Vì nhiều lý do khác nhau, do máy hư, do gia đình có việc mà đến giờ Liar game II đã đi gần hết chặng đường mà mình vẫn chưa xem tập nào! (nhìn chữ ký của chính mình mà buồn cười)
Đọc comment trong topic phim, nghe bạn bè bàn tán thì dường như sang phần II thì Nao Kanzaki đã thông minh hơn so với phần một, đã hiểu chuyện ra, đã bớt ngây thơ đến ngây ngô hơn. Dường như đó là một điều đáng mừng.
Rất nhiều khán giả xem phim đều có vẻ không thích và khó chịu với cái sự ngây thơ, cả tin một cách ngu ngốc của Nao. Cô ấy cả tin một cách mù quáng, bị lừa nhiều lần, bị một người lừa nhiều lần vẫn không biết rút kinh nghiệm, để tiếp tục bị lừa lần nữa. Nao Kanzaki khó có trong đời thực.
Không thể! Ở đời làm gì có người như thế! Vậy có phải là một điều nên vui khi sống một cuộc sống mà "ngây thơ là ngu ngốc" và phải cảnh giác với tất cả những người xung quanh, đắn đo khi đặt niềm tin vào người khác?
Tất nhiên là ai chẳng muốn sống trong một xã hội mà mọi người tin tưởng lẫn nhau, chỉ vì không thể được như thế nên phải cảnh giác và nghi ngờ. Tôi và rất nhiều bạn đã xem phim chắc hẳn chưa đủ lớn tuổi để "từng" sống và trải qua thời kỳ gọi là "bao cấp". Thời kỳ mà không ít lần người lớn nhắc lại với những cụm từ: cơ cực, vất vả, nghèo khổ và cả đói nữa. Nhưng đã hơn một lần những trong gia đình tôi cũng nhắc đến thời kỳ đó với một chút tiếc nuối, tiếc nuối về quãng thời gian mà dường như ai cũng tốt! Một thời gian đã rất xa, không bao giờ trở lại và chẳng ai mong muốn nó trở lại.
Cuộc sống bây giờ đã tốt hơn rất nhiều và con người cũng thay đổi. Không còn sự "bình quân chủ nghĩa" và "cào bằng" tất cả. Con người giờ có nhiều ham muốn hơn, được đáp ứng nhiều hơn và một điều tất yếu: cũng xấu xa nhiều hơn.
Tôi nhớ khi còn nhỏ không hề được dạy rằng không được tin người lạ, không mở cửa cho người lạ, thậm chí là nếu người ta ăn mặc như sư sãi đến nhà làm từ thiện cũng không được tin. Cái thời buổi mà việc làm từ thiện và áo tu hành cũng có thể đem ra lừa được. Và còn rất nhiều những cái không được phải nhắc nhở cho những đứa trẻ nữa. Và chung quy lại là: không được tin người khác, nhất là người lạ.
Nếu tin người khác thì sao? Rất có thể trở thành một Nao Kanzaki thứ hai. Cuộc sống thay đổi làm con người thay đổi hay chính từng con người làm thế giới xung quanh mình thay đổi.
Khi kết thúc vòng hồi sinh, Nao đã nói rằng nếu ngay từ đầu những người chơi không có ý định lừa gạt đối thủ, không tham lam thì họ đã có thể an toàn rút ra cuộc chơi ngay từ vòng đầu. Cái điều đơn giản đó nhưng dường như chỉ có mình cô ấy nghĩ đến mà thôi, bởi vì đứng trước một số tiền khổng lồ họ đều chấp nhận lừa gạt lẫn nhau để rồi kẻ thua mắc nợ mà người thắng cũng chưa chắc sẽ được gì và phải đối mặt với trò chơi lừa dối không có điểm dừng. Liệu trong cuộc sống có bao giờ chúng ta nghĩ thế hay không? Chắc là có, nhưng ngay sau suy nghĩ đó sẽ là suy nghĩ "chắc gì người khác đã nghĩ như mình?" và lai tiếp tục ngần ngại, tiếp tục nghi ngờ.
Nao trong Liar Game là một người may mắn vì cô ấy được sự giúp đỡ, nếu không cô ấy sẽ "chết" chắc! Và ở ngoài đời thì cô ấy có "chết" không khi làm gì có một tay siêu lừa đảo giúp đỡ như trong phim?
Đời thực không phải là phim. Ở ngoài đời, Nao sẽ không được ai giúp đỡ hết nhưng cô ấy sẽ không chết. Và Nao ở ngoài đời cũng phải là Nao trong Liar Game. Sau khi bị lừa gạt 1 hoặc 2 lần, Nao sẽ đủ khôn ngoan để tránh những lần lừa gạt sau. Đủ nhận thức để thấy những người không ghét nhau, không thù oán nhưng vẫn sẵn sàng lừa gạt lẫn nhau. Những người thấy chết không cứu vì còn phải lo cho bản thân. Để biết được rằng “không ai thương mình bằng mình thương mình”. Và thậm chí sau đó cô ấy có thể sẽ khôn ngoan hơn, mưu mẹo hơn và có nhiều bài học từ chính bản thân để bày ra những trò chơi dối trá khác. Vì cuộc đời bây giờ không còn ngây thơ nữa.
Bookmarks