Bushido - The soul of Japan
VÕ SĨ ĐẠO LINH HỒN CỦA NHẬT BẢN
Lê Ngọc Thảo dịch
Mục Lục
CHƯƠNG I : VÕ SĨ ĐẠO, MỘT HỆ THỐNG ĐẠO ĐỨC
CHƯƠNG II : NGUỒN GỐC CỦA VÕ SĨ ĐẠO
CHƯƠNG III : NGHĨA hay CHÍNH NGHĨA
CHƯƠNG IV : DŨNG KHÍ, TINH THẦN GAN DẠ VÀ NHẪN NẠI
CHƯƠNG V : NHÂN, TẤM LÒNG TRẮC ẨN
CHƯƠNG VI : LỄ NGHĨA
CHƯƠNG VII : CHÂN THẬT và THÀNH THẬT
CHƯƠNG VIII : DANH DỰ
CHƯƠNG IX : TRUNG NGHĨA
CHƯƠNG X : HUẤN LUYỆN và GIÁO DỤC VÕ SĨ
CHƯƠNG XI : KHẮC KỈ (Tự kiềm chế)
CHƯƠNG XII : CHẾ ĐỘ TỰ SÁT và CHẾ ĐỘ PHỤC THÙ
CHƯƠNG XIII : THANH KIẾM - LINH HỒN CỦA VÕ SĨ
CHƯƠNG XIV : GIÁO DỤC và ĐỊA VỊ CỦA PHỤ NỮ
CHƯƠNG XV : SỰ CẢM HÓA CỦA VÕ SĨ ĐẠO
CHƯƠNG XVI : TINH THẦN VÕ SĨ ĐẠO VẪN CÒN SỐNG MÃI?
CHƯƠNG XVII : TƯƠNG LAI CỦA VÕ SĨ ĐẠO
Credit all: erct.com
--------------------------------------------------------------------------
Lời tựa:
Trần Văn Thọ,
Giáo sư kinh tế học, Đại học Waseda, Tokyo
Sống ở Nhật một thời gian tương đối dài ai cũng nhận thấy tính cách độc đáo của người Nhật về lối giao tiếp, về nghi lễ, về cách xử thế, v.v.. Nhiều người nước ngoài có thể thấy phiền toái hoặc thấy khó hiểu về lễ nghi, về cách thể hiện trách nhiệm cá nhân, về quan niệm đạo đức của người Nhật. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ ta sẽ thấy bề sâu của của tính cách độc đáo ấy là sự tuyệt hảo của các quy phạm đạo đức Đông phương như nhân, nghĩa, lễ, dũng, tín. Trong giới trẻ ngày nay, lối sống và quan niệm giá trị dần dần đa dạng hóa và đi gần với các chuẩn mực quốc tế, nhưng những bậc cha mẹ hoặc nhà giáo dục Nhật Bản vẫn mong các thế hệ đi sau giữ lại, dù chỉ một phần, những đức tính truyền thống cao đẹp đã trở thành con đường (đạo) được xây dựng từ giới vũ sĩ thời phong kiến.
Đọc lịch sử Nhật, nhất là thời cận đại, tôi luôn bắt gặp những điển hình của con đường xây đắp bằng nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng đó, những điển hình đã gây cho tôi thán phục, cảm động, cảm kích,... Một Oda Nobunaga (1534-1582) thời chiến quốc Nhật đã biểu lộ một tinh thần thượng võ đáng phục. Trong trận chiến Okehazama (1560), Nobunaga đã tiêu diệt đội quân đông đảo, hùng mạnh của Imagawa Yoshimoto (1519-1560), lãnh chúa tài giỏi và mạnh nhất thời đó. Quân đội của Nobunaga đã đột nhập vào bản doanh và giết được Imagawa. Từ sự khâm phục một người tài giỏi, Nobunaga chẳng những đã nghiêng mình trước thủ cấp của Imagawa mà quân đội mình vừa đem nộp, lại còn giao binh sĩ tẩn liệm cẩn thận và đưa về quê quán chôn cất.
