III) MAN.YÔ-SHUU (VẠN DIỆP TẬP)
Man.yô-shuu, tập thơ quốc ngữ tối cổ của Nhật Bản, gồm 20 quyển ghi chép chừng 4500 bài thơ, trong đó 4200 là tanka, 260 chôka và 60 sedôka. Tên của nó có nghĩa là “một vạn chiếc lá”[5], có thể hiểu xa hơn, “ thu thập thơ muôn đời”. Trong bài tựa bằng chữ kana của Kokin Waka-shuu (Cổ Kim Hoà Ca Tập) về sau, nhà thơ Ki no Tsurayuki đã nhắc lại việc biên soạn Man.yôshuu như sau:
“Truyền thống của ca (uta) như thế là bắt đầu từ lâu lắm nhưng ca được phát triển rộng lớn nhất là thời kỳ các thiên hoàng ở Nara. Thời nầy có thi nhân đại tài tên là Kakinomoto no Hitomaro.Ông Maro, dòng dõi quí tộc cao cấp, làm quan chính tam phẩm, là bầy tôi hầu hạ thiên hoàng, đi đâu cũng có nhau. Trong khi tuần thú vùng Nara, thiên hoàng vịnh lá đỏ trôi trên sông Tatsuta như gấm thì Maro mượn chòm mây trắng để so sánh với hoa anh đào núi Yoshino. Sau đó, Yamabe no Akahito, người có tài thơ không kém Maro và các thi nhân ưu tú khác lần lượt xuất hiện. Thiên hoàng bèn cho thu thập tất cả thơ thời đó thành tập và gọi là Man.yô-shuu”.
Tuy năm biên soạn và tên người biên soạn còn chưa được minh định hoàn toàn nhưng theo sự phỏng đoán, có lẽ đây là một công trình ròng rã nhiều năm, dựa trên từ những tác phẩm đi trước như Kokashuu (Cổ ca tập) của Kakinimoto no Hitomaro (Thị Bản, Nhân Ma Lữ). Nhân vật đóng góp ở giai đoạn cuối cùng được biết nhiều nhất có lẽ là Ôtomo no Yakamochi (Đại Bạn, Gia Trì). Man.yô-shuu không có tính thống nhất cho lắm nên được xem như trải qua một quá trình biên soạn lâu năm và do nhiều người. Bản hiện còn có lẽ là bản ra đời vào cuối thời Nara (710-784).
Tuy không thống nhất nhưng nhìn toàn bộ, Man.yô-shuu xuất hiện dưới ba hình thức chính: sômon (tương văn) và banka (vãn ca) và zôka (tạp ca). Ngoài ra, có thể phân loại theo lối diễn tả: lối bày tỏ tâm tình trực tiếp, lối thác ngụ tâm tình trước một sự vật hay cảnh vật, lối tỉ dụ ví von bóng gió chứ không nói thẳng. Lại có thể phân loại theo bốn mùa, hay độ dài ngắn, có đối đáp hay không, hoặc theo thời điểm sáng tác…
Sômon (tương văn) có nghĩa là hỏi thăm tin tức về nhau, phần lớn là thơ giữa người trong gia đình như cha mẹ, anh em và giữa nam nữ yêu đương, viết cho nhau. Còn về banka (vãn ca), nhân vì chữ “vãn” có ý là kéo (vãn) xe tang, nên đó là thơ thương tiếc, khóc lóc người chết. Cuối cùng, Zôka (tạp ca) là những bài thơ không gồm trong hai thể loại trên, chủ yếu liên quan đến du ngoạn, lữ hành, yến tiệc, phần lớn những sự việc ở nơi công cộng.
Số tác giả có thơ được thu thập trong Man.yô-shuu rất đông đảo, trên từ thiên hoàng dưới đến người thường, đủ mọi từng lớp dân chúng của nhiều địa phương từ vùng Yamnato trung tâm cho đến miền đông xa xôi (Đông Quốc, nay thuộc vùng Tôkyô) hay đảo Kyuushuu (Cửu Châu) ở phía nam. Thời gian sáng tác kéo dài từ khoảng thế kỷ thứ 4 đến hậu bán thế kỷ thứ 8, ước chừng 450 năm.Tuy nhiên những bài thơ sáng tác trước thời thiên hoàng Jomei (Thư Minh, tức vị năm 629) thường chỉ được truyền tụng nên không có niên đại sáng tác rõ ràng. Trong đó phải kể đến những bài thơ mà người ta gán cho hoàng hậu của thiên hoàng (thứ 16) Nintoku (Nhân Đức, trị vì khoảng tiền bán thế kỷ thứ 5), của thiên hoàng (thứ 21) Yuuryaku (Hùng Lược, hậu bán thế kỷ thứ 5), Sotôri no ôkimi (Y Thông Vương) hay thái tử Shôtoku (Thánh Đức, đầu thế kỷ thứ 6). Ngoài ra, phần lớn tác phẩm của Man.yô-shuu được sáng tác trong một thời kỳ khoảng một thế kỷ rưỡi kể từ năm 629.
