Người ti vi
Tác giả: Haruki Murakami
Nhà xuất bản: NXB Đà Nẵng
Kích thước: 15x24 cm
Số trang: 300
Giá bìa: 42000 vnđ
Trích Lời ngỏ (2007) của dịch giả Phạm Vũ Thịnh:
Hiện nay, Murakami Haruki là tác gia Nhật Bản nổi tiếng vào bậc nhất cả trong lẫn ngoài nước Nhật. Tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng trên thế giới. Ở những nước đồng văn với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, hầu như toàn bộ tác phẩm Haruki đã được dịch, xuất bản. Các tác phẩm mới vừa ra mắt độc giả Nhật Bản thì vài tháng sau đã có ngay bản dịch tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc. Ở Nga và Mỹ cũng có nhiều độc giả nhiệt liệt hâm mộ tác phẩm Haruki. Những nhà phê bình và độc giả yêu thích còn nói đến chuyện Haruki sẽ có thể đoạt giải Nobel văn học.
Murakami Haruki là tác giả Nhật Bản có khuynh hướng phản kháng đối với truyền thống. Tác phẩm Haruki đặc sắc trong cả thể loại truyện dài lẫn truyện ngắn. Nhiều truyện ngắn của ông đã trở thành hạt giống được khai phát thành truyện dài thành công, và nhiều truyện dài của ông đã chia nhánh phát triển thành những truyện ngắn đặc sắc. Chính ông cho biết không đặc biệt chú trọng hay ưa chuộng thể loại nào hơn.
Trong lời tựa của một tập truyện ngắn, Murakami Haruki viết:
"Ðối với tôi, viết tiểu thuyết là thử thách, mà viết truyện ngắn là niềm vui. Nếu ví việc viết tiểu thuyết như trồng một khu rừng, thì viết truyện ngắn giống như trồng một mảnh vườn nhà. Hai công trình ấy bổ túc cho nhau, tạo ra cảnh trí mà tôi yêu thích"...
"Từ lúc khởi đầu nghiệp văn năm 1979 đến nay, tôi vẫn viết tiểu thuyết và truyện ngắn đan xen nhau. Khi vừa hoàn tất một tiểu thuyết, tôi lại thấy muốn viết truyện ngắn, và khi xong một tập truyện ngắn, tôi lại muốn tập trung vào một truyện dài"...
"Ba truyện ngắn đầu tiên của tôi, đã được viết trong khoảng 1980-1981, là Thuyền hàng đi Trung Quốc, Chuyện bà cô nghèo khó, và Bi kịch mỏ than New York. Lúc bấy giờ, tôi hiểu biết rất ít về việc viết truyện ngắn, nên đã rất cực nhọc, nhưng đó là những kinh nghiệm rất đáng ghi nhớ. Và độc giả có vẻ ưa thích truyện ngắn của tôi".
"Về cơ bản, tôi là một tiểu thuyết gia, nhưng rất nhiều người cho biết là họ thích truyện ngắn của tôi hơn là truyện dài. Ðiều đó không làm bận lòng tôi, và tôi cũng không cố thuyết phục họ suy nghĩ ngược lại. Thật tình tôi rất vui mừng nghe họ nói vậy. Bởi các truyện ngắn của tôi đã như những cái bóng nhạt, những dấu chân mờ tôi để lại trên đường. Tôi nhớ rõ nơi chốn nào tôi đã để lại mỗi một bóng, mỗi một dấu chân ấy, và lúc bấy giờ tôi đã có cảm giác như thế nào. Các truyện ngắn giống như những cột mốc hướng dẫn vào tâm tình tôi, và nhà văn là tôi, rất vui thích đã nhờ đó mà chia sẻ được những tâm tình thân mật ấy với độc giả".
"Có lúc, những chi tiết tôi viết trong các truyện ngắn đã xuất bản xong, vẫn tiếp tục nảy nở trong trí tôi, phát triển thành tiểu thuyết... Cả trong ý nghĩa đó, các truyện ngắn và tiểu thuyết của tôi nối kết với nhau trong tôi, một cách hữu cơ và tự nhiên".