Cảm động biết bao trước lòng nhân của Sugiura Chiune (1900-1986). Trong thế chiến thứ hai, hơn 6.000 người Do Thái đã thóat ra được từ cõi chết trước sự tàn bạo của Đức Quốc xã là nhờ Sugiura (làm việc ở Tổng lãnh sự quán của Nhật ở Litorania, lúc đó thuộc Liên xô) cấp chiếu khán đi Nhật, một việc làm vừa trái lại nguyên tắc của Bộ Ngoại giao Nhật, vừa chuốc lấy nguy hiểm cho bản thân và gia đình Sugiura vì lúc đó cảnh sát chìm của Đức Quốc xã đã len lỏi vào mọi cơ quan ngoại giao ở những nước, những nơi mà họ đang chiếm đóng. Nhưng trước một nhóm người rất đông đang trông cậy vào mình để được cứu sống, lòng nhân của Sugiura đã trỗi dậy bất chấp luật pháp và sự nguy hiểm có thể đến với bản thân. Nghĩ cho cùng, đạo đức phải đứng trên cả luật pháp, và Sugiura đã thể hiện điều đó với cả sự cao đẹp đáng nguỡng mộ.
Trong quá trình xây dựng đất nước với khẩu hiệu phải theo kịp và vượt các nước Âu Mỹ, nhiều quy phạm đạo đức truyền thống của người Nhật, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, được thăng hoa thành lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Các điển hình nầy rất nhiều, không thể kể hết trong khuôn khổ của bài viết ngắn nầy. Ngay cả trong họat động doanh nghiệp, là lãnh vực tưởng như mục tiêu chính là lợi nhuận, ta cũng thấy tinh thần dân tộc rõ nét ở những người sáng lập các công ty nổi tiếng ngày nay. Chẳng hạn, Ibuka Masaru (1908-1997), người sáng lập công ty mà sau nầy có tên là Sony, đã nói một câu thật cảm động trong bài diễn văn thành lập công ty năm 1946: “Phải cố gắng đem công nghệ, kỹ thuật góp phần vào việc phục hưng tổ quốc chúng ta”. Giữa cảnh hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, tinh thần trách nhiệm đó đã động viên mọi người hăng hái trong công cuộc khôi phục đất nước.
Shirasu Jiro (1902-1985) được người đời truyền tụng về năng lực và khí khái của một nhà ngoại giao xuất sắc. Một sự kiện nổi bật được ghi lại như điểm son của một quan chức yêu nước và đầy tự trọng: Trong thời gian Mỹ chiếm đóng Nhật (1945-1951), có lần Shirasu được lệnh mang quà của Thiên hoàng đến biếu Thống soái Douglas MacArthur, người trách nhiệm tối cao của đội quân chiếm đóng. Thấy thái độ trịch thượng của MacArthur, coi thường quà của Thiên hòang, Shirasu nổi nóng phản ứng: “Chúng tôi chỉ là nước bại trận chứ không phải là nô lệ của các ông”. Thấy thái độ khảng khái, đầy tự trọng, không sợ quyền lực, không sợ khả năng mất chức tước, mất quyền lợi của Shirasu, Mc-Arthur chột dạ phải xin lỗi và từ đó có thái độ khác đối với Nhật.
Những câu chuyện như trên kể mãi không hết. Ta có thể đặt câu hỏi là tại sao ở mọi tình huống của lịch sử Nhật đều có những con người biểu hiện một cách sâu sắc, mạnh mẽ những quy phạm đạo đức rất cao đẹp và những đạo đức đó do đâu mà có? Tôi nghĩ ta có thể tìm câu trả lời qua cuốn sách Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản .
Nitobe Inazo, tác giả của cuốn sách, cũng là người thấm nhuần và thể hiện bằng hành động rất xuất sắc những tinh túy của võ sĩ đạo ấy. Cuốn sách viết năm 1899, xuất bản năm 1900, tức là năm Minh Trị thứ 33. Sau hơn 30 năm cận đại hóa, Nhật đã theo kịp Tây phương về một số phương diện. Trong quá trình đó, tuy du nhập nhiều tri thức khoa học, luật lệ, phương pháp tổ chức chính quyền và công nghệ từ phương Tây nhưng Nhật luôn thể hiện tính tự chủ, nhất là tính độc lập vè văn hóa. Động cơ trực tiếp của Nitobe khi viết sách nầy là từ câu hỏi của một người Bỉ về giáo dục tôn giáo của Nhật, và mục đích của cuốn sách là cho người Tây phương hiểu rằng tuy Nhật không có giáo dục tôn giáo ở học đường, nhưng vũ sĩ đạo của thời phong kiến đã hình thành cốt cán luân lý của người võ sĩ. Tuy nhiên qua ngòi bút của ông, ta cũng thấy được tinh thần dân tộc của một trí thức yêu nước, muốn chứng minh cho Tây phương biết rằng Nhật cũng có nền văn hóa độc đáo, có một giá trị tinh thần, một tư tưởng mà Nhật rất tự hào.
