Lần trước, chúng ta vừa điểm qua 7 tác phẩm nghệ thuật công cộng khó hiểu ở Tokyo. Để tránh cho các bạn có cái nhìn tiêu cực và một chiều về thành phố năng động này, hôm nay chúng ta cùng xem qua một vài công trình nghệ thuật công cộng độc đáo ở thủ đô nhé!
Đồng hồ khổng lồ phong cách steampunk
Các fan hâm mộ anime của hãng Ghibli hẳn sẽ rất thích thú với chiếc đồng hồ này. Đây là chiếc đồng hồ được thiết kế bởi Hayao Miyazaki, với tên gọi chính thức là NI-TELE Really BIG Clock, được đặt trước tòa nhà Nippon TV ở Shiodome. Đồng hồ phát nhạc và chuyển động 5 lần mỗi ngày. Steampunk là kiểu thiết kế mang phong cách cổ điển cách điệu của thời kì sử dụng đầu máy hơi nước nên chuyển động của NI-TELE Really BIG Clock khá phức tạp nhưng cũng rất tinh tế. Hayao Miyazaki đã mất 4 năm trời để hoàn thành tác phẩm độc đáo này.
Senaka Awase no Maru
Đây là tác phẩm của họa sĩ tài ba người Thụy Sỹ: Felice Varini. Nếu nhìn tác phẩm từ những điểm khác nhau, tách chúng ra khỏi bố cục thì trông chẳng ra một hình thù gì, chỉ đơn thuần là những mảnh vỡ đơn lẻ vô nghĩa, nhưng ghép chúng lại với nhau sẽ mang đến một sự ngạc nhiên lớn đối với mọi người. Senaka Awase no Maru là tác phẩm được vẽ bằng sơn acrylic ở Tachikawa, Tokyo.
Hóa thạch của nền văn minh thế kỷ 20
Trạm xe lửa hay bến tàu điện ngầm thường là những nơi có nhiều tác phẩm nghệ thuật công cộng xuất sắc. Đặc biệt phải kể đến tuyến Toei. Tác phẩm “Hóa thạch của nền văn minh thế kỷ 20″ của nghệ sĩ Shoichiro Higuchi được sử dụng nguyên liệu hoàn toàn từ kim loại, bên trên khắc kí tự, số học, những bánh răng, v.v… tạo thành một bức tranh khổng lồ dọc lối đi.
Bức tranh tàu điện ngầm
Đây là một tác phẩm của Akira Yamaguchi. Vì nhận thấy lối đi ở tàu điện ngầm lúc nào cũng âm u ẩm thấp nên các nhân viên ở ga Nishi-Waseda đã nghĩ ra cách dùng ánh đèn nền của một tác phẩm nghệ thuật có thể vừa làm sáng không gian, vừa cải thiện bầu không khí.
Huyền thoại của tương lai
Bất cứ ai đến Trung tâm Văn hóa Thanh niên ở Shibuya cũng sẽ nhìn thấy bức tranh nghệ thuật khổng lồ này. Đây là một tác phẩm trừu tượng của họa sĩ Taro Okamoto. Bức tranh mang tên “Huyền thoại của tương lai”, có chiều dài 30 mét và cao 5,5 mét, là tác phẩm hội họa lớn nhất của ông.
Bức tranh khắc họa nỗi kinh hoàng của con người và sự hủy diệt khủng khiếp của hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật vào năm 1945. Chính quyền Nhật Bản quyết định treo bức tranh vĩnh viễn tại nhà ga Shibuya cho công chúng thưởng lãm. Nó được xem là tác phẩm đại diện cho nền hội họa hiện đại Nhật Bản và trên hết, đây còn là thông điệp về sự tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân đối với nhân loại.
Duality
Một tác phẩm nghệ thuật công cộng xuất sắc là khi phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh và tạo ấn tượng để người qua đường dừng chân thưởng thức. Ví dụ điển hình chính là công trình sử dụng màn hình LED rộng 6 mét vuông, có tên Duality ở Shinagawa. Điểm thu hút ở đây chính là khi bước chân lên, màn hình sẽ tạo thành những vòng tròn gợn sóng khớp với chuyển động nước của mặt ao kế bên, tạo cảm giác thư thái cho mọi người.
Võng cầu vồng
Công trình công cộng này nằm ở khu vực vui chơi cho trẻ em trong công viên Showa Kinen. Được thiết kế bởi nghệ sĩ Toshiko Horiuchi MacAdam. Công trình này bao gồm nhiều trụ đặt liền kề được kết nối bằng mạng lưỡi võng đàn hồi bảy màu sặc sỡ, là sân chơi được trẻ em thủ đô yêu thích.
Trên đây chỉ là 7 trong số rất nhiều các công trình nghệ thuật công cộng độc đáo ở Tokyo. Nếu bạn biết công trình tuyệt vời nào khác, hãy cùng chia sẻ nhé ^-^
A_Châu@JPN
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)
Bookmarks