#14)

    14) Quê nhà (Sato, 1944) (#15)

    15) Nước (Mizu, 1944) (#16)

    Phần II

    16) Người con gái đi vào đám lửa (Hi ni yuku kanojo, 1924) (#17)

    17) Chết chung vì tình (Shinjuu, 1925) (#18)

    18) Tro cốt linh thiêng (Kami no hone, 1927) (#19)

    19) Cô tiểu thư ở Suruga (Suruga no reijô, 1927) (#20)

    20) Những con thuyền lá tre (Sasabune, 1950) (#21)

    21) Mưa thu (Aki no ame, 1950) (#22)

    22) Hàng xóm (Rinjin, 1962) (#23)

    23) Công chúa thủy cung ((Ryuuguu no otohime, 1926) (#24)

    24) Người đàn ông mù và cô gái trẻ (Mekura to shôjo, 1928) (#25)

    25) Tiếng sấm mùa thu (Aki no kaminari, 1928) (#26)

    26) Anh chồng bị cột (Shibarareta otto, 1930) (#27)

    27) Mặt trời lặn (Rakujitsu, 1925) (#28)

    28) Thói quen trong giấc ngủ (Nemuriguse, 1932) (#29)

    29) Trên cây (Ki no ue, 1962) (#30)

    30) Người đẹp dưới trăng (Gekka-bijin, 1963) (#31)

    Phần III (chưa cập nhật)


    * Dẫn Nhập Của Người Dịch

    Cái tên “truyện ngắn trong lòng bàn tay” đến từ tiếng Nhật “tenohira no shôsetsu” (chưởng tiểu thuyết) như cách gọi của hầu hết các nhà văn học sử. Đó là một thể loại tác phẩm văn học có đặc điểm là ngắn, ngắn đến nỗi có thể gói trọn trong lòng bàn tay. Thể loại này còn được nhà phê bình văn học Chiba Kameo (1878-1935), một người cổ vũ cho văn học đại chúng dưới thời Taishô (1912-26) gọi là “shôhen shôsetsu” (chưởng biên tiểu thuyết). Ngoài ra, nhà phê bình Hasegawa Izumi (sinh năm 1918), một người thân cận với Kawabata, đã chủ trương phải đọc là “tanagokoro shôsetsu”[1] tuy viết cùng ba chữ Hán “chưởng tiểu thuyết”. Hasegawa kể lại mình vì thắc mắc nên đã hỏi ý kiến Kawabata và được chính nhà văn đồng ý về cách đọc này[2]. Khi dịch ra tiếng Việt, chúng tôi rất bối rối, không biết nên gọi “trong lòng bàn tay”, “một gang tay” hay “trong gan bàn tay”. Sau khi tham khảo cả lối hiểu của người Tây Phương (palm[3], paume), xin tạm giữ lối gọi “trong lòng bàn tay” cho giống mọi người. Có thể dịch là “truyện cực ngắn” nhưng làm như thế lại đánh mất cái tên rất gợi hình của nó.

    Trước Kawabata và đồng thời với ông, đã có nhiều người viết những truyện rất ngắn từ một vài hàng đến mươi hàng hay một hai trang. Tiêu biểu nhất - về độ ngắn mà thôi - từ xưa đã có những công án hay truyện thiền (Vô Môn Quan, Bích Nham Lục hay Sa Thạch Tập). Một thoại của Vô Môn Quan (tác phẩm Trung Quốc đời Tống nhưng đã đến Nhật rất sớm, giữa thế kỷ 13) vỏn vẹn có vài giòng (ví dụ thoại “Triệu Châu cẩu tử” dài đúng có ba hàng). Những mẩu truyện của Natsume Sôseki (1867-1916) trong Yume Juuya (Mười Đêm Mộng Mị, 1908) tuy ảm đạm và huyền bí hơn nhưng cũng rất ngắn, rất thơ, gần với tác phẩm đến sau của Kawabata. Thân thể đàn bà (Nyôtai) của Akutagawa Ryuunosuke (1892-1927) cũng ngắn gọn, thâm trầm. Một tác giả Mỹ đồng niên đại với Kawabata là E. Hemingway (1899-1961) đã để lại những truyện cực ngắn như Up to Michigan, thu được trong lòng bàn tay.

    Tuy nhiên điều quan trọng cần nêu ra đây là hành trình đi vào “truyện ngắn trong lòng bàn tay” của Kawabata không phải là một hành trình đơn độc. Ông chỉ là một người trong nhóm bút trẻ của tờ Bungei Jidai (Văn Nghệ Thời Đại) đã cùng nhau đăng trong số báo tháng 2 năm Taishô 14 (1925) một loạt truyện cực ngắn chỉ có từ mươi đến vài mươi giòng. Tên tuổi các cây bút trẻ cùng chí hướng đã thể nghiệm hay chú ý về mặt lý luận của loại tiểu thuyết cực ngắn thời đó nay còn được nhắc tới là hai người bạn của Kawabata: Yokomitsu Riichi (1898-1947) và Nakagawa Yoichi (1897-1994)… cũng như những người ít được biết đến hơn như Kon Tôkô, Okada Saburô, Takeno Fujinosuke, Suga Tadao, Kamiya Kiichi, Suzuki Ganjirô, Ishihama Kinsaku vv…Đặc biệt Nakagawa và Okada rất năng nổ trong việc khai triển và định hướng cho thể loại văn học này.

    Tuy nhiên, Kawabata mới là người nổi bật hơn cả trong lãnh vực truyện ngắn trong lòng bàn tay. Ông sáng tác nhiều nhất và đã tạo một văn phong đặc biệt cho nó[4]. Ngày nay, khi nói đến thể loại văn học này, người ta hầu như chỉ biết có ông. Với ông, truyện ngắn trong lòng bàn tay không còn là một thứ phác thảo (croquis) mà nhà văn ghi lại để chuẩn bị cho một tác phẩm lớn sắp viết. Nó đã trở thành một thể loại văn học với những nét đặc thù. Có khi, ông còn ký thác cho nó một nhiệm vụ đặc biệt như khi thay vì khai triển, lại đúc kết một tiểu thuyết khá dài (Xứ tuyết, Yukiguni, 1935-47) thành một truyện ngắn trong lòng bàn tay (Ghi chép về xứ tuyết, Yukigunishô, 1972).

    Có thể nói truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata đứng giữa biên giới của thơ, tùy bút, hồi ký và truyện ngắn. Nhiều khi ta thấy ông như người kể lại những gì xảy ra trong một giấc mơ. Thay vì làm thơ, ông ***g khung những bài thơ định viết trong tác phẩm văn xuôi. Thể loại văn chương này thích hợp với bản tính ông, một con người mơ mộng, tinh tế và nhạy cảm. Thêm vào đó, khuynh hướng mới duy tâm lý[5] trong văn học mà ông là một người chủ trương ở Nhật cũng phù hợp với lối hành văn và nội dung của các tác phẩm ấy.

    Theo lời giải thích của Yoshimura Teiji[6] thì sở dĩ Kawabata viết loại truyện ngắn này là muốn “thể hiện cái hồn thơ nơi mình hồi còn trẻ” mà về sau ông có lần xem như là “một sai lầm” và nhiều khi “đâm ra tự ghét mình” (?). Không hiểu thái độ đó bắt nguồn từ một lý do thầm kín nào hay chẳng qua là một phản tỉnh về mặt kỹ thuật, nhưng các đứa con tinh thần của ông không vì những nhận định tiêu cực của người sinh thành ra nó mà kém được độc giả yêu chuộng.