Võ sĩ đạo, Linh hồn của Nhật Bản đúng là một cuốn sách kinh đỉển về văn hóa Nhật. Tôi rất vui mừng thấy cuốn sách được dịch ra tiếng Việt. Hơn nữa, bản dịch được thực hiện bởi một người Việt sống ở Nhật hơn 40 năm và thấm nhuần văn hóa Nhật Bản. Dịch giả Lê Ngọc Thảo, cũng như trong những cuốn sách khác về văn hóa, văn học Nhật mà anh đã dịch, ngoài cố gắng chuyển chính xác nội dung các trang sách sang tiếng Việt, còn bỏ công chủ giải thêm để những độc giả chưa quen với lịch sử và văn hóa Nhật có thể hiểu sâu hơn.
Xin chúc mừng anh Lê Ngọc Thảo đã hoàn thành một công việc rất có ý nghĩa.
Tokyo, thu 2007
TVT
--------------------------------------------------------------------------
LỜI NGƯỜI DỊCH
Ngày xưa, Việt Nam chúng ta có phân chia các thành phần xã hội theo “sĩ nông công thương” nhưng không khắc nghiệt đến biến thành giai cấp.
Nhật Bản là nước chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, họ cũng có chỗ giống chúng ta, cũng có “sĩ nông công thương” và họ còn có một giai cấp khác ở trên là quý tộc. Sĩ nông công thương ở Nhật Bản là giai cấp, và từ cuối thế kỉ 16 đến thời Minh Trị Duy tân, thành viên các giai cấp theo chế độ cha truyền con nối, không ai được quyền thay đổi thân phận của mình (nông dân hoặc thương nhân dẫu là trí thức cũng không thể trở thành thành viên của giai cấp ”sĩ”).
Chữ “sĩ” ở Việt Nam thường được dùng để chỉ những người trí thức, cả văn lẫn võ, nhưng “sĩ” ở Nhật Bản có thể nói tất cả đều là những người xuất thân từ võ sĩ, họ là giai cấp trí thức đại diện cho quần chúng Nhật Bản. “Võ sĩ đạo” là qui phạm đạo đức của giai cấp “sĩ” này.
Xưa nay, Nhật Bản liên tục du nhập tinh hoa của văn hóa thế giới và liên tục biến những tinh hoa đó thành cái của riêng mình. Và đó là truyền thống của văn hóa Nhật Bản. Do đó, về bản chất những qui phạm của võ sĩ đạo tuy không có gì mới mẻ đối với những dân tộc Á đông, nhưng qua cách vận dụng, những qui phạm này đã biến thành những cái gì đó có tính cách độc đáo, đậm đà bản sắc Nhật Bản.
“Võ sĩ đạo, Linh hồn của Nhật Bản” lần đầu tiên được xuất bản ở Philadelphia (“The Leeds and Biddle Company, Philadelphia” xuất bản) vào năm 1899. Tiến sĩ Nitobe Inazo[1] viết tác phẩm này với mục đích giới thiệu qui phạm đạo đức của Nhật Bản (của giai cấp “võ sĩ”) đến những người Âu Mỹ. Vì thế các tỉ dụ được tác giả đem ra để so sánh với trường hợp của Nhật Bản phần lớn đều được lấy ra từ kho tàng triết học, văn học v.v… của Âu Mỹ. Nguyên tác được viết bằng tiếng Anh với cách viết cô đọng, với văn hóa độc đáo của Nhật Bản, nhiều chỗ có cả tiếng La tinh nên rất khó hiểu. Để giải quyết những vấn đề này, ngoài bản gốc tiếng Anh đăng trên mạng, người dịch đã tham khảo bản dịch tiếng Nhật được xem là rất ưu tú của Yanai Haratadao (bản dịch năm 1938). Trong phần dịch thuật, các chú thích của ND (người dịch) được viết bằng chữ nghiêng, nhưng để tránh rườm rà, những chú thích dài hơn được viết ở dưới trang.
Người dịch xin chân thành cảm tạ các bạn trong “Nhóm Dịch Thuật Văn Học Nhật Bản” đã khổ công kiểm tra, điều chỉnh để bản dịch được hoàn hảo.
Lê Ngọc Thảo
Kuala Lumpur, tháng 6, năm 2007.
-----
[1] Nitobe Inazo (1862-1933): Tiến sĩ nông nghiệp, tiến sĩ pháp chính học, tiến sĩ văn học, nhà văn hóa tầm cỡ của Nhật Bản ở cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Sinh ra ở Morioka (vùng Đông bắc Nhật Bản) vào năm 1862, sau khi tốt nghiệp trường Nông học Sapporo, ông đi du học ở Mỹ và Đức. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ như giáo sư Đại học Kyoto, hiệu trưởng trường Ikko (Đại học Tokyo ngày nay), Phó Tổng thư kí Hội Quốc Liên v.v… Ngoài “Võ sĩ đạo” ông còn có “Tu dưỡng” v.v… Ông mất năm 1933 ở Canada. (Hình ông hiện được in trên giấy bạc 5.000 Yên của Nhật Bản).
