Tại Nhật Bản, mọi người thường tập trung mua thiệp chúc Tết của nhà nước thông qua tổng công ty bưu điện. Số thiệp Tết này thường là 4-5 tỉ tấm phát hành vào dịp cuối năm, trở thành một cuộc vận động mang nhiều nét văn hóa-từ thiện độc đáo.
Gửi thiệp chúc mừng vào dịp Giáng sinh, sinh nhật, ngày cưới, ngày Tết, tân gia, ngày nhà giáo, báo tin vui... là một nét văn hóa trong giao lưu, quan hệ thâm giao thể hiện sự trân trọng và tình cảm quý mến rất phổ biến không những ở nước ta mà có thể nói người dân hầu hết các nước trên thế giới đều ưa chuộng, có nơi xem đó không phải là hình thức, lễ nghĩa chiếu lệ mà là một thủ tục truyền thống không thể thiếu, nhất là vào hai dịp lễ lớn cuối năm: Giáng sinh và ngày đầu năm (Tết dương lịch hay âm lịch).
Người mua: Làm từ thiện. Người nhận: Có cơ may trúng thưởng
Người ta chọn những câu chữ có ý nghĩa để chúc tụng nhau, chọn những lời hay ý đẹp tìm được trong kho tàng văn hóa Đông Tây kim cổ để gửi đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp, thầy giáo... để bày tỏ mối thân tình, sự kính trọng hay biết ơn; có người còn sáng tác, viết một đoạn văn ngắn kể chuyện, thậm chí kèm theo hình ảnh con, cháu mới ra đời trong năm vừa qua để chia sẻ. Hình thức và nội dung thể hiện vô cùng phong phú như chúng ta có thể thấy ở các quầy sách, báo hay dãy cửa hàng bán thiệp chúc mừng trên đường Hàn Thuyên (xéo góc nhà thờ Đức Bà ở TPHCM) hay sân nhà thờ vào dịp Chúa Giáng sinh...
Nhưng điều đáng ngạc nhiên mà có lẽ nhiều người còn chưa biết là tại Nhật Bản, mọi người thường tập trung mua thiệp chúc Tết của nhà nước thông qua tổng công ty bưu điện. Hoạt động này bắt đầu từ năm 1906 cho đến tận ngày nay, ngoài bức tranh vẽ con giáp của năm tới kèm lời chúc như đã nói, còn ghi trên thiệp số trúng thưởng may mắn đầu xuân (thông thường là các hàng điện máy cao cấp, bộ vi tính... và thấp nhất là con tem xem như quà lì xì). Với tấm thiệp này, bạn còn tham gia vào quỹ từ thiện giúp đỡ người tàn tật, các trẻ em nghèo ở các nước chậm phát triển ở châu Phi, châu Mỹ La tinh, châu Á... Số thiệp Tết này thường là 4-5 tỉ tấm phát hành vào dịp cuối năm, trở thành một cuộc vận động mang nhiều nét văn hóa-từ thiện độc đáo, trung bình người Nhật gửi đi 100 -120 thiệp/người, cho thấy họ trọng thị như thế nào trong việc giữ quan hệ với bạn bè, người thân... Điều quan trọng hơn cả, lý do thúc đẩy mọi người hưởng ứng là những tấm thiệp này nếu bạn gửi từ trung tuần tháng 12 đến 3 ngày trước ngày cuối năm (thông thường là 27-12) thì chắc chắn thiệp chúc Tết của bạn sẽ được giao tận nhà đúng vào sáng mùng một (nguyên đán). Một niềm vui đến với mọi người khi đúng sáng ngày đầu năm nhận được thiệp chúc từ các nơi gửi về, và những người Nhật lớn tuổi thường cầm lấy bút viết thiệp cám ơn để làm lễ khai bút (kakizome) trước khi tiếp khách, người thân đến thăm vào buổi chiều hay hôm sau.
Nên tham khảo
Người viết bài này trong thời sinh viên nghèo khó cũng đã tranh thủ làm thêm cho bưu cục trong quận vào sáng mùng một, đạp xe đi phát thiệp chúc Tết với thù lao khá hậu hĩ (khoảng 15 USD/giờ). Dù trời rét căm căm, từ tờ mờ sáng, khoảng 4 giờ 30 phút đã tề tựu chia nhau những túi dày cộp để đến từng hộ, cố gắng kết thúc trước 7 giờ 30 phút để khi ngủ dậy mọi người kịp đón nhận.
Đem đến hạnh phúc cho người nhận thiệp Tết vào sáng mùng một cũng là một niềm vui tuy rằng tay chân bị nứt nẻ vì trời quá rét, dưới 0oC và hanh khô ngoài khoản tiền nho nhỏ đủ chi tiêu ba ngày Tết xa nhà! Đây là một cách làm hay, đề nghị tổng cục bưu điện ở nước ta nên tham khảo trong việc góp phần xây dựng một nét văn hóa mới trong thời kỳ kinh tế phát triển, mối quan hệ giữa người và người trong xã hội có nguy cơ bị “sa mạc hóa”!
Hồng Lê Thọ
NLĐ
Bookmarks