    Tuy nhiên phải nói rằng chỉ trong giai đoạn trước 1926, ông mới viết nhiều thể loại này (36 truyện), sau đó ít đi và có khi lại gián đoạn không viết nó trong một khoảng thời gian dài. Thời kỳ 1944-50 rồi 1960-64, ông có vẻ sung sức hơn so với các giai đoạn khác. Thời kỳ trước tương ứng với thời điểm sáng tác Tiếng trên ngàn (Yama no oto, 1954) và Ngàn cánh hạc (Senbazuru, 1952), thời kỳ sau là lúc ông viết Người đẹp ngủ say (Nemureru Bijô, 1961), Cố đô (Koto, 1962) và Cánh tay (Kataude, 1965).

    Hasegawa Izumi[7] thu thập được 147 truyện ngắn trong lòng bàn tay mà Kawabata đã cho đăng tải suốt thời gian từ 1921 đến 1972, nghĩa là trên nửa thế kỷ. Đầu tiên là truyện mang tên Dầu (Abura) đăng trên tạp chí Shinshichô tháng 7 năm 1921. Ghi chép về xứ tuyết (Yukiguni-shô), truyện ngắn trong lòng bàn tay cuối cùng đã đăng trên tạp chí Sunday ngày 13 tháng 8 năm 1972. Có thể Kawabata viết với một số lượng lớn hơn nữa nhưng không đem đăng, nhiều khi còn gạt bớt những truyện đã đăng trên báo ra ngoài tuyển tập. Với 147 truyện trong lòng bàn tay, chắc Hasegawa là người thu lượm được nhiều nhất. Toàn tập 37 quyển của Kawabata do nhà xuất bản Shinchô Bunko ấn hành chỉ gom được 122 truyện và cho cả vào quyển thứ nhất. Cũng cần nói thêm rằng tuyển tập văn chương đầu tay của Kawabata được in ra đã là một tập truyện ngắn trong lòng bàn tay, nhan đề Điểm tô tình cảm (Kanjô sôshoku), gồm 36 truyện đăng trong Bungei Jidai số tháng 7 năm 1926.

    Về mặt phân loại nội dung, nếu chúng ta đồng ý với Yoshimura Teiji[8] thì truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata[9] có thể chia ra thành nhiều chùm mang đặc điểm khác nhau:

    1) Chùm truyện có tính cách tự thuật với những truyện liên quan đến hoàn cảnh mồ côi cha mẹ và cuộc sống bên cạnh người ông mù lòa như Hốt cốt (Hone hiroi, 1949), Hướng nắng[10] (Hinata, 1923), Mẹ (Haha, 1926), Hai mươi năm (Nijuunen, 1925) …

    2) Chùm truyện có tính cách tự thuật liên quan đến mối tình đầu như Món đồ dễ vỡ (Yowaki Utsuwa, 1924), Người con gái đi về phía lửa (Hi ni yuku kanojo, 1924), Chiếc dù đi mưa[11] (Amagasa, 1932), Cái cưa và sinh nở (Nokogiri to shussan, 1924), Cái huông của tác phẩm đầu tay (Shojosaku no tatari, 1927), Tấm ảnh[12] (Shashin, 1924)…

    3) Chùm truyện lấy bối cảnh miền Izu thơ mộng với các bến cảng, suối nước nóng nơi đó có những nàng con gái tươi tắn, đầy sinh lực, biết vượt khó khăn trong cuộc sống. Ví dụ Tóc (Kami, 1924), Nàng o-Shin tâm bồ tát (O-Shin Jizô, 1925), Bến cảng (Minato, 1924), Chiếc giày mùa hạ (Natsu no Kutsu, 1926), Chiếc nhẫn (Yubiwa, 1924), Mùa đông gần kề (Fuyu chikashi, 1926), Kẻ trộm quả dâu lá bạc[13] (Gumi nusutto), Lời nguyện cầu của người trinh nữ (Shojo ni inori, 1926), Người đẹp trên lưng ngựa (Uma bijin), Kami imasu (Có ông trời, 1926), Đôi mắt mẹ[14] (Haha no me,1928), Ghềnh đá trơn trợt (Suberi iwa, 1925) Tòa lâu đài (Gyokudai, 1925), Cám ơn (Arigatô, 1925), Biển (Umi, 1925), Cô tiểu thư ở Suruga (Suruga reijô, 1927) ...

    4) Chùm truyện với bối cảnh của xóm bình dân Asakusa nơi còn đọng cái duyên thầm của Edo lịch sử. Phần này tuy không nhiều nhưng có thể kẻ đến Xướng ngôn viên người Nhật (Nihonjin anna, 1929), Con gà và cô đào hát (Tori to Odoriko, 1930), Oshiroi to gasolin (Phấn và dầu xăng), Ông chồng bị trói (Shibarareta Otto, 1930)…

    5) Chùm truyện giống như những bức ảnh bắt chụp quang cảnh thời thời hậu chiến, nói đến những thể nghiệm tâm lý trong sinh hoạt bản thân và con đường đi về cõi người già như trong Người đàn ông không cười (Warawanu otoko, 1929), Con thuyền lá tre (Sasabune, 1950), Hoa mơ hồng (Kôbai, 1948), Quả trứng (Tamago, 1950)…

    6) Chùm truyện mô tả thế giới huyền ảo của những giấc mơ. Chiếc xe tang (Reikyuusha, 1926), Lũ cá vàng trên sân thượng (Okujô no Kingyo, 1926), Chết chung vì tình (Shinjuu, 1926), Vượt qua cái chết (Fuji, 1963) là những ví dụ.

    Mười lăm truyện sau đây trích dịch từ nguyên tác theo bản bỏ túi Tenohira no Shôsetsu do nhà xuất bản Shinchô Bunko thực hiện năm 1971, tái bản lần thứ 25 vào năm 1983. Tập này chỉ có 111 truyện. Nếu muốn dịch trọn vẹn 147 truyện, phải tìm thêm nguyên tác bên ngoài. Cách đánh số truyện dịch từ 1 đến 147 tuân theo thứ tự thời gian xếp đặt rất công phu bởi Hasegawa Izumi.

    Nói về nghệ thuật viết đoản thiên, chúng ta biết ở phương tây có những tên tuổi lớn như Guy de Maupassant, Anton Tchekhov, thế nhưng theo Yoshimura Teiji[15], người đáng kể hơn cả trong lãnh vực truyện ngắn có tính cách tâm linh[16] hay tâm lý là L’Isle-Adam[17]. Ông là một nhà văn Pháp thế kỷ 19, xuất thân quí tộc, sống phóng đãng, vượt khỏi thế tình, từng được các thi nhân từ Baudelaire, Mallarmé đến Verlaine kính nể. Chính ông mới là người đã để lại dấu ấn trong các tác phẩm của Mishima và nhất là chùm truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata. Điều đó có thể thấy được qua Tà dương (Rakujitsu, 1925) hay Tiếng chân con người (Ningen no ashioto), hai tác phẩm với âm hưởng của thơ siêu thực và là những tác phẩm sắc sảo, tươi mới, vạch được những gì mang ý nghĩa độc đáo, chưa ai khám phá ra nơi tâm hồn con người.

