Có nhiều, nhiều cảnh lắm mà mình xem lần thứ hai mới để ý.
Một số câu nói / hành động mà anh con lặp lại y như của cha mẹ
- Cái cách anh ta đổ lỗi cho vợ lúc đi xe về thăm cha mẹ - anh bảo là phải về sớm vì vợ cần đi họp phụ huynh. Rồi sau đó bà mẹ cũng đổ lỗi cho ông bố là không muốn cho con gái về ở chung.
- câu "người chết, mùa xuân quay về sẽ hóa thành bướm vàng"
- cuối phim, anh đi xe hơi dù ở đầu phim thì anh còn không có bằng lái
- anh cũng tưới nước trên mộ cho cha mẹ như người mẹ làm với người anh lớn.
Một bà mẹ, thương con thì rất thương, nhưng vẫn không quên được người con cả, vẫn lẫn lộn rằng người con đã mất "nhanh trí" chuyện ngô khoai, trong khi đó chính là Ryota, vẫn thiên vị con trai, không muốn con gái dọn về ở vì sợ con trai còn muốn về. Một người có thể bỏ qua cho chồng chuyện lăng nhăng ngay lúc đó, nhưng mấy chục năm sau vẫn nhớ, nhớ cái bài hát mà chồng hát với tình nhân, trong khi ông chồng thì đã quên từ tám đời. Một người tuy bảo không nên có con vì sau đó "dễ ly dị", hay nói cạnh khóe cô con dâu là thời của bà phụ nữ không uống cạn ly bia, nhưng vẫn cho cô con dâu bộ kimono thật đẹp.
Một ông bố, tuy ngoài mặt lạnh lùng nhưng cuối cùng lại vẫn rất thương cậu bé Atsushi dù cậu bé chẳng có ruột thịt gì với ông. Ông bố tuy ham danh tiếng bác sĩ thật nhưng cũng tận tình với nghề nghiệp, lo lắng cho bệnh nhân tuy mình chẳng thể làm gì được.
Và một anh con trai, tuy luôn cho rằng cha mẹ mình lẩm cẩm, rằng mình sẽ chẳng bao giờ lớn lên theo cái cách mà cha mẹ mình muốn, nhưng thực ra lúc nhỏ anh cũng đã từng mơ ước được làm bác sĩ như bố, đã vẽ hình bố - anh hai - và Ryota - cả ba đều làm bác sĩ. Nhưng rồi sau này anh cũng lặp lại mọi thứ mà anh cho là lẩm cẩm ở bố mẹ mình.
Cậu bé Atsushi, muốn làm người chỉnh dây đàn không phải vì thích cô giáo dạy đàn như đã nói với ông, mà vì bố cậu từng là người chỉnh dây đàn. Cảnh Ryota mở bức vẽ ba bố con của anh ra, và sau đó là cảnh Atsushi tâm sự với con bướm vàng khiến mình rất xúc động.
Một con bướm vàng thôi, nhưng nó có ý nghĩa đối với tất cả các thế hệ. Với bà mẹ, là anh con trai đã mất. Với Ryota, là cha mẹ anh. Với Atsushi, là người bố đã chết của em. Và cuộc sống, cứ tuần hoàn như vậy.
Một gia đình hoàn toàn không hoàn hảo, có thể rạn nứt, nhưng cuối cùng nó cũng vẫn là một gia đình tồn tại qua bao thế hệ như nhiều gia đình Nhật Bản khác. Trong xã hội rối ren ngày nay, thật vui vì có những bộ phim tuy công nhận những sự rạn nứt của cuộc sống hiện đại ảnh hưởng lên gia đình, nhưng vẫn cho thấy tình cảm thân thiết không cần nói ra mà ẩn chứa trong từng hành động, lời nói của mỗi người trong gia đình.
Và, gia đình là như vậy đó. Cũng có chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện tranh chấp nhà cửa của người chị, những chuyện hục hặc giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái. Nhưng rồi nó vẫn là một gia đình theo đúng nghĩa
Bookmarks