Cho đến thời Nara, chữ quốc ngữ kana chưa phát triển nên người ta phải dùng chữ Hán, một văn tự biểu ý, như là một văn tự biểu âm để ghi chép âm Nhật. Cách dùng như thế đã được áp dụng từ thời viết Kojiki rồi nhưng nó đạt được mức độ thành thuộc với Man.yô-shuu nên cách ghi đó được mệnh danh là man.yô-gana (Vạn Diệp giả danh) nghĩa là chữ Kana dùng trong Man.yô-shuu.[6] Phong cách thơ trong tập này đã biến chuyển theo dòng thời gian dài và được chia làm 4 thời kỳ nhưng hai thời kỳ quan trọng hơn cả là thời thứ 2 và thứ 3.
1) Thời kỳ thứ nhất (629-672):
Thời này tính từ thời thiên hoàng Jomei đến loạn năm Nhâm Thân hay Jinshin-no-ran, biến cố đã đưa thiên hoàng Tenmu lên ngôi. Đó là sơ kỳ của Vạn Diệp, lúc mà ảnh hưởng ca dao cổ đại hãy còn rơi rớt nhưng tình cảm cá nhân đã thể hiện mạnh mẽ. Thơ thời đó tuy thô sơ nhưng thanh tân, trong sáng, lưu loát, có vẻ đẹp đặc biệt mà đời sau không có. Hình thức của thơ bắt đầu được đóng khung trong khuôn khổ 5 chữ hay 7 chữ. Những bài thơ được ghi lại trong giai đoạn này thường do các tác giả xuất thân từ hoàng tộc. Nổi tiếng nhất có các thiên hoàng Yuuryaku (Hùng Lược), Jomei (Thư Minh), Tenji (Thiên Trí), Tenmu (Thiên Vũ) và thân vương (ở đây xin hiểu là công chúa) Nukata (Ngạch Điền).
Jomei là thiên hoàng đời thứ 34, trị vì khoảng năm 629-641, cha của anh em Tenji và Tenmu. Ông có bài thơ như sau khi leo lên ngọn Kaguyama:
Yamato núi bủa giăng,
Dưới trời hỏi núi nào bằng Kagu.
Leo lên đỉnh nhìn tuyệt mù,
Khói lan đồng rộng, chim vù đảo xa.
Đẹp sao là đất nước ta!
(Bài Yamato ni wa, quyển 1, thơ thiên hoàng Jomei)
Nukatano ôkimi (Ngạch Điền thân vương) là con gái của Kagamino ôkimi (Kính Vương), không rõ năm sinh năm mất. Bà trước đã là vợ của (thiên hoàng thứ 40) Tenmu (hồi còn là hoàng tử Ô.ama tức Đại Hải Nhân) và đã có con với ông này, sau bị nạp vào hậu cung của (thiên hoàng thứ 38) Tenji (lúc trẻ tên là hoàng tử Naka no Ôe no Ôji tức Trung Đại Huynh), anh của Tenmu. Việc bà lần lượt lấy hai chồng không có gì đáng làm lạ vì hôn nhân đương thời là do những cuộc dàn xếp có tính cách chính trị. Bà là nữ thi nhân waka quan trọng độc nhất lúc đó.
Sau đây xin đơn cử vài bài thơ thời kỳ thứ nhất của Man.yô-shuu và dịch thoát ra tiếng Việt:
Bến Nikita đợi trăng,
Kìa vầng nguyệt tỏ triều dâng nước ròng.
Nhanh tay chèo lái theo dòng!
(Bài Nikitazu ni, quyển 1, thơ Nukata no Ôkimi)[7]
Tương truyền bài thơ nầy vịnh cảnh nữ thiên hoàng (thứ 37) Saimei (Tề Minh, trị vì 655-661) lên đường đi đánh nước Tân La (Shiragi, thuộc Triều Tiên).