    Xin thú thực là công việc dịch thuật từ nguyên tác đòi hỏi một khả năng ngôn ngữ cao mà bản thân người dịch chưa đạt được, không kể sự khó khăn khi muốn truyền đạt cái tinh tế trong lối hành văn ngắn, gọn, hàm súc của Kawabata. Chưa nói đến việc có người còn cho rằng những truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata tự chúng đã mơ hồ và bí ẩn như nụ cười của người đẹp Mona Lisa. Nó làm cho vai trò tham gia của độc giả trong việc thưởng thức tác phẩm của Kawabata rất đáng kể.
    thay đổi nội dung bởi: Kasumi, 13-05-2012 lúc 03:45 AM
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  2. The Following 2 Users Say Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012), changminie (27-07-2013)

  3. #2
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    1. HƯỚNG NẮNG

    (Hinata) (4)




    Mùa thu năm hăm tư tuổi, tôi gặp một người con gái[18] ở quán trọ ven biển. Thuở đó, hai đứa chỉ mới chớm yêu.

    Đột nhiên cô gái ngẩng thẳng đầu, lấy vạt áo kimono đưa lên che khuôn mặt.

    Nhác thấy cử chỉ của nàng, tôi mới nghĩ ôi thôi mình lại để lộ thói quen khó thương đó ra rồi. Gương mặt đang ngượng nghịu của tôi lúc đó trông thật thảm hại.

    -Chắc tại anh nhìn em chòng chọc?

    -Ừ, cũng có đấy, nhưng đâu sao anh!

    Tiếng nói của người con gái nghe êm ái. Cách cô trả lời cũng đáng yêu thành ra tôi cũng bớt ngượng.

    -Có phiền gì em không hở?

    -Không. Em nói với anh đâu có sao mà. Thật, không sao đâu anh!

    Cô gái buông tay áo xuống, có vẻ như đang cố gắng phớt tỉnh để có thể tiếp nhận cái nhìn của tôi. Tôi bèn lảng tránh đôi mắt nàng và nhìn về hướng biển.

    Từ lâu, tôi có thói quen nhìn chòng chọc vào người đối diện và thường làm cho họ phải bối rối. Thường thường tôi vẫn nghĩ mình phải sửa cái tánh đó đi nhưng lại đâm ra khổ sở vì như thế sẽ không còn dịp được nhìn chăm chú những người thân thuộc. Ngoài ra, mỗi khi nhận thấy mình đang giở cái thói xấu ấy ra thì cảm thấy tự chán ghét đến cùng cực.

    Khi còn thơ ấu, mất cả cha lẫn mẹ và nhà cửa, phải sống nương dựa vào người khác, không biết có phải vì hay nhìn vào mặt họ để thăm dò thái độ hay không mà tôi đã trở thành như thế. Nhiều khi tôi cố tìm hiểu không biết tự bao giờ mình đã sinh tật đó, có phải từ lúc mình được đem gửi nuôi ở nhà người khác hay cả trước thời điểm ấy nữa, thực sự bây giờ tôi không còn nhớ gì cả.

    Lúc đó, bãi cát ven biển mà tôi đang đưa mắt ngắm để khỏi phải nhìn đăm đăm vào mặt người con gái, đang tràn trề ánh nắng của một ngày thu. Hướng có nắng soi bất chợt làm sống lại trong tôi một kỷ niệm đã chôn vùi trong tâm khảm.

    Từ khi cha mẹ qua đời, tôi sống thui thủi với người ông gần mười năm trời trong một ngôi nhà ở vùng quê. Ông tôi mù. Suốt thời gian đó, cụ vẫn ngồi cùng một chỗ trong cùng một căn phòng, trước cái lò than hồng giữa nhà, mặt nhìn về hướng đông. Đôi khi cụ ngúc ngắc và quay đầu về hướng nam nhưng không hề ngoảnh qua hướng bắc. Đôi lúc, nhận ra thói quen của cụ là chỉ nhìn về một bên thôi, tôi đâm ra hết sức thắc mắc. Nhiều khi ngồi suốt buổi trước mặt cụ, tôi cứ chòng chọc để xem có lần nào cụ day mặt về hướng bắc hay không. Thế nhưng ông tôi cứ mỗi năm phút lại quay một lần về bên tay phải như một anh người máy điều khiển bằng điện. Việc cụ chỉ quay mặt sang phía nam không những làm tôi hơi buồn và còn cảm thấy kỳ dị. Phía nam là hướng nắng soi. Tôi mới suy ra rằng phía nam là cái hướng duy nhất mà người mù có thể cảm thấy sự sáng sủa, dịu dàng và ấm áp.

    Hôm nay nhìn ra biển, tôi mới nhớ ra câu chuyện liên quan tới hướng nắng tưởng đã quên từ lâu.

    Hồi đó, khi mắt tôi vẫn không rời ông tôi, trong lòng vẫn thầm mong cụ quay đầu về hướng bắc cho. Bởi vì từ dạo cụ mù, nhiều khi tôi hay nhìn chòng chọc vào mặt cụ. Việc đó tạo cho tôi thói quen nhìn mặt người khác cùng một kiểu. Nhờ nhớ lại chuyện cũ, tôi mới hiểu ra. Cái tật xấu đó đã bắt đầu từ thời còn sống một nhà với ông tôi. Nó không là dấu tích của sự hèn yếu của cái thời sống mà phải săn đón ý người. Tôi cảm thấy an tâm hơn và đâm ra thương cảm vì biết hoàn cảnh nào đã làm cho mình sinh ra chứng tật như thế. Nghĩ đến đó, lòng tôi như trào dâng một niềm vui hân hoan. Nhất là trong lúc này, vì tình cảm đối với cô gái, tôi muốn sửa soạn tấm lòng tôi sao cho thật trong sáng và đẹp đẽ.

    Người con gái lại nói:

    -Em quen tính anh rồi đó chớ. Nhưng em còn hơi mắc cở.

    Nghe tiếng nàng nói, tôi hiểu như người trước mặt mình đang bảo bây giờ anh có quay lại nhìn thẳng em cũng được rồi. Chắc nãy giờ, nàng cứ nghĩ rằng cái nhìn của tôi là một cử chỉ xoi mói vụng về.

    Tôi nhìn nàng với đôi mắt tươi sáng. Nàng hơi thẹn để hồng đôi má rồi ném về tôi một cái nhìn tinh nghịch. Thơ ngây, nàng nói

    -Mặt của em thì từ rày về sau, mỗi ngày mỗi đêm anh nhìn nó hoài, sẽ hết lạ lùng thôi mà. Em không lo đâu!

    Tôi cười. Có cảm tưởng như tình cảm giữa hai đứa mới đó đã gắn bó thêm nhiều. Tôi bỗng thèm ra bãi cát ngoài kia để đón ánh nắng soi, đem theo cả kỷ niệm về ông tôi lẫn kỷ niệm về người con gái.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  4. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  5. #3
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    2. MÓN ĐỒ DỄ VỠ [19]

    (Yowaki Utsuwa, 1924) (6)



    Ngã tư đường phố có tiệm bán đồ cổ ngoạn. Một pho tượng Quan Thế Âm bằng sứ được đặt đứng trên vệ đường bên cạnh tiệm. Chiều cao của nó cỡ cô bé mười hai tuổi. Mỗi khi một chuyến xe điện chạy qua, làn da lạnh lẽo trên thân tượng Quan Thế Âm cũng rung nhẹ cùng một nhịp với lớp kính gắn trên cánh cửa. Lần nào có dịp đi ngang trước tiệm, thần kinh tôi cũng căng thẳng đến đau nhói vì lo lắng không biết tượng sẽ đổ xuống khi nào. Và sau đây những gì tôi đã thấy trong một giấc mơ:

    Thân hình của Quan Thế Âm nghiêng đúng ngay trước mặt tôi, như chực đổ. Cánh tay dài, đầy đặn và trắng muốt của pho tượng đang buông thõng chợt dịu dàng vươn ra, vít lấy cổ tôi. Cái rờn rợn khi tiếp xúc với cánh tay của một vật vô tri vô giác đang hành động như vật sống, và cảm giác giá buốt khi men sứ chạm vào da thịt làm tôi chợt nhảy thụt lùi.

