Xem phim là một thú vui giải trí mà rất nhiều người trong chúng ta yêu thích. Thông qua phim ảnh, chúng ta cũng học được rất nhiều kiến thức bổ ích cho cuộc sống, tuy vậy, không phải điều nào lên phim cũng đúng, đặc biệt là những kinh nghiệm sống còn. Bài viết này sẽ liệt kê 5 lầm tưởng mà phim ảnh đã làm bạn ngộ nhận, thí dụ như: hô hấp nhân tạo, xử lý rắn cắn...
- Hô hấp nhân tạo không phải là phép tiên như bạn nghĩ
Xem phim, chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp những cảnh mà trong đó có người bị ngạt thở, bị chết đuối hoặc bị giật điện, dù chưa chết hẳn mà đang trong tình trạng bất tỉnh nhân sự. Lúc này, một người khác xuất hiện và làm các thao tác Hô hấp nhân tạo, phép lạ xảy ra, chỉ sau vài cái thổi hơi, nhấn nhấn lên ngực thì nạn nhân lập tức tỉnh dậy và khỏe mạnh như chưa có chuyện gì xảy ra. Kinh nghiệm xem phim cho thấy có tới 3 trên 4 trường hợp như vậy được cứu sống bởi hô hấp nhân tạo.
Nhưng sự thật không được như vậy, trong thực tế thì HHNT là một thủ thuật giúp cung cấp ô-xy cho nạn nhân, nhằm giúp máu có dưỡng khí để nuôi não (bởi lúc này nạn nhân đã bất tỉnh, không thể tự thở được), và cần phải được thực hiện lâu dài cho đến khi có sự trợ giúp y tế đến. Thống kê cho thấy HHNT đúng cách chỉ giúp cứu được từ 2% đến 30% nạn nhân mà thôi, không phải 75% như phim ảnh đã nói. Mình có một người bạn, Bố của anh ta bị điện giật bất tỉnh, cả nhà đã cấp cứu bằng phương pháp HHNT và nạn nhân đã tự thở lại được, nhưng sau đó lại ngưng và chờ xe cấp cứu đến, kết quả là bác ấy tử vong trước khi được cứu chữa. Vì vậy, HHNT phải được thực hiện thường xuyên, nhằm giúp nạn nhân thở được cho đến khi bác sĩ đến.
Điều này không có nghĩa là chúng ta nên xem thường HHNT, mà như đã nói, đây là một phương pháp cấp cứu cực kì quan trọng. Vì vậy, nếu có điều kiện thì bạn nên đến các cơ sở y tế để học 1 khóa về bộ môn này, và HHNT đúng cách mới có tác dụng.
Cách hô hấp nhân tạo
- Bị đánh bất tỉnh có nguy hiểm hay không?
Khi xem phim hành động, chúng ta thường xuyên thấy cảnh một người bị đánh mạnh vào đầu và bị bất tỉnh (xỉu). Vài giờ sau, anh ta tỉnh dậy, cười đùa và nhảy nhót như bình thường, hạnh phúc hơn bất kì ai. Sự thật không như vậy đâu, bởi đầu là bộ phận quan trọng và dễ bị tổn thương nhất trên cơ thể người (vì vậy mà chúng ta hay có phản xạ ôm đầu khi gặp nguy hiểm), do đó, đánh vào đầu luôn là một hành động nguy hiểm, và nếu đương sự bị bất tỉnh thì càng nguy. Nếu bạn bị đánh mạnh vào đầu (hoặc vào gáy) và bất tỉnh, thì sau khi tỉnh dậy, lời khuyên của mình là nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt.
Nghịch ngợm như anh chàng này là không tốt.
- Làm gì khi bị chảy máu cam hoặc máu mũi?
Hồi 4 tuổi đi học mầm non, mình có 1 sở thích rất manh động là đấm vào mặt những cậu bé trong lớp để thấy chúng bị chảy máu mũi, dĩ nhiên hành động của mình luôn bị cô giáo phạt bằng cách đứng úp mặt vào tường, và về nhà thì ăn roi của Ba Mẹ. Nhưng vấn đề ở đây là, nhiều người và trên phim ảnh vẫn lầm tưởng rằng khi bị chảy máu mũi (hoặc máu cam), thì ta nên ngửa mặt lên trời để ngăn máu đừng chảy xuống (để đỡ bị mất máu). Đây là một hành động sai lầm, thật ra, ngửa mặt lên sẽ khiến máu chảy ngược xuống thực quản và khí quản, có thể khiến bạn bị sặc, rất nguy hiểm.
Cách chữa bị chảy máu mũi rất đơn giản, chỉ cần dùng 2 ngón tay bóp nhẹ mũi lại nhằm làm máu chậm chảy ra hơn, thỉnh thoảng buông tay để máu chảy ra ngoài. Chúng ta cũng có thể dùng khăn giấy để nút 2 lỗ mũi lại và thấm máu, chườm đá lên sống mũi cũng giúp máu ngưng chảy nhanh hơn. Thường thì máu sẽ ngưng chảy sau 5 hoặc 10 phút, còn nếu tình trạng vẫn kéo dài hơn 15 phút thì bạn nên đến gặp bác sĩ.