Bà Nukata còn liên quan đến hai bài thơ tình nổi tiếng:
Trên đồng hoa tím [8] tìm ai,
Chàng qua vườn cấm vẫy tay tỏ lòng.
Người canh có thấy chàng không?
(Bài Akanesasu, quyển 1, thơ Nukata no Ôkimi)
Đẹp như hoa tím lung linh,
Nếu giận ai đó gửi thân cho người.
Cớ sao ta nhớ em hoài?
(Bài Murasaki no, quyển 1, thơ Ô-ama no Miko)
Tương truyền bài “Lang thang vườn cấm” và “Đẹp như hoa tím” là hai bài thơ tình của Ô.ama no miko (hoàng tử Đại Hải Nhân, sau là thiên hoàng Tenmu) trao đổi với người vợ cũ nay lấy chồng khác, Nukata no ôkimi (công chúa Ngạch Điền ), nói về tình quyến luyến với nhau.
Chồng công chúa (tức thiên hoàng Tenji), vốn là nhà chính trị tài ba, lúc còn là hoàng tử đã diệt họ Soga và thực hiện cuộc cải cách hành chánh Taika, không phải là không biết chuyện, cũng có bài vịnh về mối tình tay ba nầy mà ông ví với mối tình của ba ngọn núi Đại Hòa Tam Sơn (Kaguyama, Mirunashiyama và Unebiyama):
Kagu, Mirunashi,
Tranh nhau cũng bởi yêu vì Unebi.
Nay người tranh vợ khác gì !
(Bài Kaguyama wa, quyển 1, thơ Naka no ôe no ôji)
Như thế thì thơ Man.yôshuu đã có tính cách cá nhân hơn thơ chung chung của Kojiki rồi.
Các cuộc tranh chấp quyền lực cung đình đưa đến nhiều thảm cảnh. Năm 658, thiên hoàng Tenji đã khép hoàng tử Arima (Arima no Miko, Hữu Gian Hoàng Tử, 640-658, con trai thiên hoàng Kôtoku) vào tội mưu phản (dười thời nữ thiên hoàng Saimei, mẹ Tenji) và đem ra hành hình. Trong hai bài thơ bi ai chép lại ở Man.yô-shuu có một bài nội dung như sau:
Bên ao Iwashiro,
Nhánh tùng ai buộc, có chờ nhau chăng ?
Ngày ta trở lại đây thăm.
(Iwashiro no, Man.yôshuu, quyển 2, bài 54)
Có thể một người bạn của hoàng tử Arima đã buộc hai nhánh tùng lại với nhau như một lời khấn nguyện vận may cho hoàng tử và đã gieo cho ông một niềm hy vọng. Nếu như hoàng tử không trở về để tháo nhánh tùng, có nghĩa là ông ra đi vĩnh viễn. Ông đã bị xử treo cổ lúc mới 18 tuổi.
Cũng là một thảm kịch liên quan đến tranh chấp quyền lực chính trị đã đẻ ra bài thơ của Ôtsu no Ôji (hoàng tử Đại Tân, 663-686), một ông hoàng văn vũ toàn tài, con của Tenmu phải chết dưới tay người vợ góa nhiều tham vọng của cha mình tức nữ thiên hoàng Jitô (Trì Thống, 645-702), nguyên là con gái thứ hai của Tenji (và dĩ nhiên không phải mẹ của hoàng tử). Giai thoại cho rằng trước khi chưa bị khép vào tội chết, Ôtsu bí mật đến gặp bà chị, Ôku no hime (công chúa Đại Bá), một người miko hay trinh nữ phụng sự ở đền thần Ise (Y Thế thần cung). Hoàng tử còn để lại bài thơ với niềm hy vọng:
Sau đây là bài thơ của hoàng tử viết trước khi giã biệt cõi đời:
Hôm nay ao Iware,
Chắc là lần cuối được nghe vịt trời.
Mai mây che khuất ta rồi.
(Momozutau, Man.yôshuu, quyển 3, bài 416)
Hoàng tử Arima bị tử hình 50 năm sau khi chùa Hôryuuji (Pháp Long Tự) hoàn thành (607) và hoàng tử Ôtsuu chết năm 686 tức 2 năm sau chùa Yakujishi (Dược Sư Tự) được xây lên (684) thế nhưng thời ấy tư tưởng vô thường Phật giáo chưa đi vào thơ văn. Trong bài tuyệt mệnh nầy chỉ thấy lòng ao ước sống còn cũng như bài Hán thi ( bài Kim ô lâm tây xá [9]) tương truyền chính ông đọc trước giờ lâm hình, chép trong tập Hán thi Kaifuusô (Hoài Phong Tảo).