    Pho tượng đổ xuống mặt đường vỡ tan tành, không gây một tiếng động.

    Có người con gái đến nhặt những mảnh vỡ đó.

    Nàng khép nép ngồi xuống, vội vã lượm hết những mảnh sứ vỡ lấp lánh bên vệ đường. Ngạc nhiên vì sự xuất hiện của nàng, tôi chực mở miệng mong tìm một lời nào để biện bạch thì lúc đó chợt mở mắt thức dậy.

    Từ lúc pho tượng Quan Thế Âm ngã xuống cho đến lúc ấy, mọi sự đã xảy ra như trong chớp mắt.

    Tôi thử tìm cách đoán ý nghĩa giấc mộng này.

    “Các ngươi hãy đối xử nhẹ nhàng với người vợ như thể họ là vật dễ vỡ”. Câu nói trên thấy chép trong Kinh Thánh[20], lúc sau này hay ám ảnh tâm trí tôi. Mấy chữ “món đồ dễ vỡ” làm tôi liên tưởng đến pho tượng bằng sứ kia. Và “món đồ dễ vỡ” đó cũng lại là người con gái hiện ra trong giấc mơ nữa.

    Những người con gái giống như món đồ rất dễ vỡ. Chỉ một việc yêu thương ai thôi, ở một ý nghĩa nào đó, đã làm các cô ấy ngã nhào. Tôi từng suy nghĩ như vậy.

    Rồi bây giờ trong giấc mộng của tôi, chẳng phải tôi vừa thấy người con gái hối hả thu nhặt những mảnh vỡ rơi ra sau khi nàng ngã xuống đó sao?
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  6. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  7. #4
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    3. TÓC

    (Kami, 1924)
    (12)




    Người con gái nghĩ mình phải đi bới tóc.

    Câu chuyện xảy ra ở một thôn nhỏ nằm sâu trong hốc núi.

    Cô đi đến nhà người thợ bới tóc và ngạc nhiên khi thấy các cô gái trong thôn đều tụ tập ở đấy.

    Đêm hôm đó, khi mớ tóc rẽ hai bên như quả đào coi không được đẹp của cô đã được bới lại gọn gàng, một trung đội lính ghé qua làng. Công sở trong thôn chỉ định cho họ tản ra các nhà dân để trú qua đêm. Nhà nào cũng được lính vào ở. Dân làng có dịp tiếp khách là chuyện hiếm hoi. Có lẽ vì thế, cô gái nào cũng muốn chải gỡ tóc tai.

    Dĩ nhiên không có gì xảy ra giữa các cô và đám lính. Sáng hôm sau trung đội đã rời thôn, vượt qua bên kia rặng núi.

    Thế nhưng cô thợ bới tóc đã mệt nhoài, cô thầm nghĩ trong vòng bốn ngày kể từ hôm nay chắc mình sẽ được rảnh rỗi. Buổi sáng, cảm thấy khỏe khoắn sau những giờ làm lụng mệt nhọc, cô đong đưa trên chiếc xe ngựa, cũng theo chân đoàn lính, vượt qua núi đi gặp người đàn ông cô yêu.

    Khi đến một thôn làng lớn hơn bên kia rặng núi, người thợ bới tóc ở đó nói với cô:

    -Mình mừng quá. Gặp được bạn hôm nay thật đúng lúc. Phụ một tay với nghe!

    Nơi đây, các cô gái làng cũng đã tụ tập để làm tóc.

    Cô lại rẽ trái dào và bới tóc lên cho họ suốt ngày, mãi đến chiều tối mới đến được cái mỏ nhỏ khai thác bạc trong thôn nơi người yêu của cô đang làm việc. Nhìn thấy anh, cô nói ngay:

    -Em nghĩ nếu cứ theo chân mấy ông lính hoài hoài, chắc em giàu to!

    -Cứ bám theo chúng nó đi! Đừng có đùa! Thích ba thằng ka-ki mặt non choẹt đó hả? Bộ khùng sao?

    Người đàn ông đưa tay đốp vào đầu cô thợ bới tóc một cái.

    Cả thân hình mệt mõi rã rời của người con gái như đón lấy một tình cảm ngọt ngào làm mình đờ đẫn, cô đưa mắt lườm anh ta.

    Đoàn lính xuống núi hình như để hành quân. Tiếng kèn trong trẻo tràn đầy sinh lực vang vang trong bóng tối chiều thôn.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  8. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  9. #5
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    4. ĐÔI CHIM HOÀNG YẾN

    (Kanariya, 1924)
    (13)

    Thưa bà,

    Tôi buộc lòng phải phá lời giao ước để một lần nữa gửi thư cho bà.

    Đôi chim hoàng yến bà tặng hồi năm ngoái, tôi không có thể nuôi được nữa. Gần đây, tôi đã để cho vợ tôi một tay chăm sóc. Công việc duy nhất của tôi chỉ là đứng ngắm. Mỗi lần nhìn chúng, lòng tôi chạnh nhớ đến bà.
    Bà có lần nói thế này, nhớ không?

    -Anh là trai có vợ. Em là gái có chồng. Thôi mình chia tay nhau nhé! Phải chi anh chưa vợ! Đôi chim hoàng yến này, xin giữ lấy làm kỷ niệm về em. Này anh xem, chúng nó là một cặp vợ chồng đấy. Thật ra, một người buôn chim nào đã tự tiện bắt một con trống và một con mái ở đâu đó rồi đem nhốt chúng vào chung một ***g. Hai con hoàng yến làm sao hiểu chuyện. Dầu vậy, khi nhìn đôi chim này, hãy nhớ đến em nghe anh. Đem những còn vật sống làm quà kỷ niệm, nghĩ cho cùng, cũng hơi ngược đời. Thế nhưng nhờ vậy mà kỷ niệm của hai đứa mình lúc nào cũng sống động. Đôi chim hoàng yến ngày nào đó sẽ chết đi thôi. Cũng vậy, kỷ niệm về mối tình hai đứa chúng mình đang giữ trong tim cũng sẽ chết như đôi chim. Lúc ngày đó đến, mình cứ để mặc cho nó chết, anh nhé!

    Hai con hoàng yến này có vẻ sắp chết tới nơi. Bởi vì người nuôi chúng đã không còn nữa. Một anh họa sĩ nghèo lại biếng nhác như tôi không thể nuôi nổi đôi chim mảnh mai thế này. Tôi xin thưa thật: vợ tôi, người từ trước đến nay chăm sóc đôi chim, vừa qua đời. Đã mất vợ, còn sắp mất cả đôi chim hoàng yến, trời ạ! Nhưng bà ơi, nghĩ mà xem! Có phải người đã giúp tôi gìn giữ được kỷ niệm của bà đối với tôi chính là vợ của tôi không?

    Tôi đã nghĩ đến việc phóng sinh hai con hoàng yến. Thế nhưng tôi nhận thấy rằng từ khi vợ tôi mất đi, đôi chim nhỏ này yếu hẳn, xơ lông rũ cánh. Tệ hơn nữa, chúng chưa bao giờ biết khung trời rộng. Ở trong khu rừng nhỏ gần chốn đô hội như nơi đây, chắc làm gì có lấy một con chim bạn để đôi vợ chồng chim có thể họp đàn bay theo. Nếu chúng bay mỗi con mỗi hướng thì trước sau gì, vì lẻ bạn, hai con sẽ lần lượt chết cả. Tuy bà có lần cho biết là một gã hàng bán chim nào đó đã bắt chim trống và chim mái mỗi con một nơi rồi tự tiện đem nhốt chúng vào một cái ***g chung đấy thôi.

