>
Trang 6/6 đầuđầu ... 2 3 4 5 6
kết quả từ 51 tới 56 trên 56

Ðề tài: [Giớii thiệu] Koudan : Miyamoto Musashi - Itou Mutsushio

  1. #51
    Samurai
    Acmagiro's Avatar


    Thành Viên Thứ: 945
    Giới tính
    Tổng số bài viết: 575
    Thanks
    0
    Thanked 276 Times in 107 Posts
    Koudan : Miyamoto Musashi

    Diễn giả : Ito Ryocho
    Người dịch : Hiba

    Phần thứ ba mươi tám : Tinh tấn dũng mãnh ( Nguyên văn : Juji yaburi no shugyo )

    Rồi Arima Kihei đóng cửa võ đường, rời Osaka trở về làng Sagawa xứ Tosa rồi lên tận vùng núi Sagawa quyết chí khổ luyện để phá thế chữ thập của Musashi. Ngày ngày đều mang mộc kiếm vào núi, nhắm vào chạc cây mà chém, bụp bụp, bụp bụp. Có lúc say máu lại hét lớn " Chết này Miyamoto !" rồi chém liên tục vào cây. Dân làng thấy thế ai cũng hãi hùng.

    - A bắt đầu rồi kìa. Tiên sinh Arima ngày xưa cũng vì theo đường võ nghệ mà tẩu hỏa nhập ma, trở thành điên dại. Ông trẻ ngày nay lại si cuồng kiếm thuật rồi kìa. Quả nhiên là họ đó có dòng máu điên, ghê thật. Ông trẻ điên thật rồi...

    Người ta vẫn còn kính trọng dòng dõi Samurai của hắn, nhưng họ thấy hai cha con đều điên điên khùng khùng nên thương hại, có kẻ chê cười. Mặc cho thiên hạ nói gì thì hắn cũng bỏ ngoài tai. Ngày ngày hắn đều mang mộc kiếm vào núi mà chém chạc cây. Mỗt bữa khi đang luyện tập bỗng có tiếng cười sau lưng.

    - Ahahahahahaha, đúng là vô ích thôi.

    Arima Kihei quay lại thì thấy một lão nhân tuổi chừng sáu mươi, râu dài đến ngực, đầu đội nón lá, tay chống gậy trúc, lưng đeo cây đàn tỳ bà. Lão nhân nhìn hắn mà bật cười.

    - Thưa lão nhân.
    - Gì....
    - Người vừa nói vô ích có phải là ngài đó chăng ?
    - Ừm, đúng là ta.
    - Sao ngài lại bảo là vô ích ?
    - Ngươi chém chạc cây, chẳng phải là xem đó là thế chữ thập của Miyamoto sao. Ngươi muốn phá thế thủ của hắn phải không ?
    - Vâng, đúng như lời ngài nói...
    - Thế thì ta bảo là vô ích.
    - Tại sao lại vô ích ?
    - Chạc cây kia có cấu tạo không giống với thế chữ thập của Miyamoto. Ngươi muốn phá thế kiếm Âm Dương tạo thành kia thì phải làm thế này. Nếu ngươi cứ chém vào chạc cây mãi thì cho dù nó có toác ra cũng không phá nổi thế kiếm của hắn.
    - Vâng...
    - Muốn phá thì phải có diệu thuật. Mà thôi, chỉ nói thôi thì ngươi khó hiểu. Để ta làm cho xem.

    Nói rồi lão nhân gỡ lấy một sợi dây trong cây đàn tỳ bà, vắt qua cành cây.

    - Nếu chém từ trên này xuống khiến chạc cây đứt đôi mà không làm ảnh hưởng đến sợi dây thì mới phá được thế chữ thập. Hiểu chưa, hãy làm thử cho ta xem.
    - Vâng.

    Arima cầm mộc kiếm, thét lớn rồi chém xuống nhành cây có sợi dây đàn vắt qua.

    - Không được. Sợi dây đứt rồi mà chạc cây có đứt đâu. Nói thì dễ, để ta làm cho ngươi xem. Quan sát kỹ nhé.

    Nói rồi lại lấy một sợi dây đàn khác vắt qua chạc cây. Lão nhân giơ cao gậy trúc, thét một tiếng rồi bổ xuống. Lạ thay, chạc cây bị chém đứt đôi mà dây đàn vẫn không hề hấn gì. Arima trông thấy cả kinh, bất giác chắp tay kính cẩn.

    - Tiểu sinh xin kính phục.
    - Đã hiểu chưa ?
    - Vâng, tiểu sinh đã được mục kích diệu thuật. Xin tiên sinh bỏ qua nếu không phải. Có phải tiên sinh là Ito Yagoro Tomokage không ?
    - Ahahahahahaha. Ngươi tinh mắt quá. Ta đúng là Ito Ittosai.
    - Tiểu sinh vốn là người dưới núi này, tên là Arima Kihei Nobuyoshi.
    - À thì ra là thằng tiểu ngốc.
    - Vâng....
    - Thằng tiểu ngốc.
    - Tiểu ngốc ...
    - Cha ngươi là thằng đại ngốc. Nó không biết trời cao đất dày mà lại đến làm rộn chốn vương tướng. Chính vì ngạo ngược mà bị đuổi khỏi kinh thành. Cũng vì thế mà trả giá dưới tay Miyamoto Musashi. Đó là thằng đại ngốc. Còn ngươi là thằng tiểu ngốc.
    - Tiểu sinh xin nghe lời dạy bảo.
    - Nhưng ngươi có quyết tâm tu hành phá thế chữ thập. Ta cảm phục, cảm phục. Từ nay hãy chăm chỉ luyện tập, chớ có trễ nãi.
    - Đệ tử xin nghe theo lời dạy bảo. Mong tiên sinh thu nhận cho...
    - Khỏi cần. Ta vốn không có đệ tử. Ngươi cứ làm như ta vừa chỉ lúc nãy, đến khi nào chém đứt chạc cây mà dây đàn không đứt thì tự khắc sẽ hiểu được diệu thuật. Được chưa ?
    - Dạ.
    - Thôi bây giờ ta còn phải chu du các vùng. Cho đến khi ta trở lại thì chắc ngươi đã thành công. Chớ có trễ nãi.
    - Xin đa tạ ơn chỉ giáo của tiên sinh.