Công chúa Ôku đã đoán trước cái chết đứa em ruột, có làm hai bài thơ nói lên tất cả lo âu. Sau khi hoàng tử chết và được chôn ở ngọn núi Futakamiyama, bà lại có thơ :
Mai đây cho đến cuối đời,
Futa phía núi mỗi ngày lặng trông.
Nhớ em, chị xót trong lòng.
(Bài Utsusomino, Man.yôshuu, quyển 2, thơ Ôku no Hime miko)
2) Thời kỳ thứ hai (672-710):
Tương ứng với khoảng thời gian từ cuộc biến loạn năm Nhâm Thân đến khi chính quyền thiên đô về Heijô-kyô (Bình Thành kinh) kéo dài cỡ 40 năm. Đó là thời kỳ toàn thịnh của cuộc sống cung đình đóng đô ở Fujiwara-kyô (Đằng Nguyên kinh) dưới thời trị vì của các thiên hoàng (thứ 41) Jitô (Trì Thống, trị vì 686-697) và (thứ 42) Mommu (Văn Vũ, trị vì 697-707), khi mà chế độ pháp luật bắt đầu từ cuộc cải cách hành chánh năm Taika (Đại Hóa Cải Tân, 645) được củng cố và phát triển (qua Taihô Ritsuryô tức bộ luật Đại Bảo, 701). Cuộc sống phồn vinh và an định của cung đình đã làm thi ca phát triển mạnh, waka (hòa ca, thơ quốc âm) càng thêm tinh xảo với việc ấn định những qui tắc tu từ (đã nói ở trên) như makura-kotoba (chẩm từ), jo-kotoba (tự từ), tsuiku (đối cú) và việc phân biệt thơ dài chôka (trường ca) với thơ ngắn tanka (đoản ca). Trong thời gian này những nhà thơ chuyên môn cung đình đã xuất hiện. Tiêu biểu là Kakinomoto no Hitomaro.
Kakinomoto no Hitomaro (Thị Bản Nhân Ma Lữ):
Ông sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết là một chức quan nhỏ thờ hai triều Jitô và Mommu (690-707). Thơ ông vừa hùng tráng, vừa trang trọng, có những bài vịnh tán để ngợi khen hoàng tộc, có những bài vãn ca ai điếu họ vào dịp tang ma. Ông có công trong việc hoàn chỉnh thể trường ca. Cùng với Yamabe no Akahito (Sơn Bộ Xích Nhân), ông được đời sau xưng tụng là đại thi hào ( uta no hịjiri, ca thánh). Tác phẩm còn để lại là thi tập mang tên ông Kakinomoto no Hitomaro-shuu (Thị Bản Nhân Ma Lữ ca tập).
Một mặt, ông làm những bài thơ có tính cách cá nhân như thơ thương nhớ vợ, một mặt ông để lại nhiều thơ cung đình trong Man.yô-shuu và được coi là nhà thơ số một đã đóng góp trong tập nầy.Tuy nhiên, trong số khoảng 365 bài gọi là trích từ ca tập nói trên nay đã thất truyền e rằng không phải tất cả đều là của ông mà còn là của các thi nhân đương thời mà ông chép lại. Ông thiện về chôka mà bài thơ ai điếu hoàng tử Takechi với 149 câu được xem là bài thơ dài nhất trong Man.yô-shuu.
Thơ ông trang trọng, thanh nhã, bắt nguồn từ hai dòng Hán thi và quốc âm nhưng biết phối hợp chúng một cách tài tình.Ông đã sáng tạo trên một trăm makura-kotoba tức “ câu chữ gối đầu” làm nguồn thơ cho người làm thơ về sau. Giai đoạn cuối đời của ông thế nào không ai rõ . Học giả Umehara Takeshi phân tích những bài thơ cuối cùng của ông, đưa ra thuyết là ông bị thất sủng phải đi đày ở vùng Iwami và tự kết liễu đời mình nơi đó.Từ thế kỷ 12, người ta tôn sùng ông như bậc thần linh và dùng cả thơ ông vào cả việc bùa chú.
Xin đơn cử một vài bài thơ của ông làm trong giai đoạn nầy. Trước tiên là một tiết trong bài ca ai điếu (banka) mà Kakinomoto no Hitomaro viết thay người chồng của công chúa Asuka khi bà nầy mất:
Thật đau đớn, gào vì lẻ bạn,
Chim đi tìm mỗi sáng mộ ai.
