Những tiểu thuyết dịch từ văn học Nhật Bản được xuất bản ở Hàn Quốc.
Mới đây, Kyobo Bookstore, hiệu sách lớn nhất Hàn Quốc, đã công bố số liệu về những tựa đề sách bán chạy trong 4 năm qua ở Hàn Quốc. Năm 2006, có tới 31 tiểu thuyết Nhật Bản được chọn vào top 100 tiểu thuyết ở Hàn Quốc, vượt qua cả con số 23 tiểu thuyết mà nước chủ nhà ngậm ngùi giành được.
Tiểu thuyết Nhật Bản thắng lớn
Kyobo cho rằng sự ảnh hưởng của tiểu thuyết Nhật Bản đang lớn mạnh không ngừng và điều này đe dọa nghiêm trọng đến vị thế của tiểu thuyết Hàn Quốc. Mặc dù ngành công nghiệp xuất bản Hàn Quốc đang gắng vươn lên và chống chọi với làn sóng Nhật Bản vốn đang được tiếp sức bởi số lượng ngày càng tăng của các tiểu thuyết dịch từ tiếng Nhật.
Nhạc pop, phim ảnh Hàn Quốc vẫn tiếp tục thành công ở trong nước và nước ngoài. Nhưng theo đánh giá của tờ Korea Herald, các tiểu thuyết gia xứ kim chi đang gặp phải thời kỳ khó khăn, khó mà xuất khẩu được các tác phẩm của mình sang Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác.
Trong khi đó, các nhà xuất bản Hàn Quốc đang tranh giành nhau để có được các hợp đồng in những tiểu thuyết “nổi đình đám” của Nhật Bản nhằm đáp lại lượng độc giả trong nước thích đọc tiểu thuyết Nhật Bản vốn ngày càng tăng trong những năm gần đây.
Trong năm 2006, trước cuộc chiến “leo thang” với tiểu thuyết từ xứ Phù Tang, chủ nhà Hàn Quốc chỉ có 6 cuốn tiểu thuyết lọt vào danh sách 20 tiểu thuyết hàng đầu. Còn “kẻ ngoại lai” Nhật Bản thì chiếm tới 5 tiểu thuyết trong top 20 này.
Xu hướng áp đảo của tiểu thuyết Nhật Bản ở xứ kim chi bắt đầu vài năm trước đây và sự mở rộng của tiểu thuyết Nhật Bản ở Hàn Quốc đang tăng tốc khi mà các nhà xuất bản ở Hàn Quốc liên tục cho ra lò những cuốn tiểu thuyết dịch từ tiếng Nhật. Đặc biệt, tác giả những tiểu thuyết này không chỉ là những nhà văn lớn như Haruki Murakami mà có cả những tác giả ít nổi tiếng hơn.
Một sự thay đổi đặc biệt là sự mở rộng loại hình của tiểu thuyết Nhật Bản đã lôi cuốn thị hiếu văn chương của độc giả Hàn Quốc. Trước đây, chỉ có vài nhà văn như Murakami, Banana Yoshimoto và Kaori Ekuni là thu hút được độc giả trung thành ở Hàn Quốc. Nhưng bây giờ thì Hideo Okuda, Riku Onda, Shuichi Yoshida và một nhóm các tác giả trẻ tuổi Nhật Bản đang giành được sự chú ý của các nhà xuất bản và độc giả Hàn Quốc.
Tại sao Hàn Quốc lại chịu “gọng kìm” của tiểu thuyết Nhật Bản?
Theo các nhà phê bình, ngày càng có nhiều người Hàn Quốc độ tuổi 20 - 30 trở nên quen thuộc với các loại game, truyện tranh và nhạc Nhật Bản. Bởi vì giới trẻ Hàn Quốc ngày nay không tỏ ra ham thích các sản phẩm văn hóa của quốc gia, họ có xu hướng thu nhận bất cứ tiểu thuyết nào mang lại sự giải trí thực sự - dù đó là tiểu thuyết Nhật Bản hay Trung Quốc.
Một lý do khác có thể là sự độc đáo, sáng tạo, sự tưởng tượng được các tiểu thuyết gia Nhật Bản thể hiện trong các tác phẩm của mình rất sắc sảo. Đây cũng chính là một phẩm chất đang thu hút các fan văn học trên khắp thế giới.
Đồng thời, sự thiếu hụt các tiểu thuyết “hit” Hàn Quốc cũng tạo nên sự gia tăng tiểu thuyết Nhật Bản trên thị trường xuất bản xứ kim chi. Người ta cho rằng những nhà văn chủ đạo của Hàn Quốc đang bị tụt hậu so với thế hệ độc giả hậu hiện đại có sở thích đa dạng và sự tiếp cận cởi mở hơn với văn học thế giới.
Độc giả ngày nay ở Hàn Quốc đã không còn mặn mà với những tác phẩm mang chủ đề truyền thống như chiến tranh Hàn Quốc, việc thống nhất với Bắc Triều Tiên... Thế nhưng, những nhà văn Hàn Quốc vẫn tiếp tục cho ra đời những tiểu thuyết về những đề tài “lỗi mốt” này, hoặc có xu hướng quay trở lại đề tài lịch sử gia đình riêng không lấy gì làm mới mẻ - một đề tài đã mất sức cuốn hút với độc giả trong nước.
THƯƠNG VŨ (Tổng hợp)
Bookmarks