Truyện ngắn của Haruki được độc giả khắp nơi trên thế giới yêu chuộng. Ðiều này được thực chứng qua sự kiện Giải thưởng quốc tế đắt giá nhất về truyện ngắn (đã dịch ra tiếng Anh) Frank O'Connor năm 2006, là ba mươi lăm ngàn đồng Euro, đã được trao cho Murakami Haruki ngày 25 tháng 9, 2006. Hội đồng thẩm định gồm năm tác gia của các nước Anh, Mỹ, Ðức, Ái Nhĩ Lan; chủ tịch hội đồng Tom McCarthy, nhận xét: "Thật là một bậc thầy về văn xuôi", đánh giá cao "cảm nhận xuất chúng về hiện thực huyền ảo", "bút pháp điêu luyện", "tài năng hiện đại trong việc sáng tạo những độc thoại triền miên về nỗi sợ hãi", "những tình tiết đào sâu xuống nhiều tầng ý nghĩa", "Murakami viết thật đường hoàng, không ngần ngại đối đầu với những tình huống khó khăn, nan giải giữa những con người thường xuyên hiểu lầm về nhau". "Ðọc xong tác phẩm của Haruki, những hình tượng và tình huống ông sáng tạo ra, vẫn còn lưu lại lâu dài khó quên".
Tiếp cận văn chương Haruki từ các truyện ngắn là cách hay nhất, bởi tương quan khắng khít giữa hai thể loại, như đã nói ở trên, hơn nữa, sự phong phú trong đề tài và văn phong Haruki có thể lĩnh hội được nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện từ tuyển tập những truyện ngắn súc tích và đa dạng, hơn là truyện dài.
Về tập truyện ngắn Người Ti-Vi:
Tập truyện ngắn này, với sự đồng ý của tác giả, đã được xuất bản ở Việt Nam bao gồm 14 truyện, là tập hợp từ 2 tuyển tập gốc đã xuất bản ở Nhật:
6 truyện đầu (Người Ti-Vi, Máy bay, Truyền thuyết dân gian của thời đại chúng tôi, Kano Creta, Xác ướp, Giấc ngủ) được dịch từ nguyên tác trong Tập truyện ngắn "TV Pi-puru" (TV People - Người Ti-Vi) xuất bản năm 1990.
8 truyện tiếp theo (Quần cộc kiểu Ðức, Người đàn ông đi xe Taxi, Bên hồ bơi, Cho nữ hoàng đã mất, Buồn nôn 1979, Trú mưa, Sân bóng chày, Dao săn) từ Tập truyện ngắn "Kaiten Mokuba no Deddo Hi-to" (Carousel's Dead Heat - Chạy Ðua Sát Nút Trên Vòng Quay Ngựa Gỗ) xuất bản năm 1985.
Nhận xét của độc giả:
Đọc Người Tivi mình nhận thấy 1 điều, truyện ngắn Haruki Murakami viết còn kỳ quặc hơn cả tiểu thuyết của ông. Người Tivi giống như một bức tranh lạ lùng, có những nét chấm phá cực kỳ dứt khoát và đa sắc. Có cái hoàn toàn hư ảo, có cái nằm lập lờ giữa lằn ranh ảo và thực, có cái là truyện kể ***g trong truyện kể. Có cả những truyện đọc xong phải sởn gai ốc. Thường thì các truyện không có nội dung gì cụ thể hay để nêu bật điều gì rõ nét, chỉ là để kể chuyện thôi, việc đọc giống như để thâm nhập sâu hơn vào thế giới của Haruki Murakami. Nói chung là 1 trải nghiệm đáng để thử.
Nguyễn Quỳnh @tiki.vn
Điểm tương đồng trong truyện ngắn và truyện dài của Haruki Murakami dường như là cách ông tạo ra nhân vật. Họ thường bắt đầu là những người bình thường, có một mái gia đình khá bình thường, công việc bình thường, hầu hết sống cuộc sống khá đơn điệu và nhàm chán, cho đến khi điều bất thường xảy ra. Thay vì có cả hành trình để tìm hiểu cái điều bất thường đó như trong truyện dài, các truyện ngắn chỉ đi đến sự kiện bất thường là ngưng bặt, khiến cảm xúc của độc giả có thể lên cao trào mà không được giải toả. Dù vậy lối viết của ông vẫn tạo được sự cuốn hút riêng.
Nguyễn Phương Thảo @tiki.vn
Nguồn thông tin: erct.com, tiki.vn
Bookmarks