    Rồi Ito Yagoro Tomokage thảng nhiên bỏ đi. Từ đó Arima Kihei càng quyết chí luyện tập, không quản ngày đêm, không màn trời tuyết cuối năm, không sợ ngày nắng tháng sáu, ngày ngày người ta đều nghe tiếng chém cây từ trong núi vọng ra. Hắn chém mãi mà dây đàn cứ đứt, chạc cây vẫn cứ trơ trơ ra đó. Thấm thoát đã gần chín năm trôi qua.
    Một ngày nọ, hắn lại cầm mộc kiếm, thét to rồi chém vào chạc cây như bao lần. Ồ, chạc cây đứt ra...

    - Ồ!!! Đứt rồi !

    Hắn điên cuồng la hét trong vô thức. Hắn thay sợi dây khác lên nhành cây khác. Rồi chạc cây đứt lìa mà sợi dây vẫn không trầy xước gì.

    - Trời đất ! Có như vậy thôi mà sao mãi đến giờ mới làm được thế này !

    Hắn vui mừng như nói một mình, bất giác sau lưng lại vang lên tiếng cười.

    - Ahahahahahaha, làm tốt lắm.
    - Ồ tiên sinh, ngài đến đây tự bao giờ ?
    - Ngươi khá lắm. Ta cứ nghĩ sớm muộn gì ngươi cũng bỏ cuộc xuống núi thôi. Nào ngờ vẫn chăm chỉ luyện tập mà thành tựu. Tố chất nhà ngươi khá lắm. Nay công phu đã thành, hãy mau mau xuống núi. Ta nghĩ rằng khi xuống núi mà không biết Miyamoto ở đâu thì cũng phiền cho ngươi nên đã dò la tung tích hộ ngươi rồi.
    - Thật không còn từ ngữ nào có thể diễn tả hết công lao của tiên sinh. Nhưng chẳng hay ngài đến đây tự bao giờ ?
    - Ta hả, ta đến đây xem ngươi luyện tập từ ba năm trước.

    Kể ra người xưa cũng thật là dài hơi. Một kẻ bỏ ra chín năm trời để luyện một chiêu kiếm đã là ghê gớm lắm. Vậy mà cũng còn có người ngày ngày đến đây xem luyện tập trong ba năm. Chắc là lúa gạo thời kỳ đó cũng rẻ lắm thì phải.

    - Miyamoto hiện giờ đang ở trong lãnh địa Buzen Kokura của chúa Yamaguchi Wakasa Nokami chờ ngày tỉ võ với Ganryu báo thù cho cha. Ngươi hãy mau mau đến Kokura gặp hắn đi.

    Rồi Arima Kihei cứ thế mà chẳng chuẩn bị gì, lập tức cáo từ Ito Ittosai rồi nhanh chóng tìm đường đến Buzen Kokura.

    ( * ) Trong phần này có sự xuất hiện của nhân vật Ito Ittosai. Đây là khai tổ của phái kiếm Nhất Đao ( Itto ryu ) và có nhiều ảnh hưởng đến kiếm đạo hiện đại. Cuộc đời Ito Ittosai còn nhiều điều bí ẩn nhưng tựu trung người ta cho rằng thời trẻ ông đã học qua nhiều môn phái khác nhau, trong đó có phái kiếm Chujo của Kanemaki Jisai rồi sau trở nên độc lập. Lúc đó Ittosai là sư huynh của Sasaki Kojiro hiệu là Ganryu. Đó chính là nhân vật Sasaki Kentosai Ganryu trong phần diễn thuyết này. Ittosai chỉ có duy nhất hai người đệ từ là Zenki và Tenzen. Sau đó Ittosai cho cả hai tỉ thí, kẻ thắng cuộc được truyền yếu quyết kiếm phái của phái Nhất Đao. Đó chính là Tenzen, hiệu của Ono Tadaaki, khai tổ của phái Nhất Đao nhánh Ono ( Onoha Itto ryu ) và có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến kiếm đạo ngày nay. Xung quanh cuộc đời của Ittosai có nhiều chuyện dường như đã trở thành giai thoại. Một đêm trong lúc ngủ với người thiếp thì bất ngờ bị địch thủ tấn công. Người thiếp đã thông đồng với địch thủ và giấu mất kiếm của Ito. Nhưng Ittosai đã dùng thuật đoạt kiếm đối phương mà hạ hắn. Chiêu thức này đến nay vẫn còn được lưu truyền trong kiếm đạo hiện đại. ( * )
    Chữ ký của Acmagiro
    Nam Mô Đại Cường Tinh Tấn Dũng Mãnh Phật

    Thường độc hành- Thường độc bộ

    Quyển sách thứ hai tớ dịch đã được xuất bản rồi, mọi người ủng hộ nhé ^^

    http://japanest.com/forum/showthread...721#post121721

    My Blog
    http://vn.myblog.yahoo.com/nippon_bujutsu


  2. #52
    Samurai
    Acmagiro's Avatar


    Thành Viên Thứ: 945
    Giới tính
    Tổng số bài viết: 575
    Thanks
    0
    Thanked 276 Times in 107 Posts
    Koudan : Miyamoto Musashi

    Diễn giả : Ito Ryocho
    Người dịch : Hiba

    Phần thứ ba mươi chín : Ganryu bị bắt ( Nguyên văn : Ganryu torawaru )


    Lại nói về Miyamoto Musashi một hôm nghe tin có nhân vật Sasaki Kandayu mở võ đường ở Buzen Kokura, trong bụng mừng thầm chắc đây là Ganryu không sai nên mới tìm đến vùng Kokura này. Sau khi điều tra thì quả nhiên Sasaki Kandayu chính là địch thủ Ganryu mà mình tìm kiếm bấy lâu. Rồi Musashi mới tìm đến dinh thất của Ando Shume, quan trọng thần của chúa Yamaguchi Wakasa Nokami, thành chủ xứ Kokura.

    - Tại hạ là gia thần của chúa Kato Kazuenokami Kiyomasa xứ Higo, tên là Miyamoto Musashi. Nay có chuyện muốn nhờ vả ngài Ando nên lặn lội đến đây, mong các hạ cho tiếp kiến.
    - Vâng, xin ngài cứ đợi trong giây lát.

