1. Chảo chống dính



Tác hại: Xoong chảo chống dính ngày càng được dùng phổ biến trong nhà bếp của các gia đình. Nhưng một khuyến cáo mới được đưa ra gần đây rằng: Sử dụng lâu ngày xoong chảo chống dính có thể gây ngộ độc đặc biệt là loại xoong, chảo chống dính giả đang được bày bán rất nhiều trên thị trường hiện nay. Với loại chảo chống dính giả, lớp chống dính thực chất chỉ là một lớp sơn chịu nhiệt. Là một loại sơn nên khi đun nấu ở nhiệt độ cao, lớp chống dính giả sẽ tạo ra lớp khói có chứa các phức chất như perfluoisobutylene, perfluorooctanoic acidpfoa, carbonylchlorride.

Đây là những chất độc gây hại cho sức khỏe với các triệu chứng tức ngực, khó thở... nếu dùng thường xuyên. Với loại xoong nồi chống dính thật mặc dù chưa có những khuyến cáo cấm sử dụng nhưng các chuyên gia cho biết, trong chảo chống dính có lớp teflon. Người ta phát hiện ra hợp chất perfluorrooctanoic acid, viết tắt là PFOA, là một trong những thành phần trong sản xuất Teflon có khả năng là một chất gây ung thư ở người. Ở nhiệt độ cao từ 300 – 400 độ C, chất này cũng có thể tạo ra những lớp khói độc không kém gì lớp sơn chịu nhiệt có hại cho phổi.

Phòng tránh: Rất may là các bà nội trợ hoàn toàn có thể hạn chế được những ảnh hưởng trên với một vài thói quen nhỏ trong nấu nướng. Khi nấu nướng bằng xoong, chảo chống dính không nên để nhiệt độ quá cao. Không nên để nồi chảo không trên bếp nóng mà luôn phải có thức ăn trên đó. Cần ngưng sử dụng với những xoong chảo chống dính đã bị bong tróc lớp chống dính.

2. Nồi nhôm

Tác hại: Với ưu thế là dẫn nhiệt tốt và giá thành rẻ, nồi nhôm được sử dụng khá phổ biến trong nhà bếp người Việt. Tuy nhiên, một số cách sử dụng nồi nhôm có thể gây hại cho sức khỏe gia đình bạn. Nồi nhôm được các nhà khoa học khẳng định là không nên dùng để nấu thực phẩm mặn có nhiều muối, nước mắm, giấm... vì khi nấu sẽ sinh ra muối nhôm gây độc cho cơ thể người. Nhất là loại nồi nhôm sản xuất từ nguồn nhôm phế liệu, xử lý không hết tạp chất nếu nhiễm nhôm vào thức ăn sẽ gây hại cho cơ thể. Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy khi cơ thể bị nhiễm nhôm cao có thể làm giảm hồng cầu trong máu, làm mất canxi và photpho trong xương.

Phòng tránh: Tin tốt là chỉ trong môi trường axit, muối, chua... hoặc môi trường quá mặn thì bề mặt sản phẩm nhôm mới dễ phóng thích ion nhôm vào thức ăn. Do vậy bạn chỉ cần tránh nấu những thức ăn này bằng nồi nhôm là có thể phòng tránh được hầu hết những nguy cơ từ xoong, nồi nhôm.

3. Lò vi sóng

Tác hại: Nấu ăn bằng lò vi sóng đang ngày càng phổ biến trong các gia đình. Vậy bạn có biết phương thức nấu ăn truyền thống khác gì so với nấu bằng lò vi sóng? Khi ta dùng lửa, than hay gas để đun nấu thức ăn làm cho thức ăn chín dần và phân hủy từ chất đạm... thành các acid amin hay peptid... dễ tiêu hóa, hoặc nếu để lâu bị cháy khét thì thành ra nhiều chất độc. Nấu ăn bằng lò vi ba với những tia sóng cực ngắn làm cho thức ăn chín rất nhanh trong vài phút.

