Nguồn: toiyeunhatban.wordpress.com

Tiếp sau công cuộc Minh Trị Duy Tân và việc khôi phục quyền lực thực tế của Nhật Hoàng năm 1868, kỹ thuật và văn hóa phương Tây được du nhập vào Nhật Bản mạnh mẽ tới mức lấn át ảnh hưởng hàng thế kỷ của văn hóa Trung Quốc. Tiểu thuyết trở thành một thể loại văn học nghiêm túc và được đánh giá cao, chứ không còn bị coi là thứ rẻ tiền, phương hại đạo đức quần chúng như trong thời Edo nữa. Một tiến triển liên quan là việc dần dần bỏ lối dùng câu chữ quá văn hoa và quay sang sử dụng lối nói thông thường.

Tuy tanka và haiku vẫn là những thể loại thơ phát triển mạnh, một thể loại thơ tự do chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây đã phát triển mà thành quả lớn đầu tiên là tuyển tập “Wakanashu” của Shimazaki Toson. Những ảnh hưởng về phong cách đối với văn học Nhật Bản là chủ nghĩa lãng mạn, do Mori Ogai đưa vào từ những năm 90 của thế kỷ 19; chủ nghĩa biểu tượng, được áp dụng trong tuyển tập dịch các bài thơ Pháp với tựa đề “Kaichoon” (1905) của Ueda Bin; và chủ nghĩa tự nhiên trong thời gian 1905-1910 mà từ đó nảy sinh thể loại tiểu thuyết tự thuật.

Nhưng chính thông qua Natsume Soseki, tiểu thuyết hiện đại Nhật mới đạt tới sự chín muồi. Nhiều sáng tác của ông đề cập đến những thăng trầm trong cuộc sống của tầng lớp trung lưu hiện đại ở Nhật Bản. “Botchan” (Cậu ấm) là cuốn sách kinh điển mà sau gần 1 thế kỷ vẫn luôn được sử dụng rộng rãi trong trường học. Nổi tiếng không kém là “Kokoro” (Tấm lòng, 1914), trong đó nhân vật chính cảm thấy cô đơn, không rũ bỏ được suy nghĩ chính mình đẩy người bạn thân đến chỗ tự sát vì cùng yêu một người phụ nữ, và kết cục cũng tự kết liễu cuộc đời.

Cũng trong thời kỳ này xuất hiện một tài năng văn học là Akutagawa Ryunosuke - nhà văn viết truyện ngắn, nhà thơ kiêm nhà tiểu luận. Akutagawa chịu ảnh hưởng rất nhiều của Soseki. Trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của ông có “Rashomon” (Lã Sinh Môn, 1915), “Hankechi” (Chiếc khăn tay, 1916), “Kumo no ito” (Mạng nhện, 1918), “Yabu no naka” (Giữa rừng, 1922). Ông tự sát năm 1927 ở tuổi 35, để lại gần 100 truyện tuyệt vời. 8 năm sau đó, giải thưởng Akutagawa ra đời và là giải thưởng rất uy tín, trao hàng năm cho những nhà văn trẻ triển vọng.

Trong vài chục năm đầu thế kỷ, đặc điểm nổi bật của cộng đồng văn học Nhật Bản là việc ấn hành các tạp chí của những nhà văn có cùng quan điểm. Tạp chí Tane Maku Hito, bắt đầu từ năm 1921, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào “văn học vô sản”, mà mục đích là thúc đẩy cách mạng xã hội chủ nghĩa thông qua hoạt động văn học. Tiếp theo sau là sự ra đời của tạp chí vô sản Bungei Sensen vào năm 1924 và Senki năm 1928. Một số tác phẩm hay nhất của văn học vô sản xuất hiện vào cuối thập niên 20, chẳng hạn như “Taiyo no nai machi” (Những đường phố vắng Mặt trời) của Tokunaga Sunao và “Kani kosen” (Thuyền bắt cua) của Kobayashi Takiji.