    Người võ sĩ gác cổng chạy vào bẩm báo rồi trở ra hướng dẫn Musashi vào phòng trong diện kiến Ando.

    - Chẳng hay tráng sĩ tìm đến có việc gì ?

    Musashi nhìn xem thấy đây là một nhân vật uy phong đường bệ, tuổi chừng năm hai, năm ba.

    - Tiểu sinh là Miyamoto Musashi, gia thần chúa Kato Kazuenokami Kiyomasa thành chủ Kumamoto xứ Higo, xin được bái kiến ngài. Thực ra hôm nay tìm đến là có một chuyện muốn nhờ vả ngài. Số là dưới thành có kẻ tên là Sasaki Kandayu mở võ đường. Tên thực của hắn là Sasaki Kentosai Ganryu, một kẻ bỉ ổi đã dùng ám khí nhằm vào phụ thân tiểu sinh. Vì vậy tiểu sinh đến đây xin phép ngài được tỉ thí với hắn. Cái nghĩa này xin ngài hiểu cho.

    Ando Shume nghe xong đầu đuôi câu chuyện không khỏi bàng hoàng. Vốn Thái Cáp đã ban lệnh, kẻ nào biết mà vẫn bao che Ganryu thì phải tội mổ bụng, họ tộc bị tước quan chức. Kẻ vô tình mà chứa chấp thì bị tịch thu phân nửa lãnh địa. Vậy mà ông ta lại không hề hay biết chuyện Ganryu mở võ đường dưới thành. Chuyện này không khéo lại trở thành đại họa cho nhà Yamaguchi mà bản thân cũng không tránh khỏi liên lụy. Nghĩ một hồi lâu Ando mới nói

    - Từ lâu ta cũng để mắt đến kẻ này, vừa hay tiên sinh Miyamoto lại đến đây thì thật là còn gì bằng. Vậy xin ngài hãy thư thả lưu lại đây ít lâu đặng ta còn cho bắt hắn.

    Ando lựa lời nói khéo rồi tức tốc bẩm chuyện này lên chúa Yamaguchi. Chúa nghe xong cũng hoảng hồn cho triệu Musashi vào diện kiến và khẩn khoản giữ lại thành Kokura một thời gian. Thế rồi Ando Shume triệu tập các trọng thần lại bàn bạc về việc này. Vì đây là lệnh của Thái Cáp nên không thể không bắt Ganryu và cho tỉ thí với Musashi. Nhưng hắn vốn là kẻ quỷ quyệt, chỉ cần khinh động là hắn lại trốn mất. Bàn bạc hồi lâu rồi cả bọn đưa ra kết quả, thảo một phong thư gửi đến võ đường Ganryu dưới thành. Ganryu lúc này đã đổi tên thành Sasaki Kandayu, nhận được thư mở ra xem thì thấy đại ý viết rằng trong thành lâu nay nghe đồn về tài võ nghệ của mình nên muốn trọng dụng. Chẳng may trọng thần Ando Shume lâm bệnh nên không thể thân chinh nghênh đón nên phải triệu hắn vào thành.
    Đọc xong Ganryu không mảy may nghi ngờ, hắn không hề biết rằng chuyện ác của mình đã lộ và bị lừa vào bẫy. Ganryu vốn tính ngạo mạn bất tôn, nghĩ bụng phen này cả thiên hạ đều biết tài năng của mình và đây là dịp tốt để tiến vào đường sĩ quan. Nghĩ rồi vui mừng vào thành Kokura. Xem ra đây cũng là định mệnh vậy.
    Hắn vừa đến dinh thất của Ando liền được đưa vào trong. Nhưng lạ một điều là chẳng thấy thết đãi trà nước gì, chung quanh dinh là bọn võ sĩ trẻ bao vây nghiêm ngặt, dường như chúng chỉ chực xông vào kẻ nào muốn bỏ chạy. Nhưng Ganryu chẳng hề nghĩ đến điều đó, hắn chỉ thấy khinh bạc. Sao lại mời người ta đên mà chẳng thết đãi trà nước gì, thật là người ngạo mạn vô lễ nên trong bụng sinh bất bình. Một lát rồi hắn thấy Ando Shume đẩy cửa bước vào.

    - Dưới thành có Sasaki Kandayu mở võ đường có phải là ngươi đó không ?

    Lời nói mang ý xốc xược, Ganryu bực lắm nhưng cũng cố nhịn.

    - Thưa vâng, mỗ đây chính là Sasaki Kandayu. Từ nay xin ngài nhớ kỹ cho.
    - Ừm, ta chính là trọng thần Ando Shume. Ngươi cũng hãy nhớ kỹ đi.
    - Vâng.
    - Ta nghe tin đồn nhà ngươi tài nghệ phi phàm.
    - Không dám.
    - Vì vậy nên chúa muốn cất nhắc ngươi. Hãy biết ơn điều này.
    - Xin đa tạ.
    - Vì vậy hãy khai báo đầy đủ tên họ. Ngươi quê quán ở đâu ?
    - Là người xứ Oumi.
    - Ừm. Hôm nay ngươi là Sasaki Kandayu. Nhưng tên thật là Sasaki Kentosai Ganryu đúng không ?

    Bị nói trúng tim đen, mặt Ganryu thoáng chút biến sắc. Nhưng vốn là gian vật đại đảm bất địch nên đã bình tĩnh ngay.

    - Đúng như ngài nói. Tên thật là Sasaki Kentosai Ganryu.
    - Thế thì lúc trước ngươi tên là Rokkaku Kaizo, môn đệ phá môn của Tsukahara Bokuden.

    Ganryu nghe nói lại càng hoảng hồn. Không ngờ là tên tuổi hắn, lại cả chuyện phá môn trước kia bại lộ hết.

    - Vâng, đúng như ngài nói.
    - Rồi ngươi phục vụ chúa Kinoshita Wakasa Nokami thành Himeji xứ Banshu, một hôm tỉ võ với Yoshioka Tarozaemon ở đảo Kame Shima, ngươi thua trận rồi sinh lòng thù hận, xin chúa Kinoshita ba năm tu hành võ nghệ nhưng thực chất là lẻn đến thành Hagi xứ Choshu ám sát Munisai đúng không ? Ngươi có nhớ chuyện này không ? Hãy thành thật khai ra không được giấu.