    Nói thế chứ tôi không đành đem chúng bán cho cửa hàng buôn chim đâu. Bởi vì chúng là đôi chim tôi đã nhận từ bà. Tôi cũng không muốn đem chúng trả lại bà. Bởi vì chúng là đôi chim vợ tôi từng nuôi nấng. Hơn nữa, có lẽ làm như thế tôi lại quấy rầy bà vì có khi bà đâu còn nhớ gì đến chim hoàng yến này kia.

    Tôi xin phép trình bày thêm lần nữa. Chính nhờ có vợ tôi mà đôi chim hoàng yến – và cũng là kỷ niệm về bà - sống sót đến ngày nay. Vì vậy, thưa bà, tôi muốn cho đôi chim được chết theo vợ tôi. Để tôi đỡ phải sống mãi trong kỷ niệm. Tại sao đến nay tôi vẫn được phép yêu một người như bà, nếu chẳng phải là nhờ tôi có một người vợ như vợ tôi ư? Vợ tôi là người đã giúp tôi quên hết những nỗi thống khổ trong cuộc sống hàng ngày và nàng đã cố ý không nhìn vào phân nửa cuộc đời khác của tôi. Nếu không có vợ tôi, thì khi đứng trước một người đàn bà như bà, tôi sẽ chỉ biết lảng đi chỗ khác hay không dám ngước nhìn.

    Thưa bà, chắc bà cũng bằng lòng cho tôi giết đôi chim hoàng yến và đem chúng ra chôn ngoài mộ của vợ tôi, có phải không bà?
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  10. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  11. #6
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    5. BẾN CẢNG

    (Minato, 1924) (14)





    Cảng này là một bến đỗ thật thú vị.

    Có những người đàn bà chồng con đàng hoàng và các cô thiếu nữ đến quán trọ. Thế rồi lúc nào quán có khách, một nàng trong đám sẽ nán lại qua đêm. Từ lúc khách thức dậy buổi sáng cho đến bữa cơm trưa hay đi khi tản bộ, lúc nào nàng ta cũng ở cạnh bên chàng. Trông họ không khác đôi vợ chồng mới cưới.

    Thế mà khi khách rủ qua chơi ở một cái quán vùng bên nơi có suối nước nóng, nàng chỉ khẽ nghiêng đầu ra chiều băn khoăn. Còn như khách đề nghị mướn nhà trên bến để ở thì, nếu là con gái chưa chồng, thường thường nàng sẽ vui vẻ nhận lời.

    -Em bằng lòng làm vợ anh miễn là thời gian ăn ở với nhau không lâu. Độ nửa năm hoặc một năm là cùng.

    Lúc khách vội vã đóng hành lý đón con thuyền tảng sáng để lên đường, người con gái phụ giúp chàng thu xếp, bảo:

    -Này anh! Viết hộ em bức thư có được không?

    -Thư hở ? Sao lại viết vào lúc này ?

    -Vì bây giờ em đâu còn là vợ anh nữa! Cho nên có viết đã sao! Khi anh ở đây lúc nào em cũng chẳng ở bên anh là gì! Em chưa hề làm gì, nghĩ gì quấy cả. Thế nhưng giờ đây em đâu còn là vợ anh, phải không nào?

    -Ừ nhỉ! Ra là thế!

    Nói xong, khách thảo hộ nàng lá thư để gửi cho một người đàn ông. Hình như người đó từng sống chung với nàng khoảng nửa tháng trời trong quán trọ này.

    -Liệu mai sau em có viết thư gửi cho anh không đấy? Vào một buổi sáng khi người đàn ông nào đó cũng sửa soạn lên đường như anh hôm nay. Lúc mà em không còn là vợ của anh ta nữa?
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  12. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  13. #7
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    6. CÁM ƠN

    (Arigatô)
    (28)


    Năm nay hồng sai quả nên cảnh mùa thu trong núi thật đẹp.

    Trên mỏm tít phía nam bán đảo, có một bến cảng.

    Từ trên gác hai của căn nhà dành cho hành khách ngồi chờ, nơi mấy phong bánh kẹo rẻ tiền được bày thành hàng, có một người tài xế trong bộ quần áo màu vàng với cổ áo viền tím bước xuống. Bên ngoài là một chiếc xe đò cỡ lớn chạy theo chuyến, cắm phấp phới một lá cờ hiệu cũng màu tím.

    Bà mẹ của cô gái đứng dậy để bỏ mấy miếng bánh vào trong phong giấy, đóng lại thành gói, hướng về phía anh tài xế đang cột lại giây giày cho thẳng thớm, nói:

    -Hôm nay tới lượt chú em chạy hở? Được rồi! Chú Cám Ơn ơi, nếu con nhỏ này được chú chở đi thì phước phần của nó lớn lắm. Điềm hên đó nghen!

    Người tài xế nhìn cô gái trẻ đang đứng bên cạnh mẹ, không nói gì.

    -Cứ kéo tới kéo lui thì bao giờ mới xong. Với lại mùa đông sắp đến nơi rồi. Đợi đến mùa đông mới gửi con nhỏ này đi thì tội nghiệp nó quá. Bề gì cũng phải ra đi thì lúc trời còn đẹp cho nó đi luôn. Tui dứt khoát kỳ này đi với nó đó chớ!

    Người tài xế gật đầu nhưng vẫn không nói gì. Anh ta bước như lính bước về phía chiếc xe, sửa ghế đệm ở buồng lái lại cho ngay ngắn.

    -Dì ơi, leo lên ngồi sát phía trước đi. Ngồi đằng trước, xe ít vồng hơn. Đi đường xa mà!

    Bà mẹ đó định đem đưa con gái của mình đi bán cho người ta ở một làng có đường xe lửa cách đó hơn sáu mươi cây số[21] về hướng bắc.

    Chao qua chao lại theo con đường núi, đứa con gái nhìn thẳng ra đằng trước, mắt bị chói vì những tia nắng chiếu qua bờ vai của anh tài xế. Bộ quần áo màu vàng in vào trong mắt nó như một thế giới đang dần dần mở rộng. Hai bên bờ vai anh ta, những quả núi đang xẻ đôi và chạy giật lùi. Chiếc xe hơi phải vượt qua hai ngọn đèo cao.

    Xe hơi đuổi kịp một chuyến xe khách do ngựa kéo. Xe ngựa bèn tấp lại bên vệ đường.

    -Cám ơn!

    Người tài xế cất giọng nghe rõ ràng, vừa nói vừa cúi đầu liên tục như con chim gõ kiến, rối rít.

    Chiếc xe ngựa chở gỗ súc đi ngược chiều. Xe ngựa tấp lại ven đường

    -Cám ơn!

    Gặp chiếc xe chở hàng.

    -Cám ơn!

    Chiếc xe kéo.

    -Cám ơn!

    Con ngựa.

    -Cám ơn!

    Trong vòng mười phút, dù đã vượt qua ba mươi chiếc xe, anh ta vẫn tiếp tục thưa gữi đàng hoàng. Làm như có chạy thật nhanh ba bốn trăm cây số, anh ta vẫn không hề thay đổi tư thế ngồi ngay ngắn. Thấy anh ta tự nhiên và đơn sơ như một thân cây tùng mọc thẳng đứng.

