Nhân vật chính trong cuốn phim tài liệu “Những bức lụa huyền ảo hãy hồi sinh!” là chị Iwai Kikuko, một phụ nữ Nhật Bản đã phục chế tranh Picasso và của nhiều hoạ sĩ nổi tiếng khác.
Buổi chiều cuối thu 2011, con tàu hỏa chạy qua một khu hồ lớn, đầy ắp nước xanh với dải cát trắng ven bờ trông tựa biển. Vừa bước xuống tàu, tôi đã thấy chị Iwai Kikuko và những người bạn Nhật Bản chờ sẵn ở sân ga. Ôm chầm lấy tôi, chị luôn miệng nói “Marvellous! Marvellous!” (tiếng Anh: Thật kỳ diệu!). Chị cười mà nước mắt ứa ra.
Nhớ lại những ngày giá rét mùa đông năm 2009, người phụ nữ Nhật Bản với bộ quần áo đen nền nã, đi cùng cô con gái kiêm trợ lý, lần đầu tiên đến thăm tôi, tại biệt thự 28D Điện Biên Phủ, Hà Nội, nơi gia đình tôi đã sống gần 60 năm nay. Nhìn người phụ nữ giản dị tuổi trung niên, tôi không nghĩ chị là một trong những chuyên gia hàng đầu về phục chế tranh của Nhật Bản. Chị đã phục chế tranh Picasso và tranh các hoạ sĩ nổi tiếng khác của Pháp, Nhật.
Tác giả, ông Nakamura và chị Iwai Kikuko trong phòng
triển lãm 3 bức tranh đã được phục hồi
Ông Nakamura, một đạo diễn phim tài liệu Nhật Bản, người rất yêu nghệ thuật lụa Nguyễn Phan Chánh, đã giới thiệu chị Iwai Kikuko với tôi. Nay chị đến Việt Nam với ý định sẽ tìm cách phục hồi các bức tranh lụa của danh hoạ Nguyễn Phan Chánh. Những bức tranh bị hư hại nhiều qua thời gian và do điều kiện bảo quản không tốt vì phải di chuyển nhiều lần trong chiến tranh. Quên sao được đôi mắt tinh tường của chị Kikuko với chiếc kính phóng đại cầm tay chuyên dụng, chăm chú nhìn những vết rách, chỗ mốc của các bức tranh. Chị khẳng định: “Đây là một việc rất khó khăn, nhưng có thể làm được”.
Ngày 22/10/2011, ngay trước cửa vào Viện Bảo tàng Mỹ thuật Đương đại Thế kỷ 21 thành phố Kanazawa, chị Iwai Kikuko, ông Nakamura và nhóm phóng viên đài truyền hình thành phố đã chờ sẵn. Mọi người dẫn tôi đi thẳng vào một phòng riêng khá rộng. Trong phòng chỉ trưng bày 3 bức tranh lụa đã được phục hồi. Đứng trước các bức tranh, cảm giác nghi ngại mơ hồ trước đây của tôi đã tan biến. Tự nhiên tôi thốt lên: “Đây là những bức tranh của cha tôi, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh!”. Hơn thế nữa như là nguyên vẹn, dường như không bị hư hại! “Đúng là marvellous!” - Tôi nghĩ. Khi nghe câu nói của tôi, khuôn mặt các bạn Nhật Bản tươi hẳn lên với những nụ cười xóa đi vẻ căng thẳng ít phút trước đó.
Chị Iwai Kikuko cười và khóc thành tiếng. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao bảo tàng chưa cho mọi người vào xem ngay, dù đã đến giờ mở cửa. Các bạn muốn ghi lại cảm xúc của tôi khi lần đầu tiên nhìn thấy những bức tranh của cha tôi sau khi được phục hồi.
Nhớ lại lần thứ hai, giữa mùa hè nắng gắt năm 2010, chị Iwai Kikuko đến Việt Nam cùng với một nhà văn và đoàn quay phim của Hãng làm phim truyền hình NDN. Chị nói: “Muốn phục hồi tranh lụa Nguyễn Phan Chánh giữ được hồn tranh, phải đến tận nơi hoạ sĩ đã có cảm hứng và cho ra đời những bức tranh đẹp ấy”.