Một tiến triển quan trọng khác là việc xuất bản tạp chí Bungei Jidai, bắt đầu vào năm 1924, của một nhóm các nhà văn trong đó có Kawabata Yasunari và Yokomitsu Riichi, nổi tiếng với tên gọi “Trường Shinkankaku”. Trái với các nhà văn vô sản thiên về chính trị, họ chịu ảnh hưởng mạnh của những phong trào nghệ thuật hiện đại châu Âu như chủ nghĩa tương lai, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa Đa-đa, v,v…


Trong bối cảnh Nhật Bản chuyển sang chế độ quân phiệt sau sự kiện Mãn Châu tháng 9/1931, những nhà văn theo chủ nghĩa hiện đại bị tố cáo là chạy theo những khuôn mẫu mỹ học của phương Tây còn các nhà văn vô sản bị đàn áp.

Do ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ngày càng nhiều thể loại văn học bị trấn áp. Năm 1935, trường Nihon Roman-ha theo đường lối dân tộc chủ nghĩa ấn hành tạp chí cùng tên, với sự tham gia của những nhà văn nổi tiếng như Dan Kazuo và Hagiwara Sakutaro. Nhóm này chủ trương ca tụng vẻ đẹp của văn hóa Nhật Bản truyền thống và kêu gọi nâng cao tinh thần hy sinh và cống hiến cho đất nước.Trong sự ngột ngạt của thời kỳ đó vẫn xuất hiện một số kiệt tác của văn học thời kỳ Showa, ví như “Yukiguni” (Xứ tuyết) của Kawabata (1935-37), “Bokuto Kidan” (Câu chuyện lạ kỳ từ phía đông dòng sông, 1937) của Nagai Kafu. Tuy nhiên, khi Thế chiến 2 trở nên ác liệt, một loạt các tác phẩm bị cấm, trong đó có “Sasameyuki” (Chị em nhà Makioka) của Tanizaki Jun-ichiro, còn văn học bị coi là một công cụ của nhà nước vì các nhà văn được hâm mộ bị huy động viết bài ngợi ca quân đội từ mặt trận. Kaneko Mitsuharu, nhà thơ lớn duy nhất chống chiến tranh, tiếp tục sáng tác nhưng không dám xuất bản.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Tanizaki xuất bản “Sasameyuki” còn Kawabata cho ra đời tác phẩm hoài niệm nền văn hóa truyền thống mang tên “Yama no oto” (Tiếng rền của núi, 1949-52). Các nhà văn cánh tả lại nổi lên và xuất hiện một nhóm các nhà văn gọi là Buraiha, trong đó có Dazai Osamu, người đã tìm tòi cảm xúc mất mát cá nhân sau chiến tranh trong những tác phẩm như “Shayo” (Mặt trời lặn, 1947). Một nhóm khác, được gọi là thế hệ nhà văn đầu tiên sau chiến tranh, trong đó có Noma Hiroshi, Ooka Shohei, Haniya Yutaka và Shiina Rinzo, nhìn chiến tranh từ quan điểm chính trị và triết học. Thơ sau chiến tranh được đánh dấu bằng sự trở lại quan điểm về thế giới nội tâm.

Kế đến, một loạt các nhà viết tiểu thuyết, chẳng hạn như Yasuoka Shotaro và Kojima Nobuo đã đi sâu lột tả sự sụp đổ của hệ thống gia đình truyền thống. Các nhà văn khác quay sang các chủ đề lịch sử hoặc dân gian. Trong “Chimmoku” (Sự im lặng, 1966), Endo Shusaku mô tả sự khủng bố và tình trạng khổ cực của người Thiên chúa giáo trong thời Edo, còn Enchi Fumiko trong “Onnazaka” (Những năm đợi chờ, 1949-57) lại kể về một người phụ nữ trong thời kỳ Minh Trị không khuất phục trước tình trạng phân biệt giới tính. Trong “Mannen gannen no futtoboru” (Tiếng kêu câm lặng, 1967) Oe Kenzaburo đã kết hợp kinh nghiệm cá nhân với nhận thức xã hội.

Kể từ thập niên 60, số lượng các nhà văn nữ gia tăng đánh kể, trong đó phải kể đến Ariyoshi Sawako, Kono Taeko, Sono Ayako, và kể từ đầu những năm 80, rất nhiều cây viết nữ trẻ đoạt giải thưởng Akutagawa. Sẽ là thiếu sót nếu không giới thiệu kỹ một chút về hai nhà văn đoạt giải thưởng Nobel văn học của Nhật Bản: Kawabata Yasunari và Oe Kenzaburo. Kawabata Yasunari sinh năm 1899 tại Osaka. Ông sớm mồ côi cha mẹ và chẳng bao lâu, người chị duy nhất cũng từ giã cõi đời. Năm 1920, ông vào khoa Văn học Anh của trường đại học Tokyo. Một năm sau, ông chuyển sang khoa Văn học Nhật Bản. Những hoạt động viết văn của ông ngay từ thời sinh viên đã được nhiều nhân vật tiếng tăm trong giới văn học chú ý, chẳng hạn như Kikuchi Kan, và ông là một trong những người đầu tiên tham gia tạp chí Bungei Shunju của Kikuchi.