    Ra khỏi bến cảng hồi ba giờ hơn, bây giờ mới giữa đường, chiếc xe đã phải bật đèn lên. Mỗi lần gặp một con ngựa, anh ta lại tắt đèn đằng trước cho nó khỏi chói. Lúc đó lại:

    -Cám ơn!

    -Cám ơn!

    -Cám ơn!

    Anh ta là người tài xế mà suốt đoạn đường mười lăm dặm được nhiều lời khen ngợi nhất trong đám ngựa, xe ngựa, xe hàng.

    Khi bóng đêm trùm xuống quãng trường chỗ bến xe đậu trong làng, thân thể đứa con gái như chao đảo, nó cảm thấy hai chân bủn rủn. Ngơ ngẫn nắm lấy tay mẹ.

    -Đợi tao cái coi!

    Vừa dứt lời, bà mẹ đã vội chạy đuổi theo bác tài.

    -Nè, con gái tui nó nói nó thương chú đó. Tui xin chú mà. Tôi chắp hai tay lạy chú đó. Bề gì kể từ ngày mai nó chỉ là đồ để mua vui cho những người không quen không biết. Thiệt mà. Mấy cô con nhà tử tế ở xóm nào cũng chỉ cần leo lên xe chú một đoạn đường thôi đều thành như vậy hết.

    Ngày hôm sau khi trời hừng sáng, người tài xế ra khỏi nhà trọ dựng sơ sài bằng gỗ và bước đi như lính, băng qua quãng trường. Hai mẹ con người đàn bà lúp xúp chạy theo sau. Từ trong nhà kho, chiếc xe đò cỡ lớn sơn màu đỏ tiến ra, phấp phới lá cờ màu tím, đợi chuyến xe lửa đầu tiên trong ngày.

    Đứa con gái lên xe đầu tiên, cọ xát hai môi mím vào nhau, tay vân vê lớp da màu đen bọc trên chỗ ngồi ở buồng lái. Người mẹ chập hai ống tay ngăn cái lạnh buổi sáng.

    -Sao, tính sao đây? Lại đưa em này về, phải không? Hồi sáng, tui vừa bị con nhỏ khóc cho một trận, còn bị dì mắng nhiếc nữa…. Tui tử tế với nó thành ra sai lầm. Muốn tui đem em nó về cũng được, nhưng chỉ giữ giùm dì đến mùa xuân thôi. Từ giờ, trời trở lạnh, bắt nó phải đi thì quá sức tội nghiệp. Thôi để tui ráng cho một thời gian. Nhưng khi trời tốt trở lại, tôi không giữ nó thêm được đâu nghe!

    Chuyến xe lửa đầu tiên thả xuống ba người khách cho chiếc xe đò.

    Anh tài xế sửa lại tấm nệm trên chỗ ngồi trong buồng lái cho thẳng thớm. Đứa con gái nhìn cái lưng ấm cúng trước mặt, mắt bị chói vì những tia nắng. Gió sớm mùa thu thổi lướt qua hai bên bờ vai anh tài.

    Xe đuổi kịp chiếc xe ngựa kéo. Xe ngựa tấp vào bên đường.

    -Cám ơn!

    Gặp xe chở hàng.

    -Cám ơn!

    Con ngựa.

    -Cám ơn!

    -Cám ơn!

    -Cám ơn!

    Anh ta lòng tràn đầy sự biết ơn suốt sáu mươi cây số đồng ruộng núi rừng cho đến lúc trở về bến cảng nằm ở tít phía nam bán đảo.

    Năm nay hồng lại sai quả, cảnh mùa thu trong núi trông thật đẹp.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  14. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  15. #8
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    7. MẸ

    (Haha, 1926) (33)




    I – Nhật Ký Người Chồng

    Đêm nay tôi cưới vợ về,
    Khi ôm nàng trong tay – tôi cảm thấy cái mềm mại đàn bà.
    Mẹ tôi cũng từng là một người con gái.
    Nước mắt đầm đìa, tôi ngỏ với người vợ mới,
    Hãy trở thành một bà mẹ hiền nghe em!
    Hãy trở thành một bà mẹ hiền nghe em!
    Bởi vì anh chưa bao giờ biết mẹ của anh
    [22].

    II- Khi người chồng lâm bệnh.

    Trời ấm đến độ chắc đã đủ cho chim én quay về. Từ bên sân nhà hàng xóm, những cánh hoa mộc lan rụng xuống, bay lướt đi như những con thuyền trắng. Bên trong cửa kính, người vợ đang dùng cồn lau thân thể chồng mình. Người chồng gầy guộc đến trơ xương sườn, trên những chỗ lõm đó, mồ hôi rịn ra khi ngủ đã đọng lại thành cáu ghét.

    -Anh trông giống như là…gì nhỉ, anh và căn bệnh của anh, cả hai như muốn chết chung vì tình!

    -Dám lắm đó! Bệnh phổi mà em[23].Vi trùng nó đục hết vùng quanh tim, làm gì chẳng thấy thế.

    -Phải rồi, vì trùng nó còn gần gũi với trái tim anh hơn cả em nữa. Khi anh vừa lâm bệnh, trước tiên em thấy anh trở nên vô cùng ích kỷ. Anh đã trêu ngươi đóng bít cánh cửa mà em có thể đi qua để vào bên trong tìm đến với anh. Nếu như chân anh mà bước được, nhất định là anh đã xua em qua một bên và bỏ nhà ra đi rồi.

    -Nếu đúng như vậy thì tại anh không muốn một cuộc quyên sinh vì tình tay ba trong đó có anh, em và lũ vi trùng.

    -Nếu cả ba có phải chết chung cũng được. Em không muốn thờ ơ nhìn cảnh anh đang cùng căn bệnh của anh rủ nhau chết chung. Dầu ba anh đã lây bệnh cho má anh, anh không lây bệnh cho em đâu. Không nhất thiết là cha mẹ và con cái phải chịu chung một số phận, anh à!

    -Đã đành như vậy. Mãi đến khi mắc bệnh, anh có bao giờ biết rằng căn bệnh phát ra nơi anh cũng là bệnh của cha mẹ anh đâu. Thế nhưng bây giờ thì rõ ràng anh cũng mắc cùng một bệnh.

    -Đâu có sao. Anh cứ lây cho em đi, lây cũng được mà. Như vậy em không bị anh cho em không được gần gũi anh.

    -Em nên nghĩ cho con chúng mình.

    -Con, con thì sao…?

    -Em không hiểu tâm trạng của anh gì hết. Má bên em hãy còn mạnh, sao em không chịu nghĩ cho bà.

    -Anh sao cứ gánh hết thiệt thòi cho mình, lúc nào cũng cam chịu. Nếu anh nói như vậy, em hận lắm, muốn giết má luôn đó. Em muốn nuốt mấy con vi trùng. Để em nuốt, nuốt hết cho coi.

    Người vợ vừa gào khóc, vừa phóng tới, nhắm đôi môi chồng. Người chồng chụp lấy cổ áo vợ mình.

    -Cho em nuốt! Cho em nuốt mà!

    Người chồng đem hết sức tàn của tấm thân gầy trơ xương ghìm lấy thân hình người vợ đang vùng vẫy chống trả. Bộ ngực trắng nõn đầy đặn phơi ra. Người chồng thổ một nhúm máu lên trên đôi vú no tròn đó rồi ngã lăn:

    -Đ…., đ…, đừng để con bú sữa em, em nhé!

    III- Khi người vợ lâm bệnh.

    -Má ơi, má, má ơi!

    -Má đây con. Má còn sống mà.

    -Má!

    Đứa bé lại chạy va vào cánh cửa phòng người bệnh. Thế là nó khóc òa.