    Lời lẽ đanh thép khiến Ganryu trong lòng càng thêm bấn loạn.

    - Đúng như lời ngài nói. Quả không sai là mỗ đây đánh bại Yoshioka Munisai với tinh thần Võ Sĩ Đạo.
    - Ừm. Này Ganryu, con thứ của Munisai là Heima, bây giờ là Miyamoto Musashi Masana, gia thần chúa Kato Kazuenokami Kiyomasa xứ Higo đã tìm đến đây xin tỉ thí với nhà ngươi. Thái Cáp Điện Hạ vốn cũng đã ban lệnh nên không thể không theo. Ngươi thấy ra sao?

    Ganryu càng lúc càng ngạc nhiên. Ban đầu hắn thấy lạ, nhưng lại không ngờ rằng Musashi đã đến đây bẩm với chúa Yamaguchi. Với võ nghệ của mình, hắn có thể chém chết một hai trăm người ở đây để trốn thoát. Nhưng chuyện đã đến nước này, chắc là Ando đã chuẩn bị chu đáo cả rồi nên chẳng còn cách nào khác là chấp nhận trận đấu với Musashi. Mà biết đâu được, khi tỉ thí hắn lại dùng bí thuật Tsubame Gaeshi chém chết Musashi thì sao. Thật chẳng có gì phải sợ cả. Trong bụng mười phân chắc chắn, Ganryu mới nói.

    - Xin làm theo lời ngài dạy.
    - Ừm, ngươi cũng đúng là kẻ đứng đầu một môn phái. Khí khái khá lắm.

    Kẻ được khen chẳng hề lấy làm vui chút nào.

    - Này Ganryu, ta vốn kính trọng phong thái, danh dự người Samurai. Nhưng Thái Cáp đã có lệnh nên ngươi hãy chịu khó ở tạm trong ngục ít lâu.
    - Ngài nói thế nhưng mỗ đây quyết không phải hạng người hèn kém. Cho dù có chết khô chết gầy thì cũng là kiếm khách của thiên hạ, Sasaki Ganryu. Một khi đã chấp nhận tỉ thí rồi thì quyết không thèm trốn chạy.
    - Ừm, ta vốn không nghĩ ngươi sẽ bỏ trốn. Nhưng vạn nhất có điều chi thì mạng Ando Shume này cũng không thể đền nỗi. Vậy ngươi hãy chịu khó ít lâu. Này tả hữu đâu, dẫn hắn đi !

    Rồi bọn võ sĩ ùa vào bao vây lấy Ganryu. Thật là thất sách. Ganryu cự tuyệt không để cho trói nhưng rồi cũng bị đẩy vào ngục.

    Rồi Ando Shume bẩm báo lên chúa Yamaguchi Wakasa Nokami, chúa lập tức truyền gọi Musashi báo tin. Ai nấy cũng đều vui mừng. Thế rồi ngày quyết đấu được ấn định.

    Đó là ngày mùng hai tháng ba năm Bunroku thứ tư. Địa điểm quyết đấu là đảo Nadajima thuộc lãnh địa xứ Buzen Kokura.

    Như thế là an tâm không còn gì phải lo sợ nữa. Musashi trong khi đợi ngày quyết đấu đến thì dạy võ nghệ cho bọn môn nhân của chúa Yamaguchi. Rồi một hôm có môn đệ vào bẩm báo rằng có Arima Kihei Nobuyoshi từ Tosa đến tìm.

    - Thưa tiên sinh !
    - Chuyện gì.
    - Vừa rồi có người xưng là Arima Kihei Nobuyoshi muốn gặp tiên sinh.
    - A thế sao... Đến rồi sao. Hãy dẫn người ta ra vườn. Này các vị, người này vốn là môn đệ của ta tên là Arima Kihei Nobuyoshi, trước đây vì muốn phá công phu thập tự của ta mà đã tu hành khổ luyện nhiều năm. Nay đến đây thì xem như là công phu đã thành. Vì vậy mọi người hãy chuẩn bị , xem trận đấu này đặng còn học hỏi về sau.
    - Đa tạ tiên sinh. Chúng đệ tử đều muốn xem công phu của ngài.

    Hằng ngày Musashi đều cầm mộc kiếm chỉ dạy cho bọn môn nhân, nhưng chúng chưa hề thấy sư phụ mình đấu với võ sĩ nào khác. Thành ra hôm nay được dịp chứng kiến cảnh Musashi sẽ trổ thực tài nên cả bọn đều vui mừng, cả người trong thành cũng huyên náo, lũ lượt kéo đến xem tỉ võ.
    Rồi Arima Kihei theo hướng dẫn vào vườn trong. Musashi trông thấy hắn đầu tóc rối bời như tổ quạ, chứng tỏ là hắn chưa bao giờ động đến lược. Y phục nhàu nát như đống giẻ rách vì hắn mặc trong suốt chín năm, mà cũng chẳng ai rõ là nó màu gì nữa. Nhưng bù lại gân thịt cuộn cứng, ánh mắt như phóng thần quang xé toạt màn đêm. Toàn bộ cử động, động tác của thân thể hắn chỉ cần nhìn qua là biết hắn đã tu hành khổ luyện như thế nào.
    Arima đến trước Musashi mà chắp tay

    - Thưa ân sư, ngài vẫn được kiện khang như xưa thì còn gì bằng.
    - Ừm, Arima, ngươi cũng vô sự thì còn gì bằng. Hẳn là ngươi đã thành tựu công phu phá thế thập tự rồi.
    - Không dám. Học trò đã tối rèn sớm luyện như lời ân sư. Vì vậy xin ngài nhận cho.
    - Ừm, thì chiều theo ý ngươi vậy. Nhưng này Kihei, cho dù có phá được thế chữ thập thì kiếm của ngươi cũng không thể chạm vào ta được đâu.

