Buồn bã nhưng từ chối bi lụy - đó là Kitchen của Banana Yoshimoto.

Câu chuyện gắn liền với một cô gái yêu bếp. Bếp là sự phản chiếu nỗi niềm khát khao tìm kiếm hơi ấm gia đình trong cô. Bếp là thế giới của riêng cô - một cô gái đô thị Nhật Bản lẻ loi. "Còn lại tôi và bếp. Dẫu sao như thế vẫn còn hơn nghĩ rằng chỉ còn lại một mình"...

Ở Kitchen, đâu đó trong nỗi buồn cô độc dai dẳng lại thấp thoáng hình bóng của mình. Chúng được ngụy trang theo nhiều cách khác nhau, và vì thế con người, trong những hoàn cảnh cụ thể, cũng có hàng vạn cách để đối phó, khi thì yếu ớt, khi thì mạnh mẽ. Chúng ta bấu víu vào một ai khác, hay một niềm tin khả dĩ có thể, chẳng hạn niềm tin vào sức mạnh và tình yêu đối với bản thân có thể bù đắp thiếu thốn tinh thần, hay niềm tin người khác xây cho mình một nơi trú ẩn kín đáo và kiên cố. Một vài người trẻ chọn cách tê liệt hóa cảm xúc của mình, nhưng đâu đó, sâu thẳm bên trong, vẫn mong chờ một nguồn yêu thương dào dạt.

Trong Kitchen, những câu hỏi và những lời đáp vang lên từ sự chiêm nghiệm non nớt của người trẻ, về cuộc đời, hạnh phúc, về sự chia ly, sự sống và cái chết..."Hạnh phúc, nghĩa là một cuộc đời, không bao giờ cảm thấy rằng, thực ra ta chỉ có một mình", rồi sự bất lực thực sự khi phải sống với những lựa chọn được dúi vào tay mình: "Tại sao con người không thể lựa chọn cái gì cả? Giống hệt loài sâu bọ, bị đánh cho tơi bời nhưng vẫn phải nấu cơm, phải ăn, phải ngủ"... Và rải rác đâu đó là những niềm vui, sự say mê trong cuộc sống đời thường, với những con người bình thường nhưng đẹp đẽ và lấp lóa.

Khi đọc cuốn sách này, tôi đã nhận ra hình ảnh một người bạn xa xứ mà tôi biết, thấp thoáng đâu đó, giống, rất giống... và tôi ước mình đã làm khác đi vài việc... Đã không quá tham lam với sự chia sẻ của người đó. Đã không quá khắc nghiệt mong muốn họ trút bỏ ngay một lúc hết những muộn phiền mà họ luôn mang theo. Đó là sự ích kỷ, ích kỷ nằm lẫn trong sự cảm thông nửa vời.

Trà My
(Q.5, TP.HCM)
baomoi