--------------------------------------------------------------------------
LỜI TỰA
(cho bản in lần đầu năm 1899)
Khoảng mười năm trước, tôi có dịp được cố giáo sư de Laveleye, nhà pháp chính học lỗi lạc của nước Bỉ, mời đến chơi một vài ngày ở nhà ông. Một ngày nọ, khi tán chuyện lan man với nhau, câu chuyện của chúng tôi quay sang vấn đề tôn giáo. Vị giáo sư khả kính hỏi tôi: “Vậy anh muốn nói là trường học ở Nhật Bản không có dạy về tôn giáo à.” Tôi trả lời rằng: “Không có.” Giáo sư bất ngờ khựng lại vì kinh ngạc, và bằng giọng nói mà tôi không thể nào quên được, giáo sư đã hỏi lại: “Không có dạy về tôn giáo à? Vậy làm sao giáo dục đạo đức được?” Câu hỏi này làm tôi điếng người, không biết trả lời ra sao. Tôi không trả lời ngay được vì những lời dạy về đạo đức tôi học hồi thơ ấu đã không được dạy ở trường. Và mãi cho đến khi tôi phân tích những nhân tố tạo nên quan niệm về phải trái, thiện ác của tôi, cuối cùng tôi mới hiểu ra được rằng chính võ sĩ đạo đã đưa những nhân tố đó vào trong tôi.
Nguyên do trực tiếp dẫn đến việc viết quyển sách mỏng này là vì nhà tôi thường hỏi lí do tại sao tư tưởng này, tập quán nọ phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản.
Trong nỗ lực tìm ra câu trả lời thỏa đáng đối với giáo sư de Laveleye và đối với nhà tôi, tôi hiểu ra rằng nếu thiếu hiểu biết về chế độ phong kiến và võ sĩ đạo, thì quan niệm đạo đức của Nhật Bản hiện đại, rốt cuộc, sẽ giống như quyển sách bị niêm phong.
Nhờ có được một khoảng thời gian dài không làm gì trên giường bịnh, tôi đã sắp xếp lại và nay có dịp công bố những gì tôi đã trả lời trong lúc nói chuyện với nhà tôi. Nội dung chủ yếu bao gồm những điều tôi đã nghe và được chỉ dạy trong thời niên thiếu khi chế độ phong kiến còn thịnh hành.
Đã có Lafcadio Hearn, và bà Hugh Fraser ở bên này và ngài Ernest Satow cùng với giáo sư Chamberlain ở bên kia, thật dễ ngã lòng khi tôi phải dùng tiếng Anh để viết những sự việc liên quan đến Nhật Bản. Điều duy nhất mà tôi nghĩ rằng tôi có lợi thế hơn họ là tôi có thể lấy thái độ của cá nhân bị cáo, trong khi những tác gia cao danh này chỉ có thể là những người buộc tội hay trạng sư biện hộ. Tôi thường nghĩ: “Giá mà tôi có tài năng ngôn ngữ ngang bằng họ thì tôi có thể hùng biện hơn trong việc trình bày lập trường của Nhật Bản.” Nhưng người mượn ngôn ngữ của nước khác để nói, thì nên bằng lòng khi mình chỉ có thể làm cho độc giả hiểu được những điều mình nói.
Trong suốt quyển sách này, tôi tìm cách giải thích những điểm luận chứng của mình bằng cách trích dẫn những tỉ dụ tương tự từ văn học và lịch sử của Âu châu, và tôi tin rằng những tỉ dụ đó có ích trong việc đem vấn đề đến gần hơn trong vòng hiểu biết của độc giả ngoại quốc.
Nếu có câu nào của tôi liên quan đến vấn đề tôn giáo hay những người truyền giáo vạn nhất bị xem là có vẻ khinh mạn đi nữa, tôi tin rằng thái độ của tôi đối với đạo Cơ đốc không có chỗ nào đáng nghi ngờ. Điều mà tôi không mấy đồng tình là những phương cách của giáo hội và những hình thức làm cho những lời chỉ dạy của đức Jesus thành ra khó hiểu, chớ không phải là bản thân của những giáo huấn đó. Tôi tin vào tôn giáo mà Christ chỉ dạy và truyền lại trong thánh kinh “Tân ước”, cùng với giới luật được ghi ở trong lòng mình. Tôi tin rằng Thượng đế đã kí kết khế ước, được gọi là “Cựu ước” với tất cả mọi dân tộc, mọi quốc dân - bất kể người đó là người Do Thái hay không, tín đồ Cơ đốc hay người ngoại đạo. Chắc tôi không cần phải nói thêm những suy nghĩ khác của tôi đối với thần học vì chắc chỉ làm cho độc giả mất kiên nhẫn.
