Sáng nay, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức hợp long cầu chính dây văng vượt sông Hồng thuộc Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản.


Cầu Nhật Tân sẽ hoàn thành vào ngày 10/10/2014.

Tới dự lễ hợp long cầu chính dây văng cầu Nhật Tân - một trong những nghi thức quan trọng nhất đối với thi công cầu có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam Hiroshi Fukada; Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam Mutsuya Mori.

Đây là gói thầu xây lắp số 1 do liên danh IHI – Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) thi công có giá trí hợp đồng là 4.500 tỷ đồng, bao gồm việc xây dựng cầu chính vượt sông và cầu dẫn phía Bắc.

Trong đó, phần cầu chính dây văng dài 1.500 m, rộng 33,2 m với 5 trụ tháp được xây dựng theo công nghệ tiên tiến nhất của Nhật Bản hiện nay.


Cầu Nhật Tân có 5 nhịp tháp tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội.

Ngoài gói thầu số 1, Dự án này còn 2 gói thầu xây lắp nữa, bao gồm việc xây dựng đường, cầu dẫn phía Nam và đường dẫn phía Bắc, hiện đã hoàn thành được khoảng 90% khối lượng.


Những mố trụ thanh mảnh nhưng vững chắc là những nét thu hút được sự chú ý của người dân và quan khách.

"Việc hợp long cầu chính vượt sông Hồng sẽ tạo tiền đề để Dự án có tổng mức đầu tư 13.626 tỷ đồng sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản bao gồm việc xây dựng 3,75 km cầu và 5,18 km đường dẫn hoàn thành vào ngày 10/10/2014", ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định.


Khớp nối cuối cùng đang chờ những mẻ bê tông để hoàn thiện.

Cầu Nhật Tân nằm trên tuyến vành đai 2 của Tp. Hà Nội có tổng chiều dài 8,9 km với điểm đầu tại khu vực phường Phú Thượng, quận Tây Hồ và điểm cuối tại nút giao với đường Nam Hồng thuộc huyện Đông Anh, Tp Hà Nội.

Được khởi công năm 2009, dự án cầu Nhật Tân là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thủ đô Hà Nội. Dự án không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng. Công trình hoàn thành sẽ kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc, đồng thời hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách đến sân bay Quốc tế Nội Bài.


Công nhân, những người đã gắn bó với cây cầu này từ những ngày đầu cũng hồi hộp chờ đón giây phút lịch sử này.


Theo Baodautu