Giới trẻ tại nhiều nước trên thế giới đang mất dần thói quen đọc sách. Việc cập nhật tình hình của bạn bè trên Facebook có vẻ hấp dẫn hơn việc lật từng trang sách để khám phá sự bí ẩn của tri thức.
Theo một nghiên cứu xã hội học mới đây của Anh do tổ chức National Literacy Trust (NLT) tiến hành, cứ sáu thiếu niên Anh thì có một em không đọc bất cứ cuốn sách nào trong vòng một tháng. Nguyên nhân của điều này được các nhà giáo dục cho là do sự xuất hiện của các trang mạng xã hội đang rất thịnh hành trên thế giới như Facebook hay Twitter, bên cạnh đó là các chương trình gameshow trên truyền hình và các trò chơi điện tử mới mẻ liên tục ra đời.
Những em không thích đọc sách đã thú nhận rằng các em cảm thấy xấu hổ khi bạn bè nhìn thấy mình đọc sách, bởi các em sợ bị mọi người nghĩ là mọt sách và học gạo để đạt điểm tốt.
Nghiên cứu này tiến hành đối với 21.000 trẻ ở độ tuổi từ 8-17 và kết quả cho thấy đa số các em (54%) chỉ đọc một loại sách duy nhất là sách giáo khoa ở trường học.
Giám đốc của tổ chức NLT, ông Jonathan Douglas, chia sẻ: “Khơi gợi niềm yêu thích đọc sách đối với các em là cách để cuộc sống các em phong phú hơn, tương lai các em có nhiều cơ hội hơn và nuôi dưỡng khát vọng trong mỗi mầm non. Nhưng hiện nay các em chỉ quan tâm tới việc cập nhật tình hình của bạn bè qua Facebook mà quên đi niềm vui khi lật từng trang sách và sự bí ẩn thú vị mà mỗi cuốn sách mang lại.”
Xu hướng ít đọc sách tăng dần theo độ tuổi. “Thật đáng lo ngại vì những em này sẽ lớn lên mà không có chút cảm hứng nào với văn chương nghệ thuật. Thói quen đọc sách của nhiều em dường như chững lại ở độ tuổi 11 khi các em kết thúc bậc tiểu học.”
Các chuyên gia Anh nhận thấy tình trạng lười đọc sách ở giới trẻ là một thực trạng mà nền giáo dục của nhiều nước đang gặp phải bởi thế giới ngày nay đang thay đổi quá nhanh. Xã hội vận động và người lớn cũng không nên quá cứng nhắc bắt các em đọc những tác phẩm lớn đã quá xa với thời đại của các em, văn học cần dịch chuyển theo thời gian và những biến đổi trong cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Anh, ông Michael Gove, từng có ý kiến đề xuất rằng mỗi trẻ em Anh bắt đầu từ độ tuổi 11 cần đọc tối thiểu 50 cuốn sách một năm, nhưng theo con số thống kê mới đây, có lẽ con số này rất khó trở thành hiện thực.
Các em đang quay lưng lại với việc đọc, kể cả đọc tạp chí và “lướt” các trang web phục vụ học tập.
Claire Tomalin, một nhà sử học nhận định tình trạng học sinh bây giờ có khả năng tập trung kém chính là bởi các em không đọc nổi những tác phẩm lớn.
Trong một diễn biến khác, Tổ chức Stifung Lesen (tổ chức làm nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc tại Đức) vừa qua đã phối hợp với Bộ Giáo dục của nước này để tổ chức hội thảo bàn về sự phát triển của thói quen đọc sách trong tương lai.
Các chuyên gia tại hội thảo đã khẳng định việc đọc sách trong thời đại hiện nay cần được hiểu một cách linh hoạt. Chắc chắn con người trong tương lai vẫn sẽ giữ thói quen đọc sách nhưng theo những cách mới mẻ và việc đọc các ấn bản in sẽ ít dần.
Nhưng cách đánh giá này trong tương lai sẽ cần phải thay đổi, việc đọc sách bằng các phương tiện công nghệ sẽ sánh cùng đẳng cấp với đọc sách in và dần dần phương pháp đọc này sẽ trở nên áp đảo các ấn bản thông thường
Nguồn: baomoi[dot]com
Bookmarks