Để kết thúc lời tựa này, tôi mong được bày tỏ lòng cảm ơn của tôi đối với người bạn, Anna C. Hartshorne về những đề nghị quí báu của cô.
Nitobe Inazo
Malvern, Pa., tháng 12, 1899
--------------------------------------------------------------------------
LỜI TỰA
(cho bản in lần thứ 10 năm 1905)
Từ khi phát hành bản in đầu tiên sáu năm trước đây, cuốn sách nhỏ này đã có một lịch sử bất ngờ, kết quả có được thật phong phú vượt qua mong muốn của tôi.
Bản in ở Nhật Bản đã tái bản được chín lần. Bản in lần này được phát hành đồng thời tại Nữu Ước và Luân Đôn dành cho những độc giả Anh ngữ khắp nơi trên thế giới. Cho đến nay, quyển sách này đã được Ô. Dev ở Khandia dịch ra tiếng Mahratti, được Cô Kaufman ở Hamburg dịch ra tiếng Đức, được ông Hora ở Chicago dịch ra tiếng Bohemia, được “Hiệp hội khoa học và sinh mạng” ở Lemberg dịch ra tiếng Poland. Bản dịch tiếng Na Uy và tiếng Pháp đang chuẩn bị phát hành, và bản dịch ra tiếng Hoa đang nằm trong kế hoạch. Quốc dân Hungary và Nga cũng có được vài chương của “Võ sĩ đạo” bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Bản bình luận tường tận tựa như một quyển sách chú giải đã được phát hành bằng tiếng Nhật. Và những chú giải dành cho sinh viên học Anh ngữ nghiên cứu, đã được bạn tôi, Ô. Sakurai biên soạn. Tôi cũng mang ơn ông bạn này ở nhiều điểm khác.
Tôi hết sức vui mừng khi biết rằng cuốn sách nhỏ này của mình đã tìm được sự đồng tình của nhiều độc giả ở khắp nơi trên thế giới, chứng tỏ vấn đề mà cuốn sách này đề cập, được mọi người trên thế giới quan tâm. Điều khiến tôi hết sức vinh hạnh là có tin (đến với tôi từ một nguồn tin đáng tin cậy) rằng Tổng thống Roosevelt đã tự mình đọc quyển sách này và đã cho phân phát bản in đến bạn bè của ông.
Trong lần tái bản này, tôi đã hạn chế việc điều chỉnh, chỉ chủ yếu thêm vào những tỉ dụ cụ thể. Tôi lấy làm tiếc vì đã không thể thêm một chương nói về “hiếu nghĩa”, đây là đức tính cùng với “trung nghĩa” tạo thành hai bánh xe của cỗ xe đạo đức Nhật Bản. Khó khăn mà tôi gặp phải trong việc viết một chương về “hiếu nghĩa” không phải vì tôi không biết thái độ của quốc dân chúng tôi mà vì tôi không biết tình cảm của người tây phương ra sao đối với đức tính này, nên tôi đã không đưa ra được những so sánh có thể làm mình vừa lòng. Tôi hi vọng một ngày nào đó tôi có cơ hội nói đến đề tài này. Tất cả những vấn đề được đề cập trong quyển sách này, dĩ nhiên, còn có nhiều chỗ có thể được áp dụng và luận bàn nhiều hơn nữa; nhưng tôi cảm thấy có trở ngại trong việc làm cho quyển sách này dày hơn.
Lời tựa này sẽ không hoàn hảo và không công bình nếu tôi quên cảm ơn khổ công duyệt đọc bản thảo, cùng những đề nghị hữu ích và hơn cả, đó là sự khuyến khích không ngừng của nhà tôi.
Nitobe Inazo
Koishikawa, Tokyo, ngày 10, tháng giêng ,1905
--------------------------------------------------------------------------
LỜI GIỚI THIỆU
(bản tiếng Anh)
Thể theo yêu cầu của nhà xuất bản mà Tiến sĩ Nitobe đã dành cho một chút ít tự do trong việc biên soạn lời tựa, tôi hân hạnh được viết một vài lời giới thiệu bản “Võ sĩ đạo” mới này đến các độc giả Anh ngữ trên toàn thế giới. Thật ra, tôi đã quen biết với tác giả trên mười lăm năm, và ở một chừng mực nào đó, tôi có liên quan đến chủ đề của ông ít nhất cũng được khoảng bốn mươi lăm năm.
