Nghệ thuật gói quà Nhật Bản Furoshiki

Ở đất nước mặt trời mọc, tặng quà là một cách thể hiện tình cảm phổ biến, trong cả những mối quan hệ thân hay sơ. Trong quan niệm của người Nhật, giá trị vật chất của món quà không quan trọng bằng cách gói quà và tặng quà.

Món quà không chỉ là lời chúc mừng những dịp lễ tết, lời cảm ơn mà còn nói thay cho lời chào hỏi khi đến chơi nhà hoặc được mời cơm. Một món quà tặng được gói theo phong cách Furoshiki thể hiện lối ứng xử lịch thiệp đồng thời thể hiện cách sống tiết kiệm và ý thức bảo vệ môi trường của người tặng.


Thú vị hơn là vải gói món quà của người này có thể dùng để gói món quà để trao tay người khác như một cách để chuyền tay nhau tình cảm và niềm vui. Ngoài ra, việc sử dụng túi vải Furoshiki còn thể hiện sự tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Hằng ngày, chúng ta sử dụng quá nhiều túi nylon, túi nhựa có ít giá trị sử dụng, vòng đời ngắn ngủi mà lại không thể phân hủy sau khi vứt bỏ. Nếu sử dụng túi vải Furoshiki thay thế cho túi nylon và túi nhựa như thói quen của người xưa sẽ là một cách cải thiện điều kiện môi trường hiệu quả.


Theo một số tài liệu về lịch sử văn hóa Nhật Bản thì Furoshiki bắt đầu xuất hiện vào triều đại Nại Lương (Nara, từ năm 710-794) với tên gọi tsutsumi (có nghĩa là cái bọc). Tsutsumi hay được dùng để gói những vật phẩm quý giá như vàng bạc châu báu của hoàng triều tại đền Todai-ji).

Dần dần, hình thức gói quà này được sử dụng nhiều hơn vào các việc khác như gói, bảo quản đồ, vận chuyển hàng hóa, trải lên sàn nhà… Một số tài liệu cho rằng cách gói quà Furoshiki bắt nguồn từ văn hóa tắm hơi của người Nhật cổ (vì “Furo” có nghĩa là tắm rửa).

Người Nhật cổ rất coi trọng việc tắm rửa vì cho đây là việc thanh cao để làm sạch cơ thể và tâm hồn. Sau khi tắm xong, họ ngồi lên một tấm vải có hoa văn để thay quần áo và dùng tấm vải đó để gói quần áo ướt.

Từ đó, thói quen dùng vải gói đồ ngày càng phổ biến. Ngày nay, mảnh vải vuông Furoshiki với nhiều kích thước, màu sắc và họa tiết khác nhau vẫn được sử dụng như một chiếc giỏ đa năng trong cuộc sống thường nhật như một nét riêng độc đáo của người Nhật.

Bước du hành của Furoshiki đến Việt Nam


Cô Maiko, một phụ nữ Nhật Bản nhỏ nhắn với khát vọng lớn là mang lại cuộc sống tốt đẹp đến với tất cả những con người gặp bất hạnh trên đường. Cô đến TP. Hồ Chí Minh cách đây hơn mười năm và hiện đang tham gia giảng dạy về Yoga và tuyên truyền Phật giáo Tây Tạng đồng thời triển khai nhiều mô hình từ thiện khác nhau ở Nhật Bản, Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới.

Từ những ngày đầu tiên có mặt ở Việt Nam, cô đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về cuộc sống của những đứa trẻ mồ côi, phải lang thang đường phố để tự kiếm sống. Cô cũng tham gia giảng dạy miễn phí tiếng Anh, tiếng Nhật, dạy hát, múa, trực tiếp chăm sóc cả bữa ăn giấc ngủ cho những đứa trẻ này.