Ngồi xe ôm, chị đến khu lao động An Dương ở ngoài đê sông Hồng, gần cầu Long Biên, nơi hoạ sĩ đã đến đây nhiều lần những năm 1966, 1967, khi máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Chị được biết chính ở đây hoạ sĩ đã vẽ các bức tranh: “Sau giờ trực chiến”, “Sáng ngày cho con bú”, “Buổi tối cho con bú”. Chị cùng đoàn làm phim ra tận sông Hồng. Họ lặn lội dọc theo bờ sông, cố tìm khung cảnh giống như trong bức tranh họa sĩ đã vẽ. Mọi người reo mừng khi tới đoạn sông gần cầu Thăng Long: “Đúng rồi, đây là chỗ họa sĩ đã chọn làm nền cho bức tranh “Cô gái cưỡi bò qua sông”!”.
Nhưng chị Kikuko lại nói: “Ánh sáng này vẫn chưa phải là thời điểm trong bức tranh! Còn sớm quá, chắc phải sau 1, 2 tiếng nữa”. Cả đoàn làm phim kéo nhau đi uống cà phê, đợi tới lúc ráng chiều xuống tựa cảnh trong tranh. Đứng suốt 2 giờ trên bờ đê sông Hồng cho tới lúc nắng tắt hẳn, chị ngắm cảnh hoàng hôn, chăm chú nhìn ánh mây trời phản chiếu sắc màu trên mặt sông.
Hôm sau, giữa trưa hè, chị cùng con gái và đoàn làm phim sang làng Đình Bảng, Bắc Ninh, quê anh Lê Quang Đạo, chồng tôi. Giữa những cánh đồng lúa vàng, trong sân phơi thóc vừa gặt, chị hẹn gặp cô em họ anh Đạo, người mẫu của bức tranh “Rê lúa” nổi tiếng mà hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1962 ở làng Đình Bảng. Chị nhờ người mẫu cũ, nay đã là bà ngoại, bà nội, diễn lại cảnh trong tranh “Rê lúa”. Với chiếc thúng chiếc nia cũ kĩ, những hạt lúa vàng tuôn rơi gợi lại cảnh năm xưa trong tranh.
Chị Iwai Kikuko và con gái đang phục hồi bức tranh
"Cô gái cưỡi bò qua sông”
Chị tìm đến nhà hoạ sĩ Nguyễn Văn Thụ, nguyên Giám đốc trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, học trò giỏi của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh. Nhìn cách vẽ tranh, rửa lụa, lên khung, chị trao đổi rất cặn kẽ để hiểu tường tận về cách vẽ-rửa lụa, một kỹ thuật vẽ đặc biệt do danh họa Nguyễn Phan Chánh sáng tạo cho tranh lụa của mình. Chị đi bộ trên nhiều phố cổ của Hà Nội, mua đúng loại lụa mà hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh đã từng vẽ.
Tháng 11 năm 2010, gia đình đã đồng ý đưa 3 bức tranh “Cô gái cưỡi bò qua sông” (1970), “Hui thuyền” (1938) và “Đón củi” (1938) sang Nhật để phục hồi lại, với tài trợ của ông Mitani Ryu, Chủ tịch công ty Mitani. Các tranh được đưa về nơi phục chế, Viện Bảo tồn Nghệ thuật IWAI của chị.
Trong gần 1 năm, việc phục hồi các bức tranh đã trải qua 4 công đoạn. Trước tiên các bụi bẩn, vết bẩn, vết mốc trên tranh được lấy đi sạch sẽ, đưa các màu trên tranh trở về mầu sắc ban đầu. Những mảng màu rơi ra, dù bé xíu, được gắp lên, cẩn thận xếp lại đúng chỗ. Công đoạn tiếp theo là bóc lớp bìa phía sau tấm lụa. Trong kỹ thuật vẽ tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, tranh vẽ xong sẽ được dán (bằng hồ bột gạo) lên lớp bìa này. Sau khi hồ khô, sẽ cắt tấm bìa có tranh theo khuôn và đưa vào khung gỗ. Lớp bìa được bóc ra rất từ từ, nhiều khi phải bóc xé nhẹ nhàng từng mẩu bìa nhỏ, tuyệt đối không làm rách xước các sợi lụa tranh phía sau. Lớp hồ cũ giữa bìa và lụa tranh được tẩy đi rất từ từ, nương nhẹ. Chị nói: “Bóc lớp bìa ra khỏi lớp lụa tranh là một việc khó khăn và rất căng thẳng, là công đoạn phức tạp nhất của phục hồi tranh. Làm xong phần việc này, tôi cảm thấy nhẹ hẳn”.