Nhà văn Mishima Yukio gọi Kawabata là “gã lữ hành không biết mỏi” và bản thân ông cũng từng nói ông bị cuốn hút bởi “những hòn đảo ngoài khơi xa”. Một trong những tác phẩm quan trọng đầu tiên qua các chuyến đi là tiểu thuyết “Izu no odoriko” (Vũ nữ vùng Izu), được ấn hành làm 2 kỳ trong năm 1926 và giúp ông nổi danh.

Kawabata để lại nhiều tác phẩm dang dở. Theo ý niệm của ông về hình thức, những sự kiện dọc đường đi quan trọng hơn phần kết. Một khía cạnh nổi bật khác trong tiểu thuyết của Kawabata là sự cân bằng tinh tế giữa các nhân vật và bối cảnh dẫn đến hành động. Cuộc sống con người trong truyện của ông dường như rất mong manh, bất ổn và luôn luôn nằm trên ranh giới sắp biến vào thiên nhiên.

Từ cuối những năm 20, khu vực Asakusa ở Tokyo, khi đó là một trong những nơi giải trí bình dân nhộn nhịp nhất, trở thành “một hòn đảo ngoài khơi xa” đối với Kawabata. Chặng dừng chân tiếp theo được lữ khách Kawabata đưa vào tác phẩm của mình là “xứ tuyết” dọc bờ Biển Nhật Bản. Đây là bối cảnh cho cuốn “Yukiguni”, tác phẩm thường được coi là một trong những tuyệt tác của ông. Một số phần của câu truyện được đăng trên nhiều tạp chí từ đầu năm 1935, sau khi viết lại một vài chỗ được xuất bản thành sách vào năm 1937 nhưng mãi đến năm 1948 bản cuối cùng mới được in ra vì Kawabata liên tục sửa chữa hoặc chưa hài lòng với đoạn kết. Kết cấu câu truyện rất phức tạp nhưng nội dung thì đơn giản, kể về cuộc tình giữa một nhà văn Tokyo và một kỹ nữ geisha vùng sơn cước, cũng như việc người đàn ông nọ quyết không quay trở lại thăm xứ tuyết.

Hai tác phẩm quan trọng nhất của Kawabata sau chiến tranh là “Sembazuru” (Ngàn cánh hạc) và “Yama no oto” (Tiếng rền của núi). Trong những năm cuối đời, Kawabata trở thành bậc thầy trong thể loại mà chúng ta có thể gọi là “văn học của người cao tuổi”, mà ví dụ rõ nhất chính là “Yama no oto” hoặc một tác phẩm khác là “Nemureru bijo” (Mỹ nữ đang ngủ), được đăng làm nhiều kỳ trong 2 năm 1960-61.

Kawabata từng là chủ tịch Câu lạc bộ các nhà văn Nhật Bản và là một trong những tác giả hiện đại có tác phẩm được dịch nhiều nhất. Ông được quốc tế đánh giá rất cao, thậm chí trước khi được trao giải thưởng Nobel văn học năm 1968. Ông mất ngày 16/4/1972.