Các nhà khoa học Mỹ đã cảnh báo với sự nóng lên nhanh chóng này, thức ăn không chỉ phân hủy thành các chất dễ tiêu hoá mà còn có thể sinh ra một số chất lạ làm suy giảm hệ miễn dịch. Thêm vào đó, trái ngược với quy luật đun nấu thông thường, lò vi sóng không làm nóng đều thực phẩm mà làm nóng theo điểm, kết quả là dẫn tới việc những vị trí nóng, lạnh khác nhau trên thực phẩm. Điều này khiến cho không thể giết chết tất cả các vi khuẩn tồn tại trong thực phẩm vì chúng vẫn sẽ tồn tại ở những điểm lạnh.

Phòng tránh: Người ta đã khẳng định lò vi sóng sẽ rất ít tạo nguy cơ gây hại nếu thực phẩm cho vào lò vi sóng đã qua chế biến thông thường. Lò vi sóng tốt nhất chỉ nên sử dụng khi cần thiết để hâm nóng lại thức ăn.

4. Khí từ bếp ga
Tác hại: Những chuyên gia đã khẳng định, khí từ bếp ga có hại cho sức khỏe của bạn đặc biệt là phổi. Các nhà khoa học tại 2 trường đại học của Scotland đã thu thập các mẫu PM10 là loại hạt ô nhiễm sinh ra từ bếp ga rồi dẫn chúng qua môi trường nuôi cấy các tế bào thường thấy trên bề mặt phổi. Kết quả là các tế bào đã bị viêm. Trên cơ thể người thì hiện tượng này thường dẫn đến hẹp đường hô hấp và ngăn cản bệnh nhân hít thở bình thường. Sở dĩ như vậy là vì, khi đốt, khí ga sẽ sinh ra nhiều dioxit nitơ, đây là loại khí có thể làm giảm khả năng hô hấp và làm xấu đi tình trạng của người mắc bệnh phổi.

Phòng tránh: Bạn hãy luôn luôn giữ cho căn bếp nhà mình thông thoáng và tăng cường sự trao đổi khí với bên ngoài. Những tác động không tốt của khí ga chỉ có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng khi thường xuyên tác động lên phổi của bạn.

5. Bát đĩa bằng sứ và nhựa
Tác hại: Rất nhiều loại hàng như bát, đĩa, chén, ly tách được sử dụng trong nhà bếp là làm từ hai loại phổ biến là sứ và nhựa. Với đồ sứ tráng men, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bát đĩa sứ kém chất lượng. Trong những sản phẩm đó có chứa một lượng chì nhất định có hại cho sức khỏe. Điều đặc biệt là những thí nghệm đã chỉ ra những đồ sứ có hoa văn càng sặc sỡ thì hàm lượng chì càng lớn. Do những hoa văn này được dán hoặc vẽ lên men nên phải nung ở nhiệt độ thấp mới giữ được màu sắc, vì vậy không thể loại bỏ được độc tố chì trong sứ.

Những tác dụng này càng rõ rệt khi đồ sứ chất lượng kém được dùng để đựng đồ ăn nóng, chua và nước hoa quả, vì nhiệt độ và axit sẽ làm các chất độc trong hoa văn được giải phóng nhanh hơn. Với đồ nhựa thì việc đựng thức ăn cũng có thẻ gây hại cho sức khỏe. Đồ nhựa kém chất lượng có thể làm nhiễm độc thức ăn gây suy nhược cơ thể và ung thư.

Phòng tránh: Khi lựa chọn bát đĩa đồ đựng thức ăn cho nhà bếp, bạn đừng ngần ngại chọn hàng chất lượng cao. Vì đây là những đồ dùng sẽ tiếp xúc trực tiếp với thức ăn của bạn. Cũng không nên để dưa chua trong đồ nhựa hoặc đồ sứ mà nên để trong lọ thủy tinh để tránh cho axit trong dưa không thúc đẩy quá trình nhiễm độc từ đồ dùng vào thức ăn.

theo Người Đẹp