Chuyện vào năm 1860, ở Philadelphia (nơi tôi chứng kiến việc hạ thủy kì hạm Susquehanna của Đô đốc Perry vào năm 1847) lần đầu tiên tôi được thấy người Nhật và được gặp những người trong phái đoàn ngoại giao đến từ Edo. Tôi đã có ấn tượng hết sức mạnh mẽ về những người ngoại quốc này, nguyên tắc hành xử và lí tưởng của họ là võ sĩ đạo. Sau đó, trong khoảng thời gian ba năm ở đại học Rutgers, thuộc thành phố New Brunswick, bang New Jersey, tôi có dịp sinh sống cùng với những thanh niên đến từ Nhật Bản, tôi đã dạy hoặc quen biết họ như bạn học. Chúng tôi thường nói chuyện với nhau về võ sĩ đạo và tôi đã tìm thấy võ sĩ đạo là đầu đề hết sức hấp dẫn. Trong sinh hoạt của những người mà trong tương lai sẽ là thống đốc, nhà ngoại giao, đô đốc, nhà giáo, hoặc giám đốc ngân hàng, có mùi hương thật dịu của loài hoa thơm nhất từ xứ sở Nhật Bản xa xôi. Đúng vậy, ngay trong giờ phút lâm chung của ít ra cũng trên một người trong số những người đã yên nghỉ trong những nấm mồ ở nghĩa địa Willow Grove, cũng có mùi hương này. Tôi không bao giờ quên một samurai trẻ, tên là Kusakabe, khi được mời đến chỗ có nghi thức tế lễ cao quí nhất, với hi vọng to lớn nhất, trong lúc hấp hối đã trả lời rằng “Dẫu tôi có biết đến Chúa Jesus của anh, tôi không thể chỉ dâng cho ngài cặn bã của đời tôi”. Vâng, tôi cảm thấy hoàn toàn đồng ý với những gì mà bạn tôi, Charles Dudley Warner đã viết trước đó trong bài “Biện bác giấu giếm của nhà truyền giáo” khi chúng tôi thảo luận về đạo đức và lí tưởng, hoặc trong những lúc nói đùa vui vẻ ở bàn ăn khi so sánh sự vật của Nhật và Mỹ, hoặc trong lúc chơi thể thao, hay “trên bờ đê của con sông cũ Raritan”. Ở một vài điểm, qui phạm về đạo đức và lễ nghĩa tuy có khác nhau, nhưng đó chỉ là khác biệt ở điểm hay ở tiếp tuyến, chớ không phải là khác biệt kiểu nhật thực hay nguyệt thực. Một nhà thơ của họ đã viết – có lẽ cả ngàn năm trước – khi đi ngang qua hồ nước, áo của nhà thơ đã chạm vào một cành hoa làm giọt sương đọng trên đó nhỏ giọt lóng lánh trên tay áo gấm, “vì hương thơm của nó, tôi sẽ không phủi giọt sương trên tay áo”. Thật ra, tôi vui mừng như ếch được ra khỏi đáy giếng, cái giếng chỉ khác với nấm mồ về chiều dài. Vì, so sánh không phải là sinh mệnh của kiến thức và học vấn hay sao? Trong nghiên cứu về ngôn ngữ, đạo đức, tôn giáo, phép tắc lễ nghi, thì đúng là “kẻ chỉ biết một là kẻ không biết gì cả.”