Một nhà văn lừng danh khác của Nhật Bản là Oe Kenzaburo, sinh năm 1935. Ông đoạt giải Akutagawa năm 1958 cho tác phẩm “Shiiku” (Kẻ bị bắt). Các tác phẩm của Oe nhanh chóng đi theo hướng đề cập đến các vấn đề chính trị và xã hội. Trong cuộc hỗn loạn xung quanh các cuộc phản đối việc sửa đổi Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ năm 1960, là một người cũng có quan điểm phản đối việc sửa đổi này, Oe sử dụng ngòi bút rất quyết liệt. Một số tác phẩm của ông bị các tổ chức cánh hữu chỉ trích gay gắt.
Hai sự kiện trong cuộc đời Oe có vai trò như đòn bẩy mang lại những tiến triển mới trong tác phẩm của ông: thứ nhất là sự ra đời năm 63 của người con trai tật nguyền bẩm sinh và thứ hai là chuyến đi tới Hiroshima để điều tra những hậu quả kéo dài của vụ ném bom nguyên tử. Những kinh nghiệm này được phản ánh lần đầu tiên trong tiểu thuyết năm 1964 với tên gọi “Kojinteki na taiken” (Chuyện riêng) nói về việc đứa con bị bệnh não chào đời đã đặt trách nhiệm nặng nề một cách đáng sợ lên vai một người cha trẻ tuổi. Một tác phẩm nổi bật khác là “Mannen gannen no futtoboru”, viết năm 67. Tiếp sau đó là những tác phẩm đề cập đến sự hủy diệt của vũ khí hạt nhân, mà một trong số đó là cuốn “Kozui wa waga tamashii ni oyobi” (Nước lụt tràn tâm hồn tôi, 1973).

Sáng tác của Oe trong thập niên 80 và 90 mang tính chất suy tư nhiều hơn, trong đó có “Natsukashii toshi e no tegami” (Thư gửi một năm đáng nhớ, 1987) và “Shizuka na seikatsu” (Cuộc sống bình lặng, 1990). Ông được trao giải Nobel văn học năm 1994. Kawabata là một nhà văn hấp thụ tư tưởng Âu-Mỹ và ông dựa vào tư duy đó để diễn tả quan niệm thẩm mỹ truyền thống Nhật Bản. Nhờ vậy, có thể nói tiểu thuyết của Kawabata đã khiến người phương Tây hiểu hơn về đất nước và con người Nhật Bản. Trong khi đó, Oe có một văn phong rất độc đáo, kết nối thế giới riêng của mình với quan niệm tôn giáo kiểu Âu-Mỹ, qua thế giới cá nhân mà bao trùm thế giới bên ngoài. Quan niệm tôn giáo trong tác phẩm của Oe chính bản thân người Nhật thấy khó hiểu nhưng người phương Tây lại dễ tiếp cận.

Vậy ai là nhà văn ăn khách nhất hiện nay ở Nhật Bản? Về nam giới, đó là 2 nhà văn cùng mang họ Murakami - Murakami Haruki, 50 tuổi và Murakami Ryu, 47 tuổi, còn về nữ là Yoshimoto Banana, 35 tuổi. Nữ nhà văn Yoshimoto Banana viết tác phẩm nào cũng bán chạy. Tiểu thuyết đầu tay của bà mang tựa đề “Kichin” (Phòng bếp), phát hành năm 1987, mô tả tâm lý thiếu nữ ngày nay một cách sâu sắc. “Kichin” được chuyển thể thành phim truyện ở cả Nhật Bản và Hồng Kông.

Hai nhà văn Murakami cùng thế hệ với nhau và lúc còn học đại học đều quan tâm tới phong trào sinh viên, nhưng hoạt động văn học của hai người lại khác nhau. Tác phẩm đầu tay vào năm 76 của Murakami Ryu là “Kagirinaku tomei ni chikai buru” (Gần như là màu xanh trong suốt), viết về cuộc sống sa đọa, vô định của thanh niên với những tệ nạn như nghiện hút ma túy, tình dục. Tác phẩm này mang lại cho ông giải thưởng Gunzo và giải Akutagawa. Sau đó ông tiếp tục viết về những đề tài xã hội nóng bỏng nhưng dần dần mở rộng chủ đề sang cả âm nhạc, ẩm thực, thể thao, v,v…

Murakami Haruki từng được trao giải Gunzo vào năm 1979 cho cuốn “Kaze no uta o kike” (Nghe gió hát) nhưng thực sự nổi danh kể từ cuốn tiểu thuyết “Norue no mori” (Rừng Na-Uy) vào năm 1987, bán được tới hơn 4 triệu bản, diễn tả chuyện tình éo le của một cặp thanh niên. “Dansu, dansu, dansu” phát hành năm 88 cũng là một tác phẩm được nhiều độc giả đón nhận nồng nhiệt. Những năm gần đây, ông quan tâm đến những vấn đề xã hội, chẳng hạn như vụ thả chất độc sarin của giáo phái Chân lý Aum. Murakami Haruki mới xuất bản truyện tình “Suputoniku no koibito” (Người yêu của Sputnik) và là 1 trong 10 tác phẩm bán chạy nhất ở Nhật Bản vào giữa năm 1999. Sputnik là vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Liên Xô cũ. Tác giả ví nó như một vật thể bằng kim loại bay trong vũ trụ, tượng trưng cho sự tồn tại cô đơn của con người. Đề tài này mang tính phổ thông nên tác phẩm bán rất chạy.

Theo các nhà phê bình và các nhà xuất bản, văn học Nhật đã thay đổi trong thập kỷ 90. Văn học thập kỷ 70 có đặc điểm phản ánh các sự kiện chính trị, ít nhiều có màu sắc chính trị, văn học thập kỷ 80 phản ánh thời đại hướng tới nền kinh tế thổi phồng, còn thập kỷ 90 phản ánh xã hội sau khi kinh tế thổi phồng bị sụp đổ. Văn học không tách rời tình hình xã hội. Đặc điểm của văn học thập kỷ 90 là chú trọng nội tâm chứ không phải viết về các đề tài lớn lao như trong những năm 70-80.

Có thể lấy một số ví dụ tiêu biểu. Thứ nhất là nhà văn Machida Ko, 37 tuổi, vốn là một nhạc sĩ nhạc punk rock. Machida chú trọng âm điệu của từ ngữ và hay dùng khẩu ngữ để tạo sinh khí và làm cho văn chương phong phú. Hiện độc giả trẻ Nhật rất ái mộ nhà văn này. Thứ hai là Hirano Kei-ichiro, 23 tuổi, sinh viên đại học luật, tháng giêng năm nay vừa được trao giải Akutagawa. Đặc điểm của Hirano là hay dùng từ vựng cổ thời Minh Trị. Theo anh, dùng từ vựng cổ mới có thể diễn tả được quan niệm và cảm giác của mình một cách đầy đủ. Tác phẩm của nhà văn Hirano rất khó hiểu nhưng bán chạy. Hiện tượng này rất hiếm có trong bối cảnh tiểu thuyết nghiêm túc những năm gần đây ngày càng gặp khó khăn. Điều đó cho thấy, việc thể nghiệm dùng tự vựng cổ của anh đã được độc giả hoan nghênh.

Có thể nói tiểu thuyết nghiêm túc ở Nhật Bản đang gặp khó khăn mà nguyên nhân trực tiếp là tình trạng kinh tế trì trệ, khiến ngành xuất bản sa sút và chỉ muốn có những cuốn sách bán chạy. Suốt một thời gian dài, ở Nhật Bản xảy ra tranh luận giữa một bên là các nhà văn viết truyện giải trí với một bên là những nhà văn chú trọng tính nghệ thuật. Những nhà văn chuyên viết truyện giải trí cho rằng các nhà xuất bản đứng được là nhờ những tác phẩm bán chạy của họ, vì thế đã đến lúc cáo chung văn học nghệ thuật cao. Đương nhiên, phe chủ trương đặt tính nghệ thuật trên hết phản bác quyết liệt.

Cuộc tranh luận này phản ánh một xu thế chung trong văn học thế giới, theo đó ở những nước phát triển kinh tế mạnh thì văn học mang tính nghệ thuật cao bị chững lại vì có nhiều loại hình giải trí khác phát triển như điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, trò chơi điện tử, v,v… Ngoài ra, mối quan tâm về chính trị càng giảm thì càng có nhiều độc giả quay sang với những tác phẩm giải trí. Khoảng cách giữa văn học nghiêm túc và văn học giải trí sẽ ngày càng rộng. Văn học nghiêm túc thiên về tác phẩm thử nghiệm còn văn học giải trí chú trọng tính giải trí hơn để thu hút người đọc.

Một số tác phẩm nổi tiếng của văn học hiện đại Nhật Bản đã được dịch sang tiếng Việt. Đó là “Xứ tuyết” của Kawabata, “Rừng Na-Uy” của Murakami Haruki, “Mueito” (Đèn không hắt bóng) của Watanabe Jyun-ichi, “Enrai” (Tiếng sét nơi xa xăm) của Tatematsu Wahei cùng một số tập truyện ngắn hiện đại Nhật Bản. Tuy nhiên, hầu hết những tác phẩm này thường được dịch qua bản tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Nga và chỉ rất ít được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật.