(Tamnhin.net) - Với nhiều diễn biến bất lợi diễn ra trong năm, có thể nói 2010 là một năm đáng quên đối với kinh tế Nhật Bản.


Trong quý II/2010, Nhật Bản đã để cho Trung Quốc qua mặt và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cũng trong năm 2010, nhà chế tạo ô tô hàng đầu Nhật Bản đã phải thu hồi hơn 10 triệu chiếc xe khi rơi vào một cuộc khủng hoảng về "an toàn sản phẩm". Trong 3 năm qua, có tới 4 vị Thủ tướng Nhật Bản từ chức và chính phủ nước này vẫn không thể nào vực dậy nền kinh tế đang trượt vào thập kỷ đình đốn thứ ba liên tiếp.

Với dân số đang lão hóa nhanh chóng, nợ công phình lên đáng sợ, chính trị bế tắc đang cản trở sự thay đổi, triển vọng của Nhật Bản xem ra không mấy hứa hẹn trong năm 2011. Tranh chấp căng thẳng về lãnh hải với Trung Quốc đang làm gia tăng các mối quan ngại liên quan đến nước láng giềng này, cả về mặt quân sự lẫn kinh tế.

Một số ý kiến lạc quan hy vọng rằng Nhật Bản có thể khai thác sức mạnh công nghệ và sự hấp dẫn của nền văn hóa xứ hoa anh đào. Họ cho rằng Nhật Bản cần giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động chế tạo và tìm ra các lĩnh vực tăng trưởng mới như công nghệ xanh, thiết kế phần mềm và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Nhưng cái nhìn của giới sinh viên đại học lại tỏ ra rất bị quan. Họ lo ngại về khả năng tìm được việc làm ổn định và băn khoăn về liệu họ có kiếm được tiền để hỗ trợ gia đình. Chính tâm lý này đã góp phần khiến tỷ lệ sinh của Nhật Bản đứng ở mức thấp (1,3 con/1 phụ nữ). Kể từ năm 1993, thu nhập của hộ gia đình trung bình tại Nhật Bản đã giảm 9%.

Makoto Miyazaki, 22 tuổi, sinh viên trường Keio, một trường đại học có uy tín ở Tokyo nhận định: Trên trường quốc tế, Nhật Bản vẫn nằm trong nhóm cường quốc kinh tế như Trung Quốc và Mỹ. Nhưng Hàn Quốc đang trở thành đối thủ cạnh tranh lớn. Đây là mối đe dọa lớn với Nhật Bản.

Hiện thời, hàng triệu người Nhật Bản đã phải từ bỏ mục tiêu có một việc làm suốt đời tại một tập đoàn lớn và chuyển sang các việc làm tạm thời nếu có thu nhập. Trong bối cảnh nhiều công ty cắt giảm chi phí, lao động tạm thời chiếm tới 1/3 lực lượng lao động Nhật Bản, so với mức 16% hồi giữa những năm 1980.

Ngoài ra, dân số Nhật Bản được dự báo sẽ giảm từ con số 127 triệu xuống 90 triệu người vào năm 2044, trong đó lại có 40% ở độ tuổi về hưu (bắt đầu từ 65 tuổi) . Hiện tượng này đặt ra một gánh nặng thuế đối với những người còn ở độ tuổi lao động. Trong 12 năm qua, khó khăn về kinh tế là lý do chính khiến hơn 30.000 người Nhật Bản tự sát mỗi năm.

Thủ tướng Naoto Kan thừa nhận vị thế sa sút của Nhật Bản và "toa thuốc" mà ông đưa ra là "mở cửa kinh tế". Ông tuyên truyền giảm bớt các rào cản thương mại, nới lỏng các quy định và đưa Nhật Bản trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn với luồng vốn đầu tư.

Nội các Nhật Bản mới đây đã thông qua kế hoạch cắt giảm 5% thuế doanh nghiệp, xuống còn 35% và đang cân nhắc liệu Nhật Bản có nên tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương hay không. Hiệp định này sẽ giảm thuế đối với mọi mặt hàng, từ đồ điện tử tới thực phẩm. Lãnh đạo giới doanh nghiệp cho rằng tham gia hiệp định này là vô cùng cần thiết, nhưng những người làm nông nghiệp lại lo ngại về nguy cơ tràn ngập hàng nhập khẩu giá rẻ. Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, hiệp định có thể là phương tiện giúp kinh tế phục hồi, những cũng dẫn đến lượng việc làm sụt giảm, và những "trục trặc" về xã hội, đặc biệt là tại khu vực nông thôn.

Theo Giáo sư khoa học chính trị thuộc trường đại học tổng hợp Sophia, ông Koichi Nakano, Nhật Bản cần phải có sự đổi mới hoàn toàn trong cả chính sách lẫn tư duy: từ việc mở rộng mạng lưới an sinh xã hội đến việc vượt qua tâm lý lo sợ thất bại vốn kìm nén các doanh nghiệp và tiềm năng kinh tế Nhật Bản.

Hương Giang (theo AFP, AP, Reuters)