Thỉnh thoảng, cô còn theo chân vài đứa trẻ đánh giày, bán hoa, bán kẹo trên đường để xem chúng kiếm tiền khó khăn như thế nào. Cô cảm thấy xót xa khi thấy nhiều đứa trẻ vất vả cả ngày cũng không kiếm đủ tiền cho ba bữa cơm mỗi ngày, đặc biệt là các bé gái.

Vài năm sau, để bù đắp cho nỗi bất hạnh của những đứa trẻ cơ nhỡ tại TP. Hồ Chí Minh, Maiko quyết định phát triển một quỹ hỗ trợ trẻ em cơ nhỡ Việt Nam tại Nhật Bản. Chỉ sau một năm, cô đã có một số tiền kha khá đưa đến cho các nhóm trẻ lang thang Việt Nam.

Nhưng rồi Maiko cảm thấy hành động của mình không thật sự giải quyết được vấn đề của các nhóm đối tượng. Một thời gian ngắn, họ lại thất nghiệp, nghèo đói và tiếp tục trông chờ vào quỹ hỗ trợ của cô.

Sau đó, cô quyết định không tiếp tục cho con cá mà phải tìm chiếc cần câu cho những người này, nhất là cho phụ nữ thất nghiệp, bệnh tật. Có như vậy họ mới có thể sử dụng chính sức lao động của mình để kiếm sống ổn định và lâu dài. Ý tưởng về việc may những tấm vải gói quà Furoshiki ra đời từ đó.

Chị Maiko cho biết: “Hiện có từ 10-15 phụ nữ sống tại TP. Hồ Chí Minh có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có một người bị nhiễm HIV) tham gia vào dự án của tôi đã nhận vải về nhà để những người trong gia đình cũng có thể làm kiếm tiền. Đây có lẽ sẽ là cách tốt hơn các quỹ cứu trợ trong việc giúp đỡ những người bất hạnh, đồng thời có thể tái sử dụng những mảnh vải thừa để tạo ra những chiếc túi đựng đồ vừa đẹp hơn vừa có thể thay thế các bao nylon thường dùng, góp phần tích cực để bảo vệ môi trường sống”.


Chị Shoko đang thực hành gói quà Furoshiki


Hiện nay, người quản lý dự án của cô Maiko ở TP. Hồ Chí Minh là chị Shoko, một nhà thiết kế thời trang đã sống và làm việc tại Việt Nam hơn chín năm. Shoko hiện đang quản lý một cửa hàng thời trang của Nhật Bản trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TP. Hồ Chí Minh.

Mỗi tháng, Shoko gặp những người làm việc trong dự án một lần để giao vải và nhận hàng. Shoko nói tiếng Việt khá rõ nhờ học và thực hành mỗi ngày trong chín năm qua.

Gặp nhau tại cửa hàng, chị đưa cho tôi xem những tấm vải Furoshiki thành phẩm mới nhận cách đây vài ngày. Những tấm vải hình vuông và chữ nhật với đủ loại kích thước và màu sắc được nối với nhau một cách khéo léo, tạo những tấm khăn vuông lớn diện tích từ 50 x 50cm đến 120 x 120cm độc đáo và đẹp đến bất ngờ.

Shoko chỉ nhận những sản phẩm đủ yêu cầu về chất lượng hoặc chỉ có một vài lỗi nhỏ, những sản phẩm không đạt yêu cầu về đường may cô phải trả lại cho người thợ để họ có trách nhiệm hơn với sản phẩm của mình.

Chị cho biết: “Việc chọn màu vải và màu chỉ tùy theo ý thích của người may nhưng mũi chỉ phải cách đều 3mm. Yêu cầu đường may khó khăn như vậy vì giá mỗi tấm vải này khá cao, từ 100.000 đồng trở lên và có thể đưa sang bán ở Nhật Bản và Pháp với giá cao gấp 2-3 lần”.

“Với sản phẩm này, tôi cũng muốn khuyến khích mọi người ngày càng ít sử dụng túi nylon và ưu tiên chọn các sản phẩm bảo vệ môi trường hơn”, Maiko nói.


THANH NHÃ/DNSGCT
doanhnhansaigon