Cách xử lý đúng khi bị chảy máu mũi.
- Hút nọc độc ra khỏi vết cắn của rắn.
Trong các phim kiếm hiệp hoặc phim phiêu lưu, thỉnh thoảng có cảnh một người bị rắn độc cắn, và nếu có một người đi cùng thì họ sẽ lập tức hút máu độc (ở vết cắn) ra bằng miệng. Việc này nghe có vẻ có lý, nhưng thực ra lại rất ít có hiệu quả, trái lại có thể gây nguy hiểm cho người hút máu nếu chẳng may trong miệng người đó bị vết xước, nọc độc sẽ đi vào máu và gây tử vong. Vì vậy, hãy cân nhắc việc làm này nếu miệng bạn bị vết xước.
Nếu bị rắn cắn, người VN hay được dạy rằng cần băng garô, theo dân gian là cách cột chặt phía trên vết rắn cắn để ngăn nọc độc chảy về tim. Cách xử trí này hoàn toàn sai.
Thứ nhất cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí đã bị buộc khiến phần này dễ hoại tử. Thứ hai, khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân lên cơn sốc. Nạn nhân có thể tử vong lập tức.
Băng garo vốn chỉ để cầm chảy máu tạm thời. Cách tốt nhất sau khi bị rắn cắn là rửa sạch vết thương, băng quấn kín vết thương bình thường, hoặc băng nẹp giống như khi gãy chân tay. Nạn cần càng ít cử động càng tốt, như vậy nọc độc sẽ chạy theo máu chậm hơn. Bệnh nhân nên được chuyển đến bệnh viện gần nhất để được bác sĩ khám và xử lý.
Cách xử lý khi bị rắn cắn.
Cũng lưu ý là không nên đập chết rắn, bởi rắn chỉ cắn khi tự vệ hoặc bị đe dọa nên nó không có tội, cần ghi nhớ hình dáng, đặc điểm của rắn để mô tả cho bác sĩ nhằm giúp tìm ra huyết thanh kháng nọc nhanh nhất. Nếu bị rắn biển cắn thì dùng nước trà đậm đặc để rửa vết thương trong khi chờ đưa đến bệnh viện, cũng có thể cho nạn nhân uống thêm sữa tươi.
Khi bị rết, bọ cạp cắn thì cũng có thể xử lý tương tự.
- Một vài tips nhỏ:
Buộc garo bên trên vết thương 7-10cm là phương pháp sai
Phương pháp đúng là phải buộc bất động toàn bộ chi (tay hoặc chân), cái này gọi là Pressure Immobilization Technique:
Nên nhớ là cách này chỉ có hiệu quả đối với các loại nọc độc ảnh hưởng đến thần kinh (neurotoxic venoms). Còn nọc độc gây độc tế bào (cytotoxic) thì không có tác dụng. Nhìn chung người ta vẫn khuyên là không nên buộc garo làm gì. Quan trọng là để nơi bị cắn thấp hơn tim
Tuyệt đối không hút nọc độc bằng mồm (làm giống mấy phim chưởng Tàu là ngu lắm đó). Có thể rửa vết rắn cắn bằng nước hoặc xà phòng (hiệp hội y khoa Mỹ khuyên thế). Tuy nhiên một số bác sĩ còn khuyên là không nên rửa vết rắn cắn vì một số trường hợp bác sĩ còn có thể nhìn vào vết cắn để nhận dạng loại rắn đã cắn (y khoa Úc khuyên thế này)
- Không phải động vật hoang dã nào cũng hung dữ.
Như đã nói ở trên, rắn chỉ cắn chúng ta khi tự vệ hoặc hoặc lúc bị đe dọa, và phần lớn động vật hoang dã cũng vậy. Trong phim chúng ta thường thấy đạo diễn biến các loài động vật trong thiên nhiên thành các con vật đáng sợ, sẵn sàng vồ lấy chúng ta không cần lý do. Sự thật lại khác, phần lớn chúng không muốn và không có chủ ý gây hại cho con người, trừ các trường hợp: bị khiêu khích, tự vệ, đói.
Nếu chẳng may đối mặt một con cọp gấu, hoặc sư tử, việc cần nhất là cố giữ bình tĩnh, đừng bỏ chạy vì khả năng lớn nhất là nó sẽ rượt theo bạn, mà bạn không bao giờ chạy nhanh hơn những con vật này. Hãy nhìn thẳng vào mắt con vật và đi lùi từ từ, tìm chỗ núp như leo lên cây hoặc chạy vào nhà, trong trường hợp quá sợ hãi và không biết làm gì khác, bạn có thể áp dụng phương pháp may rủi là giả chết. Nếu con vật tấn công bạn, thì hãy tìm vật nào đó để tự vệ, nếu có lửa thì càng tốt, và cố tạo nhiều tiếng động để hù dọa nó. Nếu các cách trên không có tác dụng nữa thì cầu nguyện là phương án cuối cùng.
Cảnh trong phim The Grey
Theo TinhTe.Vn
Bookmarks