Tôi được đến Nhật Bản vào năm 1870 với tư cách một nhà giáo khai sáng, nhằm giới thiệu phương pháp và tinh thần của hệ thống giáo dục công cộng của nước Mỹ, nhưng tôi hết sức vui mừng vì được rời khỏi thủ phủ để đến Fukui, một tỉnh trong vùng Echizen (vùng đất ở khoảng giữa đảo Honshu, sát liền với biển Nhật Bản , ND), được tận mắt nhìn thấy chế độ phong kiến nguyên chất đang vận hành. Tôi đã quan sát võ sĩ đạo không phải như một sự việc ngoại lai mà ở chính vùng đất sản sinh ra nó. Trong đời sống hằng ngày, qua cha-no-yu (nghệ thuật uống trà, ND), ju-jutsu (nhu thuật, ND), hara-kiri (mổ bụng, ND), qua cách phủ phục lễ phép sát chiếu hay gập mình thật sâu ở ngoài đường, qua phép tắc về đao kiếm và đi đứng, tất cả những cách chào hỏi ung dung và cách thức ăn nói trịnh trọng, những qui phạm về nghệ thuật và cư xử, cùng với việc xả thân của người vợ, của tôi tớ, và của con trẻ, tôi hiểu ra rằng võ sĩ đạo đã thành tín điều phổ biến và tập quán cư xử hằng ngày của tất cả giai cấp thượng lưu sống trong thành thị và ở địa phương. Đó là trường học sống động của tư tưởng và sinh hoạt, ở đó thiếu niên, thiếu nữ đều được huấn luyện như nhau. Tôi đã nhìn bằng con mắt của mình những gì mà Tiến sĩ Nitobe đã thừa hưởng như một di sản, đã hít vào mũi mình và viết về nó một cách tao nhã và mạnh mẽ, với sự am hiểu sâu xa, với cái nhìn rộng rãi, thấu đáo. Chế độ phong kiến của Nhật Bản “đã biến mất ra ngoài tầm nhìn” của người biện hộ tin ở nó nhất và có năng lực giải thích về nó nhất. Đối với ông ấy, đó là mùi hương phảng phất. Đối với tôi đó là “cây và là hoa của ánh sáng”.
Nhờ tôi đã sống dưới chế độ phong kiến, mẹ đẻ của võ sĩ đạo, và chứng kiến cái chết của nó, cho nên tôi có thể trở thành nhân chứng nói rằng tất cả những điều mà Tiến sĩ Nitobe miêu tả, nay vẫn là sự thật về bản chất và những phân tích và tổng quát hóa của ông là trung thực. Với ngọn bút tài tình của mình, ông đã tái hiện màu sắc của bức tranh phản ảnh lộng lẫy văn học Nhật Bản trong một ngàn năm. Võ sĩ đạo đã tiến hóa và trưởng thành trong thời gian một ngàn năm, và tác giả đã ghi lại một cách đáng yêu những tinh hoa trang điểm con đường mà hàng triệu đồng bào cao quí của ông ta đã dẫm lên.
Nghiên cứu phê phán chỉ khiến cảm giác của chính tôi về năng lực và giá trị của võ sĩ đạo đối với quốc dân Nhật Bản sâu xa hơn. Ai muốn hiểu Nhật Bản của thế kỉ hai mươi thì cần phải biết cái rễ của nó trong mảnh đất quá khứ. Bây giờ không chỉ người ngoại quốc mà ngay chính người Nhật hiện nay cũng không thể thấy, nhưng nhà nghiên cứu sẽ hiểu được kết quả của ngày hôm nay từ sức mạnh được tích tụ trong những thời đại đã qua. Nhật Bản ngày nay đào lấy động lực cho chiến tranh và hòa bình của mình từ những lớp đất do ánh sáng mặt trời xa xưa tạo nên. Tất cả những cảm giác về tinh thần của những người được võ sĩ đạo nuôi dưỡng vẫn bén nhạy. Cục kết tinh đã tan mềm trong tách, nhưng hương thơm ngọt ngào vẫn tiếp tục làm vui lòng người. Nói ngắn gọn, võ sĩ đạo đã tuân theo điều luật cao hơn do Người mà chính người giải thích của nó đã cung kính và nhìn nhận là Chúa phát biểu - “Một hạt lúa mạch rơi xuống đất, nếu không chết thì cứ nằm ở đó một mình; nhưng nếu chết thì hãy sinh thêm nhiều hột.”
Tiến sĩ Nitobe đã lí tưởng hóa võ sĩ đạo ư? Tốt hơn là chúng ta nên hỏi, nếu không làm như vậy ông có chịu được không? Ông gọi mình là “bị cáo”. Ở bất cứ giáo lí, tín điều, và hệ thống nào, thí dụ và giảng giải sẽ thay đổi cùng với sự bành trướng của lí tưởng. Sự điều hòa được tích tụ dần và từ từ đạt được. Đó là một nguyên tắc. Võ sĩ đạo không bao giờ tới được mục tiêu cuối cùng. Võ sĩ đạo đã quá sôi nổi, và cuối cùng nó đã chết nhưng chết trong vẻ đẹp và sức mạnh. Xung đột giữa chuyển động của thế giới và chế độ phong kiến của Nhật Bản – cái tên mà chúng tôi dành cho những sự kiện và những ảnh hưởng dồn dập sau khi Perry và Harris đến Nhật – đã không làm cho võ sĩ đạo biến thành một xác ướp, mà vẫn là một linh hồn còn sống. Võ sĩ đạo đúng thật là tinh thần đầy sức sống của nhân loại. Thế rồi cái nhỏ sẽ được cái lớn ban phước. Theo những tiền lệ cao quí của mình, Nhật Bản đã tiếp nhận và sau đó đã đồng hóa những điều tốt nhất mà thế giới cung hiến mà không làm mất cái tốt nhất trong lịch sử và văn minh của mình. Nhờ đó Nhật Bản đã thành nước duy nhất có cơ hội ban phước cho Á châu và nhân loại và Nhật Bản đã đường đường nắm bắt cơ hội này – “phạm vi càng rộng, càng mạnh hơn.” Ngày nay, Nhận Bản không chỉ đem hoa lá, tranh ảnh, và những vật đẹp đẽ khác của mình làm cho vườn hoa, hoặc nghệ thuật, hoặc nhà cửa của chúng ta có được những “trò tiêu khiển trong chốc lát hay là thắng lợi vĩnh viễn”, mà Nhật Bản còn đến với chúng ta với hai tay đầy những tặng vật của khoa học tự nhiên, của vệ sinh công cộng, hay những bài học về hòa bình và chiến tranh.
