Những nữ đô vật nghiệp dư hy vọng lệnh cấm phụ nữ bước chân lên võ đài sớm được bãi bỏ để họ có thể tham gia thi đấu sumo - môn thể thao "dành cho tất cả mọi người".

Một buổi chiều tại Nhật Bản, Chisaki Okumura, á quân giải vô địch nữ sumo quốc tế hạng cân 64-80 kg, dùng hết sức lực cho loạt chiêu tấn công đối thủ là một nam đô vật. Đến cuối cùng, khó để biết ai mệt hơn ai.

Không khó để thấy tại sao Okumura là một trong những nữ võ sĩ sumo giỏi nhất Nhật Bản. Kết hợp chiều cao và cân nặng, cùng tốc độ nhanh như chớp, cuộc đọ sức của cô kết thúc với kết quả là một loạt đối thủ bị ném xuống đất hoặc đẩy ngã khỏi vòng đấu.

Ước mơ đặt chân lên sàn đấu

Mỗi buổi chiều, 17 thành viên nam và 9 thành viên nữ của câu lạc bộ sumo Đại học Asahi cùng nhau khởi động và tập luyện trong hơn 2 giờ. Việc luyện tập diễn ra chủ yếu trên hai sân dohyo, sàn đấu sumo hình tròn đường kính 4,55 m. Vòng tròn này cũng chính là nơi các nữ võ sĩ thách thức sự phân biệt giới tính của môn thể thao lâu đời này.

Theo quy định, những nữ võ sĩ nghiệp dư không được phép thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người hy vọng việc cấm phụ nữ thi đấu sumo sớm được bãi bỏ. Điều này cũng sẽ giúp chứng minh rằng định kiến giới không tồn tại trong môn thể thao đang phấn đấu để được công nhận tại Olympic.


8 trong số 9 thành viên câu lạc bộ sumo nữ thuộc Đại học Asahi. Ảnh: Guardian.

Hồi tháng 4, không lâu sau khi đấu vật chuyên nghiệp vướng phải cáo buộc bắt nạt và bạo lực, một sự cố tại giải đấu ở Maizuru đã dẫn đến sự ra đời của chiến dịch nhằm loại bỏ thành kiến giới vốn tồn tại trong môn thể thao quốc gia này.

Trong vụ việc nêu trên, một số người phụ nữ đã chạy lên sàn đấu để sơ cứu cho thị trưởng địa phương bị đột quỵ. Tuy nhiên, trọng tài đã liên tục yêu cầu họ rời khỏi sàn đấu. Sau đó, muối được rắc lên sân. Trong văn hóa Nhật Bản, muối được rải lên để "thanh tẩy" sàn đấu. Một số người cho rằng hành động này ngụ ý phụ nữ đã "vấy bẩn" sàn đấu.

Vụ việc tại Maizuru không chỉ làm ảnh hưởng đến thanh danh của môn võ cổ truyền sumo mà còn phản ánh cách phụ nữ bị đối xử ở Nhật Bản, quốc gia thường có kết quả thấp trên bảng xếp hạng bình đẳng giới toàn cầu.

Cũng chính vì quy định cấm phụ nữ đặt chân vào sàn đấu sumo mà trong một lần khác, nữ thị trưởng Osaka đã không được phép bước lên để trao giải.


Thành viên câu lạc bộ sumo cùng luyện tập. Ảnh: Guardian.

"Sumo là cho tất cả mọi người"

Tomoko Nakagawa, thị trưởng thành phố Takarazuka, không thành công trong việc kiến nghị hiệp hội sumo dỡ bỏ lệnh cấm. “Tôi không thể hiểu tại sao chỉ giới sumo là từ chối thay đổi và thậm chí còn đang tụt hậu”, bà nói với AFP.

“Sumo không nên bị coi là môn thể thao cho nam hay cho nữ. Nó dành cho tất cả mọi người”, nữ võ sĩ Okumura nói. Cô cho biết "việc luyện tập với nam giới chắc chắn sẽ có lợi cho tôi, và tôi không cho rằng họ coi thường tôi hay phụ nữ nói chung. Nếu tôi được thi đấu với họ trong một trận đàng hoàng, tôi nghĩ tôi có thể trụ vững”.

Câu lạc bộ tại Asahi được thành lập cách đây 8 năm và hiện là một trong số các câu lạc bộ sumo cho nữ tại các trường đại học. Các nữ võ sĩ sử dụng số lượng chiêu thức tấn công, gọi là kimarite, tương tự như nam giới, nhưng họ đeo đai lưng mawashi bên ngoài quần và áo phông.

“Một số người vẫn chưa thể chấp nhận hình ảnh nữ sumo, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ điều đó có gì là kỳ lạ”, Shigeto Takahashi, người quản lý câu lạc bộ với kinh nghiệm 35 năm huấn luyện đô vật cho biết. “Điểm khác biệt duy nhất nằm ở chỗ phụ nữ phải cẩn thận hơn một chút để tránh bị thương ở vai".


Hai nữ vận động viên sumo luyện tập cách dậm chân. Ảnh: Guardian.

Theo Kaori Matsui, phó giáo sư tại Khoa Khoa học Thể thao và Sức khỏe tại Đại học Asahi, phụ nữ thi đấu sumo là chuyện bình thường khi những bức tường ngăn họ với các môn thể thao đối kháng như đấu vật và judo cũng đều đã bị phá vỡ.

Tuy nhiên, số lượng nữ giới theo môn thể thao này không có nhiều thay đổi. Bà Matsui nhận nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm huấn luyện viên nữ.

“Nhiều người ngạc nhiên khi biết có cuộc thi sumo quốc tế cho nữ”, bà nói. “Chúng ta cần có cách tiếp cận phối hợp từ nhiều phía để thúc đẩy môn sumo dành cho nữ giới. Khi xem các trận đấu, bạn sẽ cảm thấy rất phấn khích".

Trong khi các đô vật thấm mệt uống trà lạnh, không có dấu hiệu kiệt sức nào hiện lên trên gương mặt hay cơ thể tương đối mảnh mai của Minayo Nishimoto. Đây có lẽ không phải điều gì đáng ngạc nhiên đối với một nữ võ sĩ đã lăn xả trên sàn thi đấu từ năm 9 tuổi và tự hào về kĩ thuật vật đối thủ qua vai.

“Tôi hiểu sàn đấu được coi là nơi thanh khiết, nhưng dù bạn nhìn nó theo cách nào thì việc cấm phụ nữ là phân biệt đối xử. Điều đó khiến tôi càng quyết tâm để bước tiếp và trở thành nữ sumo giỏi nhất Nhật Bản”, Nishimoto nói.

Ngọc Hà - ZING (theo Guardian)