Trong nỗ lực khôi phục lòng tin của người dân về chính phủ cũng như hàn gắn nội bộ đảng cầm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua đã bổ nhiệm một loạt nhân vật lão luyện và chưa từng dính xì-căng-đan vào nội các mới.

Theo đúng như dự đoán, Thủ tướng Abe đã chọn những người đầy kinh nghiệm và có lý lịch "sạch" vào các vị trí chủ chốt và đầy thách thức trong chính phủ. Trước đây, dư luận chỉ trích nội các đầu tiên của ông Abe toàn là bạn bè thân thiết và đồng minh của thủ tướng, vốn chẳng có mấy kinh nghiệm để lèo lái đất nước trong giai đoạn quan trọng như hiện nay. Nội các mới lần này chứng kiến sự trở lại của các gương mặt quen thuộc, giàu kinh nghiệm "chinh chiến" của đảng Dân chủ Tự do (LDP).

Theo Hãng tin Reuters, Thủ tướng Abe đã bổ nhiệm ông Fukushiro Nukaga, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, vào vị trí Bộ trưởng Tài chính. Là một chuyên gia quân sự và từng có tham vọng giành ghế thủ tướng, ông Nukaga cũng kiêm luôn chức Bộ trưởng Kinh tế lần này. Nobutaka Machimura, từng giữ chức Ngoại trưởng và Bộ trưởng Giáo dục, trở thành ngoại trưởng mới của Nhật Bản. Một trong những lý do giúp chính trị gia diều hâu Machimura nhận được sự tin cậy của Thủ tướng Abe là ông cùng chia sẻ khát vọng nâng cao vị thế của Nhật Bản trên trường thế giới. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Masahiko Komura sẽ thay thế bà Yuriko Koike trên chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Ông này nổi tiếng với khả năng tránh các vụ xì-căng-đan, điều cần nhất đối với chính phủ của ông Abe hiện nay khi nội các đầu tiên chứng kiến đến 4 vị bộ trưởng từ chức sau các vụ bê bối tiền quỹ chính trị và phát ngôn không cẩn trọng. Cựu Bộ trưởng Thương mại Kaoru Yosano cũng trở lại với vị trí Chánh văn phòng nội các. Đây là một vị trí trọng yếu trong chính phủ, giữ vai trò là đầu mối liên lạc với các đảng thuộc liên minh và đồng thời là người phát ngôn hàng đầu của chính phủ.

Bên cạnh các gương mặt kỳ cựu, thượng nghị sĩ Yoichi Masuzoe, người đã mạnh mẽ chỉ trích Thủ tướng Abe khi ông này không chịu từ chức sau thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua, đã được bổ nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Như vậy, trách nhiệm của ông Masuzoe là làm sao phục hồi lòng tin của người dân Nhật vào hệ thống phúc lợi xã hội. Chuyện bộ này đánh mất sổ lương hưu của khoảng 50 triệu người là một trong những nguyên nhân chính khiến chính phủ đầu tiên của ông Abe bị mất tín nhiệm. Trong khi đó, ông Taro Aso đã rời ghế ngoại trưởng để trở thành Tổng thư ký LDP, nhân vật số 2 sau ông Abe tại đảng này. Thủ tướng hy vọng ông Taro sẽ giải tỏa được những lục đục trong nội bộ LDP.

Có vẻ như Thủ tướng Abe khá hài lòng với đợt cải tổ mới. Giáo sư Shujiro Kato thuộc Đại học Tokyo đánh giá mục đích chính trong đợt cải tổ nội các lần này là tái ổn định nội bộ LDP và kéo dài thời gian đủ để cơn bão chính trị tan biến. Một số nhà phân tích cho rằng nội các mới sẽ làm nhụt chí những ai muốn gây áp lực đối với ông Abe trong nội bộ LDP và phục hồi lòng tin của những người từng "phản bội" LDP trong cuộc bầu cử Thượng viện. Tuy nhiên, theo giới quan sát, giải pháp của ông Abe vẫn chưa đưa ra một dấu hiệu nào để chắc rằng Nhật Bản sẽ đẩy mạnh cải cách kinh tế. "Nội các mới có thể sẽ đảm bảo ổn định chính trị, nhưng có thể khiến thị trường hiểu rằng tiến trình cải cách sẽ diễn ra chậm chạp", nhà chiến lược về tiền tệ của Công ty chứng khoán Daiwa, Takahide Nagasaki, nhận xét.

Thụy Miên
thanhnien