    -Chớ cho nó vào. Đừng cho con vào!

    -Em sao mà lạnh nhạt !

    Người vợ nhắm mắt lại như giận lẫy vì nói không ai nghe rồi thả đầu mình xuống mặt gối.

    -Hồi xưa anh cũng như đứa nhỏ này, đâu được ai cho vào phòng bệnh thăm mẹ đâu. Cứ phải đứng ngoài cửa khóc hoài đó chứ!

    -Số phận hai cha con giống nhau, hở anh!

    -Số phận, số phận cái gì em. Anh có chết cũng van em đừng nhắc lại tiếng đó.

    Anh ghét cay ghét đắng nó.

    Ở một góc nhà, đứa bé đang khóc. Người đi tuần đêm đang đi qua, tay đánh mõ gỗ để làm hiệu. Tiếng rao nghe như thể ai lấy thanh sắt đập chan chát vào lớp nước đá nhểu xuống đọng trên cái máng tre.

    -Anh đâu còn nhớ kỷ niệm gì về mẹ của anh nhỉ?

    -Đúng rồi.

    -Anh mới lên ba hồi má mất?[24]

    -Ừ, anh mới có ba tuổi.

    -Đứa bé này[25] cũng mới lên ba!

    -Thế nhưng khi anh có tuổi hơn thì sẽ có lúc anh bất chợt nhớ ra khuôn mặt của mẹ anh không chừng.

    -Nếu anh đã được dịp thấy mặt má lúc má mất thế nào có ngày anh cũng nhớ ra thôi.

    -Không, em! Anh chỉ nhớ lúc mình va người phải cánh cửa buồng thôi. Nếu anh được tự do vào thăm bệnh mẹ thì ngược lại, nhất định bây giờ anh chưa chắc đã nhớ mãy may gì về mẹ anh đâu.

    Người vợ sụp mí mắt xuống một đỗi. Sau đó mới cất tiếng:

    -Sinh giữa thời đại không còn lòng tin tôn giáo, chúng mình thật thiếu may mắn. Thời buổi này, đâu còn ai tin có kiếp sau!

    -Em này, bây giờ đúng là thời đại mà người chết đi là kẻ bất hạnh nhất. Rồi một mai sẽ có một thời đại ngộ đạo[26], lúc mà người chết cũng tìm được hạnh phúc.

    -Đúng như anh nói!

    Rồi trong lòng người vợ hiện ra biết bao nhiêu là kỷ niệm về những lần mình cùng chồng mình đi du lịch phương xa. Nàng cảm thấy những phong cảnh xinh đẹp lần lượt chập chờn hiện ra trong đầu nhưng rồi như chợt tỉnh, nàng nắm lấy tay chồng, lặng lẽ nói:

    -Này anh, em…..Được làm vợ anh, em rất hạnh phúc, anh ạ! Em không bao giờ oán hận vì mình bị lây bệnh đâu anh. Anh tin lời em chứ!

    -Anh tin em mà.

    -Nếu thế, khi nào con mình lớn lên, anh cũng dựng vợ gả chồng cho nó nghe anh!

    -Anh hiểu ý em.

    -Trước khi cưới em, anh đã đau khổ nhiều rồi, phải không? Chính anh cũng mắc phải cùng một chứng bệnh như cha mẹ mình, lại lây cả bệnh ấy cho vợ, sinh được đứa con cũng sợ nó mang bệnh ấy. Dù vậy, cuộc hôn nhân này đã đem lại hạnh phúc cho em. Thế là đủ. Do đó anh không cần phải bắt con mình nếm sự đau khổ và buồn rầu vô ích vì khiến nó nghĩ rằng việc kết hôn đối với nó là điều không nên. Anh hãy để cho con vui hưởng cuộc sống vợ chồng. Đó là ý nguyện cuối cùng của em đó.

    IV- Nhật ký của người chồng.

    Đêm nay con gái tôi không ngủ,
    Khi ôm nó trong tay – tôi cảm thấy cái mềm mại đàn bà.
    Mẹ chúng ta cũng từng là một người con gái.
    Nước mắt đầm đìa, tôi ngỏ với đứa con thơ,
    Hãy trở thành một bà mẹ hiền nghe con!
    Hãy trở thành một bà mẹ hiền nghe con!
    Bởi vì cha con ta[27] chưa bao giờ biết về mẹ của mình.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  16. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  17. #9
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    8. LẬP TRƯỜNG NGƯỜI CON

    (Kodomo no tachiba, 1926) (34)


    Thật tình bà mẹ của anh chàng hơi chậm hiểu.

    -Bác ơi, mẹ buộc cháu phải lập gia đình nhưng cháu đã hứa hôn với một người khác trước đó rồi.

    Nếu Tazuko đem chuyện đó để hỏi ý kiến bà ta là bởi vì người yêu trong câu chuyện mà nàng đã hứa hôn trước không ai khác hơn là con trai của bà. Bà ta hình như cũng đã thấy giữa hai nhân vật đó có cái gì trùng hợp với nhau. Thế mà bà cứ nói năng ào ào, làm ra vẻ như chuyện đó không dính dáng tới mình. Mà lại còn nói kiểu này nữa chứ:

    -Chuyện như vậy có gì cháu phải bối rối. Dầu phải bỏ nhà ra đi, cháu cứ theo tiếng gọi của con tim mà cưới anh ấy đi. Bác lấy kinh nghiệm bản thân mà khuyên cháu đấy. Hồi xưa, bác cũng gặp cảnh giống như cháu bây giờ, bác vì lầm lẫn trong sự lựa chọn nên phải chịu khổ suốt ba mươi năm nay. Đời của bác từ đó mới ra nông nỗi này.

    Nghe nói như thế, Tazuko cứ đinh ninh một cách sai lầm rằng bà mẹ anh chàng đã đồng tình với mối tình của hai người và âm thầm đứng về phía họ. Đôi má nhuộm hồng, nàng tươi tắn hỏi:

    -Nếu nói như vậy thì chắc bác cho phép anh Ichirô nhà bác được tự do trong việc kết hôn của ảnh, có phải không ạ?

    -Dĩ nhiên là thế rồi!

    Tazuko vui mừng, vui vẻ, phấn khởi trên đường về. Sau khi tình cờ nghe kể lại câu chuyện, anh chàng bèn chạy đuổi theo cô gái, viết một lá thư để từ hôn. Anh ta bảo: “ Em cứ nghe lời ép buộc của cha mẹ mà lấy chồng đi”. Thế nhưng, có câu như sau thì ngay đến anh cũng chẳng dám viết ra:

    (-Và xin em hãy sinh ra một đứa con được nuôi dạy đàng hoàng như anh)
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  18. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

  19. #10
    ~ Mều V.I.P ~
    Kasumi's Avatar


    Thành Viên Thứ: 61
    Giới tính
    Nữ
    Đến Từ: Châu Á
    Tổng số bài viết: 12,056
    Thanks
    3,030
    Thanked 21,120 Times in 5,744 Posts
    9. LŨ CÁ VÀNG TRÊN SÂN THƯỢNG

    (Okujô no kingyo, 1926) (46)


    Bên gối chỗ đầu giường của Chiyoko có bày một tấm gương lớn.

    Mỗi buổi tối khi nàng xổ tóc ra và ép má lên mặt gối trắng, lúc nào cũng nằm lặng lẽ ngắm chiếc gương đó. Bao giờ cũng vậy, nàng thấy hiện ra trên mặt kính độ ba bốn chục con cá vàng với chiếc đầu hình sư tử, trông chúng giống như những đóa hoa giả màu đỏ đang trầm mình trong vại nước. Có những đêm vầng trăng cũng đến in bóng bên cạnh lũ cá vàng.