Tiếp theo, để bảo quản được tranh lâu dài, hàng trăm năm, chị Iwai Kikuko đã thay lớp bìa này bằng 2 lớp lụa. Hai lớp lụa này được đặt vào phía sau lớp lụa của tranh và phết chặt, tạo thành lớp “nền móng” mới của tranh, thay cho lớp bìa giấy trước đây. Sau cùng sẽ đến công đoạn phục hồi lại những chỗ mầu vẽ đã bị mất đi. Chị tỉ mẩn phục hồi lại những chỗ mảng màu đã bị mất đi vì bong tróc, vừa làm vừa nhìn ngắm, ra xa rồi lại vào gần. Chị nói: “Lúc này là cần đến trí nhớ cảm xúc của thời gian tôi đi Việt Nam, tới những nơi họa sĩ đã vẽ các bức tranh này”. Vẽ lại những chỗ màu sắc bị bong mất không phải là mục đích của công đoạn này. Điều quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất là làm cho người xem không có cảm giác tranh bị hư hỏng nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn hồn tranh họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.
Chị nói: “Qua việc phục hồi tranh, tôi thật cảm phục họa sĩ. Làm sao trong hoàn cảnh nhiều năm chiến tranh liên miên, xã hội và gia đình có rất nhiều biến động, họa sĩ vẫn vẽ được các bức tranh thật đẹp của những sinh hoạt đời thường, thanh bình và đầy tình người, với một kỹ thuật vẽ-rửa đặc biệt, đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và sự tinh tế Á Đông!”.
Trước đây tôi đã nhiều lần mang tranh lụa cha tôi đi các nước triển lãm. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến Nhật để xem những bức tranh lụa đã được phục hồi. Sau khi ở phòng trưng bày tranh, tôi được Giám đốc Bảo tàng mời dự buổi lễ khai mạc triển lãm. Những người yêu tranh lụa Nguyễn Phan Chánh, các sinh viên hội hoạ trẻ Nhật, lưu học sinh Việt Nam, các nhà phê bình Nhật Bản, các khách mời đang chờ đợi sự ý kiến đánh giá của tôi, con gái họa sĩ. Tôi nói trong xúc cảm tự nhiên: “Những bức họa cha tôi vẽ từ năm 1938 do thời gian và khí hậu khắc nghiệt, đã hư hỏng nhiều. Với bàn tay tài ba của chị Iwai Kikuko các bức tranh đã được sống lại. Chị đã giữ được hồn của những bức lụa Nguyễn Phan Chánh. Cả cuộc đời cha tôi chuyên vẽ về phụ nữ. Thật là thú vị khi ông biết các tranh được phục hồi thành công cũng do một phụ nữ, một người Nhật Bản”.
Rời thành phố du lịch Kanazawa có Khu vườn cây cảnh cổ thụ (bonsai) nổi tiếng Nhật Bản ngay bên cạnh Viện Bảo tàng, trời cuối thu se lạnh, nhưng trong tôi như vẫn còn hơi ấm từ lòng nhiệt tình của những người bạn Nhật đối với tranh lụa họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.
Niềm vui còn nhân lên gấp bội khi mấy tháng sau tôi nhận được bức thư điện tử của Giám đốc Bảo tàng: “Cuộc triển lãm đã kết thúc tốt đẹp. Gần 4 tháng qua đã có 36 ngàn người tới xem tranh họa sĩ Nguyễn Phan Chánh”.
Buổi sáng ngày 20/7/2012, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức kỷ niệm sinh nhật 120 năm họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (21/7/1984-21/7/2012). Trong căn phòng ở trụ sở Hội, 51 Trần Hưng Đạo, những người yêu tranh lụa Nguyễn Phan Chánh có dịp gặp chị Iwai Kikuko qua màn ảnh nhỏ với cuốn phim “Dự án phục hồi tranh lụa Nguyễn Phan Chánh” của đạo diễn Nakamura. Cuốn phim đã được đài truyền hình VTV1 chiếu mấy hôm trước đó, nhân dịp lễ kỷ niệm này.
Ngước nhìn lên hàng ghế những người dự lễ khai mạc, tôi thấy chị Iwai Kikuko nước mắt lưng tròng. Tài năng và tấm lòng chị đã mang lại thành công. Dường như nhờ bàn tay vàng của chị, hồn tranh lụa Nguyễn Phan Chánh đã về đây, trên đất Nhật, trong làn khói mờ ảo của bức “Hui thuyền”, trong dáng đi tất bật mà hồ hởi của những người vợ đón chồng đi rừng về của bức “Đón củi”.
Nhà văn Nguyệt Tú
Theo PNTĐ
Bookmarks