Bóng hình ủ rủ hôm mai,
Ngày hè cỏ úa , đêm dài bước sao.
Như thuyền trôi biết biển nào!
(Sarekamo ayani kanashimi, Man.yô-shuu, quyển 2, bài 196)
Ở đây ta đã thấy xuất hiện những hình thức tu từ vận dụng khả năng liên tưởng như “chim lẻ bạn”. “cỏ hè uá nắng”, “sao đêm”, thuyền trôi trên biển”…. Ông còn viết một bài thơ đoạn hậu (hanka, phản ca) cho một bài thơ dài (chôka, trường ca ) ai điếu vợ mình:
Lá vàng phủ lối sơn khê,
Làm sao ta biết mình về nơi nao!
(Akiyama no momiji wo shigemi, Man.yô-shuu, quyển 2, bài 108)
Trong bài ai điếu cá nhân nầy, có lẽ vì tâm sự thành thực hơn nên đơn giản, không có hình thức tu từ nào quá lộ ra ngoài.
Sau đây là hai bài thơ khác với chủ đề thiên nhiên và có phong vị trữ tình:
Phương đông, trời vừa ửng lên,
Lung linh nắng sớm loang trên cánh đồng.
Ngoảnh đầu, nguyệt xế từng không.
(bài Himugashino, Man.yô-shuu, quyển 1, thơ Kakinomoto no Hitomaro)
Trăng thu năm ngoái lững lờ,
Vẫn còn chiếu sáng như xưa thu nào.
Người em cùng ngắm nay đâu!
(bài Kozo miteshi, Man.yô-shuu, quyển 2, thơ Kakinomoto no Hitomaro)
Các tác giả khác của Vạn Diệp thời kỳ thứ hai:
Ngoài Kakinomoto no Hitomaro, thời này còn có Takechi no Kurohito (Cao Thị, Hắc Nhân) nổi tiếng về thơ tả cảnh làm trên đường du lịch và Naga no Okimaro (Trường Y, Cát Ma Lữ) giỏi về thơ ứng đối tại chỗ.
Một nữ thi nhân, Ôto mono Sakanoue (Đại Bạn, Phản Thượng Lang Nữ), có thể tiêu biểu cho khuynh hướng trữ tình thời đó. Bà là cô của thi nhân nổi tiếng Ôtomo no Yakamochi (Đại Bạn, Gia Trì) và là mẹ vợ ông ta. Thơ nói về tình yêu của bà có bài như sau:
Chàng nói đến có khi không đến,
Để khi chàng nói chẳng đến đâu,
Thì em tựa cửa mong sao,
Cho chàng đến, dẫu biết nào có ai.
(Komu to iu mo, Manyô-shuu, quyển 4, bài 527)
Tình cảm của thi nhân cung đình thời Heian biểu lộ qua Man.yô-shuu là những tình cảm tế nhị thanh tao mà trong đó thiên nhiên (trăng, gió, chim chóc, hoa cỏ) đóng một vai trò quan trọng, khác hẳn ca dao thời cổ và cũng sẽ khác những dòng thơ sau nầy.
3) Thời kỳ thứ ba (710-733):
Thời kỳ này ước chừng 23 năm kể từ lúc thiên đô về Heijô.kyô (Bình Thành kinh) cho đến năm Tempyô (Thiên Bình) thứ 5 nghĩa là buổi ban đầu của thời Nara (Nại Lương). Lúc đó chế độ pháp luật đã vững vàng, việc biên soạn hai quyển Ký và Kỷ đã xong xuôi. Tư tưởng Nho, Thích, Lão từ lục địa được du nhập vào đất Nhật nên thơ quốc âm waka đã nhuốm màu tư tưởng. Tính cách cá nhân trong thơ bộc lộ rõ nét hơn. Thơ trở nên tinh vi và phức tạp so với trước. Số thi nhân (kajin = ca nhân) hoàng tộc giảm đi nhưng số người làm thơ thuộc tầng lớp khác tăng thêm, phong cách thơ cũng đa dạng hơn. Nền tảng của Man.yô-shuu đã thành hình vào lúc nầy.
