Nếu có khả năng làm lắng dịu những ham muốn, thèm khát, ta sẽ thấy rằng điều ta thực sự mong ước không phải là tiền tài hay danh vọng mà là hạnh phúc. Vì muốn có hạnh phúc mà ta đi tìm quyền lực từ bên ngoài. Nhưng càng tìm quyền lực và hạnh phúc qua danh vọng, tiền tài, sắc dục thì càng không thấy đâu.
Một người nghèo khổ hoặc vô danh tiểu tốt có thể hạnh phúc không ? Nhiều người tưởng rằng không thể thực sự hạnh phúc vì không có tiền tài, không có địa vị thì sẽ không có quyền lực. Lẽ tất nhiên là nếu thiếu những điều kiện tối thiểu về ăn uống, nhà ở, áo quần thì không thể có hạnh phúc. Nghèo khổ và đói rét đưa tới đau khổ, bệnh tật và bạo động. Điều tôi muốn nói ở đây là ham muốn tiền bạc vượt quá nhu cầu vật chất.
Cần phân biệt giữa hạnh phúc và hưng phấn. Nhiều người cho rằng hưng phấn là hạnh phúc. Họ mơ tưởng hay trông chờ một điều gì mà họ cho là hạnh phúc, và với họ đó đã là hạnh phúc. Nhưng khi hưng phấn thì tâm không được bình an. Trong khi bình an là nền tảng cho hạnh phúc chân thực.
Bạn yêu ai đó và nghĩ rằng không thể hạnh phúc nếu không cưới được người ấy. Sau lễ thành hôn, hạnh phúc kéo dài một thời gian, rồi tan biến. Không còn say đắm, không còn niềm vui, và lẽ tất nhiên không còn hạnh phúc. Thực tế không như bạn trông đợi hay mơ tưởng. Bạn có thể biết rằng những gì đạt được sẽ không kéo dài, rằng một ngày nào đó, người kia có thể phụ bạc bạn. Bạn nghi ngờ, cảm thấy bấp bênh, rồi sinh ra sợ hãi. Ngay khi có một chỗ làm tốt, bạn cũng không chắc sẽ được lâu dài, bạn lo sợ bị sa thải bất cứ lúc nào. Thứ hạnh phúc không có bình an mà còn kèm theo sợ hãi thì không phải là hạnh phúc chân thực. Suốt ngày bạn sẽ bận tâm với những điều kiện của cái-gọi-là hạnh phúc ấy. Và vì những lo âu, bấp bênh, bận tâm ấy, bạn không còn cảm thấy hạnh phúc và sẽ buồn chán, trầm cảm.
Ngay cả khi có đủ các điều kiện bạn tin rằng là cần thiết cho hạnh phúc, bạn vẫn chưa thỏa mãn. Vậy thì câu hỏi đặt ra cho những ai muốn có hạnh phúc chân thực là phải làm gì, phải trông cậy vào đâu ?
Muốn đạt hạnh phúc lớn, muốn có hiểu biết lớn, thương yêu lớn, thì không nên an trụ tâm mình vào bên ngoài, nghĩa là vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không nên trụ tâm mình vào bất cứ đối tượng nào để đạt giác ngộ, thương yêu.
Giả sử ta phân vân khi chọn một hướng đi cho đời mình. “Nếu theo hướng đó mà không hạnh phúc thì phải làm sao đây ?”. Ta nghi ngờ như vậy là vì ta quyết định căn cứ vào hình thức bên ngoài. Con đường xuất gia là một hình tướng. Làm một nhà chính trị, doanh nhân hay nghệ sĩ cũng chỉ là hình tướng bên ngoài. Có những nghệ sĩ hạnh phúc và có những nghệ sĩ không hạnh phúc. Có những người xuất gia hạnh phúc và có những người xuất gia không hạnh phúc. Có những nhân viên cảnh sát hạnh phúc và có những nhân viên cảnh sát không hạnh phúc. Vì vậy địa vị hay nghề nghiệp mà ta tìm kiếm không bảo đảm cho hạnh phúc. Thật sai lầm nếu chỉ quyết định và phó mặc hạnh phúc của mình vào hình tướng bên ngoài. Ta sẽ bị đánh lừa.
Bạn muốn lấy một người chồng đẹp trai, có bằng cấp, có địa vị bởi vì bạn tưởng rằng cưới được một người như thế thì sẽ có hạnh phúc. Nếu kết hôn một người vì người ấy đẹp hay giàu, tức là bạn chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, nhưng hình thức bên ngoài thay đổi không ngừng. Nếu vị hôn phối của bạn mất việc, không còn danh vọng, quyền hành nữa thì sao ? Nếu người ấy bị tai nạn rồi bị tàn tật, xấu xí thì sao ? Dầu chọn một hình tướng nào, một hướng đi nào cho cuộc đời, nếu kẹt vào hình tướng thì bạn cũng không thể nào có được hạnh phúc, ngay cả khi bạn chọn con đường xuất gia. Chấp vào hình tướng của một người xuất gia, nghĩ rằng khoác áo người tu, vào ở chùa sẽ làm cho bạn hạnh phúc là bạn lầm. Có những thầy, những sư cô không hạnh phúc bởi vì những vị ấy không có khả năng hiểu biết và thương yêu. Trái lại, khi biết cách tu tập hiểu biết, thương yêu trong từng giây, từng phút thì hình tướng bên ngoài không thành vấn đề nữa.
Muốn có hạnh phúc, giác ngộ và thương yêu bạn phải có tự do, không bị nhận thức của mình đánh lừa. Khi quán chiếu sâu sắc một sự việc nào đó, ta sẽ khám phá được chân tướng của nó và không bị đánh lừa. Vì không bị hình tướng bên ngoài đánh lừa, ta sẽ không đau khổ, sẽ có khả năng sống hạnh phúc.
Chúng ta hay có xu hướng suy nghĩ rằng : “Ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu ta có cái này hay cái kia. Nếu ta không có những cái ấy thì đời ta sẽ chẳng còn gì, ta chẳng bao giờ hạnh phúc”. Ý tưởng về quyền lực, về điều kiện của hạnh phúc có thể rất nguy hiểm bởi vì ta sẽ bị kẹt vào ý tưởng ấy. Hạnh phúc có thể đến với bạn bằng cả vạn cách, chỉ cần ta biết mở lòng đón nhận. Nhưng nếu chỉ đeo đuổi một ý tưởng về hạnh phúc, bạn sẽ bị mắc kẹt. Hạnh phúc sẽ không bao giờ đến vì bạn đã quyết từ chối tất cả, chỉ chấp nhận con đường của hạnh phúc mà bạn đã lựa chọn.
Xin đừng là một người nào khác. Không cần phải giải phẫu thẩm mỹ. Cả vũ trụ đã đến đây góp mặt để bạn biểu hiện ra như thế, đẹp đẽ như thế. Bạn như chính bạn là đẹp lắm rồi. Bạn không cần phải được những người khác thừa nhận. Bạn cần chấp nhận chính mình. Là hoa sen thì hãy cứ đẹp như hoa sen, đừng cố đẹp giống hoa mai. Nếu cứ cố gắng thay đổi mình để mong được mọi người thừa nhận, bạn sẽ suốt đời đau khổ. Hạnh phúc chân thật, quyền lực chân thật là tự hiểu mình, chấp nhận mình, có niềm tin nơi chính mình.
(trích Quyền lực đích thực – Thích Nhất Hạnh)
Bookmarks