Vì sao Nhật Bản muốn bất tử hóa các phi công cảm tử?
Nhật Bản đang kỳ vọng sẽ lưu danh vĩnh viễn các phi công cảm tử kamikaze của nước này, thông qua việc tìm kiếm danh hiệu Di sản thế giới của UNESCO cho một bộ sưu tập các lá thư mà họ để lại trước khi ra trận. Hiển nhiên động thái của Tokyo đã khiến cộng đồng thế giới nhướn mày.
“Kamikaze” lâu nay vẫn được xem là một từ gắn với các chiến binh quả cảm tới mức điên rồ, sẵn sàng dùng cái chết của bản thân để tiêu diệt địch thủ. Nhưng chính điều đó đã khiến người ta không khỏi băn khoăn: thứ gì đã khiến hàng ngàn thanh niên trẻ khỏe sẵn sàng hy sinh mạng sống quý giá của mình?
Nhân dịp Nhật Bản kiến nghị trao tặng danh hiệu di sản cho một bộ sưu tập các lá thư của nhiều phi công kamikaze, phóng viên hãng tin BBC đã tìm gặp người đàn ông đứng sau bộ sưu tập, để có được bức tranh đầy đủ hơn. Người đàn ông đó tên Tadamasa Itatsu, 89 tuổi, đang sống tại thành phố Nagoya, miền Trung Nhật Bản.
Ở cái tuổi được xem là “xưa nay hiếm”, nhưng Itatsu vẫn tràn đầy năng lượng, với nụ cười thường trực trên môi. Thật khó để tin rằng người đàn ông này lại từng là phi công kamikaze. Nhưng sự thật là thế. Tháng 3/1945 hàng trăm tàu chiến và tàu sân bay Anh, Mỹ rầm rập di chuyển về phía Okinawa. Itatsu đã được chỉ huy của mình hỏi xem có tình nguyện tham gia vào các phi đội “tấn công đặc biệt” nổi tiếng không. Ông đồng ý và trở thành một viên phi công kamikaze khi mới 19 tuổi.
Cựu phi công kamikaze Itatsu vẫn rất khỏe mạnh dù sắp bước sang tuổi 90
“Nếu Okinawa bị xâm lăng, các máy bay Mỹ sẽ có thể sử dụng nơi này để tấn công các đảo chính của Nhật Bản” - ông kể - “Vì thế những thanh niên chúng tôi phải ngăn chặn điều đó. Trong tháng 3/1945, trở thành phi công kamikaze là chuyện bình thường. Tất cả chúng tôi đều tình nguyện làm vậy khi được hỏi”.
Trong nhà Itatsu có một khu vực dùng để thờ các đồng đội đã ngã xuống. 4 bức tường đầy những bức ảnh nhiều hạt chụp các thanh niên trẻ măng mặc quần áo bay. Trong cuộc trao đổi với BBC, Itatsu liên tục khẳng định một điểm duy nhất: các thanh niên trẻ đó không bị điên. Họ đơn giản đã tin rằng hành động của mình sẽ giúp cứu đất nước khỏi thảm họa.
“Bình thường ai cũng chỉ có một mạng sống” - Itatsu nói - “Vậy vì sao anh lại muốn vứt bỏ mạng sống ấy đi? Tại sao anh thấy vui khi làm thế? Nhưng vào thời gian đó, tất cả những người tôi biết đều muốn được tình nguyện gia nhập kamikaze. Chúng tôi trở thành các chiến binh để ngăn cuộc xâm lăng. Tâm trí của chúng tôi đều kiên định. Chúng tôi không nghi ngờ gì về việc đó cả”.
Một thế hệ bị tẩy não
Itatsu may mắn không chết. Khi bay về phía Nam, hướng tới mục tiêu, động cơ máy bay của ông đã bị hỏng và ông buộc phải bổ nhào xuống biển. Ông trở về đơn vị, nhưng chiến tranh đã kết thúc trước khi ông có thể bay trở lại.
Nhiều năm sau chiến tranh, Itatsu đã giữ bí mật về quá khứ của mình, cảm thấy hổ thẹn vì bản thân sống sót. Ông thường nghĩ tới việc tự sát, nhưng không có can đảm tự đoạt mạng mình.
Máy bay do phi công kamikaze điều khiển lao mình vào tàu chiến của đối phương
Rồi trong những năm 1970, ông bắt đầu tìm kiếm gia đình các đồng đội đã chết, đề nghị họ tặng cho ông các lá thư và bức ảnh của họ. Bộ sưu tập của ông giờ trở thành trung tâm của cái gọi là Các lá thư Kamikaze, đang được Nhật Bản đề nghị ghi vào di sản ký ức của UNesCO.
Itatsu lấy từ kho chứa của ông những lá thư mỏng, được viết đầy chữ tượng hình màu đen. “Mẹ yêu dấu, sự hối tiếc duy nhất của con là không thể phụng dưỡng mẹ nhiều hơn trước khi chết. Nhưng được chết với tư cách một chiến binh của thiên hoàng là vinh dự. Mẹ đừng cảm thấy buồn nhé” - một lá thư viết.
Rất nhiều lá thư được viết theo dạng này. Chúng dường như xác nhận một quan điểm chung rằng đã có cả thế hệ đàn ông Nhật Bản bị tẩy não tới mức trung thành mù quáng với Nhật hoàng.
Nhưng cũng có những lá thư khác cho thấy một cộng đồng nhỏ các phi công kamikaze không chấp nhận liều thuốc tuyên truyền. Thậm chí có cả những người phản đối cuộc chiến của Nhật Bản. Một trong những trường hợp ngoại lệ điển hình nhất là thiếu úy Ryoji Uehara.
“Ngày mai thôi, con người tin vào dân chủ này sẽ giã từ thế giới” - anh viết - “Anh ấy trông có vẻ cô độc, nhưng con tim anh ấy đầy sự hài lòng. Phát xít Italy và Đức đã bị đánh bại. Chế độ độc tài giống như việc xây nhà bằng đá vụn vậy”.
Xu hướng xét lại quá khứ
Vậy liệu những lá thư kamikaze có được trao danh hiệu di sản thế giới? Itatsu tin rằng chúng nên được công nhận. Ông đã gọi các lá thư là “báu vật, cần được truyền lại cho các thế hệ tương lai”. “Tôi không bao giờ nhìn lại với sự hối tiếc. Những con người đó đã nguyện đi vào chỗ chết. Tôi nghĩ vào thời đó, chỉ có người kém may mắn mới sống sót. Tôi đã rất muốn chết cùng họ. Khi không làm được vậy tôi đành tập trung sức lực để duy trì ký ức về họ” - ông nói.
Những trường hợp như Itatsu cho thấy Nhật Bản đang gặp rất nhiều vấn đề khi đối mặt với quá khứ chiến tranh của mình. Các chính trị gia tầm cỡ và các nhân vật truyền thông nhiều ảnh hưởng vẫn thường nêu ra các quan điểm xét lại khó chấp nhận. Theo họ Nhật Bản chưa từng châm ngòi chiến tranh, vụ lính Nhật thực hiện vụ thảm sát Nam Kinh ở Trung Quốc chưa từng diễn ra, cũng như quan điểm cho rằng hàng chục ngàn người phụ nữ châu Á bị ép vào nhà thổ để giải khuây cho binh lính Nhật thực ra đã “tự nguyện” làm vậy.
Các vụ ném bom hàng loạt nhiều thành phố lớn của Nhật Bản vào cuối chiến tranh và đặc biệt là 2 vụ ném bom hạt nhân xuống Hiroshima cùng Nagasaki, đã tạo điều kiện cho sự ra đời của các nếp nghĩ, cho rằng Nhật Bản là nạn nhân chiến tranh.
Quả thực Nhật Bản hiện là quốc gia duy nhất từng bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, các vụ ném bom tàn phá Tokyo trong một đêm đã sát hại ít nhất 100.000 người. Nhưng khi nói về các thảm kịch như thế, khoảng trống ít được bàn tới là điều gì đã dẫn tới việc Nhật Bản bị tấn công kinh khủng như vậy.
Tương tự, khao khát tưởng nhớ sự hy sinh khác thường mà các phi công kamikaze trẻ đã thực hiện là có thể hiểu được. Tuy nhiên, điều thiếu sót trong khao khát này vẫn chỉ là câu hỏi: Vì đâu mà những phi công đó lại phải xả thân như vậy?”.
Tường Linh (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa
Bookmarks