Theo một nghiên cứu công bố ngày 15/8, các công nhân của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) làm việc tại nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố Fukushima số 1 và Fukushima số 2 xuất hiện các dấu hiệu trầm cảm và suy sụp tinh thần gấp hai lần do bị phân biệt đối xử.
Công nhân khắc phục hậu quả động đất và sóng thần ở tỉnh Miyagi hồi tháng 6/2011. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Kết quả cuộc điều tra chung của Cao đẳng quân y với Đại học Ehime trong tháng Năm và Sáu vừa qua cho thấy, 191 công nhân, hoặc 12,8% trong số 1.495 người bị phân biệt đối xử, như không thể thuê nhà hoặc từ chối chăm sóc y tế vì họ có liên quan đến công việc tái thiết tại hai nhà máy sau cuộc khủng hoảng hạt nhân xảy ra ngày 11/3/2011.
Các công nhân này - vốn phải chịu sự kỳ thị, trong đó có cả những lời nói xúc phạm tại các trung tâm sơ tán - đã gặp phải các vấn đề tâm thần cao gấp 2 lần so với những người không bị phân biệt đối xử.
Giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Ehime, Takeshi Tanigawa, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Các công nhân nhà máy không chỉ là nhân viên tái thiết mà còn là nạn nhân của thảm họa hạt nhân. Sự thiếu hiểu biết của công chúng đối với những người như họ sẽ làm giảm hiệu suất công việc cũng như dẫn đến căn bệnh trầm cảm.”
Giáo sư Tanigawa, cựu bác sỹ làm việc tại nhà máy điện Fukushima số 1, hiện là bác sĩ điều trị tại nhà máy điện Fukushima 2. Ông đã tiến hành cuộc điều tra trên trong bối cảnh nhiều công nhân nhà máy thổ lộ với ông rằng họ cảm thấy lo lắng, bất an sau sự cố hạt nhân.
Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy, những tác động về mặt tâm thần đối với các công nhân tham gia vào hoạt động tái thiết kể từ sau các thảm họa lớn hồi năm ngoái./.
Nguồn: Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)
Bookmarks