Luận giải của tác giả trong quyển sách này không phải chỉ là lời biện hộ hay khuyên bảo dành cho bị cáo, mà tác giả còn có khả năng chỉ bảo chúng ta với tư cách là người dự ngôn, là gia chủ khôn ngoan biết nhiều việc mới và cũ. Không ai ở Nhật Bản có thể bằng tác giả trong việc kết hợp nhịp nhàng những giáo huấn và thực hành của võ sĩ đạo với cuộc sống và sinh hoạt, với lao động và công việc, với sự khéo léo của đôi tay và ngòi bút, với canh tác đất đai và khai hóa linh hồn. Là người lớn lên và thành danh trong Nhật Bản cũ, tiến sĩ Nitobe đích thực là một người đã tạo ra Nhật Bản mới. Ở Đài Loan, vùng đất mới của Nhật Bản, cũng như ở Kyoto, tiến sĩ được biết như là một học giả, một người thực hành, tinh thông khoa học tối tân và học thức tối cổ.
Quyển sách mỏng về võ sĩ đạo này không chỉ là một thông điệp quan trọng đến những quốc dân thuộc hệ Anglo-Saxon. Đây còn là một cống hiến đáng chú ý đối với việc giải quyết vấn đề lớn nhất của thế kỉ này - sự hòa hợp và thuần nhất giữa Đông và Tây. Xưa nay có nhiều nền văn minh: trong một thế giới tốt đẹp hơn sắp tới, chỉ nên có một nền văn minh. Danh từ Đông phương và Tây phương, cùng với ý nghĩa đầy ngu dốt và vô lễ đối với nhau, dần dần trở thành những cái của quá khứ. Nhật Bản giờ đây đã dần dần có tác động như một thế lực không thể cưỡng được, một vế trung gian đủ tài năng điều hòa giữa trí tuệ và chủ nghĩa tập đoàn của Á châu, giữa sức mạnh và chủ nghĩa cá nhân của Âu Mỹ.
Tinh thông học vấn cổ kim, có tri thức sâu rộng về văn học thế giới, tiến sĩ Nitobe chứng tỏ mình thích hợp tuyệt diệu với việc làm này. Ông đích thật là người giảng giải và là người hòa giải. Ông không cần vả lại ông cũng không biện giải thái độ của mình đối với Chúa, người mà ông đã trung thành đi theo từ lâu. Học giả quen thuộc với con đường của Thánh Linh, với lịch sử của nhân loại được người Bạn Tuyệt Đối của con người dẫn dắt, sẽ phải phân biệt đâu là lời dạy của đấng Sáng Lập và những kinh điển chính gốc, với đâu là những thêu dệt thêm bớt của giáo hội, của dân tộc, hoặc để hợp lí hóa. Giáo lí cho rằng mỗi dân tộc đều có “Cựu ước”, theo ám chỉ trong lời tựa của tác giả, là lời dạy của Chúa người đã đến không phải để phá hoại mà là để thi hành trọn vẹn giáo lí này. Ngay ở Nhật Bản, nếu đạo Cơ đốc tháo gỡ hình dáng và bao bì ngoại quốc của mình, từ bỏ việc mình là tác phẩm dị quốc thì chắc chắn sẽ bám rễ sâu xuống lòng đất nơi võ sĩ đạo đã trưởng thành. Cởi bỏ những thứ như dây thắt lưng và quân phục ngoại quốc, giáo hội Cơ đốc chắc chắn sẽ thành không khí, biến thành cái của bản xứ.
William Elliot Griffis
Ithaca, tháng 5 năm 1905
Bookmarks