Năm nay là kỷ niệm 50 năm Nhật Bản gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Nhật Bản sẽ là chủ tọa cuộc họp hội đồng cấp bộ trưởng của tổ chức này vào ngày 6 tháng 5 tới tại Paris. Đây là lần thứ 2 Nhật Bản giữ vai trò này kể từ năm 1978. Trong chuyên mục Tiêu điểm hôm nay, bình luận viên cấp cao của đài NHK, ông Masanobu Tomoyuki, nói về ý nghĩa cũng như thách thức trong tương lai đối với Nhật Bản với tư cách là thành viên của OECD.
Hỏi:
Thưa ông, việc tham gia OECD có ý nghĩa như thế nào đối với Nhật Bản?
Đáp:
OECD là một tổ chức quốc tế nghiên cứu và phân tích các vấn đề kinh tế và xã hội của thế giới và tạo ra các luật lệ chung giữa các nước có nền công nghiệp phát triển.
OECD cũng được gọi là "câu lạc bộ của các nước công nghiệp phát triển". Để trở thành thành viên của OECD, các nước cần phải chia sẻ những giá trị và hệ thống chung với các nước công nghiệp phát triển.
Nhật Bản tham gia OECD vào năm 1964, đúng năm Thế vận hội Tokyo diễn ra và dịch vụ tàu cao tốc shinkansen ra mắt. Có vẻ như 1964 là năm tượng trưng cho công cuộc tái thiết sau chiến tranh của Nhật Bản. Nhật Bản đã phải cho phép dòng vốn nước ngoài lưu thông tự do và gỡ bỏ một số quy định để có thể trở thành thành viên của OECD. Nhưng người ta tin là những biện pháp này đã giúp thúc đẩy kinh tế Nhật Bản tăng trưởng và giúp Nhật Bản trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hỏi:
Những thách thức đối với OECD trong tương lai là gì và Nhật Bản có thể đóng vai trò như thế nào?
Đáp:
Một thách thức đối với OECD là cách hợp tác với các nền kinh tế mới nổi. Trong khuôn khổ OECD, các nước công nghiệp phát triển hợp tác để ra các luật lệ trong những lĩnh vực như môi trường và bảo vệ người lao động, cũng như thương mại và đầu tư. Những luật lệ này thường trở thành các quy tắc mang tính quốc tế. Nhưng với sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi và việc thành lập khuôn khổ G20, OECD đang gặp khó khăn trong việc đóng vai trò như đã từng có trước đây. Tôi nghĩ điều quan trọng là OECD phải có thể đóng vai trò lãnh đạo những cuộc thảo luận để đặt ra các quy tắc quốc tế, có sự tham gia của các nước mới nổi. Hiện nay OECD có 34 quốc gia thành viên. Phần lớn là các nước châu Âu và châu Mỹ, chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc là ở châu Á. Tôi tin là Nhật Bản được kỳ vọng đóng vai trò cầu nối giữa OECD và Đông Nam Á, thông qua việc giúp các nước trong khu vực này phát triển để có thể gia nhập hàng ngũ các nước công nghiệp phát triển trong tương lai.
NHK WORLD
Bookmarks