    Thế nhưng vầng trăng không vượt qua khỏi khung cửa sổ để chiếu lên mặt kính. Thay vào đó, cái bóng trăng rơi vào bên trong bồn nước khu vườn trên sân thượng lại lọt được vào mắt Chiyoko. Tấm kính là một màn bạc huyền ảo. Vì để nhìn cảnh vật cho được rõ ràng, tinh thần nàng đã bị hao mòn như cây kim của một máy quay đĩa hát. Do đó, nàng không đủ sức để rời khỏi chiếc giường ngủ và càng ngày càng cằn cỗi đi trong niềm u uất. Chỉ có mái tóc huyền xỏa trên mặt gối trắng vẫn còn sót lại như chứng cớ của một tuổi trẻ đầy sức sống.

    Một đêm, có một con kiến sư tử[28] từ từ bò lên bờ thành tấm kiếng bằng gỗ đào hoa tâm[29]. Chiyoko bèn bật dậy, gõ thật mạnh vào cánh cửa buồng ngủ của cha nàng:

    -Bố, bố, bố ơi bố!

    Nàng đưa nắm tay trắng xanh ra níu lấy cánh tay áo người cha, kéo nhau chạy lên khu vườn trên sân thượng. Một con cá vàng đầu sư tử, đang ngửa cái bụng chửa như chứa một vật gì quái lạ, nổi lềnh bềnh chết trong bồn nước.

    -Bố ơi, con xin lỗi bố nhé! Bố tha cho con với! Ủa, bố không tha thứ con sao? Con có ngủ đâu. Con vẫn nằm gác chừng chúng nó đấy chứ ….

    Người cha lặng thinh, đưa mắt nhìn quanh sáu cái bồn nước sắp bên nhau như những tấm áo quan dành cho người chết. Ông bắt đầu nuôi loại cá vàng đầu sư tử[30] này từ khi từ Bắc Kinh trở về nước.

    Trong một khoảng thời gian dài, ông sống với một người vợ bé ở Bắc Kinh. Chiyoko là đứa con gái của bà ta.

    Ông về Nhật năm Chiyoko mười sáu. Giữa mùa đông. Trong căn phòng kiểu Nhật cổ kính, ông đặt bừa bãi mấy cái bàn cái ghế đem từ Trung Quốc về. Cô chị cùng cha khác mẹ dựa lưng trên chiếc ghế. Chiyoko ngồi trên tấm chiếu trải trước mặt, ngước mắt lên nhìn chị.

    -Chị sắp sửa về làm dâu nhà người ta nên không thành vấn đề chớ còn Chiyoko, nói cho mà biết, em thật ra không phải là con ruột của bố! Không biết từ đâu lạc tới đây lại bắt mẹ chị nuôi. Đừng bao giờ quên cái chuyện đó nghe.

    Chiyoko kinh hoàng, gục đầu xuống thì bà chị đã đưa hai bàn chân đặt trên vai nàng. Cô ta đưa mu bàn chân nầng cằm Chiyoko để bắt nàng nhìn lên về phía mình. Nàng bụm chân chị và khóc. Trong khi nàng còn đang ôm như thế, bà chị đã lùa hai bàn chân của mình vào ngực áo kimono của em.

    -Ôi chao! Ấm quá. Cởi hộ đôi tất rồi sưởi chân cho người ta đi!

    Chiyoko vừa khóc, vừa cởi tất khỏi chân chị rồi đặt đôi chân lạnh lẽo lên hai bầu vú của mình và ấp nó.

    Sau đó ít lâu, ngôi nhà Nhật kiểu cổ đã được sửa chữa thành nhà lối Tây Phương. Người cha bày sáu cái bồn nước trong khu vườn trên sân thượng và nuôi cá vàng. Từ sáng đến chiều ông ta cứ leo lên ở mãi trên đó. Ông mời các nhà chuyên môn cá vàng từ khắp nơi trong nước đến, lại mang cá vàng đi dự triển lãm ở những chỗ thật xa hàng mấy trăm cây số.

    Không biết từ dạo nào, công việc chăm sóc cá vàng đã chuyển qua tay Chiyoko. Những tháng ngày trôi qua trong buồn tủi, cô không biết làm chuyện gì khác ngoài nằm ngắm nghía lũ cá vàng.

    Mẹ của cô từ khi trở về Nhật và dọn nhà ra ở riêng thì cùng lúc, mắc phải chứng điên loạn. Đến khi tỉnh táo lại đôi chút, bà đâm ra hắc ám, không nói không rằng. Tuy những đường nét trên khuôn mặt vẫn còn đẹp không thua gì thời ở Bắc Kinh nhưng nước da đã xuống sắc thật nhanh, nó xám xịt trông dễ sợ.

    Trong số những chàng trai trẻ đi lại quen biết với bố của Chiyoko, không thiếu gì anh để ý và muốn thành người yêu của cô. Nhiều lúc, cô nói với họ:

    -Bắt hộ em mấy con rận nước[31] đem tới đây. Để em cho cá vàng nó ăn!

    -Thứ đó ở đâu có?

    -Cứ kiếm chung quanh mấy cái rãnh cái đìa thì ra thôi.

    Thế nhưng từng đêm cứ mãi chăm chú nhìn tấm kính, nàng cằn cỗi đi trong u uất. Đã hai mươi sáu tuổi rồi.

    Khi người cha chết, phong bì đựng tờ di chúc được mở ra xem. Trong đó ông bố ghi rằng Chiyoko không phải con mình.

    Nàng đi về phòng và khóc. Khi nhìn vào tấm kính vẫn đặt bên gối bỗng thét lên và chạy bay về phía khu vườn trên sân thượng.

    Nàng thấy mẹ nàng với khuôn mặt xám xịt – chẳng hiểu tự lúc nào và ở đâu tìm đến - đang đứng bên cạnh bồn cá. Má bà phồng lên, miệng đầy ắp những con cá vàng đầu sư tử. Một cái đuôi to còn treo lủng lẳng ngoài cửa miệng như chiếc lưỡi thè ra. Không biết rằng con gái đang nhìn mình, bà mẹ vẫn tiếp tục nhóp nhép nhai cá.

    -Ôi, bố ơi!

    Vừa kêu lên, Chiyoko vừa đánh vào người mẹ. Bà ta ngã xuống nền gạch hoa. Miệng vẫn ngậm đầy cá vàng và lăn ra chết.

    Đến lúc này, Chiyoko mới hoàn toàn được giải phóng khỏi cha lẫn mẹ. Nàng đẹp đẽ tươi trẻ trở lại với phong độ xưa và bắt đầu hành trình vào một cuộc đời hạnh phúc.
    Chữ ký của Kasumi
    JaPaNest _______

  20. The Following User Says Thank You to Kasumi For This Useful Post:

    capella211 (13-05-2012)

Trang 1/4 1 2 3 4 cuốicuối

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 3 users browsing this thread. (0 members and 3 guests)

Similar Threads

  1. [Truyện ngắn] Vào đông - Yasunari Kawabata
    By sarujun in forum Văn Học
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 10-02-2012, 07:43 PM
  2. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 10-02-2012, 07:29 PM
  3. [Truyện ngắn] Cánh tay - Yasunari Kawabata
    By sarujun in forum Văn Học
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 08-02-2012, 10:51 PM
  4. Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 08-02-2012, 03:08 PM
  5. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 28-08-2008, 08:27 PM

Bookmarks

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •