"Làm sao để cư xử như một người địa phương tại Việt Nam” - đó là tiêu để bài viết của tác giả Caroline Adam đăng tải trên trang Travel Weekly ngày 16/10.
Người Pháp có mũ bê-rê, người Nga đội mũ lông Ushanka, người Ma-rốc đội mũ Fez. Còn ở Việt Nam thì đó là chiếc nón lá.
Loại mũ rộng hình chóp nhọn khá bền bỉ này rất phù hợp với một đất nước mà những người nông dân trồng lúa thường xuyên phải dầm mưa dãi nắng ngoài cánh đồng của mình. Cùng với tà áo dài truyền thống, chiếc nón đã trở thành một hình ảnh biểu trưng cho của người Việt trong con mắt quốc tế.
Nhưng ngoài chiếc nón lá thì còn những điều gì làm nên người Việt Nam?
Có rất nhiều điều, nếu bạn biết về hàng nghìn năm lịch sử của Việt Nam. Văn hóa của người Việt là sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố văn hóa khác nhau, từ văn hóa của những nhóm sắc tộc bản địa cho đến các nền văn hóa lớn từ bên ngoài như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp… Trải qua nhiều thế kỷ chiến tranh và biến động, người Việt đã tạo nên một bản sắc văn hóa riêng của mình.
Bày tỏ sự kính trọng với người đối thoại
Kính trọng người lớn tuổi, người thầy và tất cả mọi người xung quanh - đó là thái độ ứng xử trung tâm của văn hóa Việt Nam. Thái độ này là nền tảng của mối quan hệ cá nhân tại Việt Nam, dù là mối quan hệ gia đình, bạn bè, vợ chồng, hoặc đồng nghiệp. Điều này có khác biệt với xã hội phương Tây, vốn nhấn mạnh hơn về tính thân thiện.
Thái độ kính trọng được phản ánh rõ nét trong ngôn ngữ của người Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, trong khi các quốc gia nói tiếng Anh chỉ dùng từ "Yes" để bày tỏ sự đồng thuận trong mọi trường hợp thì người Việt Nam có đến ba sắc thái khác nhau để lựa chọn, dành cho người trên, người ngang hàng hoặc người dưới.
Sự khiêm nhường trong giao tiếp được coi là tính chất cố hữu của văn hóa Việt Nam. Nó luôn được gắn liền với thái độ tôn trọng người đối diện.
Trong văn hóa Việt Nam, người già nhận được sự kính trọng sâu sắc - không giống như xã hội phương Tây, nơi mà tuổi già thường được gắn với trách nhiệm và tuổi trẻ được để cao.
Sức mạnh của nụ cười
Bày tỏ thái độ bản thân bằng lời nói là điều tự nhiên nếu bạn là một người phương Tây. Tuy nhiên, người Việt Nam lại ưa thích lối giao tiếp phi ngôn ngữ để thể hiện những cảm xúc nhất định. Nụ cười là một trong những biểu tượng không lời như vậy.
Đối với người Việt Nam, cười là một phản ứng thích hợp trong hầu hết các tình huống khi biểu hiện bằng lời nói là không cần thiết hoặc không thích hợp. Nó có thể thay thế cho câu "Tôi xin lỗi", "Xin cảm ơn" hay "Xin chào".
Tình cảm gia đình
Các mối quan hệ trong xã hội Việt Nam có xu hướng rất bền chặt. Người Việt Nam dành những tình cảm mạnh mẽ cho gia đình, tổ tiên, làng xóm và đất nước mình.
Tin rằng mình cần phải cử xử tốt đẹp với các thế hệ đi trước nên hầu hết người Việt đều thờ cúng tổ tiên. Điều này thể hiện bằng việc lập bàn thở trong nhà và thắp hương cho các thành viên quá cố trong gia đình.
Người Việt cũng rất mê tín dị đoan. Nhiều người tin tưởng vào số mệnh và vận may.
Thói quen tán chuyện
Người Việt Nam ưa thích tán gẫu và tỏ ra cở mở khi nói về cuộc sống của bản thân mình. Khi trò chuyện với một người Việt, bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra rằng, nhiều chủ đề được coi là cá nhân hoặc bí mật trong văn hóa phương Tây lại là đề tài trao đổi bình thường tại Việt Nam.
Người đối thoại có thể sẽ hỏi bạn về độ tuổi, đã kết hôn chưa, có anh, chị, em, con cái hay không, hoặc bao nhiêu tiền bạn kiếm được hàng tháng…
Đó là những điều khác biệt với xã hội phương Tây, được chứa đựng phía sau chiếc nón lá của người Việt.
T.B (theo Travel Weekly)
Bookmarks