Những nhà thơ tiêu biểu cho thời nầy có Yamabe no Akahito[10] (Sơn Bộ Xích Nhân, năm sinh và mất không rõ), người có những bài thơ tả cảnh với lời thơ trong trẻo, Yamanoue no Okura[11] (Sơn Thượng, Ức Lương, 660-733?) vì thấm nhuần tư tưởng Trung Quốc và Phật Giáo nên hay ngâm vịnh những mâu thuẫn và thống khổ của kiếp người, Ôtomo no Tabito[12] (Đại Bạn Lữ Nhân, 665-731) có phong cách u sầu, thoát tục và Takahashi no Mushimaro[13] (Cao Kiều Trùng Ma Lữ, năm sinh và mất không rõ) với những bài trường ca trữ tình điêu luyện.
Bến Waka nước triều đầy,
Bãi cạn chìm hết xui bầy hạc bay,
Vừa kêu, đáp xuống lau dày.
(Bài Waka no ura ni, quyển 6, thơ Yamabe-no-Akahito)
Vườn ta muôn cánh hoa mơ,
Bay theo làn gió, mà ngờ tuyết rơi!
(Bài Waga sono ni, quyển 5, thơ Ôtomo-no-Tabito)
Việc đời nhớ tiếc chi xa,
Nâng chén rượu đục phải là hời không?
(Bài Shirushi naki, quyển 5, thơ Ôtomo-no-Tabito)
4) Thời kỳ thứ tư (734-759):
Trùng với khoảng 25 năm từ năm Tempyô (Thiên Bình) thứ 6 đến năm Tempyô Hôji (Thiên Bình Bảo Tự) thứ 3. Đó là thời kỳ giữa của triều Nara, có nhiều dao động về mặt chính trị như sự thất thế của dòng họ Fujiwara (Đằng Nguyên) từ cái chết của người cầm đầu cánh này, Fujiwara no Fuhito (Đằng Nguyên, Bất Tỉ Đẳng), vào năm 720 và những cuộc biến loạn xảy ra sau đó. Vì phản ảnh thời thế nên thơ waka lúc ấy mất hẳn sức sống và tri tính mà thiên về cảm thương, ưu nhã. Cảm hứng và biểu hiện đã thành những khung cố định, chuyển tiếp qua phong cách thi ca của triều Heian (Bình An) đến sau.Loại thơ dài chôka suy thoái, chỉ còn thơ ngắn tanka liên hệ nhiều với cuộc sống xã giao thù tạc hằng ngày là hãy còn thịnh. Thi nhân tiêu biểu cho thời này là Ôtomo no Yakamochi với những vần thơ u sầu và lối biểu hiện tinh tế.
Ôtomo no Yakamochi:
Ôtomo no Yakamochi (Đại Bạn, Gia Trì, 718-785), con của Tabito, làm quan đến chức Chuunagon (Trung Nạp Ngôn) tức quan tham nghị bậc trung. Trong Man.yô-shuu, ông để lại trên 400 bài thơ và được xem như là người biên soạn tập thơ nầy.
Thơ Yakamochi có những vần thanh nhã và gần gũi với thiên nhiên. Thường là những bài waka thật ngắn:
Cạnh phòng ta, bụi trúc con,
Xạc xào tiếng gió khi hoàng hôn rơi.
(Wa ga yado no, Man.yô-shuu, quyển 19, bài 4291)
Ngày xuân ngập nắng lung linh,
Sáo tung trời biếc cho mình lẻ loi.
(Uraura ni, Man.yô-shuu, quyển 19, bài 4292)
Vượt sông Haitsuki,
Mỏi chân thúc ngựa cũng vì nước dâng.
Núi Tate băng đã tan ?
(Bài Tateyama no, Man.yô-shuu, quyển 17)
Vườn xuân đẹp cánh đào hồng,
Trên đường, cô gái vào trong ánh đào.
(Bài Haru no sono, Man.yô-shuu, quyển 19)
Đông ca (Azuma.uta):
Trong Man.yô-shuu, quyển thứ 14 còn ghi chép khoảng 240 bài Azuma-uta (Đông Ca) tức là ca dao miền Đông. Vùng Azuma (Đông Quốc) thủa ấy được định vị trí từ Shizuoka (Tĩnh Cương) gần núi Phú Sĩ cho đến vùng Mutsu[14] (Lục Áo) thuộc Tôhoku (Đông Bắc) hiện tại, hãy còn hoang vu, ít vết chân người. Những bài thơ này thường là của tầng lớp thứ dân nên nội dung thô sơ và có nhiều dấu vết của ngôn ngữ địa phương, biểu lộ tình cảm mộc mạc của họ trong cuộc sống hàng ngày.Trong số đó đã có 196 bài xem như là thơ luyến ái.Thơ Azuma-uta không hay nói đến cái chết như các bài banka trong thơ cung đình. Tên các thần thánh thấy trong Kojiki và Nihon shoki cũng không có mặt trong thơ miền Đông. Đó là một đặc điểm khác của phần cuối tập Man.yô-shuu vậy.