    Arima nghe nói bỗng tiu ngủyu. Hắn đã khổ luyện trong chín năm, vậy mà cho dù có phá được thế chữ thập thì kiếm cũng chẳng chạm vào người được. Quả thật là.
    Chữ ký của Acmagiro
    Nam Mô Đại Cường Tinh Tấn Dũng Mãnh Phật

    Thường độc hành- Thường độc bộ

    Quyển sách thứ hai tớ dịch đã được xuất bản rồi, mọi người ủng hộ nhé ^^

    http://japanest.com/forum/showthread...721#post121721

    My Blog
    http://vn.myblog.yahoo.com/nippon_bujutsu


  3. #53
    Samurai
    Acmagiro's Avatar


    Thành Viên Thứ: 945
    Giới tính
    Tổng số bài viết: 575
    Thanks
    0
    Thanked 276 Times in 107 Posts
    Arima cầm mộc kiếm vào thế thủ trung đoạn. Musashi sử tả kiếm, hữu kiếm vào thế Thủy, một trong năm thế quan trọng của phái song kiếm Shinmen.
    - Yatt !!
    Arima tiến tới đánh vào, Musashi vừa lùi chân trái là hai thanh mộc kiếm âm dương hợp thành thế khóa kẹp chặt kiếm của Kihei vào giữa.
    Nhưng kết quả tu hành thật đáng sợ. Miyamoto vừa dùng thế thập tự kẹp mộc kiếm của Kihei thì dường như một cơn tê rần chạy khắp cánh tay. Quả nhiên đến Musashi cũng đánh rơi hai thanh mộc kiếm xuống đất. Không một chút sơ hở, Kihei giơ cao kiếm toan lao vào đánh đòn tiếp thì bỗng bặc, Musashi lui về sau thét lớn " Eitt !! " rồi Kihei thấy mình bị hất văng xuống đất, bất tỉnh lập tức.
    Bọn môn nhân trông thấy cả sợ.

    - Tiên sinh, lúc ngài đánh rơi mộc kiếm thì chúng tôi nhìn ra. Nhưng khi ngừơi kia vừa lao vào thì lại bị ném văng ra, quả thật chúng tôi chẳng nhìn thấy gì hơn. Dám hỏi tiên sinh đã dùng diệu thuật gì ?
    - Ừm, đó hả. Đó là ta dùng khí để đánh khí của đối phương. Dùng khí đánh khí, đây là thuật Hiệp Khí đánh xa.
    - Aaa, đây là thuật Hiệp Khí sao. Quả thực là lợi hại, lợi hại. Tiên sinh có thể truyền dạy cho chúng tôi được không?
    - Không cần phải học đâu. Rồi khi ra chiến trường cũng có lúc các ngươi tự ngộ ra. Tuyệt học này vốn xuất phát từ thuật đánh vật hình thành nơi chiến địa và vốn là khởi thủy cơ bản của võ thuật Nhật Bản. Môn công phu này cốt không dùng sức, mà chỉ lợi dụng sức của địch để đánh địch và bắt sống kẻ thù mà không gây thương tích cho nó.
    - À quả là một công phu dày âm đức. Thế gã Arima kia có phải cứ để hắn như vậy không ?
    - Ừm, hắn sẽ tỉnh lại ngay thôi, cứ để như vậy.

    Khi Arima tỉnh dậy thì thấy Musashi đã trở lại chỗ ngồi, đang nói chuyện với bọn môn đệ.

    - Này Kihei, ngươi đã tỉnh rồi ư.
    - Học trò vô cùng khiếp sợ. Học trò chỉ biết rằng mình đánh rơi hai thanh mộc kiếm, vừa toan lao vào lần nữa thì sau đó ra sao chẳng nhớ gì nữa. Vừa tỉnh lại thì thấy tiên sinh đã ngồi đây rồi. Chẳng hai ngài đã làm như thế nào.
    - Đó là ta dùng thuật Hiệp Khí, lấy khí của ta mà chế ngự khí của nhà ngươi.
    - Thực là lợi hại.
    - Nhưng ngươi đã phá được thế chữ thập thì cũng xem như là đã đánh bại Miyamoto này. Từ nay mọi thù oán đã chấm dứt, hãy nối lại tình sư đệ như xưa rồi ta sẽ truyền thụ thêm cho ngươi nên người.
    - Đa tạ đại ân đức của ân sư...

    Rồi Arima Kihei ở lại bên Musashi, lưu lại thành Kokura xứ Buzen ít lâu.
    Chữ ký của Acmagiro
    Nam Mô Đại Cường Tinh Tấn Dũng Mãnh Phật

    Thường độc hành- Thường độc bộ

    Quyển sách thứ hai tớ dịch đã được xuất bản rồi, mọi người ủng hộ nhé ^^

    http://japanest.com/forum/showthread...721#post121721

    My Blog
    http://vn.myblog.yahoo.com/nippon_bujutsu


  4. #54
    Samurai
    Acmagiro's Avatar


    Thành Viên Thứ: 945
    Giới tính
    Tổng số bài viết: 575
    Thanks
    0
    Thanked 276 Times in 107 Posts
    Koudan : Miyamoto Musashi

    Diễn giả : Ito Ryocho
    Người dịch : Tôi

    Phần thứ bốn mươi : Đại vọng thành tựu ( Nguyên văn : Adauchi honkai )

    Rồi cái ngày quyết đấu đã đến. Đó là ngày mồng hai tháng ba năm Bunroku. Trận quyết đấu sinh tử trên đảo Nadajima giữa một bên là kiếm hào vô song đất Nhật Bản, khai tổ phái song kiếm Shinmen, Miyamoto Musashi Masana và một bên là kiếm sĩ võ nghệ bạt quần, Sasaki Kentosai Ganryu. Nghe tin này thì dân chúng, những kẻ hiếu kỳ ở khắp các nơi trong ngoài thành Kokura đều đổ về đây xem cho bằng được. Không khí trong thành bỗng nhiên sôi động ồn ào hẳn lên.
    Chúa Yamaguchi cho bố trí người giám sát trận đấu trên đảo. Musashi, Ganryu hai người ngồi hai con thuyền nhỏ rẽ sóng ra đảo Nadajima. Quả nhiên là Ganryu không hề bỏ trốn, dù gì hắn cũng là kẻ đứng đầu một phái kiếm. Nhưng hôm đó thuyền của Ganryu lại đến đảo trước thuyền Musashi. Kẻ báo đi báo thù lại đến sau kẻ mang tội. Cũng là vì người chèo thuyền của Ganryu hãy còn trẻ, ra sức chèo lái thì chẳng mấy chốc đã đến đảo. Khi xuống thuyền Ganryu bảo

    - Đa tạ quan bác. Hãy cầm lấy cái này xem như là lễ vật của ta.

