Sau quãng đời cống hiến cho sự nghiệp, phần thưởng cho người về hưu là những ngày nghỉ quây quần với gia đình. Nhưng với nhiều người Nhật vốn có đức tính cần cù, đây là cơ hội để khởi động một sự nghiệp mới ở nước ngoài.
Khi Toshio Hirouchi về hưu lúc 60 tuổi, ông tự hỏi cuộc sống tiếp theo sẽ như thế nào sau khi ông rời khỏi Tập đoàn công nghệ Fujitsu, nơi ông đã cống hiến trong gần 3 thập niên. Nhưng may mắn ông đã tìm thấy câu trả lời ở Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), một tổ chức của chính phủ với hoạt động chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển. Cơ quan này chuyên tuyển dụng những người tình nguyện 40 - 69 tuổi đi làm việc ở nước ngoài. Mỗi năm, có khoảng 500 người được gửi đi làm việc tại hơn 60 quốc gia khác nhau ở châu Á, Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông.
Trong sách trắng vừa công bố hồi tháng trước, Chính phủ Nhật cũng đã thừa nhận “một xã hội nơi người có tuổi có thể tham gia vào thị trường lao động hoặc các hoạt động xã hội sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Song thực tế, người Nhật vẫn khó tìm kiếm cơ hội đóng góp sức mình ngay tại nước nhà. Không chịu ngồi yên, dòng người về hưu đã tìm đường ra nước ngoài xây dựng “sự nghiệp mới”. Với tuổi thọ trung bình thuộc hàng “top” thế giới, người Nhật lớn tuổi vẫn còn dư sức khỏe để tiếp tục đến công sở.
Bên cạnh kỹ năng và kỷ luật làm việc được các nước tiếp nhận đánh giá rất cao sau nhiều chục năm được trui rèn trong môi trường nổi tiếng nghiêm khắc ở nước nhà, sức khỏe tốt là một trong những “lợi thế cạnh tranh” của lực lượng hưu trí Nhật so với người về hưu ở nước khác. Có giá nhất là lực lượng kỹ sư thuộc thế hệ bùng nổ dân số thời hậu chiến, từng góp phần tạo nên kỳ tích kinh tế đưa xứ sở Mặt trời mọc bước vào hàng ngũ những nền kinh tế hàng đầu thế giới thập niên 1960 và 1970.
Tuy nhiên, theo Tetsuo Kawauchi, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức Nhật Bản tuyển dụng người cao tuổi, người khuyết tật và người tìm việc (JEED), phần lớn người tìm việc tìm kiếm nguồn cảm hứng mới trong cuộc sống hơn là quan tâm đến thu nhập vì họ đã có lương hưu. Ở Mỹ Latinh, những người tình nguyện vẫn chấp nhận mức lương chỉ 1.000 USD cho chi tiêu hàng tháng cộng với tiền thuê nhà và vé máy bay.
Trào lưu người Nhật về hưu ra nước ngoài làm việc ngày càng tăng chỉ vì người cao tuổi vẫn muốn làm việc và có người có thể tiếp tục cống hiến thêm đến 20 năm. Chẳng hạn như Teruo Higo, cựu chuyên gia quản lý sản xuất của Tập đoàn Sony, cũng đã tự tìm cách để thấy rằng mình vẫn hữu dụng cho cuộc đời này. Higo bị buộc về hưu năm 58 tuổi và nhanh chóng tự thành lập công ty riêng chuyên tư vấn về lĩnh vực cải thiện năng suất cho những doanh nghiệp nhỏ. Một thập kỷ sau đó, qua JICA, ông đã đến làm việc tại Argentina 2 lần, mỗi lần 2 năm. Người đàn ông 72 tuổi tâm sự: “Không có nơi nào tốt hơn là môi trường làm việc tình nguyện. Đối với người về hưu, quan trọng hơn tiền bạc là một công việc với trách nhiệm mà có thể giúp họ ngăn chặn chứng mất trí nhớ, giúp tiết kiệm chi phí y tế”.
XUÂN HẠNH
SGGP
Bookmarks