Ngoài ra trong quyển 14 này và nhất là quyển 20 có thâu thập lại gần 90 bài thơ của lính thú (sakimori = phòng nhân) sinh quán ở vùng Đông bị trưng binh xuống miền Nam (Kyuushuu) để phòng thủ các vùng Tsukushi (Trúc Tử), Iki (Nhất Kỳ) và đảo Tsushima (Đối Mã). Những người lính thú, theo luật, ba năm được đổi phiên một lần. Loại thơ nầy có tên là sakimori-uta (phòng nhân ca). Thơ của lính thú phần nhiều biểu lộ tâm tình thương nhớ quê hương và gia đình:
Lũ con nắm chặt áo cha,
Ta bỏ chúng lại để ra cõi ngoài.
Mẹ không còn nữa, con ơi!
(bài Karakoromu, Man.yô-shuu, quyển 20, thơ Osada no Toneri Ôshimaga).
Ba bài thơ sau đây là của các anh yoboro (tạp binh, không chức tước, không tên tuổi) làm ra lúc bị gửi đi trấn thủ lưu đồn 3 năm trên đảo Tsukushi. Họ viết được những vần thơ trữ tình đẹp tuyệt vời mà giới quí tộc Heian không thể nào viết nỗi. Khi anh lính thú nhớ về người vợ trẻ:
Như huệ núi Tsukuba,
Đêm xưa em đẹp ngọc ngà giường anh.
Ngày nay còn ghé mộng lành.
(bài Tsukubane no, Man.yô-shuu, quyển 20, bài 4369)
Họ làm những bài thơ than thở số phận hẩm hiu đời lính:
Lính thú tứ xứ xuống thuyền,
Nhìn cảnh ly biệt dạ phiền, bó tay!
(bài Kuniguni no, Man.yô-shuu, quyển 20, bài 4381)
Quan kia sao ác làm chi!
Tôi đang nằm bệnh bắt đi biên phòng.
(bài Futahogami, Man.yô-shuu, quyển 20, bài 4382)
Vợ lính cũng gửi tâm sự vào thơ (hay có người đã nói thay cho họ):
Chồng ai đấy, lính ra biên?
Nghe một chị hỏi mà thèm làm sao!
Số may, chẳng biết lo âu.
(bài Sakimori ni, Man.yô-shuu, quyển 20, bài 4382)
Ngoài thơ lính thú, còn phải kể thơ các học tăng (Abe no Nakamaro hay Yamanoue no Okura) sang nhà Đường và thơ của nhân viên sứ bộ sang Tân La tức Shiragi (145 bài) đã làm cho Man.yô-shuu đa dạng và phong phú.
IV) ẢNH HƯỞNG CỦA MAN.YÔ-SHUU ĐẾN ĐỜI SAU:
Phong cách của Man.yô-shuu có tính cách đặc biệt nên người đời sau như (Tướng Quân mạc phủ Kamakura đời thứ ba và là một văn nhân trác việt) Minamoto no Sanetomo (Nguyên, Thực Triều) đã chứng tỏ chịu ảnh hưởng của một cung cách gọi là “thể điệu Man.yô” (Manyô-chô) trong tác phẩm Kinkai Waka-shuu (Kim hòe hòa ca tập) của ông[15].
Người thời Edo như Keichuu (Khế Trùng, 1640-1701) trong Man.yô Taishôki (Vạn diệp đại tượng ký) và Kamo no Mabuchi (Hạ Mậu Chân Uyên, 1697-1769) trong Man.yô-kô (Vạn diệp khảo) cũng bỏ nhiều công nghiên cứu về nó với mục đích tìm hiểu bản chất của con người Nhật Bản có trước khi văn hóa Trung Quốc đến xâm nhập. Gần đây nữa, những nhà thơ như Masaoka Shiki (Chính Cương Tử Quy,1867-1902) và Saitô Môkichi (Trai Đằng, Mậu Cát,1882-1953) đều chịu ảnh hưởng của Man.yô-shuu. Các nhà thơ cận kim lại tìm về phong cách Man.yô-shuu để làm mới tanka.
____________________________
CHÚ GIẢI
[1] Tên các tập sử thư và địa dư chí tối cổ của người Nhật.