    Nói rồi lấy trong túi ra một con dao bằng đồng chạm trổ tinh mật và món tiền tùy thân năm lượng trao cho ông lái. Người này nhận phẩm vật và năm lượng tiền của Ganryu rồi trở về cố hương Hiroshima, nhờ món tiền này mà sau phất lên thành một ông chài giàu có.

    Khi Musashi đến nơi thì đã thấy Ganryu lên đảo rồi. Thật là thất sách. Thuyền vừa đến, người ta thấy Musashi trong tay mang một mái chèo.

    - Yatt !!

    Thét rồi búng mình từ mạn thuyền lên đảo. Lúc này Ganryu đang ngồi tựa lưng nơi một tảng đá, vừa thấy Musashi nhảy lên liền thét lớn

    - Eitt !!

    Nhanh như ánh chớp, lưỡi kiếm vút ra chém vào Musashi đang nhảy tới. Pặc, mái chèo trong tay Musashi đứt làm đôi.

    - Ganryu, thật là hèn hạ !
    - Không phải là hèn hạ. Ngươi vì muốn báo thù mà tỉ thí với ta nên ta chỉ thử xem tài nghệ nhà ngươi đến đâu. Bằng chứng là ta vẫn ngồi trên tảng đá này mà rút gươm chứ chưa hề đứng dậy.

    Quả đúng là kẻ quỷ quyệt, vì chém không thành nên mới xuất lời nói điêu như thế.
    Phía trên kia là quan giám sát trận đấu của chúa Yamaguchi. Chung quanh đảo là thuyền bè của bọn hiếu kỳ vây lấy đông nghịt.
    Hai kiếm sĩ lui về chuẩn bị. Lần này là trận đấu sinh tử. Musashi tuốt vỏ hai thanh tả kiếm hữu kiếm vào thế thủ. Phía kia Ganryu sử một thanh trường kiếm dài hai thước tám thốn năm phân do một nhà rèn kiếm danh tiếng là Sakon Shogen Kunitsuna chế tác.

    - Eitt !!

    Hắn vào thế thủ trung đoạn. Musashi tả kiếm đâm thẳng, hữu kiếm giương cao lầm lũi tiến tới. Keng keng, ba kiếm vừa chạm nhau độ hai lần thì Ganryu bỗng ới một tiếng rồi ngã ra đất.

    - Eitt!!

    Musashi thừa cơ xấn tới, bỗng sực nhớ ra lần trước trong núi Hakeno thì Sekiguchi Yataro đã cảnh báo mình về tuyệt chiêu chém én Tsubame Gaeshi của Ganryu. Vừa bước tới thì vụt, Ganryu bật dậy, một ánh chớp quét ngang vào người Musashi. Dường như bọn giám sát phía trên chẳng nhìn thấy gì cả. Nhanh quá. Cứ tưởng rằng thân thể Musashi đã bị chém đứt lìa, nào ngờ

    - Eitt !!

    Một tiếng thét vang lên, thân thể Musashi búng lên trên không. Đây chính là thuật Tengusho Tobikiri đã học được từ Tsukahara Bokuden. Ống quần Musashi bị chém đứt khoảng hai thốn. Bình thường, nếu ống quần bị chém thì cũng có nghĩa là cổ chân cũng không còn nhưng vì đang thế nhảy lên, chân co lại nên ống quần bị chém mà chẳng hề gì.
    Musashi đáp xuống cát, tả kiếm đâm thẳng, hữu kiếm chực bổ xuống toan xông vào thì bất giác Ganryu quẳng kiếm nói lớn

    - Thật là lợi hại. Ganryu này xin thua. Ta không thể địch lại. Xin hãy mau chóng chặt đầu cho.




    Quan giám sát của chúa Yamaguchi chẳng thể hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chỉ thấy vai phải Ganryu đột nhiên ứa máu. Không rõ đã bị Musashi chém trúng lúc nào mà tả kiếm cũng loang vết máu. Thì ra lúc Ganryu bật dậy chém ngang thì Musashi đã nhảy lên, tay trái cầm thanh kiếm ngắn Hikoshiro Sadamune chém vào vai phải hắn. Không ai kịp nhìn thấy điều gì xảy ra. Vừa lúc tưởng rằng Musashi đã bị Ganryu chém trúng thì đã triển khai tuyệt học Nami Gaeshi hội đắc từ tiên sinh Takemitsu Ryufuken chém ngược vào Ganryu.
    Quả nhiên là ác nhân Ganryu cũng tới lúc ngộ ra rằng đã không còn lối thoát.

    - Xin hãy mau chóng mà chém đầu cho.

    Ganryu khẩn khoản nài nỉ, Musashi cười nói

    - Nếu suy nghĩ đã thông thì hãy tự mổ bụng như một võ sĩ chân chính. Musashi này sẽ cắt đầu giúp.

    Ganryu vui mừng, quỳ ra nền cát, rút thanh đoản đao tự mổ bụng mình. Musashi lần ra sau lưng giương kiếm chém xuống giúp hắn mau thoát khỏi cảnh đau đớn.

    Rồi sau này đảo Nadajima được gọi là đảo Ganryu.
    Lúc trước khi chết Ganryu có thệ nguyện

    - Những ai muốn tinh tấn về mặt võ nghệ thì hãy hướng đến ta mà cầu khấn. Nhất định sẽ trở thành danh nhân thiên hạ.

    Tính cách Ganryu lúc nào cũng kiêu ngạo, tuy khôn ngoan giảo quyệt nhưng đích thị là võ nghệ xuất chúng. Vì thế sau này người ta dựng bia đá thờ Ganryu trên đảo, các võ sĩ giang hồ cũng thường đến đây cầu nguyện.

