Nếu bạn ngại đi bộ, hoặc khi đôi chân đã mỏi rã rời, hãy bước lên chiếc xe 2 bánh vỉa hè của Toyota có tên Winglet. Thiết bị này không chỉ đem tới sự tiện lợi mà còn là cả niềm vui thích khi điều khiển.
Những ngày ở Tokyo, tôi đã bị cuốn theo cái thói quen đi bộ, cuốn theo sự vội vã của người Nhật. Trên vỉa hè, trong nhà ga, hay ở các trung tâm thương mại, người ta đi bộ đông như kiến vỡ tổ. Ở khu Shinjuku - một nơi vừa là trung tâm thương mại, buôn bán phát triển, vừa là địa điểm ăn chơi và giải trí có tiếng của Tokyo, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh hàng ngàn người đổ qua đường mỗi khi đèn xanh cho người đi bộ bật sáng.
Người Nhật có thói quen đi bộ như thế, nên chẳng ngạc nhiên khi một ông lớn về xe hơi và công nghệ như Toyota đã giới thiệu một thiết bị di chuyển thay thế cho việc đi lại trên vỉa hè. Đó là thiết bị di chuyển Winglet.
Vào đầu tháng 8 năm nay, Winglet được chạy thử nghiệm ở Thành phố Tsukuba cách Tokyo 64 km về phía Bắc. Tuy gọi là xe vỉa hè, nhưng Winglet an toàn khi sử dụng trong nhà hay trong thang máy. Nó được miêu tả giống như “chiếc rô bốt trợ giúp di động”, chạy bằng pin và sử dụng kỹ thuật tự thăng bằng để đứng thẳng được dù chỉ có hai bánh. Chiếc xe có thể đạt vận tốc tối đa là 6km/h và đi được quãng đường khoảng 10km với nguồn điện được nạp đầy trong khoảng 1 giờ.
Trong chương trình Toyota Global Media Tour của Tập đoàn Toyota dành cho các phóng viên, nhà báo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, tôi đã có cơ hội tận tay điều khiển thiết bị này. Đó thực sự là một trải nghiệm khó quên.
Toyota đã thiết kế 3 phiên bản xe Winglet: ‘L’, ‘M’ và ‘S’ (viết tắt của ‘Lớn’, ‘Trung bình’ và ‘Nhỏ’ trong tiếng Anh), mỗi loại có kiểu vận hành khác nhau, trong đó hai mẫu có tay cầm như Segway (loại xe cá nhân tương tự của hãng Segway, Mĩ), còn một mẫu không có tay nắm. Phiên bản mà tôi thử nghiệm là Winglet L.
Toyota khẳng định rằng mẫu xe mới này rất dễ sử dụng chỉ cần qua vài lần thực hành, kể cả với người già, và quả thực, tôi mất không quá 5 phút để nghe hướng dẫn, làm quen rồi sau đó “bắt” Winglet làm theo ý mình.
Về cơ bản, người lái điều khiển xe ở tư thế đứng thông qua tay lái dài hình chữ T. Cấu tạo của Winglet gồm có một thân xe (với một vùng rộng cỡ 1 tờ giấy A3) chứa một mô-tơ điện, hai bánh và thiết bị cảm ứng bên trong có thể luôn theo dõi vị trí của người sử dụng để điều chỉnh lực giữ cân bằng cho xe.
Xe được mở khóa bằng chìa khóa điện tử, khi dựng trụ lái thẳng đứng, một bộ phận giữ cho xe thăng bằng được vận hành, xe luôn giữ vị thế này trong thời gian chuyển động. Những bộ phận cảm ứng theo dõi cơ thể người đứng trên xe để nhận biết ý muốn người điều khiển. Bạn chỉ cần hơi nghiêng người về phía trước hay ngả về phía sau, xe sẽ chạy tới hoặc lùi. Tương tự xe sẽ rẽ trái hay phải khi bạn trùng chân và hơi nghiêng qua trái hay phải. Xe sẽ tăng tốc hay giảm tốc khi bạn nghiêng người nhiều hay ít. Winglet có 1 nút để tắt máy khi bạn chuẩn bị bước xuống xe.
Trụ lái có thể chỉnh được chiều cao và bởi vậy, bất cứ ai cũng có thể tìm cho mình một tư thế lái phù hợp khi đứng trên xe. Khi không sử dụng, tay lái hình chữ T được thu gọn lại vào thân xe, tiện cho việc cất giữ hoặc vận chuyển. Winglet hoạt động nhờ động cơ điện lấy năng lượng từ nguồn ắc quy Li-ion. Thời gian nạp đầy ắc quy là khoảng 1 giờ đồng hồ và tầm hoạt động của xe là 10 km sau một lần nạp. Vì phương tiện này tham gia giao thông trên… vỉa hè nên tốc độ tối đa được hạn chế ở mức 6 km/h.
Do động cơ điện không phát thải khí độc hại nên Winglet còn có thể hoạt động trong các khu văn phòng hay trong sảnh đợi của sân bay. Được biết, 80 nhân viên thuộc Viện Công nghệ Cao quốc gia Nhật Bản ở Tsukuba đã tình nguyện sử dụng phương tiện này và mục đích của Toyota trong các lần thử đầu tiên là kiểm tra độ an toàn của Winglet khi len lỏi giữa đám đông người đi bộ.
Các nhà dự báo công nghiêp ôtô nhận định, trong tương lai xe vỉa hè có thể chạy nhanh hơn và xa hơn. Khi đó sẽ diễn ra cuộc bùng nổ xe 2 bánh lề đường để đáp ứng nhu cầu lưu thông đô thị.
Trong năm nay, các nhà thiết kế của Toyota đang đưa chiếc xe này ra thử nghiệm với nhiều ứng dụng công nghệ khác nhau tại các khu vực như sân bay, các khu resort, sau đó sẽ đưa tới một số cửa hàng nhỏ ở Nhật Bản vào năm tới để thu về phản hồi của khách hàng.
Thế Đạt (TTTĐ)
Bookmarks