[2] Có những makura-kotoba bí hiểm nhưng có khi dễ hiểu ví dụ nubatama (quả dâu đen, blackberry) là chữ dùng khi ví với buổi tối, màn đêm, chiêm bao hay giấc ngủ...
[3] Năm 753, có người tên Bunya-no-mahito Chinu (Văn Ốc chân nhân Trí Nỗ) muốn làm việc khuyến thiện vì người mẹ đã mất, cho khắc chân Phật và nhiều bài ca tán tụng công đức của Phật theo thể 5-7, 5-7,5-7 vào bia đá. Hiện còn được bảo tồn ở khuôn viên chùa Dược Sư ( Yakushiji, Nara).
[4] Ma Lữ (đọc là Maro) cũng dùng như Hoàn (Maru). Thời xưa, nó là một tiếp vĩ ngữ đặt sau tên người đàn ông. Không có ý nghĩa đặc biệt.
[5] Diệp có nghĩa là « lá », vừa có nghĩa là “đời” nhưng trong bài tựa bằng chữ Kana của Kokin Wakashuu, Ki no Tsuranuki có câu “Waka là hạt giống gieo trong lòng người để nẫy ra vô sớ lời như vô số lá”. Chữ kotoba (lời nói) trong Nhật ngữ được viết bằng hai chữ Hán “ngôn diệp”.
[6] Lối ghi âm khá phức tạp, nhiều khi không còn liên quan gì đến chữ Hán nữa. Chỉ có thể có nghĩa khi “lực sĩ” đọc theo âm Hán là rikishi (người có sức mạnh) hay “xuân” đọc theo âm Nhật là “haru” (mùa xuân) nhưng hoàn toàn vô nghĩa như khi viết “a mễ đô trí” để diễn ý “ametsuchi” (trời đất, thiên địa) hay “hứa kỷ lữ” để diễn ý kokoro (lòng, tâm). Do đó việc sử dụng kiến thức Hán Việt để thưởng thức văn chương Nhật Bản hay bút đàm với họ chỉ có giới hạn nếu không nói lắm khi nguy hại.
[7] Kobayashi Yasuharu, Arasuji de yomu Nihon no Koten (Tóm tắt tác phẩm cổ điển Nhật Bản), trang 20.
[8] Tạm dịch tên hoa murasaki, một loại hoa , cánh trắng, rễ tím, dùng để nhuộm hoặc làm thuốc giải độc, chữa bệnh ngoài da. Vườn thuốc vì có giá trị dược thảo nên được canh phòng. Lúc nầy Tenji đang bận đi săn (tức là hái thuốc, kusurigari)
[9] Kim ô lâm tây xá, Cổ thanh thôi đoản mệnh, Tuyền lộ vô tân chủ, Thử tịch ly gia hướng .Tạm dịch : Trống giục thu đời ngắn. Bóng ác đã về đoài. Suối vàng không quán trọ, Đêm biết ngủ nhà ai ? (Bài này mô phỏng theo một bài thơ Trung Quốc).
[10] Yamabe no Akahito, không rõ năm sinh năm mất, cũng là một chức quan nhỏ dưới triều Nara và về sau được đời so sánh cùng với Kakimoto no Hitomaro như là hai đại thi hào (ca thánh) của waka.
[11] Yamanoue no Okura (660-733?) từng theo sứ bộ đi TrungQuốc nhà Đường (Khiển Đường Sứ), nhà thơ khuynh hướng tư tưởng. Giỏi về thơ chữ Hán, bạn của Ôtomo no Tabito.
[12]Ôtomo no Tabito (665-731), cha Ôtomono Yakamochi. Từng cai quản súy phủ Dazai (Dazai no sochi) ở Kyuushuu, tương đương tổng trấn. Làm quan đến bậc Dainagon, một chức quan cố vấn bậc cao tham dự vào triều chính.
[13] Takahashi no Mushimaro, không rõ năm sinh năm mất. Người vùng Hitachi (Thường Lục) phía bắc Tokyo bây giờ. Có thuyết cho rằng đã góp phần biên soạn địa dư chí vùng nầy (Hitachikuni Fudoki)
[14] phía trên Sendai, chung quanh Morioka bây gìờ
[15] Kim có nghĩa là Kamakura (Liêm Thương) vì chữ Liêm có bộ Kim. Hòe chỉ bậc đại thần. Đây ý nói tập thơ của người đại thần ở Kamakura (Sanemoto khiêm xưng).
Bookmarks