    Vậy là mối thù của phụ thân, nỗi khổ tâm trong nhiều năm đã được rửa sạch. Rồi Musashi trở về thành Kokura diện kiến chúa Yamaguchi lễ tạ rồi dẫn theo Arima Kihei Nobuyoshi trở về thành Kumamoto xứ Higo.
    Mối thù đã được trả, nhưng lúc này thì dòng họ Yoshioka đã tuyệt diệt, trông thấy cảnh đó không thể không chấn hưng. Nhưng bản thân mình đã là dưỡng tử nhà Miyamoto thì không thể quay lại nhà cũ được. Mà kẻ nối dõi họ Yoshioka thì không có ai xứng đáng hơn người đã phá thế thập tự là Arima Kihei. Musashi dạm hỏi thì Arima mừng rỡ đồng ý. Rồi Arima trở thành người họ Yoshioka nối dõi dòng tộc này. Nhân vật Kihei Nobuyoshi này sau bị một ác nhân là Osawa Dangoemon đánh chết. Người báo thù cho Kihei chính là đứa con giữa Musashi và Ogura ở Sakushu Tsuyama và chuyện này trở thành đề tài cho phần Koudan về họ Miyamoto sau này. Nhưng đấy là chuyện sau này. Còn phần truyện Koudan về Miyamoto Musashi đến đây là kết thúc.


    Chữ ký của Acmagiro
    Nam Mô Đại Cường Tinh Tấn Dũng Mãnh Phật

    Thường độc hành- Thường độc bộ

    Quyển sách thứ hai tớ dịch đã được xuất bản rồi, mọi người ủng hộ nhé ^^

    http://japanest.com/forum/showthread...721#post121721

    My Blog
    http://vn.myblog.yahoo.com/nippon_bujutsu


  5. #55
    Samurai
    Acmagiro's Avatar


    Thành Viên Thứ: 945
    Giới tính
    Tổng số bài viết: 575
    Thanks
    0
    Thanked 276 Times in 107 Posts
    Khi đọc Koudan: Miyamoto Musashi thì trước hết chúng ta cần biến Koudan là gì.

    Koudan (講談)là như thế này, từ Kou (講) mang nghĩa là lịch sử. Koudan tức là lối kể chuyện lịch sử dễ hiểu và lôi cuốn người nghe. Đây là một trong những cái " nghệ " truyền thống trong văn hóa Nhật Bản giống như Rakugo. Nhưng âm điệu của thể loại hài kịch Rakugo mang tính "kể" thì âm điệu bảy - năm của Koudan lại mang tính "đọc" và "miêu tả" nhiều hơn. Đề tài của Rakugo thường là chuyện những nhân vật không tên bình thường trong cuộc sống nhưng đề tài của Koudan thì rộng lớn, bao gồm cả quân ký (Gunki) kể chuyện quân sự, Vũ Dũng Truyện (Buyuden) kể những võ công của các nhân vật anh hùng hào kiệt hay những chuyện rất bình thường trong cuộc sống gọi là Sewa Mono. Đối tượng nhân vật của Koudan rất đa dạng, có thể đó là các vị lãnh chúa như Tokugawa, Toyotomi hay những võ tướng như Sanada Yukimura, các bậc anh hùng như Yagyu Jubei hay những nhân vật không tên trong cuộc sống như anh Ất, chị Giáp.
    Tuy đề tài chủ yếu của Koudan là những chuyện dựa vào lịch sử nhưng thực tế Koudan không phải lúc nào cũng tuân theo sự thực lịch sử. Nội dung chuyện kể Koudan chỉ mượn bối cảnh lịch sử, nhân vật lịch sử để xây dựng thế giới của riêng mình. Vì vậy trong phần Koudan : Miyamoto Musashi này chúng ta thấy nhiều chi tiết không hề có trong sử sách, những chuyện hoang đường như tiêu diệt hồ ly, hay những nhân vật mà chưa sử sách nào nhắc tới như Takemitsu Ryufuken. Tuy Musashi, Bokuden, Ganryu, Ito Ittosai,... là những nhân vật thực tại trong lịch sử nhưng có nhiều chi tiết xoanh quanh nhân vật do diễn giả cố tình dựng nên.

    Koudan chỉ là tên gọi sau thời Minh Trị. Trước đó thể loại chuyện kể này được gọi là Koushaku ( 講釈 ) và diễn giả kể chuyện được gọi là Koushaku shi (講釈師), sau thời Minh Trị là Koudan shi ( 講談師 ). Diễn giả kể chuyện được phép ngồi trên bục cao ba thước so với thị chúng và sử dụng một cái quạt giấy để gõ nhịp cho lời kể chuyện của mình.

    Thế Koudan hấp dẫn ở chỗ nào ?
    Koudan hấp dẫn người nghe ở chỗ nó thuận theo âm luật của tiếng Nhật. Câu chuyện hay dở thế nào phụ thuộc phần lớn vào lối kể chuyện của Koudan shi. Thông thường Koudan shi là những người rất âm hiểu và nghiên cứu sâu vào vận điệu, nhịp điệu của ngôn ngữ và lôi cuốn người nghe bằng chính giọng điệu của mình. Do vậy mà một tác phẩm Koudan khi được dịch sang một thứ tiếng khác thì mất đi phần lớn giá trị. Chỉ có đọc nguyên văn tiếng Nhật thì mới có thể cảm hết cái hay của Koudan. Cái quạt trong tay của Koudan shi cũng là một vật nhiều tác dụng :

    - Tạo nhịp điệu cho câu chuyện.
    - Koudanshi đập quạt vào mặt bàn gây ra tiếng kêu khi đến những đoạn quan trọng, làm giấu nhấn cho câu chuyện. Việc đập quạt đúng lúc rất khó. Người ta nói phải luyện tập ba năm mới có thể gõ quạt đúng nhịp cho ăn khớp với mạch truyện.
    - Tiếng đập quạt có tác dụng tập trung sự chú ý của người nghe.
    - Tiếng đập quạt có thể khiến người nghe cảm nhận được sự di chuyển của không gian và thời gian trong câu chuyện.

    Về phát âm, Koudan shi là những người sinh sống bằng cái lưỡi nên họ luyện phần này rất kỹ. Mỗi hơi phát ra cùng với hơi thở phải có tác dụng gây sự chú ý, tạo sự hứng khởi đối với người nghe.
    Về cách kể chuyện : Koudan shi sẽ kể câu chuyện từ sự kiện này sang sự kiện khác mà trong đó từ ngữ được dùng không hề đối chọi nhau mà bổ trợ tương hỗ cho nhau. Nếu ai đã từng nghe "hô lô tô" của Việt Nam thì sẽ hiểu điều này. Ví dụ để miêu tả bề ngoài một cô gái đẹp thì Koudan shi có thể sử dụng lối so sánh ước lệ với những từ ngữ liên quan tới nhau : chim sa, cá lặn, hoa hờn, nguyệt thẹn, Bồ Tát Phổ Hiền tái thế, Dương Quý Phi tái thế, dáng đứng như Thược Dược, vẻ ngồi như Mẫu Đơn, tướng đi như hoa Bách Hợp. Nói chung là Koudan là một nghệ thuật truyền tải nội dung bằng lời nói có sự vận dụng, tinh chỉnh về mặt từ ngữ đến tinh mật. Cường điệu quá mức cũng là một đặc trưng của Koudan.

    Lịch sử phát triển : Không ai biết chính xác Koudan xuất phát từ khi nào nhưng theo dân gian truyền thì vào thời Edo đã thấy có Akamatsu Houin (có lẽ là một nhà sư) kể chuyện Gempei Seisuiki về sự hưng thịnh và diệt vong của hai dòng họ Minamoto và Taira cho Tướng Quân Tokugawa Ieyasu nghe. Có lẽ nó đã có lịch sử khoảng năm trăm năm.
    Nhưng nếu nghĩ kỹ thì có lẽ là mấy ngàn năm, không, mấy vạn năm. Kể từ khi con người biết sử dụng ngôn ngữ thì đã có nhu cầu truyền đạt lại những thể nghiệm của mình dưới dạng "câu chuyện" nên có thể xem Koudan đã có lịch sử từ khi loài người biết nói. .... Mà cường điệu và phóng đại vốn là đặc tính của Koudan mà !! Một diễn giả đã bông đùa như thế khi nói về lịch sử của Koudan.

    Đến thời Edo thì Koudan bắt đầu mở rộng và đề tài của nó không chỉ có những chuyện quân sự hay chính trị nữa. Những nhân vật không tên thuộc tầng lớp bình dân đã đi vào Koudan với những chuyện hết sức bình thường như một ngày nặng nhọc của người thợ mộc,... Tuy nội dung giản dị nhưng vẫn thu hút người nghe qua tài sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của Koudan shi. Lúc bấy giờ diễn giả thường kể chuyện ở góc đường nơi chợ búa nên còn được gọi là Tsuji Koushaku hay Machi Koushaku. Nhưng nhiều câu chuyện quá dài khiến người nghe mỏi mệt. Vì thế đã hình thành nên những cơ sở hạ tầng như dãy ghế dài cho người ngồi nghe, dựng lều chắng gió, che mưa nắng. Thời kỳ hưng thịnh nhất của Koudan là khoảng thời gian cuối Edo đến thời Minh Trị. Lúc này có khoảng năm, sáu trăm người làm nghề Koudan shi và có những dinh thự to lớn để Koudan shi kể chuyện. Tới những năm Taisho, Showa, Heisei thì Koudan đã đi vào thời kỳ suy vi. Hiện tại chỉ có khoảng bảy mươi người hành nghề này và không có một địa điểm, hội trường cố định như trước. Nữ giới chiếm một phần ba trong số Koudan shi hiện nay. Hiện nay những Koudan shi này đã liên kết với nhau lập ra một hiệp hội về Koudan.

    Ngày nay Koudan không còn được thịnh hành như trước là vì nhiều lý do. Nguyên nhân chính là : quá khó để trở thành Koudan shi và tốn rất nhiều thời gian để tu luyện trước khi vững vàng bước vào nghề. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến những cái "nghệ" truyền thống khác của Nhật Bản ngày càng có ít người theo. Một yếu tố khác nữa có lẽ là sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông giải trí hiện đại.
    Tuy thế ngày nay lại thấy một hướng mới của Koudan. Số là một số ký giả báo chí đi xem Koudan cảm thấy hứng thú đã ghi lại những lời kể chuyện này và đóng thành sách. Những quyển sách như vậy lại được nhiều người ưa chuộng đến nỗi ngày nay đã hình thành một thể loại " Koudan viết" nghiêng nhiều về văn chương hơn.

    Koudan : Miyamoto Musashi vốn được diễn giả Ito Ryocho diễn trước chiến tranh Thế Giới thứ hai, sau được Koudansha đóng thành sách xuất bản mà mọi người đọc ngày nay.
    Chữ ký của Acmagiro
    Nam Mô Đại Cường Tinh Tấn Dũng Mãnh Phật

    Thường độc hành- Thường độc bộ

    Quyển sách thứ hai tớ dịch đã được xuất bản rồi, mọi người ủng hộ nhé ^^

    http://japanest.com/forum/showthread...721#post121721

    My Blog
    http://vn.myblog.yahoo.com/nippon_bujutsu


  6. #56
    Samurai
    Acmagiro's Avatar


    Thành Viên Thứ: 945
    Giới tính
    Tổng số bài viết: 575
    Thanks
    0
    Thanked 276 Times in 107 Posts
    Trong quá trình biên dịch không tránh khỏi nhiều sai sót, lỗi lầm về ngữ pháp, chính tả. Thành thật mong bạn đọc thông cảm.
    Bạn đọc có thể tải bản đã chữa lỗi chính tả tại đây

    http://esnips.com/doc/c62a1ffb-bcd3-...se-translation)

    Cám ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ.
    Chữ ký của Acmagiro
    Nam Mô Đại Cường Tinh Tấn Dũng Mãnh Phật

    Thường độc hành- Thường độc bộ

    Quyển sách thứ hai tớ dịch đã được xuất bản rồi, mọi người ủng hộ nhé ^^

    http://japanest.com/forum/showthread...721#post121721

    My Blog
    http://vn.myblog.yahoo.com/nippon_bujutsu


Trang 6/6 đầuđầu ... 2 3 4 5 6

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. [Giới thiệu] Miyamoto Musashi
    By Như Thị Duyên in forum Văn Học
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 09-10-2011, 07:01 PM
  2. [Giới thiệu] Miyamoto Musashi BOOM!
    By Acmagiro in forum Văn Học
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 17-11-2008, 11:53 PM
  3. [Truyện dài] Japanese Spirit: Miyamoto Musashi
    By Acmagiro in forum Văn Học
    Trả lời: 110
    Bài mới gởi: 29-04-2008, 06:25 PM
  4. [Giới thiệu] Miyamoto Musashi
    By Acmagiro in forum Văn Học
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 04-03-2007, 03:12 PM
  5. Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 26-11-2006, 08:25 PM

Bookmarks

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •